TKH - banner 02

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 1 / 5

Star ActiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 
                                   
Giới Thiệu Về Tác Giả Lê Minh Thuận:

    Giáo Sư Lê Minh Thuận là tác gỉa bài viết :  “GIÁO GIÀ ĐÔNG DU KÝ”. Ông là một nhà Giáo kỳ cựu đã từng dạy nhiều trường tại Vĩnh Long:
.Trung Học Bán Công Nguyễn Thông (1955)
.Trung Học Tống Phước Hiệp(1965-1969)
.Trung Học Long Hồ (1965-1968)
.Hiệu Trưởng Trường Nam Trung Học Thủ Khoa Huân(1969-1973)        
    Qua bài viết,tác giả cho ta thấy: “Tình Bằng Hữu Nghiã Thầy Trò”là một mối Tình Thiêng Liêng,một niềm an ủi lớn lao cho những người suốt Đời chọn Nghiệp Giáo.Mối tình cảm Qúy báu đó không phải chỉ thể hiện riêng cho Khung Trời Trường PTG,trái lại nó có tính cách phổ quát,bàng bạc trong Tâm Hồn nhà Giáo khắp nơi mà trong đó có TÌNH BẰNG HỮU NGHĨA THẦY TRÒ của Trường Nam Trung Học Thủ  Khoa Huân.Vĩnh Long.

Thân Ái,
Nguyễn Hữu Chánh

 
alt

  LTG:                                 
     Tôi đến Sydney vào những ngày thành phố chuẩn bị đón mừng Giáng sinh 2010. Chuyến Đông du nầy, ở tuổi “ngấp nghé 80”, Giáo Già không phiêu lưu như chú Dế Mèn của Nguyễn Công Hoan, mà chỉ đến với những bạn bè, đồng nghiệp, cựu học sinh Phan Thanh Giản, mà 52 năm rồi  xa mặt nhưng không cách lòng.
Nghĩ rằng từ 14 năm qua, những Đặc san PTG-DTD Mỹ châu, Úc Châu là linh hồn của Đại Gia đình PHAN THANH GIẢN-ĐOÀN THỊ ĐIỂM chúng ta, tôi xin nhờ Đặc san Úc Châu 2011 nầy làm gió bốn phương đưa giây phút trải lòng của tôi đến tất cả những bạn bè, đồng nghiệp, quí Niên trưởng, những cựu học sinh PTG-DTD, còn ở quê nhà hay bên bờ đại dương nghìn trùng xa cách.
Cám ơn Ban Biên tập, nếu xét thấy được, qua những dòng nầy, cho tôi bước vào không gian “Giây phút lặng thầm,  Ai còn ai mất” trong Đặc San Úc châu 2011.

Lê Minh Thuận


     Tôi còn nhớ, cách đây gần 10 năm, vào khoản 12g trưa Việt Nam, một cú điện thoại từ Úc gọi về. “Em là Huỳnh Long Vân đây …”. Kết thúc cuộc thăm hỏi, chuyện trò là  “… Nếu Thầy có bịnh gì cần thuốc mà ở Việt Nam không có hay không có bán, Thầy cho em biết, em sẽ gời về cho Thầy. Em hiện có nhà thuốc Tây ở Sydney…”. Là người bị bịnh “chê”, nên tôi không mừng vì có thể nhận được thuốc quí khi hữu sự, nhưng cảm thấy ấm lòng trước lời đề nghị đầy tình nghĩa ấy.
Khoảng năm 2008,  trước khi về Việt Nam dự Lễ An vị tượng  Cụ PHAN THANH GIẢN ở Bến Tre, Vân gởi email hẹn tôi đến ……ở Sài Gòn lúc 03 giờ sáng ngày  .…. (tôi quên ngày nào) ”để cùng đi xe với vợ chồng em đến Bến Tre vào 07 giờ sáng cho kịp dự Lễ…”.  Tôi  cũng rất háo hức chuyến đi nầy, trước là vì  mừng cho một danh nhân được Lịch sử trả lại sự công bằng, (dựng lại tượng sau khi đã phá đổ), sau là thầy trò có dịp sẽ gặp lại nhau sau hơn 50 năm xa cách.
      
03g15 rạng sáng thứ bảy, tôi đang ngon giấc thì giật mình vì điện thoại reo  ;
-    Em là Vân đây, thầy đi đến đâu rồi thầy ?
Tôi chưa tỉnh trí và hơi bối rối khi nhớ lại cuộc hẹn và biết Vân đang đợi :
-    Uả, em hẹn sáng chúa nhựt mà !
-    Không, thứ bảy chứ không phải chúa nhựt. Hôm nay là thứ bảy !

     Vì chưa thay quần áo, cũng chưa sắp xếp va-li, vả lại còn phải mất thêm ít nhất 30 phút nữa mới kêu xe đi đến điểm hẹn, tôi đành bảo Vân đi trước, đừng đợi. Tiếc vô cùng, không sao ngủ lại được. Sáng sớm, tôi mở máy.quả nhiên trong email, giấy trắng mực đen ghi rõ ràng “ngày thứ bảy … ” Thế mới biết mình lẩm cẩm đến mức mắt đọc thứ bảy mà đầu cứ nhớ là chúa nhật, lại còn “đổ thừa” Vân “em ở bển mới về, giờ giấc chưa quen, coi chừng tính lộn ngày… ”.  Sau đó, vì công việc dồn dập, cả hai chúng tôi cũng không gặp được nhau ở Sài Gòn.
     Vì thế, khi đã quyết định đi Úc, người đầu tiên tôi báo tin là Huỳnh Long Vân, học sinh Trường PHAN THANH GIẢN Cần Thơ, nay là TS. Huỳnh Long Vân ở Sydney, có nhiều hoạt động hữu hiệu trong việc khôi phục sự Công bằng của Lịch sử đối với Danh nhân PHAN THANH GIẢN, một Đại Thần thanh liêm, một Nhà Yêu Nước lớn.

16-12-010 :  THẦY CŨ TRÒ XƯA, HAI ÔNG GIÀ

     Tôi đến Sydney ngày 10.12.2010. Nhà Vân cách nhà cháu ngoại tôi chỉ 5 phút lái xe, thế mà phải đến lần thứ ba, thầy trò mới gặp được nhau sau hai lần “cút bắt”, đúng là “sự bất quá tam”.
Trước giờ hẹn gặp, tôi cố gắng, nhưng không làm sao hình dung được gương mặt “Huỳnh Long Vân, học sinh lớp Đệ Tam B2 niên khóa 1958-1959 Trường PHAN THANH GIẢN”.  May thay, nhờ “Gia phả” các thế hệ học sinh đi qua đời tôi, một cuốn Sổ Bìa Nâu mà giờ đây nét bút mờ, giấy vàng ố, rách dán nhiều nơi, tôi biết thêm :
                                         
Kết quả Pháp văn Lớp 3B2 (1958-1959)

 LCN I  (Học kỳ I)                       :                       LCN II  (Học kỳ II)
                                                                        
Hạng 1  :  Lương Lân Chương   14,0  đ         Hạng 1: Huỳnh Long Vân      14,5 đ
Hạng 2  :  Ngô Hữu Nghĩa            13,5         Hạng 2 : Lương Lân Chương    14,0    
Hạng 2  :  Trần Tấn Thiệt              13,5         Hạng 2 : Ngô Hữu Nghĩa           14,0           
Hạng                 .   .   .   .   .   .   .   .              Hạng 2 : Danh Nhanne            14,0
Hạng     8 :  Huỳnh Long Vân           12,0 :    Hạng 5 : Trần Tấn Thiệt             13.0 

     Qua đó, cả lớp thấy, trong các “cây” Pháp văn, Huỳnh Long Vân là tiến bộ nhất trong môn của “Pháp sư” ( học sinh “âu yếm” hiểu theo nghĩa Thầy Pháp bắt bùa) Lớp có 3 Đám Mây :  Huỳnh Long Vân, Nguyễn Thanh Vân và Trần Ngọc Vân.
Một ngẫu nhiên lý thú : Trong sơ đồ lớp, từ bàn Giáo sư nhìn xuống, Thiệt, Vân (Huỳnh), Chương ngồi dãy tay trái, bàn đầu, sát bàn Giáo sư, “gần mặt trời”. Thứ tự từ trái sang phải là : Thiệt, Vân, Chương. Chữ Thiệt, ngoài nghĩa là Lưỡi, còn là âm đọc trại của chữ Thật (Vd: Tôi nói thiệt mà), Chương  nghĩa là sáng rõ, rực rỡ.  Vậy : Thiệt, Vân, Chương nghĩa là : Thật (đúng là đám) mây rực rỡ (vì ) gần mặt trời. Và hai mây kia (Ngọc Vân, Thanh Vân) ngồi bàn 6 và 7, xa mặt trời, nên sáng ít hơn về Pháp văn..
Đó là những gì tôi còn biết về Huỳnh Long Vân, học sinh năm 1959 ở Cần Thơ. Giờ xin nói tiếp về Huỳnh Long Vân “chủ nhà thuốc Tây” ở Sydney năm 2010..         

     Đúng hẹn, 18 giờ ngày 16.12.2010, Vân bước vô nhà cháu ngoại tôi. Nếu gặp nhau  ngoài đường, chắc chắn tôi không thể  nào nhận ra được cậu học trò 52 năm về trước.  Và ngược lại, chắc Vân cũng  không sao nhận ra được ông già đang trước mặt mình, ngày xưa  là ông thầy giáo thỉnh thoảng “lấn sân” Bác sĩ, trị bịnh lười của học trò mình bằng “zéromycine”. Trước mắt tôi hôm đó, nói theo các cụ ngày xưa, Vân là một “người tuổi lục tuần, diện mạo thanh tú, tác phong thanh lịch, y trang thanh nhã”.

     Sau phút tay bắt mặt mừng, hàn huyên ngắn ngủi, Vân đưa tôi về nhà và giới thiệu “bà xã”. Lướt qua vài phòng trong nhà, nhìn ra sân trước sân sau, “trước là cây kiểng, sau là hồ bơi”. Quả là cơ ngơi của “một đại gia” hay “người thành đạt”, nói theo từ ngữ hiện nay. Rồi thì cả ba cùng đến một nhà hàng khi thành phố đã lên đèn. Thôi thì chuyện xưa chuyện nay, chuyện vui chuyện buồn, chuyện gần chuyện xa , chuyện trên trời dưới đất, chuyện giông tố cuộc đời, chuyện “ngày ấy, bây giờ”… Tội nghiệp, bà xã của Vân chịu trận, “bị” ngồi nghe suốt một buổi tối.
     Trên đường về,  êm ấm trong xe khi bên ngoài trời đêm se lạnh, bất giác, tôi nghĩ : 52 năm trước, không ai trong hai chúng tôi ngờ được rằng, hơn nửa thế kỷ sau, ở một nơi “nghìn trùng xa cách” quê hương, ông thầy trẻ trước kia đã gián tiếp “dạy học sinh cua gái” trong lớp học, giờ đây “ngấp nghé” 80, ngồi bên cạnh cậu học trò ngày xưa, bây giờ cũng ‘ngấp nghé” là thành viên Câu lạc bộ U.70 rồi. Bỗng dâng lên trong tôi một cảm giác lâng lâng,  nhẹ nhàng, vui vui, thích thú …
 
 
alt

19-12-2010 : HỌP MẶT ĐỒNG MÔN ĐỒNG HƯƠNG Ở SYDNEY

     Ngày 19-12, có cuộc họp mặt các cựu học sinh PTG-DTD và đồng hương Cần Thơ tại nhà hàng MINH Restaurant, ở Dulwich Hill, của cố GS Trương Quang Minh. Tôi đến đó với vợ chồng em Vân.  Đưa tôi vào nhà, Chị Bích Thủy chỉ  :  “ Đây, anh Minh đã nằm trên chiếc giường nầy vào những ngày cuối đời, khi trở bịnh nặng…” . Nhìn chiếc giường trống trải, lạnh lùng, tôi bùi ngùi nhớ lại thời 1957-1958 ở Cần Thơ. Lúc ấy, anh chị Minh và vợ chồng tôi là bộ tứ : chồng đồng nghiệp chồng, vợ đồng nghiệp vợ,  lại đồng cả nhiệm sở. Hai ông cùng dạy  PHAN THANH GIẢN, hai bà cũng cùng dạy Trường Nữ . Lại nhớ, trên chuyến xe đò Cần Thơ – Rạch Giá dịp nghỉ hè, gần suốt hành trình, bốn chúng tôi huyên thiên cười nói râm rang, khô cả môi miệng (lúc bấy giờ chưa có nước đóng chai để mang theo xe). Giờ đây, muốn nghe lại giọng nói chẫm rãi nhỏ nhẹ, muốn thấy lại “nụ cười mủm mỉm như con gái” của anh MINH, hởi ôi làm thế nào được ???!!! Tôị định xin chị Bích Thủy cho tôi đứng cạnh chiếc giường trống trải lạnh lùng ấy, chụp một tấm ảnh, “chỉ một mình tôi với chiếc giường”. Nhưng lúc ấy bạn bè đến vây quanh lấy chị. Vả lại, tôi ngại lời đề nghị của mình có thể làm không khí buổi họp mặt mất vui. Lòng dặn lòng sẽ trở lại sau, chụp cũng không muộn, còn dịp  mà. Nhưng “rồi bị rồi tại”, đến ngày về Việt Nam cũng không thực hiện được. ANH MINH ƠI ! XIN ANH HIỂU CHO MÌNH NGHE ANH !  Điều nầy, chính “Chị Minh” đến bây giờ vẫn chưa biết, trừ phi đọc những dòng nầy.
        
     Đầu buổi họp mặt, bạn bè đến lai rai. Càng về  trưa càng đông, những ai đến trễ thường  mở đầu bằng nụ cười tạ lỗi với những “đủ thứ bị tại” dễ dàng được chấp nhận, nếu “biết điều” nhấp ly rượu phạt. Càng đông thì càng vui. Riêng tôi, được ăn, được nói, được gói mang về : “chiến lợi phẩm” không phải cướp được từ tay địch, mà nhận được từ những bàn tay nghĩa tình. Bao nhiêu là Đặc san, băng đĩa về các Đại Hội PTG-DTD ở Mỹ, ở Canada, ở Úc, công trình nghiên cứu khoa học, đề nghị biện pháp phát triển đồng bằng sông Cửu Long và Cần Thơ, tuyển tập  thơ đượm tình hoài hương, nói lên nỗi nhớ thương da diết…Tất cả thể hiện tấm lòng của những người con của Cần Thơ, tuy bất đắc dĩ phải rời bỏ quê hương yêu dấu, vẫn luôn nặng lòng với nơi cắt rốn chôn nhau…
         
     Ngoài túi quà nặng ký, cả nghĩa đen lẫn bóng, tôi còn học thêm được một điều, qua các chuyện tếu, khi các ly rượu vừa cạn lại đầy, đầy rồi lại vơi . Tạm gọi là điều ấy là “cái’. Không phải là “cái” mà nam có, nữ không có, hay ngược lại, “cái” mà nữ có nam không có. Nó là “cái” mà nam phụ thanh tráng lão đều có, chỉ có ấu là không có. Trong cuộc sống, ai cũng cần có Nó, muốn có Nó, ai cũng từng biết Nó, nhưng không ai biết màu sắc của Nó. Tôi không hay nói dài dòng, quanh co, luẩn quẩn, ngoắc ngoéo, ngoằn ngoèo, chỉ thích nói cái gì mà người ta diễn tả chỉ bằng 2 từ, còn tôi “thì mà là chốt lại, vắn tắt, ngắn gọn” trong 7 dòng chữ mà thôi. Xin nói mau NÓ đó là. TÌNH YÊU.
Hôm đó, qua câu đố “Tình Yêu MÀU GÌ ? “, tôi mới vỡ lẽ, biết được MÀU SẮC của Tình Yêu. Thì ra, đó là màu của một trái cây…

09-01- 2011 :  HỌP MẶT  ĐẦU NĂM TÂY CUỐI NĂM TA
   
     Qua chỉ có 4 thông tin ngắn gọn: “Anh Quí / 17 giờ ngày 09.01/ số 10 Curtis Cherrybrook/ Thầy Thuận”, thế mà hai người, chưa từng quen nhau, chưa biết mặt nhau, lại tay bắt mặt mừng, hồn nhiên vui vẻ như đã biết nhau từ lâu. Đó là lúc CHS Lâm Quí đến nhà tôi để đưa đến nhà Niên trưởng Nguyễn Kim Quang. Quả là có sợi giây tình cảm vô hình “kết” chúng tôi với nhau ngay từ giây phút ban đầu. Chỉ vì chúng tôi có chung nhau ba từ  : PHAN / THANH / GIẢN, thầy PTG, trò PTG. Thân thương làm sao, ấm áp làm sao khi mà,  nơi “nghìn trùng xa cách” quê hương nầy, những người con của Cần Thơ nghe đến tên Mái Nhà Xưa của thời “nhất quỉ nhì ma, bao là kỷ niệm” của mình.
     Chuyện trò râm ran trên đường, sau non 1 giờ lái xe, chúng tôi đến Cecil Hills, địa điểm họp mặt “đầu năm tây cuối năm ta”. Khi phố đã lên đèn thì dạ dầy của mọi nguời cũng lên tiếng. Sau “nghi thức” có thực mới vực được đạo, là rôm rả nói cưởi những chuyện tâm tình ấm lạnh giữa những người “thêm một tuổi xa quê”.
Rồi thì chuyện Đại Hội PTG 2011 do Sydney tổ chức, chuyện Đặc san Úc châu cũng do Sydney phụ trách, chương trình Văn nghệ sắp tới …..
     Riêng tôi, vì nợ một bữa cơm “đạm bạc”, nhiều chất đạm và nhiều tiền bạc, và một chiếc bánh Sinh Nhật của nữ thi sĩ HƯƠNG CHIỀU, nên bị buộc phải hứa “đóng phí” bằng một bài cho Đặc san 2011. Vì thế, những dòng kể chuyện đâu đâu, lẩm ca lẩm cẩm nầy đến với các bạn hôm nay.
     Đây là cuộc tương phùng không phải muốn là được, phải hội tụ bao nhiêu là cơ duyên, phải vượt qua biết bao “bị tại”, kể từ khi tôi rời TRƯỜNG PHAN đến nay,  đã 52 năm trời  … Trước khi đến dự buổi họp mặt, tôi định “không say không về”, nhưng hoàn cảnh thực tế, mọi người đều phải lái xe về nhà, nên đành phải chén đầy chén cạn qua mấy vần thơ sau đây :

Họp Mặt Sydney

Thầy trò họp mặt Sydney,
Gió đời đưa đẩy, cách ly tương phùng.
Đêm nay ta hãy tưng bừng
Chén  đầy, chén cạn, chén mùng chuyền tay.
Uống đi ! Uống nhớ đừng say !
Đường về tỉnh táo mới tay anh hào.
Uống đi ! Nào uống đi nào !
Ấm môi, ấm chuyện, ấm vào trong tim.


     Trên đưòng về tài xế Tâm thay tài xế Quí đã về trước khi tàn tiệc, vì sáng hôm sau phải đi làm. Hậu phương là mỹ nhân Ngọc Mai, được biết đến nhiều hơn dưới bút danh HƯƠNG CHIỀU.  Dạ tiệc làm tôi trẻ lại như thuở còn ở Trường Phan. Đến nhà, xuống xe, lòng tôi thơ thới nhẹ nhàng, nhưng tay lại nặng chiếc bánh Sinh Nhật của nhà thơ nữ duy nhất trong Thi đoàn … (Quên Mất Tên).

19-01-2011 : ĐI MELBOURNE

alt

     Đến Sydney chưa được một tuần thì một hôm tôi nhận được email của CHS Bùi Hữu Trạng, báo tin “ sẽ mua vé máy bay mời Thầy đi Melbourne từ 19 đến 27.01.2011, lo nơi ăn ở , vì tình nghĩa Thầy trò”.
Máy bay hạ cánh phi trường Melbourne lúc 10 giờ đêm. Trời trở lạnh dù sáng hôm đó ở Sydney tôi cảm thấy thời tiết gần như ở Việt Nam. Đúng như người Melbourne nói nửa đùa nửa thật : Ở đây một ngày có bốn mùa : sáng xuân, trưa hạ, chiều thu, đêm đông..   Đón tôi tại sân bay là ba CHS Nguyễn Huy, Nhân (xin lỗi, tôi quên họ) và Bùi Hữu Trạng.. Xa xa, tôi nhìn thấy hai người đàn ông, một “có tuổi” và một trẻ hơn, đứng đón tôi. Nhờ được báo trước, tôi biết một trong hai là Nguyễn Huy. Điều đầu tiên, khi ôm lấy vai Huy, tôi để ý đến bộ ria mép muối tiêu.  Nếu tình cờ gặp nhau ngoài phố, chắc chắn tôi không thể nhận ra ông già có bộ ria mép kia là cậu học sinh lớp 3B1 niên khóa 1957-1958 ngày nào. Đã hơn nửa thế kỷ rồi còn gì ! “  Ngưởi “trẻ hơn” là em Nhân. Chúng tôi ra xe, có Bùi Hữu Trạng đứng chờ. “Sợ thầy đói bụng” Trạng lái xe đi lòng vòng tìm quán ăn. Phố đã vắng ngưởi, đến hai ba quán quen, cửa. đã đóng. Cuối cùng, một quán còn mở cửa, hình như không còn khách. Mừng quá, cả nhóm quyết định “ nếu chỉ còn mì gói, chế nước sôi cũng được”. May thay, cũng còn vài món “ăn được”. Tôi không đói lắm  nhưng vì bên ngoài trời lạnh nên ăn vô ấm bụng, mà nhất là rất ấm lòng vì sự chịu khó và chăm lo của các em.  

     Sáng hôm sau, Trạng đến nhà Huy đón tôi, mang theo một áo veste vì biết tôi bỏ quên áo lạnh ở Sydney. Sau đó, cả ba đến “cơ  ngơi” của ông chủ Nhân (mà cũng là chủ nhân), một cửa hàng quần áo. Nghe lởi “xúi dại” của Trạng, đích thân chủ nhân (mà cũng là chủ Nhân), vào kho  đem ra một blouson và một veste tặng thầy. Nhân là học trò “ăn theo”, “dạng hợp đồng” chứ không phải học trò  “chánh ngạch”, “biên chế”, vì thật ra tôi không có dạy em Nhân một ngày nào. Thế mới quí, thế mới là Nhân đáng quí, thế mới là “quới nhơn”. Chụp ảnh xong trước dinh cơ hoành tráng của Nhân, chúng tôi tiếp tục chương trình.
Sau đó, CHS Phan Sĩ Nghiệp, dù đang túi bụi sơn nhà vói con cháu, cũng  đến “tặng thầy” một cái veste nữa, kèm theo một chemise và cả một cái nón nỉ đen kiểu Charlot! Mấy hôm sau, trời bớt lạnh Tôi mừng  vì  “ ấm thân thì ít, ấm lòng nhiều hơn”. Cuối cùng, tính sổ lại, tôi mất ảo một cái áo lạnh, nhưng bù lại được thật những ba cái áo ấm.
Nhưng rồi nghĩ  lại , tôi rất “ân hận”. Trách mình đã quá “dại dột, không biết khôn” để tả oán  với các em là “ thầy bỏ quên bóp tiền” ! Bấy giờ, chắc tôi sẽ “lời khẳm” hơn nữa vì tên tôi được thêm một chữ  : CÁI ÔNG THUẬN thay vì ÔNG THUẬN.
         
20-.01-2011 :  THĂM CỔ THỤ  BÙI BẰNG HÃN

     Sáng 20.01, phái đoàn một Thầy ba Trò (Huy, Trạng, Nhân) đến yết kiến Thượng Hoàng Bùi Bằng Hãn. Nói theo các nhà báo hiện nay, thì “những năm 50 của thế kỷ trước”, anh Hãn và tôi là hai công dân cùng một nước, sống cùng một tỉnh, ở cùng một thành phố, làm cùng một nghề, dạy cùng một Trường, đi về cùng một đường, cư ngụ  cùng một nhà : số 16 Đường Lê Lợi (nay là Bến Ninh Kiều), thành phố Cần Thơ.
     Trước đây, liên lạc nhau qua email, tôi biết anh còn chơi tennis, bơi lội nữa. Lại còn thấy hình anh qua các kỳ Đại Hội PTG-DTD Úc châu. Gần đây, tôi nghe tin anh không được khỏe, “meo” mấy lần không được hồi âm. Thì ra anh không dùng internet nữa. Trước khi đến thăm anh, tôi hình dung
Một cụ ông tuổi bát tuần,
Đứng đi run rẩy, tay chân lèo khèo


     Nhưng “bé cái nhầm” !. Anh đứng đón chúng tôi nơi cửa,  giọng nói còn đầy hơi, da mặt chưa nhăn nheo, sắc diện chưa khô cằn, tay nâng tách trà không lúc lắc run run. Có lẽ anh là niên trưởng trong thế hệ chúng tôi, là cây cao bóng cả của Đại Gia Đình PTG-DTD hiện nay ở Úc.
     Rồi thì “50 năm chuyện cũ :  Cơn địa chấn Trường Phan”.  Nhớ lại mùa khai trường năm học 1959-1960, 16 “giáo tặc” của Trường, mỗi “ tên” nhận một sự vụ lệnh, xách va-ly lên đường, đến 16 Trường khác nhau, khắp 4 Vùng Chiến thuật. Rất nhiều “tội đồ” ấy đến Trường nào thì về sau lại là Hiệu trưởng của Trường ấy. Trong số đó, có  Thầy Bùi Bằng Hãn. Nhớ lại ngày nào, chúng tôi, những Giáo sư trẻ chưa lập gia đình, chia nhau ở chung những “chuồng cu” trong Trường. Chiều chiều, sau giờ tan học, cùng nhau đánh bóng chuyền. Có đêm, rủ nhau “đi bắt ma” trong Trường.
     Tất cả  những người chưa quá 30 “của thuở ấy” giờ đây đã vào Câu lạc bộ U.70, và anh Hãn đã bát tuần. Ở tuổi cổ lai hi nầy, còn được thấy mặt nhau sau bao nhiêu giông tố cuộc đời, chúng tôi thấy mình hạnh phúc, được Thời Gian “quên” ghi tên vào Sổ Bộ Chết, không đếm ngày chúng tôi sống trên hành tinh nầy. Ngồi nhà anh Hãn ở Sydney, hồn tôi bay về số 16 Lê Lợi ở Cần Thơ. Lúc bấy giờ, chúng tôi gần nhau nhưng không thân nhau như bây giờ. Phải chăng tưởi trẻ nhìn tương lai theo nhiều hướng, còn tuổi già nhìn tương lai chỉ thấy một chiều ? Sinh lão bệnh tử, công danh sự nghiệp tiền tài… rồi cát bụi trở về với cát bụi ?!        
Rời nhà anh Hãn, tôi ngẫm nghĩ : Hồi  nào, hai đứa mỗi ngày đều thấy nhau, giờ đây, sau buổi chia tay nầy, gặp lại nhau là chuyện thiên nan vạn nan, vì nghìn trùng xa cách, chồng chất tuổi đời, nay sổ mũi mai nhức đầu…
         
Hồi nào chẳng cách vách liền
Giờ đây mỗi đứa một miền đại dương


Xúc động… bùi ngùi …

23-01-2011 : HỌP MẶT TẤT NIÊN Ở MELBOURNE

     Năm nay buổi họp mặt không tổ chức tại một nhà hàng, mà diễn ra trong một hội trường có không gian riêng tư, đủ cho khoản sáu bảy mươi bạn bè quây quần hàn huyên, chuyện trò thoải mái, “văn nghệ tới bến”. Đến sớm nhất là Bùi Hữu Trạng vì là “chủ xị”. Kế đến là nhóm kỹ thuật, lỉnh kỉnh máy móc dụng cụ âm thanh. Rồi thì lần lượt các chị khệ nệ bưng bê sản phẩm cây nhà lá vườn của mình, góp phần cho tiết mục không thể thiếu lúc 12 giờ,  khi dạ dầy lên tiếng.
Thành phần tham dự, ngoài thầy cũ trò xưa của Trường, có một khách mời đặc biệt :  một người, sau 30 năm tuyệt tích giang hồ, nay” từ cõi chết trở về”, tái thế làm Việt kiều Úc, gốc Indonesia , 100% máu Việt Nam. Đó là cựu GS Trần Văn Dinh, dạy Toán Lý Hóa những năm 1959-1963. Sau phần khai mạc, giới thiệu, em Trạng, mà bạn bè gọi là “người vác ngà voi vác cả tù và”, trình bảy những vấn đề liên quan đến Đại Hội PTG-ĐTD Tháng 4/2011 tại Sydney, cùng Đặc san Úc châu 2011.

     MC Bùi……Dũng (xin lỗi nhớ đầu quên phần giữa) dẫn chương trình văn nghệ, đưa ra trò chơi đoán địa chỉ email sau đây : This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. 
Vì các chữ o có thể là ô, ơ ;  d có thể là  đ, nên có đến trên 20 cách bỏ dấu khác nhau để tạo thành một cụm từ 2 chữ có nghĩa. Theo Ban Tổ chúc, người bỏ dấu đúng sẽ lảnh thưởng 1.000 AUD. Không ai bỏ dấu đúng nên phần thưởng ấy được thay bằng một bài thơ được tác giả tặng chung cho tất cả mọi người.
Phần văn nghệ khí thế đến nỗi, cuối buổi họp, 
                          
Người đà thu dọn chiến trường.
Người còn “bốc lửa” chẳng nhường micro.
 

   
Qua ba buổi họp mặt ở Sydney và Melbourne, những phút tâm tình giữa thầy trò, tôi được biết hầu hết các em, xuất thân hai Trường PTG-DTD, sau ngày ly  hương, đã đến vùng đất xa xôi lạ lẫm nầy với hai bàn tay trắng. Từ những ngày đầu ngỡ ngàng nơi xứ lạ quê người, với tâm trạng bơ vơ lạc lõng, nhưng rồi với quyết tâm xây dựng một cuộc sống mới, sau 30 năm gian khổ, đã vượt qua biết bao thử thách, giờ đây có được sồng ổn định. Những người bơ vơ thuở ấy biết chấp nhận “gian nan đời bố, củng cố đời con”, nên hôm nay con cháu họ học hành đỗ đạt, nghiệp lập danh thành. Một số trong đó đã thành công trong nhiều lãnh vực, có địa vị xứng đáng trong xã hội mới đã cưu mang mình.

Đất lành chim đậu.
 
 
 
 
 alt

 
NHỮNG NGÀY KHÔNG TÊN Ở MELBOURNE

    
Trong những ngày ở Melbourne tôi đóng đô tại nhà Bùi Hữu Trạng,  một diện tích đất 900m2, có không gian xanh, hoa lá cành,  sáng sáng có sân sưởi nắng, “để Thầy ra đó tìm vần thơ”. Đó cũng là Tổng hành dinh của Nhóm PTG-DTD Melbourne. Còn những ba bốn tháng nữa mới đến ngày Đai Hội PTG-DTD Úc châu mà hàng tuần mỗi tối thứ năm, đạo quân tóc dài của Melbourne đến đây tập luyện rôm rả, để chuẩn bị cuộc hành quân tiến về Sydney trong tháng Tư 2011..
   
     Ngoài chương trình đã định, “sĩ quan tùy viên kiêm tài xế Trạng” còn sắp xếp, chăm lo cho tôi các sinh hoạt ngoại khóa, di chuyển, thăm viếng, tham quan gần xa. Đáng nhớ nhất là chuyến đi Hanging Rocks, mà đến ngày về Việt Nam tôi chưa giải mã được hiện tượng “chai vỏ nhựa đựng đầy nước, đặt nằm ngang trên mặt đường nhựa, lăn ngược lên dốc”

     Lại nhớ đến một buổi chiều, lanh quanh luẩn quẩn lòng vòng nội ô Melbourne để tìm  Tòa nhà Quốc Hội.. Khi tìm được thì không có chỗ đậu xe. Vì qua qua lại lại nhiều phố phường tráng lệ, kiến trúc tân kỳ, ngồi trong xe tôi chụp ảnh lia chia. Trạng nhắc tôi : “Thầy chụp ít ít, coi chừng lát nữa hết pile”. Thế mà khi tìm được chỗ đậu xe, thì
“Tà tà bóng ngả về tây,”,
Vầng dương yếu nắng, máy (ảnh) thầy yếu pile

     Mục đích chính của tôi khi ra đi là chụp ảnh trước Tòa nhà Quốc Hội. Bây giờ, đứng trước Quốc Hội rồi, máy báo yếu pile. Trò loay hoay ngắm nghía, thầy hồi hộp lo lắng, miệng  cố gắng cười tươi.
     - “ Rắc !”
Đèn flash không nhá lên, nhung vẫn mừng quá.
     - Một cái nữa cho chắc ăn.!
     -  . . . . . . . . . . .
     - Hết pile rồi thầy !

     Vừa mừng vừa tiếc. Mừng vì vừa đủ pile để chụp tấm ảnh cuối cùng. Tiếc vì không   chụp thêm được tấm ảnh dự phòng trường hợp thầy bị phó nhòm “chẻ vai xén trán.“ Đó là một tấm ảnh đấy ấp kỷ niệm, vừa là kỷ niệm của một chuyến du lịch,  vừa là kỷ niệm sự tận tụy  của người học trò mà mình không dạy một ngày nào. Giờ đây nghĩ lại, nếu Trạng không “cảnh cáo” tôi, thỉ máy ảnh đã “hết” pile thay vì “yếu”, và việc lặn lội hôm ấy của hai thầy trò đã là công dã tràng..
Tấm ảnh có lẽ không đẹp, vì yếu nắng lẫn yếu pile.
Nhưng nó vẫn mãi mãi đẹp trong lòng tôi.


THAY CHO LỜI KẾT

     Tuổi tác không cho phép Giáo Già phiêu lưu như chú Dế Mèn của Tô Hoài.  Giáo Già Đông Du chỉ để gặp lại những bạn trẻ ngày xưa mình đã gặp trên con đường hành nghiệp. Ví mình như Người Làm Vườn, nhận những hạt giống, ra công gieo tưới, vun phân đấp gốc, những mong ngày sau, mầm non thành cây chắc khỏe, chịu nắng chống mưa, vươn cao tỏa rộng dù đất khô cằn. Hạt giống bé nhỏ ngày nào nằm gọn trong tay, nay vươn cao gấp mười ông lão. Rất nhiều hạt giống bé bỏng năm xưa của Vườn Ươm PHAN THANH GIẢN, nay là những cây lành quả ngọt trên quê hương, cùng khằp bốn phương trời hải ngoại. Giáo Già mãn nguyện nghĩ mình đã phần nào trả ơn Đời qua những ngày dự phần bé nhỏ chăm chút những hạt giống, mầm non ấy.
Xin dừng bước nơi đây bằng mấy vần thơ lẩn thẩn, được thai nghén qua tia nắng ấm bình minh nơi vườn hoa nhà Bùi Hữu Trạng.

Họp Mặt Melbourne

Melbourne cách trở nghìn trùng,
Hữu duyên thiên lý, tương phùng hôm nay.
Xa rồi bao nỗi đắng cay,
Xa rồi sinh tử những ngày thuyền nhân.
Đất người giờ đã an thân,
Danh thành nghiệp lập báo ân trọn tình.
Giờ đây, Sư Đệ Môn sinh,
Ly đầy ly cạn chúng mình chuyền tay.
Uống đi ! Uống nhớ đừng say,
Đường về tỉnh táo mới tay anh hào.
Uống đi ! Uống nữa đi nào !
Uống sao thi tứ tuôn trào đáy tim.
 
Tiện đây trao chút nỗi niềm :
“Con hơn cha là nhà có phước”
Trò hơn Thầy, Thầy được tiếng thơm
     Giáo Già, cuộc sống đáp ơn :
Dự phần đào tạo người hơn hẳn mình.
Bảo Châu danh khắp hành tinh,
Công Thầy vun đắp Quang Vinh cho Trò.
.                                                                     
Ấm lòng một chuyến viễn du
Tương phùng sư đệ, mây mù đã xa.
Tay run, tai điếc, mằt lòa,
Trải lòng hoài niệm, gởi xa gởi gần.
Đời sau, nếu có một lần,
Lòng nầy nguyện vẫn dấn thân LÀM VƯỜN.


 SàiGòn, 24/02/2011
 Lê Minh Thuận


 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.