TKH - banner 04

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 4 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Inactive
 
 
Đời Phi Công –Chương 9
 
Hẹn Một Ngày Về
Mang thân ra đi để che mưa gió là các anh muốn cho
những người như em  được mãi-mãi sống
trong bầu không-khí thanh bình...
 
Avord, ngày   tháng   năm1952
Em Phượng,
 
     Biết bao nhiêu lần đổi chỗ ở, biết bao nhiêu chuyến đi nhưng rời miền Provence sau một năm học anh không khỏi thấy lòng lưu-luyến. Ở đây em đừng nghĩ rằng anh lưu-luyến vì ham cảnh lạ đường xa nước người. Đã chả bao nhiêu lần anh nói với em rằng chỉ có non sông nước ta là đẹp với lòng anh. Nước sông Hồng cuồn-cuộn, bờ Cửu-Long xanh thăm-thẳm phải đẹp hơn vạn giải trường-giang anh đã gặp. Và chưa có nụ cười nào làm anh thấy bâng-khuâng bằng nụ cười của cô em gái quê nhà.
 
     Nhưng, con người là thế, mỗi lần đi là một lần ngại-ngùng. Kinh-Kha ngày xưa có lưu-luyến bên bờ sông Dịch chắc không phải vì một đôi mắt giai-nhân, vì những bàn tay vũ-nữ, cũng không phải vì ngại Hàm-Dương xa-xôi quá, cung-điện Tần hiểm-trở có ra đi ngày về không chắc hẹn, tần-ngần đứng lại cũng không hẳn vì tiếng trúc của Cao-Tiệm-Ly gợi đến những ngày hàn-vi cùng bạn hiền đối-ẩm tại quán rượu heo-hút ven sông, mà vì lòng người tráng-sĩ dù cho thân đã coi như là buộc trên yên thiên-lý-mã mỗi sáng ra đi sao chẳng khỏi quay lại nhìn chiếc quán trọ bên vệ đường đã che cho người nỗi hàn qua đêm lạnh. Ngựa có hý lên, vó câu đập mạnh như chờ đợi soải đường dài, nhưng tráng-sĩ cũng còn nán lại để sửa cỗ yên, buộc lại bầu rượu vừa hâm nóng. Đêm qua, trong quán lạnh, cũng hồ rượu này, chàng trai say quên trời đất, quên dặm đường dài. Gốc thông già cằn-cỗi reo âm-thầm trong gió. Đường xa chạy heo-hút khuất vào một rừng phong, thu sớm đã nhuộm màu.
      Đấy, chỉ một chút như vậy cũng đủ làm người có lòng thấy bâng-khuâng, huống-hồ cả một năm trường đầy kỷ-niệm, vui có, buồn có và nhất là lại gian-khổ nhiều hơn vinh-quang.
       Kể từ ngày hôm nay anh tới căn-cứ Avord để học lái những máy bay hai động-cơ. Thời-gian chắc cũng sẽ trôi nhanh và chỉ còn vài tháng nữa anh đã có thể tốt-nghiệp và trở lại quê nhà. Cũng như tất cả mọi lần ra đi, anh rời Salon de Provence một sáng còn đượm sương. Đoàn xe lửa từ-từ tiến vào ga trong một làn hơi nước mờ-mờ. Hai ngọn đèn pha màu vàng đầu mũi như ngái ngủ. Trên sân ga nhỏ có vài người khách. Chỉ độc có một bà cụ già ra tiễn một đứa con trai, đứng lại mếu-máo. Đoàn xe lại từ-từ chuyển bánh. Trong ánh sáng mờ-mờ của một sớm thu có ánh đèn dầu hỏa đưa đi đưa lại của người xếp ga. Chiếc toa cuối cùng treo đèn đỏ lướt khỏi dậu găng um-tùm và anh đưa tay từ-biệt Salon de Provence.
       Anh đứng ở cửa sổ nhìn phong cảnh. Kia là đồi Lancon đã bắt đầu dãi những tia nắng vàng đầu thu. Ngọn đồi thật đẹp nhưng có một vị-trí éo-le đối với sân bay. Mỗi lần cất cánh là một lần máy bay sát ngọn đồi. Các anh thường bảo nhau giá đồi thấp xuống một chút hay dịch sang bên cạnh độ vài trăm thước thì tuyệt. Người ta thường có những ước muốn thật ngây-thơ. Cuộc đời nếu được hoàn-toàn xây-dựng theo những ước muốn thì thật là tuyệt-diệu. Và có lẽ ở đâu người ta cũng chỉ gặp những văn-nhân cưỡi ngựa bạch đi thủng-thỉnh trên đồi thông vàng để tìm một thạch-bàn uống rượu ngâm thơ.
       Trong cuộc đời thực-tế đầy phồn-hoa này thì người phi-công không có quyền nghĩ như vậy, hay có ước-ao chăng nữa thì cũng chỉ thoáng qua như một giấc mơ nhẹ. Mỗi lần cất cánh máy bay vừa rời đất người ta đã nhìn ngay đỉnh ngọn đồi. Nắng vàng thật đẹp, dãi trên sườn cỏ non xanh mởn. Vài gian nhà cửa xanh mái ngói đỏ, chung quanh chạy một hàng dậu thấp thật đẹp như trong những câu chuyện tâm-tình. Nhưng con người ngồi trong phòng lái đâu có đủ thì-giờ nhận-xét những điều ấy. Chỉ biết lo sao cho máy bay lên thật đều vì động-cơ chỉ vừa đủ sức cho máy bay lên, là sát ngọn đồi. Một lần nữa người ta nghĩ thầm: “Giá nó thấp xuống một chút hay dịch sang bên độ vài trăm mét”. Và một lần nữa người ta trở về thực-tế để chỉ thấy đời chỉ đẹp trong những ước-mơ.
       Đồi Lancon vừa khuất sau khung cửa và trước mặt anh hiện ra dãy núi Alpilles. Đã bao lần các anh tập trận trên dãy núi thấp này. Sườn bên kia thoai-thoải, sườn bên này dốc đứng. Chỉ có một khe núi là xuống được. Dưới chân là một sân bắn. Mỗi lần tới sân bắn là mỗi lần phải đi bộ 25 cây số và băng qua núi. Anh còn nhớ khẩu súng MAT 49 đã làm bạn với anh suốt một năm trường. Ai bảo phi-công không phải là một chiến-sĩ! Anh còn nhớ lần đầu tiên đi bộ, nghe theo một người bạn, anh đã bỏ quy-lát ở nhà cho khẩu súng được nhẹ. Đến phút cuối cùng mới có lệnh bắn và phải dùng vũ-khí cá-nhân. Anh thấy muốn nghẹt thở, ngán-ngẩm nhìn lòng súng rỗng-tuếch để đợi lượt mình. Những tiếng đạn nổ dội vào vách đá vang lại nghe lạnh như tiếng thép. Sắp tới lượt anh thì chả hiểu một bàn tay nào dúi vào tay anh mẩu quy-lát. Ai, anh cũng chả nhớ mặt, nhớ tên nữa vì trên đường đời đã bao nhiêu lần người ta nhờ đến một người bạn. Nói đến ơn-nghĩa thì nhiều lắm. Mình chỉ cần nhớ rằng đến lượt mình sẽ sẵn-sàng để vì một người khác và lòng mình sẽ reo một niềm vui nho-nhỏ khi thấy đã làm được cho cuộc sống một người khác lên hương. Chiếc quy-lát bỏ vào trong súng anh có thể không vừa khít. Anh sẵn-sàng đợi chờ những tiếng lọc-sọc trong súng hay một viên đạn lên nhỡ trớn sẽ nằm ngang và làm súng tắc. Anh đã đứng thẳng, kẹp khẩu tiểu-liên ngang sườn. Xa-xa là vách núi với những ụ đất. Ngày nay bia là những vật vô-tri. Mai mốt đây sẽ là quân thù. Anh không  có quyền để quên súng và ngoài chiến trường cũng chẳng có ai dúi cho mình mẩu quy-lát. Trừ khi, phải trừ khi mình lượm được khẩu súng của người bạn đồng-ngũ tiến lên trước vừa ngã xuống, và lúc ấy tiếng đạn sẽ phải nổ vang, sôi lên vì căm-hờn.
     Anh đã kéo quy-lát. Chiếc cửa sổ đã mở. Cửa sổ đấy là miếng sắt nhỏ bên hông khẩu súng. Cửa sổ mở có nghĩa là tất cả đều trót-lọt và đạn sẽ nổ vang vách đá. Anh bóp cò để nhả từng loạt đạn. Tiếng vọng lại sang-sảng như ánh thép kêu.
 
     Đấy là một kỷ-niệm ở dãy Alpilles. Đoàn xe hỏa vẫn chạy băng-băng trên những cánh đồng Provence. Xe đã gần tới Tarascon. Hẳn em còn nhớ câu chuyện của Alphonse Daudet chứ. Chiếc cối xay của Alphonse Daudet cũng ở miền Provence này. Những ngày nghỉ anh đã lái xe quanh vùng và đã hơn một lần anh đến thăm chiếc cối xay gió. Nó không đẹp như trong truyện vì người ta đã sửa chữa cho nó thêm mới-mẻ. Những con đường rộng trải nhựa chạy gần đấy cũng đã thay thế từ lâu cho những đường đất vàng chạy giữa những thảm ruộng xanh ngày xưa. Và cũng vắng bóng cả những cỗ xe song-mã. Dù đồi núi Provence vẫn như xưa, nhưng có những cái rộn-rịp làm mất cả không-khí thanh-nhàn. Trong khung cảnh này anh tưởng có ngồi viết văn cũng chịu, không sao nẩy ra những câu tuyệt-tác. Thà đứng dựa mạn tàu như anh bây giờ nghĩ lan-man đến tất cả có lẽ lại hơn. Những đồi núi ở đây thâm-thấp cỏ mọc xanh mởn. Đây đó vài cái trại nho-nhỏ với những hàng dậu trắng. Vài con bò trắng, khoang đen hiền-lành nhai cỏ bên sườn đồi tô thêm những nét đặc-biệt cho khung cảnh trở nên linh-động hữu-tình.
      Đoàn tàu sắp đến Tarascon và quá lên chút nữa là Avignon. Đặc-biệt ở Avignon là lầu-đài của Đức-Giáo-Hoàng và quanh miền còn sót lại những chiếc cầu nho-nhỏ xinh-xinh, cong mình qua những nhánh sông nhỏ. Ngày xưa, thanh-bình, người ta thường ca hát, nhảy múa trên cầu những đêm trăng sáng.
     Nghĩ đến đấy anh liên-tưởng đến những mùa thu thanh-bình quê nhà. Em có nhớ lại thời xưa không Phượng? Có lẽ không đâu em nhỉ, vì nay với em có gì ý-nghĩa chắc chỉ là phồn-hoa đô-thị. Chả thế mà em của anh đã hỏng liền hai kỳ thi vừa qua. Anh nói đùa đấy em đừng giận. Anh rất buồn khi nghe thấy em báo tin thi hỏng. Anh không còn biết nói gì hơn là nhắc em rằng em còn rất trẻ. Sang năm mới vừa đúng tuổi thi. Em có hỏng cũng chỉ vì tạo-hóa cũng ghen với những người lỗi-lạc không muốn cho em đậu kỳ này. Em cho anh gửi lời thăm Hiền. Chắc Hiền cũng buồn lắm em nhỉ. Công-phu kèm em học suốt một năm trường. Anh muốn viết cho Hiền để nhắc chàng rằng: “Giáo bất-nghiêm, sư chi nọa” nhưng sợ anh ấy giận lại thôi.
     Bây giờ anh lại trở về câu chuyện mùa thu thanh-bình ở quê nhà ngày xưa. Có gì đẹp nhất trên đời theo anh có lẽ là một đêm sáng trăng thu. Nếu anh ở nhà anh sẽ ra ngoài đồng đi thuyền. Chắc em còn nhớ những ngày nước ngập, những cánh thuyền nan và cây đa bến cũ. Lắm chuyện ngày xưa vui quá em nhỉ. Anh thấy làng chúng mình giống hệt như một làng tả trong một câu chuyện tiểu-thuyết thôn quê, vì đầu làng cũng có một cây đa và mùa nước ngập nơi ấy là bến đậu. Những tối sáng trăng chúng mình hay được đi chơi sang đồng làng Bái-Thượng. Chiếc thuyền nan mỏng-manh lạ. Chú Xuân đã phải ra công tát nước trong khi em đùa-nghịch làm nước bắn tung toé. Chú Xuân chắc giờ vẫn còn ở nhà nhưng già thêm nhiều em nhỉ? Mỗi lần em đi đâu là có chú đi theo đến bật cười. Chắc mẹ ở nhà lo em đi nghịch dại hay có ai bắt nạt em nên luôn luôn bắt chú theo kèm. Cụ không biết  rằng có ai hay đi bắt nạt người khác lại là cô em gái ngoan của anh.
Anh nhớ em đã vui thích, cười nhiều khi thấy mỗi lần sào đẩy thuyền đập xuống nước làm bắn lên những tia nước sáng lóng-lánh.
     Bây giờ thì thay đổi nhiều rồi. Không phải vì cả hai chúng mình cùng lớn nhưng vì thời-thế chúng ta đã phải lìa bỏ làng xưa. Ở thị-thành có bao giờ em trở về thăm làng cũ. Chắc là không em nhỉ vì cũng như anh, chẳng phải chúng ta vô tình mà vì không bao giờ chúng ta còn thấy lại được những mái tranh êm-đềm ngày xưa. Anh vẫn nhận được những bức thư của Bác và qua hàng chữ thấm-lệ anh vẫn thấy Bác ước-ao trở về làng cũ. Dù sao cũng còn một thềm nhà đen sạm đấy, và có lẽ vài cây cột cháy giở. Ngoài vườn có lẽ những bụi chuối mọc um-tùm. Chiến tranh đang đến giai-đoạn quyết-liệt. Ở đây anh chỉ còn biết hàng ngày đọc báo để theo dõi tin-tức bên nhà. Người ta đã nói đến chuyện Hà-Nội tản cư. Còn vài tháng nữa anh sẽ trở về nhà. Anh tin rằng anh sẽ là một trong những người lính chiến-đấu đến cùng để giữ lại một phần đất. Anh không dám nghĩ nhiều đến một ngày kia, khi khắp ruộng đồng cùng vang ca những khúc hát thanh-bình, anh rời bỏ quân-ngũ để về dọn lại thềm nhà cũ, xới lại mảnh vườn xưa, và dựng lên một mái tranh nho-nhỏ, trả lại một chút nào niềm vui đã mất của người mẹ hiền. Anh chỉ dám nghĩ rằng đã là một chiến-binh, bổn-phận anh là chỉ cầm ngang tay súng, giữ cho giang-sơn từng tấc đất. Em cứ cười lên khi thấy anh bước lên phi-cơ và mở máy. Từng cánh chim sẽ rời đất và mang theo đoàn người đi làm phận-sự và cũng vì thế mà anh đã trải qua bao tháng ngày gian-khổ để luyện-tập ở đây.
     Đoàn tàu đã đưa anh tới phương trời mới này và dừng ở Avord đúng nửa đêm. Anh đã xách va-ly tìm chỗ trọ khi ngày đêm vừa giao-tế. Avord chỉ là một cái làng nhỏ hẹp, có một căn-cứ Không-Quân nhưng sẽ là nơi anh trú-ngụ trong suốt mấy tháng trời đông. Khi mùa xuân trở lại các anh sẽ về và em sẽ thấy những phi-công đầu-tiên của đất nước. Các anh không tự-hào rằng trong những ngày nước non nghiêng-ngả các anh sẽ đảm-nhiệm một phần nặng công-việc ngăn-cản địch-quân nhưng các anh chỉ nghĩ rằng đã làm trai ai là người không phải nặng lòng vì đất nước. Mang thân ra để che mưa gió là các anh muốn cho những người như em được mãi-mãi sống trong bầu không-khí thanh-bình.
 
Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh
(Xin xem tiếp chương 10 )

 

 

 

 

 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC