TKH - banner 04

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
 
 
 
 
 
 
 
Nét Trào Phúng Qua Thi Ca
 
  Từ trước đến nay, các nhà khảo-cứu, các tâm-lý-gia Đông Tây đều đồng-ý rằng:  “Cái cười là liều thuốc bổ” hay “Nếu muốn sống lâu, lúc nào cũng nên tươi cười vui-vẻ”. Bình-dân chút nữa ta thường nghe: “Cười cho đời thêm tươi”. Hoặc trong bài “Gì Cũng Cười” đăng trong Đông-Dương Tạp-Chí, nhà văn tiền-phong Nguyễn-Văn-Vĩnh đã nhận-xét như sau: “Người Việt-Nam ta có thói lạ là gì cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười, hay cũng cười, dở cũng cười, phải cũng cười mà quấy cũng cười”.
 
  Thật vậy, hơn bất cứ dân-tộc nào trên thế-giới, có lẽ người Việt-Nam nở nụ cười nhiều nhất. Đối với dân-tộc ta cái cười đã trở thành tiếng nói, một thứ tiếng nói đa-hình, đa-dạng nên người Việt có hàng trăm kiểu cười (Xin thưa, đây là sự thật, người viết đã sưu-tầm được khoảng 400 kiểu cười của Việt-Nam. Hy-vọng trong một dịp khác chúng tôi sẽ cống-hiến quý độc-giả mấy trăm kiểu cười độc-đáo này của dân-tộc ta).
 
  Chính vì đa-hình, đa-dạng mà ta có rất nhiều kiểu cười như: cười âu-yếm, cười bẽn-lẽn, cười bí-hiểm, cười bò lăn, cười bò càng, cười bỡn cợt, cười cay đắng, cười châm-biếm, cười chế-nhạo, cười cho đời thêm tươi, cười chớt-nhả, cười chua-chát, cười chúm-chím, cười dã-man, cười dí-dỏm, cười duyên, cười đen, cười đểu, cười đĩ-thõa, cười đỏ, cười đú-đởn, cười e thẹn, cười gằn, cười giòn tan, cười gượng, cười hả-hê, cười hạ-cấp, cười hề-hề, cười híp mắt, cười hô-hố, cười hớn-hở, cười hùn, cười hụt, cười ké, cười khan, cười khanh-khách, cười khiêm-nhường, cười khinh-bỉ, cười khinh-khỉnh, cười khúc-khích, cười lén, cười lố-bịch, cười mất dạy, cười mỉa-mai, cười mím chi, cười ngả-ngớn, cười ngạo-mạn, cười ngây-thơ, cười ngoại-giao, cười nham-nhở, cười nhạo-báng, cười nhớp nhúa, cười nhức-nhối, cười phúc-hậu, cười ranh mảnh, cười ruồi, cười sặc-sụa, cười sằng-sặc, cười sâu-sắc, cười sỗ-sàng, cười Sở-Khanh, cười té đ.., cười tếu, cười tình, cười tục- tĩu, cười thâm-thúy, cười thẹn-thùng, cười thô-bỉ, cười trây-trúa, cười trí-thức, cười vô giáo-dục, cười vô liêm-sỉ, cười vô ý-thức, cười vỡ bụng, cười vu-vơ, cười xám, cười xí-xọn, cười xỏ lá, cười xòa, cười xóc hông, cười ý-nhị, cười yểu-điệu ...v...v...
 
  Cái cười của ta không những bắt gặp qua cuộc sống hàng ngày mà nó còn bàng-bạc
trong văn-chương để trang-điểm nét duyên-dáng cho nền văn-học vốn đã phong-phú lại càng phong-phú hơn. Khi đề-cập về thi-ca trào-phúng, trước hết ta phải kể đến những vần thơ trào-phúng trong ca-dao:
 
  Từ ngàn xưa, người Việt-Nam đã hiểu rõ gía-trị của tiếng cười. Người con trai chinh-phục được cảm-tình của người con gái cũng qua nụ cười:
 Chẳng tham nhà ngói rung-rinh,
 Tham vì một nỗi anh xinh miệng cười.
 
Còn người con gái đã làm cho người con trai nhớ-nhung, mê-mệt cũng vì nụ cười:
Nàng về nàng nhớ ta chăng?
Ta về ta nhớ hàm răng nàng cười.
 
Hay trúc tượng-trưng cho người quân-tử, cho nét đẹp thanh-cao cho nên gặp người con gái đẹp, người con trai đã khéo mượn hình-ảnh của cây trúc để tỏ lòng ngưỡng-mộ pha một chút hài-hước:
Trúc xinh trúc mọc đầu đình,
Em xinh em đứng một mình cũng xinh.
 
Hoặc:
Trúc xinh trúc mọc bờ ao,
Em xinh em đứng chỗ nào cũng xinh.
 
Và hài-hước hơn một chút nữa thì:
Trúc xinh trúc mọc đầu đình,
Em xinh em rớt xuống sình cũng xinh.
 
Mỹ-nhân hơn hoa ở chỗ biết nói, biết cười. Còn hoa hơn mỹ-nhân ở chỗ tỏa hương thơm cho nên khi chàng trai bỗng bắt gặp ánh mắt, nụ cười của giai-nhân thấp-thoáng ở góc vườn nhà ai, chàng không những thấy mình ngây-ngất vì hương hoa mà tâm-hồn mình còn xao-xuyến, rung-động khi nhìn người trồng hoa:
Bông chi thơm lạ hỡi bông?
Thơm cây, thơm rễ người trồng cũng thơm.
 
Ở vào lứa tuổi mới bước vào tình yêu, chàng trai nào cũng vậy thường hay nhút-nhát vì thế muốn tỏ nỗi lòng thầm kín của mình với người con gái mình yêu là một khó-khăn khôn tả. Thì đây, cái trào-phúng giúp ta chuyên-chở nỗi thầm kín đó đến đối-tượng của tình yêu:
Thương em chẳng dám vô nhà,
Thập-thò ngoài ngõ hỏi gà bán không?
 
Trai hay gái cũng vậy, khi mới bắt đầu bước vào tình-trường cũng đều rụt-rè, e thẹn. Nhất là con gái, phải kín-đáo, đoan-trang mặc dù ỏỏ Tình trong như đã mặt ngoài còn eõõ, nhưng cố che giấu tình yêu của mình bằng cách giả đò, giả bộ rất ư là dễ thương:
Vói tay ngắt lấy cọng ngò,
Thương anh muốn chết giả đò ngó lơ.
 
Trong tình yêu, có chàng rụt-rè, có chàng tỏ tình văn-hoa, phong-nhã, lịch-thiệp:
Anh đà có vợ con chưa,
Mà anh ăn nói đẩy-đưa ngọt-ngào?
Rồi người con trai hỏi lại:
Ngó lên mây bạc trời hồng,
Thương em hỏi thiệt có chồng hay chưa?
 
Hoặc là:
Bây giờ Mận mới hỏi Đào,
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?
Người con trai hỏi thì người con gái đáp:
Mận hỏi thì Đào xin thưa,
Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào.
 
Đọc những vần ca-dao dân-tộc trên ai mà không thấy tình-cảm nhẹ-nhàng, lai-láng len lén len lỏi vào tim!
Cũng trong tình-trường có người khéo hài-hước ví tình yêu của mình với người con gái một cách ngồ ngộ mà khi đọc lên ai cũng tủm-tỉm cười:
Em như cục c... trôi sông,
Anh như chó đói đứng trông bên bờ.
Khi đã yêu, trai gái thường hay hẹn-hò, hò-hẹn để thủ-thỉ, rù-rì nhỏ to tâm-sự cho vơi nỗi lòng:
Ngày ngày ra đứng đầu đình,
Chuyện trò to nhỏ có mình có ta.
Đó là ban ngày, còn ban đêm thì:
Đêm đêm ra đứng đầu nhà,
Nhỏ to trò chuyện có ta có mình.
 
Và cũng vì tình mà ta không ngại khó-khăn:
Vì tình anh phải đi đêm,
Té năm bảy cái đất êm như giường.
 
Con ma của ái-tình có mãnh-lực vô cùng quyến-rũ cho nên khi yêu nhau mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng leo cho dù khổ-cực cũng không than, không trách và nếu rủi mà cuộc tình dang-dở thì:
Chàng đi cho thiếp đi cùng,
Đói no thiếp chịu lạnh-lùng chẳng than.
Ví dầu tình có dở-dang,
Xin cho thiếp đón đò ngang thiếp dìa.
Cái cười của ca-dao cũng không quên chế-giễu những anh chàng trồng cây si hay những anh chàng mê gái:
Muốn người ta người ta không muốn,
Xách cây dù đi xuống đi lên.
 
Hay:
Có công xúc tép nuôi cò,
Nuôi cho cò lớn co giò cò bay.
Hoặc:
Bắc thang lên hỏi ông Trời,
Có tiền cho gái có đòi được không?
Nét trào-lộng cũng không quên châm-biếm mấy người đàn ông có tật hay dê:
Dê xồm ăn lá khổ qua,
Ăn nhầm đậu đũa chết cha dê xồm.
 
Nhưng mấy ông có máu dê thì lại có cái lý của mấy ổng:
Đàn ông mà không dê dê,
Đàn bà không ngựa phu-thê không nồng.
Còn đối với những cặp vợ chồng tuổi-tác chênh-lệch nhau thì ca-dao ta cũng có câu bông đùa:
Chồng già vợ trẻ là tiên,
Vợ già chồng trẻ là duyên nợ-nần.
 
Và đôi khi cái trào-phúng của ta đi quá xa khiến phái đẹp phải nhăn mặt, chau mày:
Gái Tầm-Vu một xu ba đứa,
Trai Thủ-Thừa cưỡi ngựa xuống mua.
Tuy nhiên phái kẹp tóc cũng phản-ứng phe đực rựa bằng những lời lẽ không kém phần dí-dỏm:
Ba đồng một mớ đàn ông,
Chị bỏ vào lồng chị xách chị chơi.
 
Hay một chàng đực rựa tay xách cây dù đen đi ngang qua mấy cô thiếu-nữ, bỗng một cô trong nhóm láu-lỉnh ngâm lên hai câu ca-dao rất “tếu” để trêu chọc khiến chàng trai đỏ mặt bước mau còn các cô thì xúm nhau cười khúc-khích:
Tối qua em mất quần thâm,
Sáng nay em thấy người cầm ô đen.
“Làm trai cho đáng làm trai. Xuống đông đông tĩnh, lên đoài đoài tan” chứ làm trai mà đi ăn cắp quần của phụ-nữ về may dù thì ... kỳ lắm à!
Tình yêu nào mà chẳng có giận hờn, ghen tuông? Nhất là đối với phụ-nữ, sự ghen tuông là bản-tính tự-nhiên của họ cho nên dân-gian có câu:
Ớt nào là ớt chẳng cay,
Gái nào là gái chẳng hay ghen chồng.
Vôi nào là vôi chẳng nồng,
Gái nào là gái có chồng chẳng ghen.
 
Có điều là mỗi người biểu-lộ sự ghen tuông một cách khác nhau. Có người khi ghen thì đỏ mặt, tía tai, nổi giận đùng đùng:
Em đang bắc nước nấu xôi,
Nghe anh lấy vợ quăng nồi đá vung.
Người khác khi nổi cơn ghen thì đầu óc vật-vờ, tay chân bủn-rủn, rụng-rời:
Em đang vút nếp nấu xôi,
Nghe anh lấy vợ thúng trôi nếp chìm.
 
Không phải tình yêu nào cũng đưa đến hạnh-phúc theo sự ước muốn của mình. Nhiều khi các cô vớ phải những anh chồng không chịu chăm lo làm ăn mà còn chơi bời, cờ bạc nên than vắn, thở dài:
Chồng em nó chẳng ra gì,
Tổ-tôm, xóc đĩa nó thì chơi hoang.
Nói ra xấu thiếp hổ chàng,
Nó giận nó phá tan hoang cửa nhà.
 
Đề-cập đến cảnh vợ chồng thiếu hạnh-phúc, ngày xưa xã-hội ta có tục ép duyên con cái, nhất là con gái. Rồi các cụ lại còn tự hỗ-trợ tục-lệ hủ-lậu của mình bằng câu: “Cha mẹ đặt đâu, con cái ngồi đó”. Để đả phá tục-lệ hủ-lậu này, ca-dao ta châm-biếm:
Mẹ em tham thúng xôi dền,
Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh-Hưng.
Em đã bảo mẹ rằng: Đừng!
Mẹ hấm, mẹ hứ mẹ bưng ngay vào.
Bây giờ chồng thấp vợ cao,
Như đôi đũa lệch so sao cho vừa?
 
Câu “Cha mẹ đặt đâu, con cái ngồi đó” ngày nay đối với người Việt hải-ngoại đã được sửa lại thành:  “Con cái đặt đâu, cha mẹ ngồi đó”.
Bên cạnh những cảnh thiếu hạnh-phúc, cũng có những cái hạnh-phúc trong thanh-bần hay “Một túp lều tranh, hai quả tim vàng” rất ư hài-hước:
Râu tôm nấu với ruột bầu,
Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon.
 
Hoặc:
Chồng ta áo rách ta thương,
Chồng người áo gấm xông hương mặc người.
 
Trong cuộc sống hàng ngày, ta thấy có những anh chồng hay những chị vợ khù-khờ, kém thông-minh. Cái trào-phúng của ta không quên bông đùa:
Một đêm quân-tử nằm kề,
Còn hơn thằng ngốc vỗ-về trăm năm.
 
Hay:
Ba năm ở với người đần,
Không bằng một chốc đứng gần người khôn.
Và:
Thứ nhất vợ dại trong nhà,
Thứ nhì trâu chậm, thứ ba rựa cùn.
Ngày xưa, mẹ chồng thường hà-khắc với nàng dâu nên các cô gái ngày xưa rất
“ớn” về làm dâu nhà chồng. Còn các nàng dâu ngày nay thì đã có các “Phong-Trào Giải-Phóng Phụ-Nữ “đứng sau lưng hay “Đời Mới,
Phụ-Nữ Mới” cho nên các nàng dâu ngày nay thường ngâm-nga câu:
Ai ơi chồng dữ thì lo,
Mẹ chồng mà dữ mổ bò ăn khao.
Và khi đã trở thành gia-thất, giới phụ-nữ ai mà không mơ ước có được những tấm chồng như sau:
Đêm nằm thì ngáy o o,
Chồng thương chồng bảo ngáy cho vui nhà.
Đi chợ thì hay ăn quà,
Chồng thương chồng bảo về nhà đỡ cơm ...
 
Sau ca-dao, nói về trào-phúng, ta phải đề-cập đến hai nhà thơ tiêu-biểu của làng thơ này, đó là Tú-Xương và Hồ-Xuân-Hương. Tú-Xương tên thật là Trần-Tế-Xương, người làng Vị-Xuyên, đỗ Tú-Tài nên được gọi là Tú-Xương. Ông đã tự tả về mình một cách hóm-hỉnh như sau:
Vị-Xuyên có Tú-Xương,
Dở dở lại ương ương.
Cao-lâu thường ăn quịt,
Thổ-đĩ hay chơi lường.
 
Hoặc:
Một trà một rượu một đàn bà,
Ba cái lăng-nhăng nó quấy ta.
Chừa được thứ nào hay thứ ấy,
Có chăng chừa rượu với chừa trà.
 
Hay bài “Nhắn Chị Hằng” của ông cũng không kém dí-dỏm:
Tôi có nghe người ta nói rằng,
Nói rằng thằng Cuội ở cung trăng.
Lấy ai không lấy, lấy thằng Cuội,
Cũng gớm gan thay cái ả Hằng!
 
Còn nữ-sĩ Hồ-Xuân-Hương thường được nhắc đến với những vần thơ “Lời tục, ý thanh” qua các bài như “Cái Quạt”,  “Cái Giếng”, “Trái Mít”, “Cờ Ngườí”..v...v....
nhưng sự thực văn-tài của nữ-sĩ không chỉ cô-đọng trong những vần thơ ấy mà còn ở những ý-tưởng phóng-khoáng, hài-hước đầy ý-nhị.
Đọc thơ của nữ-sĩ, trong nhiều bài ta văng-vẳng nghe thây cha, cha kiếp, mặc mẹ, chém cha...
Rúc-rích thây cha con chuột nhắc,
Vo-ve mặc mẹ cái ong bầu.
 
Hoặc:
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung!
Và hai-hước hơn một chút thì:
Một đàn thằng ngọng đứng xem chuông,
Chúng bảo nhau rằng ấy ái uông ...
Về nét trào-phúng của nữ-sĩ, ta hãy nghe bài “Ngủ Quên” như sau:
Mùa hè phây-phẩy gió nồm đong,
Thiếu-nữ nằm chơi quá giấc nồng.
Lược trúc biếng cài trên mái tóc,
Yếm đào trễ xuống dưới nương long.
Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm,
Một lạch đào nguyên suối chửa thông.
 
Đây không phải là một giấc ngủ say mà là gió mát làm cho thiếu-nữ ngủ thiếp đi, không định ngủ mà lịm đi... Nữ-sĩ đã khéo phác-họa nên một bức tranh mà trong đó thiếu-nữ vì ngủ quên nên đã hớ-hênh để lộ những đường nét tuyệt-mỹ đầy quyến-rũ trên cơ-thể mình. Bức tranh này làm ta liên-tưởng đến bức tranh tuyệt-tác mà Nguyễn-Du đã vẽ nên khi nàng Kiều đang tắm:
Buồng the phải buổi thong-dong,
Thanh lan rũ bức trướng hồng tẩm hoa.
Rõ màu trong ngọc trắng ngà,
Dày dày sẵn đúc một tòa thiên-nhiên.
 
Có lẽ Nguyễn-Du và Hồ-Xuân-Hương là hai nhà thơ duy nhất đã táo-bạo đưa chân-dung khỏa-thân vào nền thi-ca cổ-điển Việt-Nam.
Cái trào-phúng của nữ-sĩ Hồ-Xuân-Hương còn phóng-khoáng hơn nữa, người ta kể rằng nữ-sĩ có dựng lên một cái quán nước buôn-bán theo kiểu văn-nghệ để có cơ-hội tiếp-xúc với giới văn-nhân thi-sĩ, đồng thời để ... kén chồng. Một trong những người thường lui tới và chiếm được cảm-tình của nữ-sĩ là ông Phạm-Đình-Hổ, tục gọi là Chiêu-Hổ. Cả hai đều mang bản-tính phóng-khoáng và ưa đùa, cho nên đùa lâu trai gái cũng như rơm gần lửa thì bén. Một hôm cả hai đang ngồi bên bờ hồ ngắm cảnh, ngâm vịnh. Trước phong-cảnh hữu-tình, không biết ông Chiêu-Hổ “tay chân táy-máy “thế nào khiến nữ-sĩ nghiêm mặt trách móc:
Anh đồ tỉnh hay anh đồ say,
Sao anh ghẹo nguyệt giữa ban ngày?
Này này chị bảo cho mà biết,
Chốn ấy hang hùm chớ mó tay.
 
Ông Chiêu-Hổ hơi ngượng vì bị cự tuyệt, lại còn bị bà Hồ-Xuân-Hương lên lớp với giọng “đàn chị” song cũng gượng đáp:
Nào ai tỉnh nào ai say,
Nào ai ghẹo nguyệt giữa ban ngày.
Hang hùm ví chẳng không ai mó,
Sao có hùm con bổng chốc tay.
 
Nhưng rồi không thấy giai-thoại nào nói đến ông Chiêu-Hổ có “mó” được hay không mà chỉ biết về sau nữ-sĩ lấy làm lẽ quan tri-phủ Vĩnh-Tường. Cuộc đời lẽ mọn có nhiều nỗi bất-công cho nên, vốn mang sẵn tính hài-hước, bà đã thốt lên những vần thơ dí-dỏm:
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung,
Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh-lùng.
Năm thì mười họa nên chăng chớ,
Một tháng đôi lần có như không.
Cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm,
Cầm bằng làm mướn, mướn không công.
Thân này ví biết dường này nhỉ,
Thà trước thôi đành ở vậy không.
 
Bất-hạnh thay, cuộc tình lẽ mọn của nữ-sĩ kéo dài chẳng được bao lâu thì ông phủ Vĩnh-Tường ngàn thu vĩnh-viễn ra đi. Về sau, nữ-sĩ lại “bước thêm một bước nữa” với một ông cai tổng góa vợ, tục gọi là Tổng Cóc. Nhưng cũng chỉ vài năm sau là Cóc... chết!
Từ đó, nữ-sĩ “ở vậy” không lấy chồng nữa, chỉ vui với thiên-nhiên, làm thơ vịnh cảnh, ngao-du sơn-thủy.
Thực ra, làng thơ trào-phúng còn rất nhiều nhà thơ khác song không ai có tầm vóc hài-hước bằng Tú-Xương và Hồ-Xuân-Hương nên về sau thơ trào-phúng đã trở nên loãng và nhạt dần. Tuy nhiên, trước năm 1975, người viết cũng thấy xuất-hiện rải-rác những bài thơ trào-phúng, phần lớn chỉ phát-triển trong giới học trò. Trong số này có một vài bài khá dễ thương như:
Lần thứ chín em ngồi chép phạt,
Mấy mươi câu chép mãi chẳng xong.
Bà giám-thị cầm lên chỉ thấy,
Chủ-nhật này trẫm nhớ ái-khanh không?
 
Hay:
Em nói rằng em chửa biết yêu,
Ngây-thơ như mây trắng ban chiều,
Mây trắng chiều nay sao lại khóc,
Hay là mây trắng khổ vì yêu?
Hoặc:
Người ấy tặng tôi một cánh hồng,
Làm tôi khó nghĩ và bâng-khuâng.
Nhận ư ? Có lẽ còn hơi sớm,
Từ chối ? Eo ơi, sợ mất lòng!
 
Bên cạnh đó, cũng trong giới trẻ, còn xuất-hiện khá nhiều bài thơ hoặc những đoạn thơ mang tính-chất “Tếu” được nhái lại từ những bài thơ của các thi-sĩ nổi tiếng như Thế-Lữ, Hàn-Mặc-Tử, Nguyễn-Bính, Hồ Dzếnh, Nguyên-Sa, T.T.KH...
Về thơ của Thế-Lữ, nguyên-văn như sau:
Gặm một khối căm-hờn trong cũi sắt,
Ta nằm nghe ngày tháng trôi dần qua.
Khinh lũ người kia ngạo-mạn ngẩn-ngơ,
Giương mắt bé, giễu oai-linh rừng thẳm.
Thì được ai đó có óc trào-lộng nhái lại:
Gặm một miếng thịt bò trong cháo nóng,
Ta nằm dài lần-lượt nuốt rồi nhai.
Giương mắt lé, bĩu môi rồi tặc lưỡi,
Miệng chửi thề thịt dai quá đi thôi.
 
Khi tình yêu tan-vỡ, người con gái ra đi để lại cho chàng trai bao nỗi oan-khổ vì tình.
Vì tình mà tâm-hồn điên-đảo, vì tình mà áo-não tâm-cang cho nên Hàn-Mặc-Tử đã mài mực viết:
Người đi một nửa hồn tôi chết,
Một nửa hồn kia bỗng dại khờ,
Được nhái lại bằng hai câu thơ rất ư là tếu:
Người đi một nửa hồn tôi khoái,
Một nửa hồn kia hớn-hở cười.
Còn thơ của Nguyễn-Bính nguyên-văn như sau:
Nếu biết rằng em đã lấy chồng,
Tôi về lấy vợ thế là xong.
Vợ tôi không đẹp bằng em mấy,
Nhưng đẹp hơn em cả tấm lòng.
 
Thì được mấy anh chàng bị người yêu “phụ-bạc” nương lại một cách cay-cú:
Nếu biết rằng em đã lấy chồng,
Trời cho rắn hổ cắn em không.
Mèo tha chó táp người phụ-bạc,
Như thế thì anh mới hả lòng.
 
Hay nhẹ nhẹ một chút, bị người đẹp cho”leo cây” hư nguyên-văn thơ của Hồ-Dzếnh:
Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé,
Để lòng buồn anh dạo khắp trong sân.
Nhìn trên tay thuốc lá cháy lụi dần,
Anh khẽ bảo: Gớm, sao mà “nhớ” thế!
 
Thì được nhái lại:
Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé,
Để lòng buồn anh dạo khắp trong sân,
Nhìn trên tay thuốc lá cháy lụi dần,
Anh khẽ bảo: Gớm, sao mà “đểu”thế!
 
Việt-Nam ta có câu thành-ngữ “sư tử Hà-Đông” để chỉ những người đàn bà hung dữ, như ta thường nghe: “Bà đó dữ như sư tử Hà-Đông”. Cho nên, những đoạn thơ lãng-mạn của Nguyên-Sa, nguyên-văn như sau:
Nắng Sài-Gòn anh đi mà chợt mát,
Bởi vì em mặc áo lụa Hà-Đông.
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng,
Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng...
 
Được nhái lại bằng những vần thơ khá khôi-hài:
Nắng Sài-Gòn anh đi mà chợt mát,
Bởi vì em mặc áo lụa Hà-Đông.
Lụa Hà-Đông đan bằng lông sư tử,
Em mặc vào giống sư tử Hà-Đông.
Và nguyên-văn thơ của T.T. KH:
Người ấy thường hay vuốt tóc tôi,
Thở dài những lúc thấy tôi vui.
Bảo rằng hoa dáng như tim vỡ,
Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi.
 
Thì được nhái lại bằng những vần thơ khó... nín cười:
Người ấy thường hay vuốt tóc tôi,
Thở dài những lúc tóc tôi hôi.
Bảo rằng tóc em nhờn những mỡ,
Anh sợ đầu em sẽ hói thôi...
 
Càng bàn về thi-ca trào-phúng nói riêng, thi-văn Việt-Nam nói chung, chúng ta càng thấy sự giàu đẹp và phong-phú của tiếng nước ta. Càng hãnh-diện về ngôn-ngữ của dân-tộc ta, chúng ta càng yêu mến quê-hương chúng ta. Càng yêu mến quê-hương, chúng ta càng cố-gắng bảo-tồn và phát-huy kho-tàng văn-hóa nước nhà mà ông cha chúng ta đã tốn nhiều công lao bồi đắp.
 
Lê Thương
Richmond - Virginia - 09-2006
USA

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC