TKH - banner 09

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
Tóm lược truyện dài  TIẾNG DƯƠNG CẦM
 
Lệ Hằng, cô bé có thiên tài về âm nhạc, mồ cô mẹ từ năm mới mười bốn tuổi.  Từ đó cô sống với bà ngoại, cho tới khi bà mất, cô lên Đà Lạt ở với cha.  Sau khi vợ qua đời, ông Thanh, cha nàng đã tái giá với một người đàn bà goá trẻ đẹp.  Bà Lý tên người vợ sau, có hai đứa con riêng là Bách và Dung.
Trong cuộc sống chung, Hằng nhận thấy ba mẹ con bà dì ghẻ có những hành tung bí mật, cô dần dần khám phá ra quá khứ của bà dì ghẻ khi xưa đã phạm tội sát nhân, bà giết chết tình nhân của chồng vì ghen.  Để lẩn tránh pháp luật, bà đem các con đi trốn, và để sống còn, bà kết hôn với những người đàn ông giàu có, và giết họ khi tông tích bị bại lộ.
Lần này cũng vậy, khi biết đứa con riêng của chồng đã khám phá ra tội ác của mình, bà lập mưu giết chết cả hai cha con, để hưởng gia tài và diệt nhân chứng.  Trớ trêu làm sao Bách, con trai của bà lại thầm yêu Hằng, nhưng không được Hằng yêu lại.  Trong thời gian này, Hằng quen với một người bạn trai tên Đạt, tiếng đàn của cô đã mê hoặc anh chàng trẻ tuổi này, và vì muốn cưú cô, nên Đạt cũng suýt bị thiêu sống cùng với Hằng, trong một âm mưu rùng rợn do người dì ghẻ dàn cảnh cái chết thành một tai nạn.
Còn Bách, mặc dù đang căm hận vì yêu mà không đuợc Hằng đáp lại, nhưng trước hành động tàn ác của mẹ, Bách đã phản ứng ra sao? xin mời xem hồi kết cuộc. 
 
 
 
                                                                                           CHƯƠNG 4
 
... Khi chúng tôi ra khỏi cổng thì một cái xe vận tải vừa đi ngang, người tài xế nhìn thấy chúng tôi thì bóp còi inh ỏi, Dung khều tay tôi nói nhỏ:
-          Này, chị có thấy thằng cha lái xe kia không? hắn to lớn như người ngoại quốc và đẹp trai dễ sợ!
-          Chị không chú ý.  Tôi nói và làm ra bộ tiếc rẻ.
Dì Lý quay lại mắng:
-          Dung! sao con gái lại ăn nói sống sượng như thế?
-          Con chẳng thấy gì gọi là sống sượng hết nếu mình khen một người nào đó đẹp.
Dung nhún vai và quay sang tôi:
-          Thằng cha không những đẹp trai mà còn dễ thương nữa, tên hắn là Ðạt. Hắn ta lái xe vận tải làm cho hãng xây cất và sửa chữa nhà cửa.  Em đã nói chuyện với hắn nhiều lần vào giờ ăn trưa khi hắn sửa nhà cho nhà mình.  Trời! chị mà nhìn coi! đôi vai của hắn to như một cái cánh cửa, chắc là mạnh phải biết.
Dì Lý ngắt lời một cách bực bội:
-          Thôi đủ rồi, dẹp cái chuyện tào lao của mày đi.  Hằng! dì đoán là con chưa bao giờ nhìn thấy lan rừng phải không?  Nhìn kìa, ở đây có nhiều loại đẹp lắm, chúng mọc ký sinh trên những cành sồi.
-          Hôm qua trên đường đi ngang khu rừng sồi, bố có chỉ cho con thấy, nhưng con không ngờ rằng nó lại mọc ở hai bên đường như thế này.
Cứ thế trên suốt quãng đường dài hai mươi cây số, dì Lý và tôi nói chuyện vãn, trong lúc Dung ngồi xưng xỉa ở băng sau, nó đang hờn dỗi vì bị mẹ mắng.  Dì Lý nói với tôi Ðà Lạt tuy là thành phố nhỏ, nhưng cũng có bán đầy đủ các thứ cần dùng hàng ngày cho dân chúng quanh vùng.  Khi chúng tôi đi vào thành phố, tôi nhìn thấy năm, sáu cửa tiệm tạp hóa nhỏ, vài quán bên đường bán thịt rừng đem từ Ðịnh Quán về, một tiệm phở, vài tiệm ăn của người Tàu, một rạp chiếu bóng nhỏ đăng những tấm áp phích quảng cáo một phim cũ rích.  Dung quên là đang dỗi, nó nói liến thoắng:
-          Nhìn xem cái góc phố đằng kia kìa! chị có nhìn thấy tấm bảng không? ở đó lúc trước là một tiệm ăn, bây giờ họ đã sửa thành tiệm nhảy.
Dì Lý nói:
-          Bây giờ dì đậu xe ngay tại chỗ này, trung tâm của thành phố.  Sở điện thoại ở góc kia và cái tòa nhà kế bên là thư viện.  Mọi người đi đâu thì đi, rồi quay trở lại đây trong vòng một giờ nữa, phụ với dì đi mua thức ăn và các đồ lặt vặt.
-          Con muốn mua mấy cái dĩa disco.  Dung nói.
-          Vào giờ này à? bây giờ mới hơn 9 giờ, tiệm chưa mở cửa.  Con đi với Hằng đến thư viện, chỉ cho Hằng cách mượn sách, và con có thể mượn vài quyển cho riêng con nếu con muốn.
-          Con ngấy sách lên tới cổ rồi.
Tuy nói vậy nhưng khi đến thư viện, Dung đi thẳng tới khu vực cho mướn truyện, và lục lọi tìm mấy quyển tiểu thuyết tình.  Tôi đi lại phía người thư ký, hỏi mượn danh sách những sách của thư viện, tôi tìm được một quyển nói về lịch sử của Ðà Lạt, tác giả là Chử Bá Anh là một giáo sư. Tôi cầm lấy, lật lật vài trang và đọc thử:
“ .. .Vào những năm 1890 - 1894, cả miền rừng núi dọc dãy Trường Sơn từ phía Bắc Nam Kỳ đến phía Nam Trung Kỳ và Hạ Lào, còn là một vùng đất hoang vu vô cùng bí hiểm, chưa hề biết đến dấu chân người.  Núi non trùng điệp, thác lũ ào ào, gió như hồn ma hú lên từng hồi ghê rợn giữa muôn trùng bát ngát, những thú dữ như hùm beo, cọp, gấu, rắn rết, voi từng đàn đi lểnh nghểnh trong rừng.  Dần dà vài bộ lạc người thiểu số dựng lều dưới chân núi, xa xa những hình thù quái dị của thổ dân, mình mẩy trần trụi, đứng lom khom, vai mang gùi, càng làm tăng thêm vẻ mang rợ. Dãy Trường Sơn không những chỉ hùng vĩ với núi non hiểm trở, mà còn nên thơ với những đồi, những suối, những rừng sâu, thác nước đổ ào ạt… đã là mục tiêu hàng đầu hấp dẫn những nhà thám hiểm ở phương xa.  Một danh nhân đã dừng chân nơi đây và không bao giờ quay về, sau này tên tuổi ông gắn liền với tên miền cao nguyên thơ mộng: cao nguyên Lâm Viên và tên người đi vào lịch sử, đó là Alexandre Yersin.  Phải, chính Yersin một bác sĩ trẻ tuổi người Pháp nhưng sinh trưởng ở Thụy Sĩ, đã khám phá ra cao nguyên Lâm Viên vào năm 1893 khi ông đáp con tàu Messageries Maritimes trực chỉ bán đảo Ðông Dương, ông đã nhìn thấy dãy Trường Sơn ở trên một cao độ 1500 thước cách mặt biển, trong vùng bãi biển Nha Trang cát trắng.  Lập tức một cuộc hành trình thám hiểm được thực hiện qua nhiều ngả: khi băng đường bộ từ Nha Trang vào Phan Rí, khi băng đường thủy từ Phan Thiết ra tới Quy Nhơn.  Sau bao nhiên gian nan nguy hiểm, mấy lần suýt chết, cuối cùng ông đã tìm ra cao nguyên Lâm Viên ở phía Nam dãy Trường Sơn.  Thế rồi một thành phố nhỏ đã được dựng trên mảnh đất phong thổ hiền hòa, khung cảnh hữu tình này vào năm 1897 - 1898, do sự đề nghị của ông lên toàn quyền Doumer, đó là thành phố Ðà Lạt, thành phố mang tên một dòng suối nhỏ của bộ lạc người Lát.
Thoạt đầu nó chỉ chiếm một diện tích không mấy lớn lắm, xong chỉ vài chục năm không ngừng phát triển, không ngừng cải tiến, Ðà Lạt đã trở thành một thành phố thật sự, một nơi nghĩ mát lý tưởng.  Trước tiên là sự tạo lập hồ Lớn Ðà Lạt, sau này đổi tên là hồ Xuân Hương, một chiếc hồ nhân tạo rộng trên trăm mẫu.  Sau đó bắt đầu ngôi trường đầu tiên mang tên người đã khám phá ra thành phố: ngôi trường Lycée Yersin, rồi thì những trục giao thông, những nhà máy điện, máy nước, những biệt thự kiến trúc theo kiểu phương Tây mọc lên khắp nơi tạo vẻ sang trọng cho Ðà Lạt.  Nhà thờ lớn Ðà Lạt, các ngôi chùa Linh Sơn, Linh Phong, khu chợ Ấp Ánh Sáng…
Giai đoạn phát triển toàn diện vào những năm 1943 - 1944 đưa Ðà Lạt thành một thành phố nghĩ mát nổi tiếng.  Nhưng vào năm 1943, người tạo lập ra nó, bác sĩ Yersin đã ngủ giấc ngàn thu…”
 
Tới đây một bàn tay chụp lên vai làm tôi giật bắn mình:
-          Chị Hằng! mình ở đây đã hơn một tiếng rồi, chị đã tìm thấy cuốn sách ba chị cần chưa?  Dung hỏi.
Tôi gật đầu:
-          Rồi, nhưng đâu đã đến giờ? mới có 35 phút.  Chị ước gì chị có thể ở đây thêm vài tiếng nữa để đọc tiếp, cuốn sách hay dễ sợ.
-          Tin làm gì những lời bịa đặt trong đó.
-          Chị không hiểu sao Dung lại nói tầm bậy như vậy?  Theo chị nhận xét thì tác giả đã mất rất nhiều thì giờ và công phu để nghiên cứu.
-          Nhưng em ghét đọc những cuốn sách có tính cách lịch sử, chỉ nhức đầu.
-          Dung chỉ mê những tiểu thuyết tình thôi chứ gì? tìm được mấy cuốn rồi?
-          Mới có hai!   Dung đưa mấy ngón tay lên nói với vẻ hài lòng.
Tôi mỉm cười cầm quyển sách và đứng dậy:
-          Ðể chị đi hỏi xem thẻ thư viện của ba chị đã có chưa, chị muốn mượn cuốn này.
Khi tôi nói đến tên cha tôi là Lưu Trường Thanh, bà thư ký gật đầu liền:
-          Có đây rồi.
Ba ta nhìn tôi mỉm cười:
-          Cô có biết đây là tên một văn sĩ rất quen thuộc?
-          Có, cháu biết.  Tôi đỏ mặt lúng túng nói, vì ông đó là… ba cháu.
-          Ba cô là tác giả cuốn Văn minh sử nhân loại? và mấy chục cuốn sách viết bằng tiếng Anh?
Bà thư ký há hốc miệng có vẻ không tin:
-          Thật không thể tưởng tượng được nhân vật lừng danh ấy lại sống ở ngay đây? ngay trong thành phố Ðà Lạt này?
-          Vâng, gần đây thôi, gia đình cháu ở gần Trại Hầm.
Thế là lập tức bà ta đứng bật dậy chạy đi gọi hai người nữa tới để giới thiệu với “con gái của nhà văn nổi danh Lưu Trường Thanh”.  Vì vậy mãi đến mười lăm phút sau, Dung và tôi mới thoát ra được và đi tới chỗ đậu xe. Không thấy dì Lý đâu cả, chúng tôi đi vòng ra khu chợ Hòa Bình, đi quanh một hồi, tôi nhìn thấy dì đang đứng sắp hàng chờ trả tiền, dưới chân dì là bốn giỏ lớn đầy thức ăn và vật dụng.  Chúng tôi vội vã bước tới, Dung cúi xuống vạch giỏ ra xem và hỏi:
-          Mẹ có mua kem không? a có đây rồi, kem chocolat, không ngờ lại có thứ đó ở đây?  Trời! lại cá nữa? mình mới ăn cá hôm kia… Sao mẹ không mua thịt bò khô? mẹ biết con thích ăn thịt bò khô mà?
-          Mẹ biết, nhưng mẹ không mua vì mẹ không muốn con ăn toàn những đồ cay nóng có hại cho gan, nhất là cái tuổi của con rất dễ bị nổi mụn.
Bà quay sang tôi:
-          Sao? việc mượn sách thế nào? Hằng có tìm được quyển sách bố muốn chưa?
-          Rồi, thưa dì! con tìm được đúng tủ, có khối tài liệu cho bố.  Nhưng dì có biết đã xảy ra chuyện gì không? khi con hỏi tấm thẻ thư viện của bố..
Tôi sắp kể cho dì nghe về thái độ của mấy người ở trong thư viện, thì bất chợt một giọng nói vang lên ngay bên cạnh:
-          Trời! bà Lý!  Có thật là bà đấy không? có thể nào như vậy được chăng?
Trong một giây, tôi thấy mặt dì tái nhợt.  Nhưng bà bình tĩnh lại ngay, chậm chạp bà quay lại nhìn người đàn ông tóc bạc hoa râm đang đứng sắp hàng ngay sau lưng bà, nói một cách lạnh nhạt:
-          Ông vừa hỏi tôi đấy ạ? chắc ông lầm người rồi, tôi đâu có quen biết ông bao giờ?
-          Có, tôi nghĩ là có quen, chắc không thể lầm được, có điều trông bà vẫn trẻ quá, hình như không già đi tí nào.  Hay là.. bà có liên hệ gì với người tôi quen? trông giống in hệt.
-          Có lẽ ông nhầm với chị tôi, tên bà là Lý Nghi, nhưng người ta có thói quen gọi bà ấy bằng tên đệm.
-          Chắc vậy, ông ta có vẻ hài lòng với lời giải thích đó.  Tên tôi là Phú, chủ tiệm may Phú Mỹ ở Sài Gòn, tôi là bạn của chồng bà ấy mười mấy năm về trước.  Dạo đó ông bà ấy là khách hàng quen của tiệm chúng tôi, vậy mà không ngờ bà ấy lại có em gái.. Dạo đó bà, à quên… chị bà thường bế theo cô con gái út kháu khỉnh dễ thương lắm, bây giờ chắc cũng cỡ tuổi cô bé này.
 Ông ta vừa nói vừa trỏ vào Dung:
-          Cả cháu này trông cũng giống bà bạn tôi nữa.
-          Nó là con gái tôi.  Dì Lý nói, cháu giống hệt tôi hồi còn nhỏ.
-          Thật kỳ lạ, tạo hóa khéo tay thật, khó mà tưởng tượng nổi mấy thế hệ dì cháu, mẹ con lại giống nhau đến thế.  À, chị bà ra sao? một dạo tôi nghe bà ấy đã dời nhà về miền Trung sau cái chết của ông bạn tôi.
-          Chị tôi mất đã sáu bảy năm qua.
-          Tội nghiệp quá, thế mà tôi chẳng hay biết gì cả, bà ấy mất ở đâu?
-          Ở Nha Trang.
Dì Lý nói rồi chợt kêu lên:
-          Chết, tôi vô ý thật. 
Bà nhìn vào trong chợ và hốt hoảng nói:
-          Tôi lại quên việc quan trọng, xin lỗi ông Phú nhé, để dịp khác gặp lại sẽ nói chuyện nhiều, bây giờ tôi phải đi có tí việc cần.  Cám ơn ông mặc dù đã nhiều năm qua, ông còn nhớ đến chị tôi với nhiều tình cảm tốt đẹp như thế.
Quay sang tôi, bà dặn:
-          Hằng! khi đến lượt mình, con nói với bà bàn hàng cứ tính tiền đi, dì sẽ trở lại ngay.
Nói xong bà vội vã bỏ đi, nhưng không trở lại ngay như bà nói.  Người bán hàng đã tính tiền xong và tỏ vẻ sốt ruột vì số người xếp hàng đứng chờ mỗi lúc một dài thêm.  Sau cùng, khi ông khách tóc bạc đã đi khỏi một lúc, dì Lý mới quay lại, trong tay cầm một túi giấy nhỏ, bà nói với người bán hàng:
 
-          Xin lỗi đã để bà chờ lâu, tôi tưởng đã không tìm ra món đồ còn thiếu.
Tôi nhìn vào gói giấy trên tay bà, không có gì hết ngoài gói thịt bò khô, nửa giờ trước đây dì cương quyết không mua, vì cho rằng đó là một món ăn có hại.  Chẳng cần phải nghĩ ngợi nhiều, tôi biết ngay việc bà vội vã bỏ đi, rõ ràng chỉ là một cái cớ, để khỏi phải nói chuyện lâu dài với ông Phú.
Lưu Phương Lan.
( Xem tiếp Chương 5)

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC