TKH - banner 08

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

Tư-Tưởng “Dân-Chủ Xã-Hội”
của Ðức Huỳnh Giáo-Chủ

    Ngày 21-9-1946, Ðức Huỳnh Giáo-Chủ – Thủ-lãnh Ðảng Việt-Nam Dân-Chủ Xã-Hội – đã công bố bản Tuyên-Ngôn và Chương-Trình (xem phần Phụ-Lục) của Ðảng Việt-Nam Dân-Chủ Xã-Hội (gọi tắt là Việt-Nam Dân-Xã Ðảng hay Dân-Xã Ðảng) trước quốc dân. Trong bản Tuyên-Ngôn, Ngài có nhấn mạnh tới “cách-mạng xã-hội, chủ-trương tổ-chức nền kinh-tế theo nguyên-tắc chủ-nghĩa xã-hội”. Trong Chương-Trình hành động, Ngài đưa ra 6 điểm canh tân nước Việt Nam, gồm: Chánh-Trị, Kinh-Tế, Xã-Hội, Văn-Hóa, Thanh-Niên và Binh-Bị (tức Quốc Phòng).
    Trước đó một năm, vào tháng 3 năm 1945, nhân danh Chủ-Tịch Việt-Nam Ðộc-Lập Vận-Ðộng Hội, Ðức Huỳnh Giáo-Chủ đã đưa ra bản Hiệu-Triệu (xem phần Phụ-Lục) gởi đồng bào toàn quốc, đặc biệt Ngài nhấn mạnh tới các giới trí-thức, thanh-niên, nho-sĩ, tu-sĩ, thương-gia, nông-gia và thợ-thuyền.

3591 Dang Ky VNDCXH Dang 1946 1962
Đảng kỳ Dân-Xã Đảng
1946-1962
(Nguồn: Wikipedia.org)
****

    Qua các lời tuyên bố cùng thi-văn giáo-lý của Ðức Huỳnh Giáo-Chủ, chúng ta tìm thấy rất nhiều lần Ngài nhấn mạnh tới tư-tưởng “Dân-Chủ Xã-Hội”.
    Trong bản “Tuyên-Bố” (xem phần Phụ-Lục) đăng trên báo Quần Chúng ngày 14-11-1946, trong phần giải thích “Vì Sao Tôi Tham Chánh”, Ðức Huỳnh Giáo-Chủ có nói rằng: “Ðối với các đồng-chí hiện đang cùng tôi đeo-đuổi một chương-trình Dân-Chủ Xã-Hội, tôi tuyên-bố luôn luôn sát cánh với họ để chung lo gầy dựng một nước Việt-Nam công-bình và nhơn-đạo, một nước Việt-Nam tương-xứng với các nước Dân-chủ tiền-tiến trên hoàn-cầu”.
    Trả lời câu hỏi “Trong việc tham chánh, Ông có đại biểu cho một chánh đảng nào không?” của ký giả Hồn Quyên, báo Nam Kỳ, trong cuộc phỏng vấn ngày 29-11-1946, Ðức Huỳnh Giáo-Chủ đã minh định lập trường của Ngài như sau: “Về dĩ-vãng, sự hoạt-động của tôi xuất-phát trong địa-phận Phật-giáo và kết-nạp được hơn triệu tín-đồ. Thể theo tinh-thần đại-đoàn-kết của toàn dân, tôi thay mặt cho đám quần-chúng đó mà tham-gia hành-chánh về mặt tinh-thần. Nhưng trong sự hoạt-động để kiến-thiết quốc-gia về mặt chánh-trị thì tôi sẽ là đại-biểu cho chánh-đảng nào có một chương-trình dân-chủ xã hội”.
    Vào thời điểm Ðệ Nhị Thế Chiến, tư tưởng “Dân-Chủ Xã-Hội” của Ðức Huỳnh Giáo-Chủ rất là mới mẻ đối với quốc dân Việt Nam. Suốt dọc lịch sử, nước Việt Nam đã trải qua mấy ngàn năm dưới chế độ quân chủ chuyên chế; kế đến Việt Nam bị thực dân Pháp đô hộ gần 80 năm, bị mất hết chủ quyền nên chẳng có thể chế chính trị nào. Chỉ có giới hấp thụ văn hóa Tây Phương mới hiểu được tư tưởng “Dân-Chủ Xã-Hội” là gì. Biết thế, Ðức Huỳnh Giáo-Chủ đã giải thích cặn kẽ tư tưởng “Dân-Chủ Xã-Hội” trong bản Tuyên-Ngôn và Chương-Trình của Ðảng Việt-Nam Dân-Chủ Xã-Hội như sau:
    - “Việt-Nam Dân-Xã Ðảng là một đảng quốc-gia tranh-thủ sự tự-chủ hoàn toàn của dân-tộc, củng-cố nền độc-lập quốc-gia và cấu-tạo xã-hội Việt-Nam mới”.
    - “Trên lập-trường quốc-tế, nước Việt-Nam có được độc-lập, dân-tộc Việt-Nam mới được sống bình-đẳng với dân-tộc khác; dân-tộc bình-đẳng nhau mới chủ-trương được dân-tộc hiệp-lực, mới kiến-thiết được hòa-bình xác-thực cho thế-giới.”
    - “Dân-tộc Việt-Nam được tự-chủ và mạnh mới tránh khỏi sự chi-phối của đế-quốc chủ-nghĩa để thi-hành một cách có hiệu-quả những biện-pháp chánh-trị và kinh-tế, đem lại hạnh-phúc cho các tầng lớp dân chúng”.
    - “Việt-Nam Dân-Xã Ðảng là một đảng dân-chủ, chủ-trương thiệt-thi triệt-để nguyên-tắc chánh-trị của chủ-nghĩa dân-chủ: 'chủ-quyền ở nơi toàn thể nhân-dân'”.
    - “Việt-Nam Dân-Xã Ðảng là một đảng cách-mạng xã-hội, chủ-trương tổ-chức nền kinh-tế theo nguyên-tắc chủ-nghĩa xã-hội; không để giai-cấp mạnh cướp công của giai-cấp yếu, làm cho mọi người đều được hưởng phúc-lợi cân xứng với tài-năng và việc làm của mình; những người tàn-tật yếu đuối thì được nuôi dưỡng đầy đủ”.
    - “Việt-Nam Dân-Xã Ðảng không chủ-trương giai-cấp đấu tranh giữa dân-tộc Việt-Nam vì lẽ ở xã-hội Việt-Nam hiện thời, trên 80 năm bị-trị, chỉ có một giai-cấp bị 'tư-bản thực-dân' bóc lột”.
    - “Muốn tránh khỏi giai-cấp đấu tranh về sau, thì sự cấu-tạo 'xã-hội Việt-Nam mới' phải căn cứ nơi những yếu-tố không cho sanh-trưởng gai-cấp bóc lột và chỉ trợ-trưởng một giai-cấp một, tức là giai-cấp sanh sản”.
    Trong chương trình hành động của Việt-Nam Dân-Xã Ðảng, Ðức Huỳnh Giáo-Chủ chủ-trương Kinh-Tế như sau:
    - “Trọng quyền tư-hữu tài-sản đến một độ không có hại đến đời sống công cộng”.
    - “Dự bị: Một phần xí-nghiệp quốc-gia; một phần xí-nghiệp quốc hữu hóa; một phần tự-do cho tư-nhân và ngoại-kiều” (tức ngoại-quốc đầu tư).
    -  “Thi-hành những biện-pháp không cho bóc lột công-nhân”.
    Về Nông-Nghiệp, Ngài chủ-trương:
    - “Di dân để mở đất hoang”.
    - “Lập đồn-điền quốc-gia, lập làng kiểu mẫu theo chủ-nghĩa xã-hội đồn-điền”.
    - “Mua lại đồn-điền bị tập-trung quá độ để bán lại cho nông-dân hoặc để cho quốc-gia”.
    - “Lập bình-dân ngân-quỹ và lập hợp-tác-xã sản xuất để giúp nông-dân mua dụng-cụ và máy móc (cày, gặt, vận tải…), hợp tác xã để tránh nạn trung gian”.
    - “Phổ thông khoa-học để gia tăng sản xuất nông-nghiệp, chăn nuôi, thủy lợi, lâm sản…”
    Về Công-Nghệ, Ðức Huỳnh Giáo-Chủ chủ-trương:
    - “Mở mang khí-cụ cần thiết cho sự khuếch-trương nền kinh-tế quốc-gia”.
    - “Lần lượt phát triển kỹ-nghệ cần yếu, bắt đầu từ kỹ-nghệ nhẹ”.
    Về Thương-Mãi, Ngài chủ-trương:
    - “Lập hợp tác xã tiêu thụ bán vật-dụng cần thiết từ thành thị, từ làng”.
    Về Tài-Chánh, Ðức Huỳnh Giáo-Chủ chủ-trương:
    - “Lập Ngân-hàng quốc-gia”.
    Về mặt Xã-Hội, Ngài chủ-trương:
    - “Bài trừ thuốc phiện, rượu mạnh, cờ bạc, mãi dâm, tham ô”.
    - “Thi-hành triệt-để luật xã-hội”.
    - “Cải-thiện và nâng cao đời sống tinh-thần và vật-chất của dân cày và thầy thợ bằng cách mở thật nhiều cơ-quan y-tế, giáo-dục, cứu tế, nhà bảo sanh, ấu trỉ viện, nhà dưỡng lão, nhà thương, trường học, nhà hát bóng… làm cho dân cày cũng được hưởng những ích-lợi của khoa-học như thầy thợ ở thủ đô”.
    Về công-tác Văn-Hóa, điểm thứ 4 của Chương-Trình, Ðức Huỳnh Giáo-Chủ chủ-trương:
    - “Bài trừ văn-hóa nô-lệ”.
    - “Sơ học, tiểu học cưỡng bách và vô-phí”.
    - “Giáo-dục chuyên-môn, tổ chức du học, cấp học bỗng”.
    - “Lập cơ-quan điều hướng nghề-nghiệp”.
    Công tác hướng dẫn Thanh-Niên cũng không kém phần quan trong. Ngài chủ-trương:
    - “Tổ chức thanh-niên thành đoàn-thể và huấn luyện cho thành người thích ứng với thời đại mới”.
    - “Mở quán, trạm, nhà hội, sân vận động cho thanh-niên”.

Ðức Huỳnh Giáo-Chủ quan niệm rằng:
Một mai nước được phú-cường,
Tấm thân tráng-sĩ cột rường nhà Nam.
(Gọi Ðoàn Tráng Sĩ, Sđd, tr. 442)

    Suốt dọc quá trình hoạt động của Ðức Huỳnh Giáo-Chủ, từ tháng 5 năm 1939 đến tháng 4 năm 1947, tính ra đúng 8 năm. Trong suốt 8 năm đó, chúng ta nhận thấy Ngài đã đi từng bước một rất nhịp nhàng:
    - Cải-cách Tôn-giáo và Tu-thân qua 6 tác phẩm trường thiên như: Sấm Giảng Khuyên Người Ðời Tu Niệm (1939), Kệ Dân Của Người Khùng (1939), Sấm Giảng (1939), Giác Mê Tâm Kệ (1939), Khuyến Thiện (1942) và Cách Tu Hiền Và Sự Ăn Ở Của Một Người Bổn Ðạo (1945). Và còn hằng trăm bài thơ ngắn dài làm trong thời gian đó. Một cách tổng quát, tư tưởng của Ngài là:
    “Hãy lấy gươm trí huệ mà dọn sạch ma lòng, hãy lấy khoan dung mà đối đãi lẫn nhau, hãy lấy lòng bác ái nhân đạo mà cư xử với mọi người”. (Lời Khuyên Bổn-Ðạo, Sđd, tr. 392)

Hoặc:
Ðạo-pháp thường hay dung với hòa,
Xét người cho tột xét thân ta.
Nếu người rõ phận vui lòng thứ,
Ta thứ được người, người thứ ta.
(Lời Khuyên Bổn Ðạo, Sđd, tr. 392)

    - Cải-cách Xã-hội và xây dựng đất nước qua thi văn rải rác từ năm 1939 đến năm 1947, có thể kể đến: Khuyên Bỏ Dị Ðoan (1939), Khuyên Bớt Cho Vay (1939), Thi Xuân (1939), Cám Cảnh Dân Nghèo (1939), Ðốt Pháo Xuân (1940), Hồi Chuông Cảnh Tỉnh (1945)…

Ngài khuyên quốc dân:
Cùng no bốn biển một cha thôi,
Bỏ dứt thói hư với tật tồi.
(Ai Người Tri Kỷ, Sđd, tr. 330)
Và Ngài kêu gọi thanh niên:
Ra tay quét sạch san-hà,
Ra tay bồi-đắp nước ta hùng-cường.
(Chí Nam Nhi, Sđd, tr. 461)

    - Ý-thức độc-lập tự-do dân-chủ bàng bạc trong các bài thơ, như: Lộ Chút Huyền Cơ (1939), Bánh Mì (1939), Tam Hùng Trổ Mạt (1939), Cờ Tam Sắc (1940), Nang Thơ Cẩm Tú (1940), Ngao Ngán Tình Ðời (1940), Ngày Tết (1941), Gọi Ðoàn (1943), Gọi Ðoàn Thanh Niên (1943), Tặng Ðoàn Thanh Niên Ái Quốc (1943), Gọi Ðoàn Tráng Sĩ (1945), Khuyến Nông (1945), Gọi Ðoàn Phụ Nữ (1945), Tiếng Súng Bên Lầu (1946), Tiếng Chuông Cảnh Tỉnh (1946)…

Ý thức đó là:
Công-đồng hoạch-định san-hà,
Nước ai nấy ở nhà nhà tự-do.
(Ði Khuyến Nông Về, Sđd, tr. 455)

    - Hun đúc tinh-thần ái-quốc của toàn dân qua thi văn từ năm 1939 đến năm 1947, điển hình gồm có các bài thơ: Bánh Mì (1939), Nghĩ Việc Huyền Ca (1939), Cờ Tam Sắc (1940), Nang Thơ Cẩm Tú (1940), Ngao Ngán Tình Ðời (1940), Ngày Tết (1941), Gọi Ðoàn (1943), Gọi Ðoàn Thanh Niên (1943), Tặng Ðoàn Thanh Niên Ái Quốc (1943), Gọi Ðoàn Tráng Sĩ (1945), Gọi Ðoàn Phụ Nữ (1945), Khuyến Nông (1945), Tự Thán (1945), Tiếng Súng Bên Lầu (1946), Ðồng Ðảng Tương Tàn (1946), Chí Nam Nhi (1946), Tiếng Chuông Cảnh Tỉnh (1946), Tết Ở Chiến Khu (1947)…

Ta hãy nghe tiếng kêu gọi trầm thống của Ngài:
Nếu nay chẳng vẫy-vùng cương-quyết,
Thì ắt là tiêu-diệt giống nòi.
Muôn năm chịu kiếp tôi đòi,
Thân người như thế còn coi ra gì?!
(Gọi Ðoàn, Sđd, tr. 417)
Rồi Ðức Huỳnh Giáo-Chủ thổ lộ tâm sự:
Thương dân ruột tím gan bầm,
Rửa chưa xong hận còn căm mối hờn.
(Gọi Ðoàn, Sđd, tr. 417)

****

    Tư Tưởng “Dân-Chủ Xã-Hội” của Ðức Huỳnh Giáo-Chủ được thể hiện qua thi văn giáo lý bao gồm cả vật chất (đời sống, kinh tế, xã hội) lẫn tinh thần (ý thức độc lập, tự do, dân chủ, văn hóa, đạo đức…), chứ không hề đóng khung trong một lãnh vực duy nhứt và cứng nhắc. Trong rất nhiều bài thơ của Ngài, chúng ta thấy bàng bạc rất nhiều vấn đề như: đạo đức, tôn giáo, xã hội, kinh tế, ái quốc…
    Ngoài lãnh vực cách mạng tôn giáo ra, Ðức Huỳnh Giáo-Chủ quả thật là một nhà đại cách mạng tư tưởng dân chủ xã hội, một nhà đại ái quốc chân chính, quán triệt thời thế và đi đúng trào lưu tư tưởng hiện đại của nhân loại. Ngài đã mạnh bạo đưa ra tư tưởng “chủ nghĩa dân chủ” và “chủ nghĩa xã hội”, ta có thể gọi tắt là “Chủ Nghĩa Dân Xã”. Hồ Chí Minh và đồng bọn, với bản chất lừa bịp, mị dân và cuồng tín tôn thờ chủ nghĩa Cộng Sản ngoại lai, đã thuổng tư tưởng của Ðức Huỳnh Giáo Chủ và rồi thêm thắt để đẻ ra cái gọi là “Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” ở Miền Bắc ngày 22-7-1954, mang bản chất vô sản chuyên chính, chẳng có thực tâm “xã hội” tí nào cả!
    Mặc dù tư tưởng “Dân Chủ Xã Hội” của Ðức Huỳnh Giáo-Chủ đã ra đời cách đây hơn nửa thế kỷ (tính đến năm 2020 thì được 74 năm) nhưng vẫn còn thích hợp với xã hội Việt Nam hiện nay vì nó đáp ứng được nguyện vọng của quốc dân và hoàn cảnh đất nước. “Xã Hội Chủ Nghĩa” đương thời của Cộng sản đã làm băng hoại xã hội Việt Nam nên cần phải có một chủ nghĩa thích hợp để thay thế vào chỗ trống sau khi “xã hội chủ nghĩa” của Cộng sản cáo chung. Người viết thiết nghĩ “Chủ Nghĩa Dân Chủ Xã Hội” của Ðức Huỳnh Giáo-Chủ là một đáp ứng cần thiết, đúng lúc và thích hợp vậy.

(Ðức Phố, tháng 6 năm 1990)
VĨNH LIÊM
(Nếp Sống Hòa Hảo, Lulu.com 2011, trang 17-22)

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC