TKH - banner 04

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

4077 Duc Huynh GC PGHHVLiem

Đức Huỳnh Giáo Chủ PGHH

***

"Thơ Tình" của Đức Huỳnh Giáo-Chủ

      Vào những năm cuối của thập niên 50, bọn nam sinh Trung học đệ I cấp chúng tôi rất sính thơ văn. Lúc đó, mặc dù thơ Việt đã được đưa vào chương trình giảng dạy các lớp Việt văn, nhưng thơ Pháp vẫn còn ảnh hưởng rất nhiều bởi vì các giáo sư đều xuất thân từ lò đào tạo của Pháp. Ngoài các nhà thơ tiền bối như Tản Đà và Đông Hồ, chúng tôi còn được ngâm nga các bài thơ tình lãng mạn của Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính, Hồ Dzếnh, Hàn Mạc Tử... Nhưng thích thú nhất vẫn là những bài thơ tình của Verlaine, Musset, Baudelaire, Rimbaud, Eluard... Tuy văn dốt chữ nát nhưng bọn nam sinh chúng tôi cũng học thuộc lòng những câu thơ tình ướt át của các thi hào Pháp để trổ tài tán đào!

      Cái thời lãng mạn ở lứa tuổi mộng mơ nhìn đâu cũng thấy bướm lượn hoa cười. Những lần thất tình nhè nhẹ, tuy đau khổ, ray rứt nhưng chưa đến đổi tuyệt vọng. Tình yêu lãng mạn của thi sĩ Nguyễn Bính với cô láng giềng đầy thi vị làm cho giới trẻ chúng tôi rất lấy làm thích thú, say mê. Tiến xa hơn một chút, thi sĩ Lưu Trọng Lư với mối tình đơn phương đau khổ, nhưng vẫn là thứ tình yêu trong sạch.

Em ngồi trong song cửa

Anh đứng dựa tường hoa

Nhìn nhau mà lệ ứa

Một ngày một cách xa!

(Lưu Trọng Lư: Một mùa Đông)

Lãng mạn và thi vị hơn như Paul Verlaine, chỉ những giọt mưa rơi cũng đủ làm cho con tim thổn thức, thấm thía cõi lòng:

Il pleure dans mon coeur

Comme il pleut sur la ville

Quelle est cette langueur

Qui pénètre mon coeur?

(Paul Verlaine: Romances sans paroles)

      Xa hơn nữa là mối tình tuyệt vọng sầu thảm. Đây cũng chỉ là mối tình đơn phương sầu kín nhưng bi thiết hơn. Thi sĩ Arvers đã làm rung động hàng triệu con tim qua bài đoản thi bất hủ "Sonnet d'Arvers":

Ma vie a son secret, mon âme a son mystère,

Un amour éternel, en un moment conçu.

Le mal est sans espoir, aussi j'ai dû le taire,

Et celle qui l'a fait n'en a jamais rien su.

Nhà văn Khái Hưng đã phiên dịch sang thể thơ Lục Bát như sau:

Lòng ta chôn một khối tình

Tình trong giây phút mà thành thiên thu!

Tình tuyệt vọng, nỗi thảm sầu!

Mà người gieo thảm như hầu không hay!

(Đoản thi của Arvers)

      Một mối tình bao la hơn (yêu cả vũ trụ, thiên nhiên, cảnh vật, đàn bà...), nhưng cũng chỉ là tình yêu vật chất, chứ không phải lý tưởng, vị tha. Thi sĩ Paul Eluard đã được thi đàn thế giới nhắc tới qua bài thơ bất hủ "Je t'aime":

Je t'aime pour toutes les femmes que je n'ai pas connues

Je t'aime pour tous les temps où je n'ai pas vécu

Pour l'odeur du grand large et l'odeur du pain chaud

Pour la neige qui fond pour les premières fleurs

Pour les animaux purs que l'homme n'effraie pas

Je t'aime pour aimer

Je t'aime pour toutes les femmes que je n'aime pas.

      Lứa tuổi mới lớn của chúng tôi có nhiều cái ngông và lãng mạn mà người lớn không thể nào hiểu được. Khi đến tuổi trưởng thành, người con trai va chạm với cuộc đời và thực tế cay nghiệt mới chấn chỉnh lại, cho nên cái nhìn có khác hơn thời mới lớn.

      Thuở đó, tôi có dịp đọc qua bài thơ "Tình Yêu" của Hoàng Anh (bút hiệu của Đức Huỳnh Giáo-Chủ Phật-Giáo Hòa-Hảo) nhưng không thấy thích thú mấy vì bài thơ không có một chút lãng mạn nào, mà chỉ đề cập tới tình yêu nhân loại và chúng sinh! Nay qua tuổi mộng mơ, đọc lại bài thơ "Tình Yêu" mới thấy cái hay của nó.

Bài thơ "Tình Yêu" thuộc thể thất ngôn, chỉ có 3 đoạn 12 câu, nội dung như sau:

Ta có tình yêu rất đượm nồng,

Yêu đời yêu lẫn cả non sông.

Tình yêu chan chứa trên hoàn vũ,

Không chỉ yêu riêng khách má hồng.

Nếu khách má hồng muốn được yêu,

Thì trong tâm chí hãy xoay chiều.

Hướng về phụng sự cho nhơn loại,

Sẽ gặp tình ta trong khối yêu.

Ta đã đa mang một khối tình,

Dường như thệ hải với sơn minh.

Tình yêu mà chẳng riêng ai cả,

Yêu khắp muôn loài lẫn chúng sinh.

(1946)

      Những chữ in đậm nét và gạch dưới trên đây là do người viết dụng ý nhấn mạnh. Trước đây, ai cũng nghĩ rằng Đức Huỳnh Giáo-Chủ chỉ biết làm thơ Đạo, chứ không biết làm thơ vịnh cảnh và thơ tình. Thật ra, Đức Huỳnh Giáo-Chủ đã làm đủ thể loại và thể tài, mà thể tài nào cũng đều tuyệt cú cả.

      Tình yêu có muôn màu muôn sắc. Tình yêu giữa trai gái là thứ tình yêu tự nhiên do Tạo Hóa đặt để. Ngoài thứ tình yêu tự nhiên đó ra, còn có tình yêu đối với thiên nhiên và muôn thú, chẳng hạn như: cây cỏ, cảnh vật, sông, biển, mây, con nai, con ngỗng... Tình yêu cao hơn nữa là tình yêu đối với quê hương, tổ quốc. Đó là tình yêu của các vị anh hùng, liệt sĩ.   

      Tầng cao nhất của tình yêu là tình yêu đối với nhân loại. Đó là tình yêu của các bậc Thánh Nhân như Đức Phật, Đức Chúa Jésus... Xem thế, tình yêu không chỉ hạn hẹp giữa trai gái; và càng không thể nói rằng chỉ có tình yêu sắc dục mới hay mới đẹp. Tả cảnh vật như Bà Huyện Thanh Quan trong bài thơ "Qua Đèo Ngang", đó là tình yêu đối với thiên nhiên. Bài thơ đó đã làm rung động hàng triệu con tim người Việt và cho tới nay bài thơ ấy vẫn còn được ca tụng. Như vậy, bài thơ Qua Đèo Ngang phải là bài thơ hay.

      Bậc Thánh Nhân có một khối tình lớn hơn, bao la hơn và tinh khiết hơn. Đó là tình yêu đối với muôn loài và chúng sinh. Con người bình thường chỉ yêu đến tầng thứ hai của tình yêu, đó là thiên nhiên và muôn thú. Chúng ta đang sống ở xã hội Tây Phương, chứng kiến những cảnh âu yếm của người Tây Phương đối với chó, mèo, chim, cá... Họ lập ra nhiều hội, như: Hội Bảo Vệ Súc Vật, Hội Bảo Vệ Chim Muông, Hội Bảo Vệ Cá Voi... Nhưng những hội đó chỉ có mục đích duy nhất là làm đẹp cho những người giàu sang, thừa tiền, dư thì giờ... Còn những người nghèo khổ không nhà (homeless) sống chết ra sao thì họ không hề nhắc tới! Đó là thứ tình yêu giả dối, vị kỷ của người thừa tiền. Còn tình yêu của Đức Huỳnh Giáo-Chủ là tình yêu của Bậc Thánh Nhân, xuất phát từ con tim từ-bi bác-ái. Ngài đã khuyên bổn-đạo chớ nên sát sinh vì loài vật giúp ích con người.

      Tình yêu đối với thú vật và thiên nhiên cũng chưa đủ, mà còn phải yêu con người và không được phân biệt chủng tộc. Yêu nhân loại để không còn xảy ra chiến tranh chém giết lẫn nhau. Đức Phật hay Chúa Jésus không chỉ yêu riêng dân Ấn Độ hay dân Do Thái, mà yêu toàn thể nhân loại ở thế gian nầy. Đức Huỳnh Giáo-Chủ cũng thế, Ngài không chỉ yêu riêng nhân dân Việt Nam, mà yêu toàn thể nhân loại. Cái tình yêu bao la đó chan chứa trên hoàn vũ, trong đó có cả tình yêu đối với người thiếu nữ kia. Vậy, ai có thể nói Đức Huỳnh Giáo-Chủ không biết yêu?

      Mời qúi độc giả đọc lại bài thơ "Tình Yêu" một lần nữa để thấy cái hay cái đẹp của bài thơ, từ cách dùng chữ cho đến cách diễn tả ý của Ngài.

      Câu 1Ta có tình yêu rất đượm nồng,

      Khởi đầu, Ngài dùng chữ "Ta" như thế là tuyệt! Tại sao Ngài không dùng chữ "Tôi" hay chữ "Thầy"? Chữ "Ta" vừa diễn tả cái "uy" của bậc Thánh Nhân, vừa giữ được khoảng cách giữa người nghe với Ngài. Chữ "Ta" ở đây còn hàm xúc một ý nghĩa khác nữa, đủ biết người thiếu nữ kia đã tỏ tình yêu với Ngài không phải là một tín-đồ Phật-Giáo Hòa-Hảo. Vì thế, Ngài dùng chữ "Ta" thay cho chữ "Thầy". Ngài chỉ xưng "Thầy" đối với tín-đồ mà thôi. Chỉ một chữ "Ta" cũng đủ làm cho người đọc thấy được cái uy lực của Ngài mà vẫn giữ được chất thơ.

      Đượm nồng có nghĩa là đằm thắm, dùng ở đây rất là tuyệt! Chữ đượm nồng do ở câu "duyên càng đượm, lửa càng nồng" mà ra. Ca dao có câu: "Ai về ai ở mặc ai, Thiếp như dầu đượm thắp hoài năm canh".

      Câu 2:  Yêu đời yêu lẫn cả non sông.

      Có người chỉ yêu đời mà không yêu non sông. Đó là những người trốn quân dịch hồi thời VNCH. Vì yêu đời và yêu non sông nên Ngài mới xả thân cho cuộc cách mạng đạo Phật; đồng thời xiển dương thuyết "Dân-Chủ Xã-Hội".

      Câu 3:  Tình yêu chan chứa trên hoàn vũ,

      Chan chứa là lênh láng, mênh mông. Tình yêu của Ngài bao la, mênh mông, lai láng khắp hoàn vũ (thế giới).

      Câu 4:  Không chỉ yêu riêng khách má hồng.

      Vì tình yêu của Ngài bao la quá nên không thể yêu riêng một ai, dù đó là một thiếu nữ tuyệt đẹp, nhan sắc vẹn toàn (khách má hồng).

      Câu 5:  Nếu khách má hồng muốn được yêu,

      Ngài nhấn mạnh chữ "muốn" rất tuyệt vời! Với chữ "muốn" đó đủ chứng tỏ người thiếu nữ ấy đã yêu Ngài và tỏ tình với Ngài.

      Câu 6:  Thì trong tâm chí hãy xoay chiều.

      Chữ tâm chí gồm cả con tim (tâm) và ý chí (chí) để suy nghĩ và hiểu biết chứ không chỉ rung động bằng con tim mà thôi. Nếu có ý chí thì người thiếu nữ kia phải suy nghĩ lại (xoay chiều). Và điều quan trọng hơn hết là Đức Huỳnh Giáo-Chủ đã dằn mặt người thiếu nữ đó: Chớ nên quyến rủ người tu hành!

      Câu 7:  Hướng về phụng sự cho nhơn loại,

      Tình yêu của Ngài cao cả và thiêng liêng quá nên Ngài muốn cho người con gái kia thức tỉnh để mà lo lắng (phụng sự) cho loài người (nhân loại).

      Câu 8:  Sẽ gặp tình ta trong khối yêu.

      Người con gái đó chỉ được gặp thôi chứ không được đáp lại bằng tình yêu thông thường vì tình yêu của Ngài là cả một khối tình to lớn, bao la, không thể tách rời được.

      Câu 9:  Ta đã đa mang một khối tình,

      Đa mang có nghĩa là bận bịu nhiều (Ca dao: Đa mang chi nữa đèo bồng). Ngài đã bận rộn với khối tình lớn kia rồi thì không còn đầu óc đâu để nghĩ đến chuyện vụn vặt, tình yêu trai gái.

      Câu 10:  Dường như thệ hải với sơn minh.

      Thệ hải, sơn minh do chữ "thệ hải, minh sơn", có nghĩa là thề nguyền. Lòng Ngài đã thề nguyền với non sông rồi thì không thể nào thay đổi được.

      Câu 11:  Tình yêu mà chẳng riêng ai cả,

      Khối tình yêu bao la đó không thể nào yêu chỉ một người.

      Câu 12:  Yêu khắp muôn loài lẫn chúng sinh.

      Chúng sinh là nói chung các loài sinh vật (Ca dao: Thương thay thập loại chúng sinh, Phách đơn hồn chiếc lênh đênh quê người). Câu kết cho thấy Ngài yêu tất cả loài người và sinh vật ở thế gian nầy, chứ đâu riêng gì một người, một nước, một chủng tộc.

      Hiểu được bài thơ "Tình Yêu" của Đức Huỳnh Giáo-Chủ là hiểu được triết lý của Ngài. Đức Huỳnh là Đức Phật tái sinh để cứu khổ độ đời, chứ không chỉ yêu thương một người, dù người đó là một tuyệt sắc giai nhân. Bài thơ "Tình Yêu" đã cảm hóa được người thiếu nữ ấy và làm rung động hằng triệu con tim người Việt từ thập niên 40 đến nay.

(Ðức Phố, Xuân Tân Mùi, 1991)

VĨNH LIÊM

(Trích trong Vĩnh Liêm: “Nếp Sống Hòa Hảo”, tr. 41-46)

Comments  

#1 Thơ Tình...Lê Huy Nhân 2021-04-18 23:01
Cám ơn Văn Thi Sĩ Vĩnh Liêm đã giúp chúng tôi hiểu rõ thêm về bài "Thơ Tình" của Đức Huỳnh Giáo Chủ :
Một Tình Yêu tuyệt vời của Bậc Thánh Nhân xuất phát từ Tấm lòng Từ-Bi-Bác-Ái.
Ngài yêu Toàn Cả Nhân Loại và trong Khối Tình Yêu Bao La đó có cả Tình Yêu đối với người thiếu nữ kia.
Kính chúc Sức Khoẻ.
Lê Huy Nhân
Quote

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.