TKH - banner 09

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

 

 

 

Chiếc rổ sút vành méo mó tựa nét cười khinh bỉ quất vào tầm mắt khi tôi cầm ly trà nóng lững thững bước dọc theo đường mòn dẫn ra bến ghe. Ngay bên cạnh, một em bé gái đang vơ lá khô mới rụng hồi đêm rải rác dưới những gốc cây. Tay trái vẫn khư khư cầm ly trà, tôi với tay kia bẻ mấy cành khô nơi bụi dâm bụt, góc đất nhà người bạn sát lề đường, đoạn bỏ vô chiếc rổ ọp ẹp, trong đó chứa chừng phần ba, những chiếc lá vàng úa còn đậm mang màng hơi sương sớm của một ngày mới...

- Con xin cám ơn cô!

- Không có chi!

Đoạn tôi học theo em bé dùng một tay vơ những lá khô rụng từ mấy bụi cây bên đường của ai đó để dành chờ cho lớn dùng làm cột nhà sau này. Ái da! Tôi khẽ kêu vì đụng phải gai... Dăm chiếc gai móc ngoèo khô, nhỏ li ti, thường được gọi là "móc mèo" cắm ngập nơi hai đầu ngón tay trỏ và giữa...

- Cô đừng vơ lá, mấy dây gai sẽ làm sứt bàn tay đẹp của cô. Cứ để con vơ... tay con chai rồi nên chúng không làm gì được...

Lời chân tình ngọt ngào pha lẫn xót thương được thốt lên từ cửa miệng em bé xinh xắn chẳng khác gì nhát dao xuyên thật ngọt vào lồng ngực tôi. Tim tôi nhói đau, nỗi đau tê tái mà cái đau da thịt không thể nào tràn lấp được. Sau khi nhổ gai, tôi cẩn thận vơ mấy cọng lá khô bỏ vào chiếc rổ, hớp ngụm trà ấm mà lòng tiếp tục dội lên niềm nức nở khôn nguôi! Tương lai đất nước tôi, tương lai dân tộc tôi... "Tay con chai rồi nên chúng không làm gì được..." Em bé tuổi đời chưa kịp lớn mà đôi bàn tay đã vội trở thành chai đá hầu chặn đứng tương lai một kiếp người! Tay con chai rồi...

 

Tiết trời lành lạnh của buổi sáng tạo cho tôi thích thưởng thức hương vị trà tươi. Còn gì thú hơn ngụm trà nóng khi cơ thể cảm thấy hơi gai gai vì lạnh... Thế mà em bé chỉ mặc một chiếc áo nâu bạc, đôi tay áo sờn rách nhiều chỗ có lẽ do vướng phải gai khi vơ lá khô. Dáng người em xinh xắn, tay chân nhậm lẹ chuyển động dưới đôi màu thường thấy chốn dân quê, chiếc quần dài đen và chiếc áo nâu, cả hai thuộc loại vải rẻ tiền nên sớm ngả sang màu bạc. Dẫu em còn nhỏ nhưng đã vội mang hình ảnh bà mẹ quê, bà mẹ bé tí hon chẳng khác gì con búp bê biết cử động... đang vơ lá khô vào buổi sáng sớm trong khi tôi vẫn chưa kịp thưởng thức xong ly nước trà nóng... Còn gì tội hơn cho người dân nước tôi!

Ngồi xổm, đưa tay nhặt từng lá cây gom lại, tôi mượn cơ hội dò hỏi,

- Em vơ lá khô về làm gì mà sớm vậy?

- Con nấu cháo cho thằng cu Ty...

- Lá còn ẩm sao con có thể đun được?

- Mới đầu thì khó cháy nhưng con sẽ kiếm ít cỏ khô trong bụi đàng kia về nhúm... Dễ ấy mà, cứ bỏ vào từ từ, nóng đến đâu nó cháy đến đó...

- Thế sao con không vơ lá chiều qua cho khô?

- Hôm qua thằng cu Ty bịnh, quấy quá con không bỏ đi được...

- Thế bố mẹ con làm gì?

- Buổi chiều bố mẹ con ra ghe chèo sang mãi tận bờ đàng kia, em bé đưa tay chỉ..., soi cá ban đêm. Bố con còn đang ngủ. Mẹ con mang cá đi chợ bán từ sáng sớm...

- Chợ ở gần đây sao phải đi từ sáng sớm?

- Ở đây bán cá không được giá. Chợ đàng kia, cá mắc hơn nhưng cách xa mãi hơn bốn cây số. Đi xe tốn tiền nên mẹ con phải đi bộ.

- Hôm qua được nhiều cá không?

- Thưa cô, khá hơn mấy hôm trước. Con độ chừng được đâu gần ba ký...

- Con có mấy anh chị em?

- Thưa bốn, con là lớn nhất...

- Năm nay con lên mấy?

- Thưa cô chín, con Thoa lên bẩy, thằng Danh lên năm, và cu Ty mới hai tuổi.

- Con có đi học không?

- Thưa cô, ngày xưa còn nhỏ, con đi học được ba năm, trường ở mãi gần chợ mẹ con bán cá. Nhưng bây giờ thì không vì con phải lo cho mấy em...

- Thế bây giờ em Thoa và Danh có đi học không?

- Nhà con nghèo quá... đến củi đun bếp vẫn còn thiếu thốn. Thường thì bố mẹ con lấy củi khi trời còn sáng trước khi soi cá, nhưng mấy bữa trước trời giông gió đi sớm không được... Hôm qua, cu Ty bịnh quá má con phải bồng ra nhà ông lang gần chợ không thể đi sớm lấy củi nên sáng nay con phải vơ vội ít lá về nấu cháo cho nó... Dẫu nói chuyện, đôi tay em vẫn không ngừng làm việc... và chiếc rổ đã được ấn chặt lá khô chận lên trên bằng những cành dâm bụt tôi bẻ lúc nãy...

- Chào cô, con phải về, có lẽ cu Ty cũng sắp dậy rồi...

Em nhỏ đi dọc bờ ruộng khuất lần sau những lùm cây hàng vè. In đậm nơi lòng tôi nỗi tê tái... pha lẫn mặc cảm lỗi lầm... Con dân nước tôi, "Nhà con nghèo quá... đến củi đun bếp vẫn còn thiếu thốn..." Tôi có thể làm gì cho những em nhỏ máu đỏ da vàng nơi đất Việt, được trời ban cho nét mặt rạng rỡ, nhưng sớm phải mang trách nhiệm lo lắng cho gia đình vì bị sinh vào hoàn cảnh nghèo túng? Tôi có thể làm gì? Tôi phải làm gì và thực hiện bằng cách nào?

- Kim Loan, bà làm gì mà ngẩn ngơ mãi ngoài ấy! Chị bạn chủ nhà cầm ly trà xuôi theo con dốc bước dần về phía tôi... Ở Việt Nam, đất trồng cà phê, mà chính nó lại trở thành thứ xa xỉ bởi cần đường, cần sữa... Sự nghèo túng biến mọi vật trở nên mắc mỏ... không cần thiết thì nói chi đến tư tưởng, sách báo, ý thức hệ, hoặc nhân quyền hay dân quyền. Khi cuộc sống thấp kém ở mức tối thiểu, tất cả nỗ lực vẫn chưa đủ bảo vệ sự sinh tồn thân xác, thì miếng cơm manh áo trở nên mục đích trường kỳ dồn ép con người đeo đuổi... từng ngày, lại từng ngày... Con dân đất nước tôi! Ôi, những trẻ em của thế hệ chưa kịp lớn mà đã vội phải khoác lên thân phận loài thú... cố gắng sao cho kiếm được miếng ăn đủ sống qua ngày đã được gọi là may. Còn đâu mơ ước vì ước mơ chưa kịp đến đã trở thành viễn tượng! Tương lai, nơi hoàn cảnh này, ngôn từ tự chứa năng lực biến thành thần thánh khiến chẳng ai dám nghĩ tới phương chi nói đến chuẩn bị hay thực hiện. Tim tôi một lần nữa nhói đau đối diện vẻ vô tư nơi gương mặt người bạn hai mươi hai năm trời đã qua giờ mới có cơ hội gặp lại...

- Mình vừa nói chuyện với em bé gái vơ lá khô không hiểu con nhà ai. Em bé thật xinh xắn, mới chín tuổi mà đã mang dáng dấp của một bà mẹ quê...

- Ở đây thiếu gì trẻ đi vơ lá về đun bếp...

- Mình không đặt vấn đề vơ lá nhưng đang tự hỏi có thể làm gì để giúp những đứa trẻ như thế này...

- Muốn giúp cũng không được vì nhu cầu thì nhiều đến nỗi không thể kể xiết mà sức người có hạn thì làm chi bây giờ... Ngay như vợ chồng mình, chỉ có hai đứa con mà vẫn lắm lúc cùng quẫn không có miếng gạo đổ vô nồi còn nói chi tới những đứa trẻ khác... Nhiều lúc mình nghĩ, có lo lắm cũng chẳng giải quyết được gì; thôi thì đành phó mặc số trời, đời cua cua máy, đời cáy cáy đào...

- Như vậy tương lai sẽ đi về đâu? Những em bé chưa kịp lớn đã phải trần thân làm lụng, không được học hành thì lớn lên sẽ ra sao?

- Trường sở đâu mà học với hành ở chốn khỉ ho cò gáy này? Hơn nữa, ai coi mấy đứa nhỏ cho bố mẹ chúng đi soi cá, lấy củi... Thế rồi khi cái bụng đói meo phỏng có học được không? Bà đang mơ chắc?

- Mình nghĩ, nếu chiều tối hoặc lúc nào đó thuận tiện trong ngày mà có người dạy cho các em nhỏ một tuần vài giờ thì chẳng bao lâu các em cũng biết đọc biết viết... Hay ít ra có vần, có giấy, bút, để cha mẹ dạy cho con cái cũng hơn là mu ti mù tịt không biết chữ nhất là một...

- Biết đọc biết viết để làm gì... chỉ vài năm sau lại quên hết, nào có lợi ích chi đâu! Chẳng nói đâu xa, ngay chính bản thân mình, học xong lớp mười một mà có hơn gì những người khác đâu, có lẽ thua thì chắc hơn...!

- Tiền của, cuộc sống dễ thở hơn hay kém không phải do vấn đề học thức... Bà không nhớ câu "Tốt số hơn bố giầu" sao? Vấn đề mình nghĩ tới là biết đọc để tiếp tục đọc mới có cơ hội hiểu biết hơn, sống ý thức hơn chứ không phải để làm được nhiều tiền hơn. Bà thấy đó, cũng cùng trong một hoàn cảnh, thái độ cũng như cách xử sự của người ý thức khác xa với những người thiếu hiểu biết... Mà muốn nâng cao sự hiểu biết, ít nhất cần phải biết đọc...

- Thôi, vô thay đồ đi chợ... Chẳng cần gì phải nói nhiều, nếu không có mấy đồng bạc trả tiền xe thì cuốc bộ cả tiếng đồng hồ mới tới chợ. Cuộc đời là thế, bị sinh vào hoàn cảnh nào thì đành chấp nhận chứ có muốn thay đổi cách mấy cũng chẳng sao mà thoát ra được. Bà không nhớ câu, "Đã mang lấy kiếp thân tằm, không vương tơ nữa cũng nằm trong tơ." Rồi tất cả cũng sẽ qua đi; tất cả đang dần chìm vào dĩ vãng... Ôi ngày xưa ấy! Nào ai có thể ngờ được những khúc quanh của cuộc đời. Bao nhiêu người đã qua, và mình rồi cũng sẽ qua... Mỗi lần nghĩ đến giá trị cuộc sống, mình cảm thấy tội cho mình, tội cho người đồng cảnh, tội cho những em bé thơ ngây mà nào có thể làm được gì...

- Nghe bà nói sao có vẻ thất vọng đến độ buông xuôi thế. Bà nên nhớ, làm cho mình cũng là làm cho người, và làm cho người cũng là làm cho mình mà thôi. Mình nghĩ, hãy cứ cố gắng mỗi người một chút. Bà chịu khó bỏ ra một tuần một buổi tối thứ bẩy hay chủ nhật; mình chịu trách nhiệm chi phí giấy bút thì chỉ vài tháng, những trẻ em trong khu vực này sẽ biết đọc biết viết cho coi...

- Trường sở đâu mà bà dám mơ mộng hão huyền vậy?

- Thì nhà bà hay nhà nào đó không được hay sao? Cứ thử trước khi kết luận. Nếu có được vài người sẵn lòng, mình sẽ cố gắng kiếm mấy người quen giúp góp... nội trong vòng một năm sẽ có được vài chục em biết đọc biết viết. Mình nghĩ, vấn đề quan trọng là những người đang sống gần các em. Tiền giấy bút hoặc sách vở nào đáng là bao....

- Nghe bà nói cũng có lý... Được rồi, mình ráng thử. Bao lâu nay mình đâu dám nghĩ tới sẽ có ai giúp đâu, nhất là chuyện được coi là cỏn con này. Nhưng bà phải hứa ủng hộ giấy bút chứ bọn mình ở nhà, đứa nào đứa nấy nghèo xác xơ, chẳng có bột sao gột nên hồ. Đúng là có lòng mà không có tiền cũng chẳng làm nên cơm cháo gì!

- Bà có biết mấy đứa bạn mình giờ thế nào không...

- Rứa rứa hết. Bà hỏi mình mới nghĩ tới; nếu bà có thể, mình đề nghị với chúng nó giúp trẻ được không!

- Mình nghĩ, nhiều thì khó chứ mỗi người vài đô một tháng mua giấy bút cho trẻ ai mà chẳng sẵn lòng, mà có nhiều gì cho cam. Bà cứ hỏi họ, mình hứa chịu trách nhiệm về chi phí giấy bút. Về bên Mỹ, mình sẽ kêu gọi chừng mười người, mỗi người cho mười đồng một tháng là có thể mở mười lớp học tại gia cho cả trăm trẻ em. Vấn đề chỉ là sao kiếm cho ra mười cô giáo hay thày giáo dạy chùa để trẻ biết đọc, biết viết...

- Bà nói gì, một trăm đô một tháng sao bà có thể xin được... Bộ người ta có tiền núi...?

- Bao nhiêu chứ mười đô một tháng vì chuyện nên làm chắc không ai chối từ. Người ta nghèo vì nhiều chứ không vì mười đô một tháng, mình nghĩ như vậy. Cứ yên trí đi, riêng mình, mình sẽ ủng hộ năm mươi đô một tháng. Hãy kiếm sao cho được năm người sẵn lòng giúp các em rồi hãy nói chuyện sau... Vô thay đồ đi chợ không trưa đến nơi rồi!

 

Trong tuần cuối cùng, tôi cũng đã đi thăm được hai người bạn cũ đang sống nơi vùng hẻo lánh, không trường sở cho con em học hành, và họ cũng đồng ý nhận lời "dạy chùa" với điều kiện tôi phải cung cấp chi phí tối thiểu giấy bút. Mang thân phận làm thuê nơi công sở nên tôi không được dư giả cho lắm do đó chỉ có thể biếu bạn bè mỗi người hai trăm. Cầm tiền cho bạn mà lòng tôi lại quặn đau bởi phần nào mang mặc cảm kẻ "ban ơn" trong khi bạn mình lại là kẻ chịu ơn. Bạn tôi, họ khóc vì hai trăm đối với họ là món tiền quá lớn...

- Mình chịu ơn bà như thế này sao biết lấy gì trả lại... Khốn nỗi, phận số mình tàn tệ quá... Con bạn thân nhất ngày xưa ngậm ngùi than...

- Thôi bà làm ơn im lặng cho tôi nhờ, tôi đang muốn khóc... Và thế là tôi bật lên xụt xùi nhưng cố nén không để khóc thành tiếng...

- Ơ! Cái bà này hay lạ! Tôi mượn bà khóc dùm tôi sao... Nó phải lên tiếng phá ngang sợ khóc theo tôi... Ngày xưa nó hay khóc bởi tủi cho thân phận con nhà nghèo...

- Chẳng biết đứa nào hay khóc, tôi dùng cánh tay quệt ngang nước mắt... Chợt phì cười vì nhớ lại kỷ niệm thời học trò tôi thường phải dỗ nó...

- Bây giờ tôi sân si sỏi đá rồi bà ơi, đâu như ngày xưa nữa...! Dẫu cố ra bộ cứng cỏi mà mắt nó không tránh được sắc đỏ hoe...

Lớp học "dã chiến," bạn tôi gọi thế, hôm đầu tiên qui tụ được mười hai em, tuổi từ sáu đến mười hai... Dẫu hai đứa tôi đã bàn tính cả buổi chiều về phương pháp dạy mà đứa nào cũng luống cuống. Thì đã bao giờ chúng tôi làm cô giáo đâu... chỉ vì lúc biến nên phải tòng quyền... Dù các em chưa hề tới trường lớp nhưng cũng biết "thưa cô" khi hỏi và "vâng ạ" khi trả lời. Chỉ hai tiếng đồng hồ, từng em đã thực sự nhận mặt được mười chữ cái. Chúng tôi chủ trương chậm mà chắc. Bắt đầu với ba chữ a, ă, â, các em đọc theo mấy lần, đoạn tôi dùng cây que chỉ đảo lộn thứ tự ngược, xuôi, nhảy chữ, chừng mười phút để mỗi em có cơ hội tự mình nhận chữ. Tiếp theo chúng tôi thêm ba chữ mới b, c, d, đoạn xào xáo lung tung. Những chữ mới, các em đọc theo cô giáo bất đắc dĩ cỡ năm, bảy lần và sau đó nhào nháo chữ mới, chữ cũ, thứ tự lộn tùng phèo, và lại gọi từng em một đọc lên cho thật quen tên, quen chữ... Càng thêm nhiều chữ mới, thời giờ càng kéo dài cho tăng chất lượng và giúp các em nhớ kỹ... Bạn tôi hung hăng... dạy thêm buổi tối chủ nhật. Hai mươi phút đầu, chúng tôi thay phiên mỗi người mười phút ôn lại mười chữ các em đã học tối hôm trước. Và rồi thêm ba chữ mới được đặc biệt hay nhắc tới tiếp tục xào qua, xáo lại năm phút, từng em xướng tên mười ba chữ theo cây que chỉ... và lại thêm ba chữ mới, lại xáo, lại xào, lại từng em xướng tên chữ... Bạn tôi muốn dạy hết mười chín chữ còn lại tối chủ nhật, nhưng tôi đề nghị chỉ thêm mười chữ mới và dành giờ cho các em có cơ hội nhận mặt chữ đến độ thuộc lòng... Chín chữ cuối, q, r, s, t, u, ư, v, x, y, và năm dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng được ráp với mười hai nguyên âm dành cho tuần tới...

Suốt hành trình đằng đẵng trên phi cơ trở lại Mỹ, tôi mơ đến viễn ảnh ngày nào đó khi trở lại, những em nhỏ mới ê a học vần hôm nay sẽ có thể đọc truyện, đọc sách. Tôi dự tính sẽ cố xin một số tiền gửi về để bạn tôi mua những sách Tục Ngữ Ca Dao, những truyện ngắn cho trẻ em như sách hồng, sách xanh, tuổi hoa, sách viết về những câu truyện ngụ ngôn Đông Tây rồi copy đem phát cho các em tập đọc. Tiền bạc chắc không khó lắm vì có đáng bao nhiêu; dĩ nhiên, nào ai tiếc dăm đồng bỏ ra cho những việc lợi ích như thế... Tôi sẽ nói chuyện với mấy người quen, ráng kiếm cơ hội liên lạc với mấy ông nọ, bà kia xưa nay nghe đâu họ khá rộng rãi khi được mời quyên góp... Họ cho những trăm này đến trăm khác... và được khen tặng danh hiệu nọ kia đăng đầy trên báo... Chị Trạch nghe đâu có lần nói đã cho bà xơ đến quyên tiền giúp giáo dục trẻ những hai trăm, người em chị một trăm, thằng con lớn đi bạn ghe cũng cho một trăm... Nhà ông cụ Chuyên hình như biếu những ba trăm... Thầm nghĩ, tôi chẳng dám xin nhiều, chỉ mơ ước mỗi gia đình cho mười đồng một tháng. Mười đồng, mười trẻ em đủ tiền giấy bút học bốn buổi tối... Sau đó, khi đã biết đọc biết viết, vấn đề còn lại thật đơn giản, chỉ việc copy sách đã có sẵn thành từng tờ phát cho các em... Nếu mỗi em trước sau đọc được một trăm truyện ngắn sẽ trở nên quen đọc... Có quen đọc mới ham đọc và đã ham đọc mới có kiến thức làm căn bản suy tư để phát triển nhận thức, ý thức. Tôi không dám nghĩ tới những chuyện lớn lao, chỉ đơn sơ thế... lòng thầm cầu xin trời phù hộ các em kém may mắn ít nhất có cơ hội cỏn con này, và mở rộng lòng con người thương đến tương lai giống nòi... Tôi thiếp dần theo dự tính đem lại niềm phấn khởi hòa nơi ước mơ...

Tôi đã mơ...

Trong giờ ăn trưa ngày đầu tiên đi làm sau khi trở lại Mỹ, tôi kể chuyện mắt thấy tai nghe nơi chuyến về Việt Nam đồng thời nói lên dự định muốn đạt tới với một người cai Mỹ nơi hãng tôi đang làm nhân khi ông buông câu hỏi có ý nói cho qua thay vì bàn về những chuyện trời mưa, trời nắng theo phép xã giao. Lúc nghe, nét mặt ông lộ vẻ thông cảm cho nỗi thao thức nơi lòng tôi và miệng thốt lên lời am hiểu. Ông nói,

- Tôi có chút ít muốn gửi cô giúp giấy bút cho trẻ em theo chương trình cô dự định. Ông mở bóp, mấy tờ giấy xanh xanh mang số 20 lấp ló theo ngón tay lật lật khiến lòng tôi dâng niềm hy vọng... Sao mà nhiều thế, ông định cho bao nhiêu mà lật hoài..., tôi nghĩ. Cuối cùng, ông lôi ra tờ 10 dollars đưa ngang qua mặt bàn... Lòng tôi chùng xuống nhưng chợt nhớ ông ta là người Mỹ; họ rất ít khi cho ai tiền... nên đành gượng gạo nói lời cám ơn... và ghi tên ông cùng số tiền vào trang cuối cuốn sổ tay mà lòng cảm thấy hơi bực... vì... mừng hụt nên ăn vội, trả lời cho qua những gì ông hỏi kế tiếp để về chỗ làm việc.

Hai tuần sau, tôi nhận được thư của một người bạn viết qua trong đó có đoạn, "Xét chung thì quê nhà có thay đổi. Năm nay mùa khai trường (đầu tháng 9/97) vừa qua có đến hai mươi triệu học sinh đến trường theo báo Thanh Niên cũng như Sàigòn Giải Phóng. Với con số gần tám mươi triệu dân mà hai mươi triệu đi học thì kiếm đâu đủ trường, lớp, và thày cô! Vậy trong khả năng và với điều kiện có thể được, xin bạn giúp một tay hay cả hai cũng được. Mình lây bệnh tham ăn rồi, vì dân ta không còn chết đói nữa, nhưng vẫn đói cho đến chết! Dân nghèo ấy!"

Không hiểu tại cái miệng tôi ngu hay tại tôi thuộc loại bất cần hoặc thiên đường ước mơ cho những trẻ em kém may mắn không đáng được quan tâm mà qua hơn mười lần nói chuyện với bạn bè cùng những người quen, vẫn chưa ai xí bỏ cho được đồng nào, ngoại trừ ông cai nơi sở làm. Chính lúc này tôi mới hiểu được sự bực bội được tạo thành bởi sự mừng hụt của tôi đối với người cai có thể là nguyên nhân thất bại nơi những lần nói chuyện với người quen trong ý định khuyến khích họ tham gia giúp trẻ em kém may mắn cơ hội biết đọc biết viết.

Cái miệng của tôi hình như không có khiếu móc túi thiên hạ... mà coi chừng mang nặng tánh chất bất cần. Tôi không có chủ đích cố sao lấy cho được dăm đồng nơi túi người ta nên không vơ cào vạt tép, không nói "ăn dzô" mà lại cứ ngang ngang, tàng tàng... bởi cho rằng ai cũng nghĩ như mình, ai cũng nhận ra việc giúp trẻ em biết đọc biết viết là vấn đề nâng cao giá trị con người cả cuộc đời... Tôi đã sai... nhưng lại không chịu sửa cái sai này vì tự ái bởi sự nhận thực ra không ai chịu tốn phí dù chỉ vài xu nếu không có lợi... hoặc danh... hay hãnh diện. Bài học hạ cấp này thế mà khá mắc mỏ. Dẫu tôi biết mà vẫn không chấp nhận thực hiện. Tôi tự nghĩ, với mục đích tốt lành phỏng mình có nên trở thành kẻ bốc thơm người khác chỉ vì vài đồng bạc... Tôi không muốn tự biến mình thành kẻ muối mặt. Tôi muốn xin tiền giúp các em hay tôi muốn cổ võ công việc cho tôi? Nếu cổ võ giúp các em thì tôi chỉ nên trình bày nhu cầu thiết yếu của các em; ai giúp chi thì cho, không thì thôi. Nếu tôi muốn dùng sự cổ võ giúp các em vì cái tôi của mình để hy vọng được người khác coi mình là ông nọ, bà kia sau này thì tất nhiên đã tự làm mình muối mặt...

Lắm lúc tôi tự diễu, Kim Loan ơi, lòng chân thành tưởng ai cũng nghĩ như mình biến mi thành đứa láo khoét dám hứa xin tiền giúp các em mà ngu muội không biết những chuyện lẩm cẩm, lỉnh kỉnh, và luẩn quẩn cuộc đời... Sao mà đần thế, cứ mượn ai đó vác máy thâu hình và chõ cái ống kiếng to tổ bố vào người ta lúc đang nói chuyện... nói rằng gửi sang Việt Nam để các em biết mặt mũi ân nhân hòng khi gặp sau này có thể nhận ra... chắc chắn mày sẽ kiếm được tờ ba số... Mày dốt như bò con! Ừ thì dốt, tôi tự nghĩ, nhưng không đê hèn, bịp bợm... hại kẻ khác bằng cách làm cho họ những gì họ ưa thích...

Thế là tôi thất bại. Có người dạy chùa, có trẻ em ham học, nhưng không có cơ hội chỉ vì thiếu mấy miếng giấy, vài cây bút chì... thiếu những bàn tay rộng mở lát đường cho tương lai con em dân tộc... Tôi thất bại là phải bởi thực tại không hất hủi cũng chẳng hộ phù ai. Điều đáng buồn cho con người là chỉ biết hùa theo mà không dám tự nhận định để đến nỗi những sản phẩm của các bậc thiên tài chỉ được nhận ra khi họ đã chết! Cuộc đời cũng lạ, tác giả của bức tranh trị giá mấy chục triệu Mỹ kim mà bị chết đói thì chỉ ở thế giới loài người mới có thể xảy ra. Bởi vậy, ca tụng những vĩ nhân có ích lợi gì vì nào ai có được hoàn cảnh giống như vị vĩ nhân đó đâu! Thế nên, tại sao không sống điều mình nghĩ nên sống mà chỉ ca tụng điều đã sống của kẻ chết. Phỏng con người chỉ mơ vì đâu ai dám thực hiện điều nên sống được gọi là mơ?

Tuy nhiên, lần chót khi nói chuyện với một người bạn mới gặp gỡ vài lần, chị đoan chắc ước mơ nơi tôi sẽ thành công. Chị sẽ góp mười đồng mỗi tháng để giúp các em. Đồng thời chị khuyên tôi nên kiên nhẫn vì cuộc đời có người nọ cũng có người kia, không nên dùng kinh nghiệm đã qua làm mẫu mực đánh giá những gì sẽ tới. Chị còn nói, cứ bình tĩnh, rồi chuyện phải xảy ra, nên xảy ra, tới thời điểm sẽ xảy ra, và có nhiều lúc tôi sẽ bị ngạc nhiên... Đồng thời, chị tiếp, vấn đề quan trọng nhất phải là kiên vững, sống với, và sống cho sự thực hiện niềm mơ của mình. Phỏng tôi đang mơ?

Vâng, tôi đã mơ...

Nếu có quyền năng làm phép lạ.

Tôi sẽ biến những lá khô nơi chiếc rổ tre xổ vành ọp ẹp thành những trang giấy rẻ tiền,

Những cọng rạ trở nên bút chì,

Và vài cành cây khô em bé nhặt được nên dăm ngọn nến.

Buổi tối nơi căn nhà nghèo nàn sẽ biến thành thiên đường...

Có thiên thần ngây thơ ê a tập đánh vần quốc ngữ,

Có thiên thần chăm chỉ dặm theo nét chữ,

Có thiên thần bật cười khúc khích vì trang sách hiện lên nơi tâm trí đơn sơ hình ảnh thích chí.

 

Tôi sẽ biến những tâm hồn tăm tối thành ngọn roi tàn phá sự ngu dốt,

Những lá khô chờ mục nát sẽ trở nên hiến chương, ngạn ngữ,

Những cọng rạ khô thành thanh kiếm điêu khắc nhân quyền,

Những cành khô trở nên đũa thần soi sáng lương tâm cằn cỗi,

Và em bé nghèo nàn vơ lá khô thành thiên thần đánh đuổi bóng tối u mê.

Nếu có quyền năng làm phép lạ...

 

Lã Mộng Thường

 

 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.