TKH - banner 01

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

Ví dầu tình bậu muốn thôi,
Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra.

(Ca dao)

 Chấn nhìn theo anh Ba Đực đang cày ruộng, trước mặt Ba Đực là cặp trâu ông Hội Đồng Là cưng nhất. Cặp trâu này khỏe và mập mạp. Vừa đẩy cái cày đi theo cặp trâu, Đực vừa hét lên những tiếng thá dí cho cặp trâu tuân theo. Không hiểu sao trâu cũng biết nghe theo những tiếng thá dí của Đực. Sự thật thì trâu đâu có ngu cho nên trâu có thể hiểu tiếng người lắm. Người ta nói "ngu như bò", đâu có ai nói ngu như trâu bao giờ.

 Theo chuyện xưa tích cũ thì con trâu là hiện thân của một vị tiên trên trời. Ông tiên này được Trời giao cho nhiệm vụ gieo 4/5 hạt thóc và 1/5 hạt cỏ xuống trần gian. Sau đó ham chơi quên mất lời dặn của Thượng Đế, ông tiên gieo ngược lại 4/5 hạt cỏ và 1/5 hạt thóc. Từ đó ở nhân gian, cỏ mọc tràn lan và dễ dàng. Trái lại, lúa là thức ăn nuôi sống loài người lại rất khó trồng. Loài người không ăn cỏ được, lâm vào cảnh chết đói, than phiền thấu tai Thượng Đế cho nên ông tiên bị Trời phạt đày xuống trần làm trâu giúp con người cày đất trồng lúa và ăn cỏ cho mau hết phần cỏ ông đã gieo bậy trước kia. Bởi vì trâu ăn mãi cũng không hết cỏ trên mặt đất nên đời này sang đời khác, trâu vẫn mang hoài số kiếp kéo cày trả nợ cho loài người.

 Chấn được sinh ra và lớn lên ở một làng nhỏ thuộc quận Củ Chi: làng Trung Lập. Bấy giờ là những năm đầu của thế kỷ 20, xã hội Việt Nam vẫn còn sơ khai nhiều so với nền văn minh của thế giới. Cha của Chấn là ông Hai Là, thuộc hàng vai vế của làng bởi vì ông làm Hội Đồng Làng và người ta hay gọi ông là ông Hội Đồng Là. Mặc dù vùng đất Củ Chi là vùng đất gò nhưng ông Hội Đồng Là có những cánh đồng ruộng thẳng cánh cò bay. Nhà ông có của ăn của để, có Nhà Máy xay lúa, dân làng đa số là người làm công cho ông.

 Tuy giàu có và quyền thế nhưng ông Hội Đồng Là hiền lương, hay giúp đỡ người nghèo. Ông chỉ lo cho cô con gái lớn của ông là cô Hai Chấn đang tuổi cặp kê, có quá nhiều ong bướm dòm ngó. Vì ở nhà quê cho nên Chấn không được đi học, nhưng với sự thông minh sẵn có, Chấn đã biết viết và biết đọc chữ quốc ngữ qua người em trai kế là Cậu Ba Tuội. Cậu Ba Tuội là con trai độc nhất của ông Hội Đồng Là. Ông Là dốc hết tiền bạc để lo cho cậu Tuội ăn học. Sau khi cậu Tuội học hết lớp năm ở Củ Chi, ông Là đã không ngại tốn kém đưa cậu Tuội lên Sài gòn học lớp cao hơn.

Chấn đứng trên bờ ruộng gọi vọng xuống Đực:

- Anh Ba à, nghỉ tay ăn cơm chút anh Ba. Trưa trờ trưa trật rồi chắc anh Ba đói bụng lắm.

Đực nói với ra:

- Cô Hai để đó đi, tui cày cho xong luống này rồi tui ra.

- Hổng được đâu, tui chờ anh rồi tui mới đi. Tui mà để cơm nước ở đây hổng có ai coi chừng mấy con gì nó ăn thì uổng lắm đó anh Ba ui.

- Được, tui ra liền.

 Tới mùa cày hay cấy gặt, ông Hội Đồng đều kêu Chấn nấu cơm trưa rồi đem ra ruộng cho những người làm của gia đình ông. Phần ăn của những người thợ khác, có anh Mót làm công gánh đem ra. Riêng phần của Đực là Chấn đem riêng. Chấn không quên bỏ thêm một phần thức ăn cho Đực. Có khi là thêm một khúc cá hay một miếng mắm lóc. Hôm nào người làm ăn mắm ruốc xào sả là Chấn lựa nhiều thịt ba rọi cho Đực. Gia đình Đực nghèo, cái nghèo đeo đuổi đến mấy đời. Đến đời Đực, mặc dù Đực chịu khó làm lụng nhưng vẫn không khá được. Lúc nào quần áo Đực cũng vá chằng chịt, vải vá còn nhiều hơn là vải quần áo đến nỗi người ta cũng không biết vải quần áo Đực mặc nguyên thủy màu gì.

 Hôm nay Chấn mặc áo quần bà ba đen vải Nam Định. Mấy chiếc quần vải mỹ a chỉ mặc khi ăn tiệc hay giỗ Tết. Vì đi ra ruộng nên Chấn xăng quần ống thấp ống cao, đi chân đất. Tuy là gái quê, nhưng Chấn không có vẻ đen đúa quê mùa. Mấy anh trai làng và các anh làng bên hay ngắm Chấn, chỉ có Đực mỗi lần gặp Chấn là anh ta cúi gầm mặt xuống đất. Lần này cũng vậy, sau khi cột cặp trâu vào cái cọc, Đực bước tới chỗ Chấn đang ngồi dưới cây xoài và cúi mặt xuống không dám nhìn Chấn.

- Cám ơn cô Hai. Cô Hai ăn cho vui. Mà cô Hai đâu có ăn giống như tụi tui đâu.

- Anh Ba hổng có biết đâu, Cha tui hà tiện lắm, mấy anh ăn gì là Cha tui cũng ăn giống vậy. Má tui đâu có để ý gì đâu anh Ba. Từ hồi tui biết coi mấy đứa em tới giờ, việc nhà Cha với Má tui giao phó cho tui hết.

- Tội nghiệp cô Hai thì thôi. Gia đình có tiền mà sao tui thấy cô Hai cực quá. Mấy việc này mà ông Hội Đồng cũng bắt cô Hai làm. Cô Hai thấy nhà ông Hương Quản hông? Con cái người ta có động tới móng tay đâu nà.

- Cha tui nói tui phải ráng làm lụng cho giỏi để sau này còn làm dâu người ta.

 Nói tới đây Chấn thấy buồn, không biết Cha sẽ gả Chấn cho ai. Đực bỗng im lặng không muốn ăn cơm nữa. Miếng cơm tự nhiên mắc nghẹn ngang cổ họng. Đực biết thân phận mình, nhà nghèo, nên không dám mơ tưởng Chấn nhưng Đực cũng nghe tủi thân. Đực thấy mình như câu ca dao:

Gối rơm theo phận gối rơm
Có đâu dưới thấp mà chồm lên cao

Đực bỗng tò mò:

- Cô Hai nè, tui thấy ngộ thiệt nghe cô Hai. Má của cô, Bà Hội Đồng đó, tui thấy bả ít khi ở nhà. Bả cũng ít khi nào ẳm bồng cô Tư với cô Năm. Hồi tháng trước cô Năm đau nặng, tui thấy chỉ có mình cô Hai với ông Hội Đồng chạy thầy chạy thuốc cho cô Năm thôi hà. Hổng phải tui nhiều chuyện đâu cô Hai à. Tại tui thấy cô Hai cũng con nhà giàu mà sao số cô Hai cực quá.

- Thì anh Ba biết đó, Má tui là dân Sè goòng. Cha tui là dân quê mùa. Hồi đó hổng biết sao ông Ngoại tui gả Má tui cho Cha tui. Dìa ở đây hổng xa Sè goòng bao nhiêu nhưng Má tui hổng quen.

- Vậy chắc Bà Hội Đồng hay dìa Sè goòng hả cô Hai.

Giọng Chấn buồn buồn:

- Tui có biết Má tui đi đâu đâu nà. Hồi nhỏ thì tui hổng nhớ. Tới chừng tui lớn một chút thì Má tui hổng có bao giờ dắt tui đi theo.

Đực tiếp lời:

- Úy trời, nãy giờ cũng lâu rồi, cô Hai dìa đi, tui xuống cày cho xong đám ruộng này. Cám ơn cô Hai đem cơm ra cho tui.

- Có chi đâu anh Ba. Tui có cái này cho anh nè. Mà anh đừng có nói ai biết nghe hôn. Cha tui mà biết ổng cạo đầu khô tui đó.

Vừa nói Chấn vừa đưa cái gói mo cau ra.

- Chi đó cô Ba, quý quá thì tui hổng dám nhận đâu.

- Cơm nếp chớ có gì đâu. Hồi sáng này Cha tui thèm ăn cơm nếp, tui nấu cho ổng rồi tui gói một ít để chiều nay anh Ba đem về nhà ăn. Tui gói nó vô mấy cái bánh tráng nè, rồi tui bọc trong lá chuối đó, phía ngoài tui bao bằng lớp mo cau rồi tui cột lại bằng dây chuối. Tui treo lên cây xoài nghe anh Ba. Chừng dìa, anh Ba nhớ đừng có quên.

- Cám ơn cô Ba. Cô nói một chút chứ tui thấy chắc cũng khoảng nửa nồi có đó.

- Thì sẵn tay thôi mà anh Ba. Tối nay anh nhớ ăn cho no bụng chớ trưa mai tui mới đem cơm được.

 Chấn quay lưng bước đi. Đực nhìn theo dáng người thon thả của Chấn mà ngậm ngùi cho mình và cũng cảm thương cho một người con gái sao quá cực nhọc. Trời đã lên thật cao và nóng bức hơn ban sáng. Đực không biết chữ nhiều. Đực và Chấn hay chơi đùa với nhau từ hồi còn nhỏ. Những lúc rảnh Chấn hay đọc những cuốn truyện bằng thơ rồi kể lại cho Đực nghe như truyện “Thạch Sanh Lý Thông”:

“Đàn kêu tích tịch tình tang
Ai đem Công Chúa lên hang mà về.”

 Đực thấy ghét cái thằng Lý Thông gian ác. Con người sao không biết thương nhau mà cứ vì danh lợi tìm cách hại người khác như Lý Thông cứ năm lần bảy lượt hại Thạch Sanh. Nhìn mặt trời, Đực nhớ Chấn kể về câu đố, buổi sáng và buổi trưa, lúc nào thì mặt trời ở xa nhất. Nếu buổi sáng mặt trời ở xa thì tại sao mặt trời lại lớn hơn buổi trưa. Nếu buổi trưa mặt trời ở xa thì tại sao mặt trời lại nóng hơn buổi sáng. Đực thấy Chấn hiểu biết nhiều chuyện hơn Đực. Đực lắc đầu, không dám nghĩ tiếp. Đực biết thân mình, người ta bề gì cũng là con gái của ông Hội Đồng.

 Chấn về tới nhà thì ông Hội Đồng Là còn đang ở Nhà Việc của làng chưa về. Chấn ra sân để coi lại mấy cái nia trà mà Chấn đã đem ra phơi hồi sáng. Trà này Chấn đã ướp với bông lài là loại trà mà Cha Chấn rất thích. Ngay trước cổng nhà là hai cây bông lài đã trồng từ đời nào. Khi Chấn lớn lên là đã thấy hai cây này rồi. Trà xanh thì ông Hội Đồng có trồng một góc vườn ở sau nhà. Thỉnh thoảng Chấn hái những lá trà già rồi trộn chung với bông lài đem phơi khô để dành. Ông Hội Đồng Là có nhiều khách ghé thăm nên Chấn phải lo làm sao có đầy đủ trà, nếu không, phải mua trà Thiết Quan Âm, tốn tiền mà ông Hội Đồng Là không thích. Trà Tàu không có vị chát của trà xanh nhà trồng. Hơn nữa mùi thơm của bông lài ở nhà thơm đậm đà hơn.

 Sân sau nhà là một khoảng vườn bát ngát. Chấn trồng mấy giàn sương sâm để những buổi trưa khi nào ông Hội Đồng Là không bận việc, Chấn hái vô làm sương sâm với đường cát cho Cha ăn. Chấn hái mấy lá sương sâm già, đem rửa sạch rồi bỏ vô cái chậu vò cho thiệt nát, xong bỏ vô cái bòng vải lọc xác lá lại. Chấn lấy miếng nang mực gác trên nóc bếp xuống, mài một chút xíu cho ra bột rồi trộn nước sương sâm với bột nang mực, để yên một hồi, nước sương sâm đặc lại, thành món ăn giải khát rất Mát. Làng Trung Lập không có chợ, chỉ có quán chạp phô của chú Chệt mà cả làng quen kêu là chú Hắn Chói. Quán này bán hầm bà lằng từ kim chỉ, dầu hôi đến rượu đế … Dân làng mua sắm gì nhiều phải đi xe ngựa ra chợ Củ Chi hay chợ Hóc Môn. Cả làng chỉ có một chiếc xe ngựa của ông Năm Ta ngày hai bữa đi về Trung Lập- Hóc Môn- Củ Chi. Nhà ông Năm Ta không ở Trung Lập mà ở Tân An Hội. Ông bà Năm Ta có vườn cao su, và có xe ngựa chở khách. Con cái ông bà Năm Ta cũng đông lắm, tới 8 người con. Theo xe ngựa với ông Năm Ta là cậu Sáu Tôn con trai ông. Cậu Sáu này chỉ lớn hơn Chấn hai tuổi nhưng nghe chừng đâu miệng cậu lanh lắm. Dân đánh xe ngựa mà.

 Vài ba tháng một lần, Chấn đi theo Cha ra Hóc Môn bằng xe ngựa để mua tương hột, bánh tráng và thịt heo quay, bánh hỏi. Mỗi lần Chấn đi xe ngựa gặp cậu Sáu Tôn là cậu ta không bao giờ lấy tiền xe của Chấn. Tương hột và bánh tráng Hóc Môn ngon có tiếng. Tương hột được bán trong khạp nhỏ bằng sành. Bánh tráng Hóc Môn nổi tiếng là dẽo mà không có mặn. Chấn cũng biết tráng bánh tráng nhưng không cách nào ngon và dẽo được bằng bánh tráng Hóc Môn. Không biết họ pha bột cách nào mà ngon sao là ngon. Cha Chấn hay ăn bánh tráng cuốn với thịt phay. Thịt phay là thịt đùi heo luộc lên rồi chiên lại với chút mỡ, chút đường cát cho thịt vàng cháy xém lên, xong xắt thịt ra thành miếng dài vừa cuốn bánh tráng, có chút thịt, chút mỡ, chút da. Rau cuốn bánh tráng có xà lách, rau húng, dấp cá, lá xoài non, dưa giá, dưa leo. Bánh tráng cuốn chấm với nước mắm. Nước mắm pha giấm đường và ớt sừng trâu. Ớt sừng trâu là loại ớt của dân miền Đông. Trái ớt có màu vàng hay màu đỏ, da ớt nhăn nheo, trái ớt cắn vô một miếng trong miệng nghe giòn rụm mà cay xé họng. Cha Chấn để nguyên trái ớt trong chén nước mắm rồi lấy muỗng dầm ớt nhỏ ra chứ không có giã ớt. Giấm pha nước mắm thì Chấn nuôi bằng chuối sứ và nước dừa xiêm. Chuối sứ chín mềm để giữa hai miếng lá chuối, lấy thớt đè lên cho trái chuối nát ra. Xong lấy lá chuối ra, bỏ chuối vô hũ keo, cho chút rượu đế rồi cho nước dừa xiêm vô. Lấy lá chuối che kín chung quanh hũ giấm lại. Chỉ cần vài tuần lễ là hỗn hợp này thành giấm, từ từ con giấm hình thành và đóng rất dầy. Chấn chắt nước giấm qua hũ keo khác. Còn con giấm thì bỏ thêm nước dừa vô nuôi giấm tiếp. Gần Tết, Chấn nuôi giấm nhiều hơn để làm củ kiệu với lỗ tai heo ngâm giấm, rồi còn giấm pha nước mắm, pha mắm nêm để Cha và khách khứa ăn trong mấy ngày Tết. Canh thì Cha thích canh lá dang thịt gà. Lá dang là loại lá rừng đặc biệt của dân miền Đông. Đây là loại dây leo. Tuốt lá ra, rửa sạch rồi vò nát một chút, bỏ vô nồi thịt gà thành món canh chua, không cần trái me, trái thơm hay trái khế. Vị chua của lá dang thanh thanh mà các loại trái me, trái thơm hay trái khế không có.

 Ông Hội Đồng Là tuy giàu có như vậy nhưng ông cũng nuôi mấy chục con heo trong nhà để bán. Phần thì để khi nhà có giỗ tiệc, ông có sẵn heo khỏi phải mua. Trong chuồng heo lúc nào cũng có ít nhất 5 con heo nái. Chấn phải thức khuya canh chừng để đỡ đẻ cho heo nái. Chấn sợ không có Chấn ở đó, heo con dễ bị heo mẹ đạp chết. Ngoài ra nhà cũng có cả chục cặp trâu cho thuê cày ruộng. Từ lúc 7, 8 tuổi Chấn đã bắt đầu chăm sóc việc nhà, quần quật từ sáng đến tối mà vẫn không hết công việc. Chấn gần gũi với Cha nhiều hơn là Má. Mỗi khi gặp Má, Chấn thấy sợ, có lẽ Má Chấn hay la rầy vô cớ. Má lúc nào cũng than thở: “Hổng biết sao tui phải khổ như vầy?” Chấn hổng hiểu sao Má lại khổ nổi. Cha không hề gây gỗ với Má một lần nào hết. Má muốn gì Cha cũng ưng. Từ hồi Chấn biết chuyện tới giờ, Má ít khi ở nhà. Cha nói Má hổng quen ở nhà quê, Má phải về Sài Gòn thăm ông bà ngoại cho đỡ buồn. Mỗi khi heo con lớn lên sẻ bầy, Chấn nuôi thúc cho chúng lớn để rồi bán. Chấn phải coi việc bán heo. Mấy ông lái heo ăn gian lắm. Khi cân heo, mấy ổng có mánh lới làm giảm ký lô để mấy ổng trả tiền ít đi. Mấy ổng chỉ cần lắc lắc cái cân vài cái là mất mấy chục ký lô như không. Mấy ông lái heo này không phải người làng mà hình như là từ Củ Chi. Họ đi vòng vòng khắp nơi để tìm mua heo. Bán heo cho mấy ông này là bán dứt luôn, họ không cho lại miếng thịt nào hết. Bán heo cho dân làng để họ làm đám giỗ tiệc gì thì thế nào họ cũng kiếng lại một chút thịt, một chút lòng.

 Đã tới giờ nấu cơm chiều cho Cha. Chấn vô bếp, lấy cái rá xúc gạo rồi đem ra sau hè cạnh lu nước, múc nước vô chậu để vo gạo. Nước vo gạo, Chấn để dành nấu cám heo. Nước vo gạo buổi sáng, Chấn lắng lại, lấy phần cám đọng ở dưới để mỗi tối Chấn đắp mặt. Người ta nói đắp mặt như vậy, da mặt sẽ đẹp và không có mụn. Không biết người ta nói đúng hay da mặt Chấn tốt, nhưng Chấn không có mụn bao giờ. Chấn trút gạo từ rá vô nồi, canh nước rồi bắt nồi lên bếp lò. Bếp có 3 ông táo, Cha Chấn đắp bằng đất sét. Bếp đốt bằng củi nên lọ nghẹ đầy bếp đầy nồi. Chiều nay Chấn cho cả nhà ăn canh chua thơm nấu với cá trào, thịt kho ăn với dưa leo và rau sống. Cha Chấn chỉ cho người làm ruộng ăn cơm trưa, nên ăn chiều Chấn nấu cho Cha và mấy đứa em, không phải nấu nhiều như buổi trưa nấu cho người làm ăn.

Nồi cơm chín xong, Chấn ủ vào tro cho giữ hơi nóng. Chấn đang loay hoay thì nghe tiếng bà Hội Đồng ngoài trước:

- Con Chấn đâu rồi, nhà cửa gì không chịu quét dọn gì hết. Lá ngoài sân đầy nhóc kìa. Chấn ơi Chấn. Đồ con quỷ sứ, mầy mần cái gì mà mấy cái nia trà chiều tối rồi mầy cũng hổng chịu đem vô. Bộ mầy tính phơi sương mấy cái nia trà sao cà.

Chấn lật đật chạy lên nhà trên:

- Dạ Má mới dìa.

- Tao mới dìa hay cũ dìa thì mầy biết rồi, cần gì mầy phải nói. Thiệt con với cái, toàn là của nợ. Còn đứng đó chi. Rót tao ly nước trà coi.

- Dạ, Má.

- Dạ dạ cái gì. Tao khát gần chết nè, ở đó mà dạ dạ, đem nước ra mau cho tao đi. Đồ cái quân gì chậm lụt. Nó là con tui mà sao mặt mày nó giống ai đâu không á, lúc nào cũng chầm dầm cái mặt.

Chấn bước vô bàn ở nhà bếp rót ly nước trà đem ra cho bà Hội Đồng.

Vừa mới uống một ngụm, bà Hội Đồng phun ra:

- Mầy muốn thuốc tao chết hả? Nước gì nóng dữ làm phỏng miệng tao rồi.

- Nước trà phải nóng chớ Má.

Bà Hội Đồng xáng cho Chấn hai bạt tai:

- Ai dạy mầy cãi lợi tao hả con kia? Tao có cho phép mầy cãi hôn vậy mậy? Thằng Cha mầy còn hổng dám cãi tao nữa ở đó mầy. Mầy mà còn cãi nữa tao quánh chết Cha mầy luôn.

Chấn đứng đó nước mắt lăn dài trên Má. Kịp thời ông Hội Đồng vừa về tới nhà:

- Má con Chấn dìa rồi à? Cha Má cũng khỏe hả?

- Khỏi hỏi mấy cái chuyện đó đi. Tui lật đật dìa là lo cái chuyện hôn nhơn của con Chấn. Con gái 15 tuổi rồi ở nhà như là hũ mắm treo đầu giường. Có đám này quen với Cha Má tui. Tui bàn với ông gả nó phứt đi cho rồi, khỏi mắc công lo.

- Quen với Cha Má thì tui chắc là chỗ đàng hoàng rồi. Nhưng tui hổng biết thằng đó ra sao, hổng biết con Chấn có ưng hôn?

- Ông sao khéo lo. Cha mẹ đặt đâu con cái ngồi đó. Con Chấn biết gì mà ưng hổng ưng. Hồi đó tui đâu biết ông ra sao Cha Má tui cũng gả tui cho ông. Tui nói chỗ này được là được.

- Vậy chớ gia đình họ ra sao? Làm gì? Ở đâu? Tui hổng muốn gả nó xa quá.

- Xa gì mà xa. Ở An Nhơn Tây chứ đâu. Đi qua Bến Súc là tới rồi. Nhà người ta giàu, ruộng vườn biết bao nhiêu mà kể. Thẳng lại học hết đíp lôm gì đó. Nhà có người ăn người làm. Con Chấn là con tui, tui cũng muốn nó được sung sướng. Vuột chỗ này rồi là tui hổng biết còn chỗ nào tốt hơn hôn. Ông tính sao? Liệu để tui trả lời cho Cha Má.

- Thì tui cũng phải gặp họ, còn gặp thẳng nữa chớ. Hổng biết gì hết làm sao tui quyết định?

- Ông hổng tin tui thì tui hổng nói mần chi. Ông hổng tin Cha Má tui là có chuyện đó nghen. Ông có nhớ Ông Cai Tổng Thiệt hôn?

- Có phải thằng con trai lớn của vả là thằng Hai Tiệm đó hôn?

- Đúng rồi đó đa. Đúng thẳng đó.

- Thẳng coi cũng được đứa. Ông Cai Tổng cũng đàng hoàng. Chỉ có Bà Cai Tổng coi bộ khó à Má con Chấn.

- Chớ bây giờ ông muốn cái gì? Người ta khó thì nó cũng phải biết làm dâu, hổng khó nó cũng phải biết làm dâu. Nó dìa làm dâu người ta chớ bộ người ta cưới nó dìa làm bà cố nội người ta sao mà ông nói khó này khó nọ. Vậy đi nghen. Coi như ông đồng ý hén. Mơi sớm tui dìa Sè goòng nói với Cha Má tui là ông ưng gả con Chấn rồi đó đa.

- Má con Chấn à, để tui nói với con Chấn một tiếng.

- Ông nói với nó một tiếng hay nhiều tiếng thì ông nói, đừng có kêu tui nói. Nói chuyện với nó một hồi mắc công tui nổi nóng. Úi, mà nói gì, nó ưng hay hổng ưng thì kỳ này tui cũng gả nó phứt đi cho rồi. Tui ít ở nhà chớ tui cũng nghe nó có tình có ý gì với thằng Đực ở đầu xóm. Ông hổng gả nó cho mối này hay là ông tính gả nó cho thằng Đực?

- Má con Chấn nói sao kỳ cục quá. Thằng Đực với con Chấn chơi với nhau từ hồi tụi nó còn nhỏ tới giờ chớ tình ý gì đâu. Nếu bà thấy đám Cai Tổng Thiệt này được bà kêu nhà trai nhờ mai mối tới đi. Tui gả.

Chấn ở sau bếp nghe Cha và Má nói chuyện về mình mà không ai thèm đếm xỉa tới Chấn coi Chấn suy nghĩ ra sao. Chấn lo là Chấn đi lấy chồng rồi, ai lo cho Cha và mấy đứa em. Con Năm Xẩm đau ốm quặt quẹo hoài. Chấn cũng không hiểu sao mỗi lần gặp Chấn là Má khó chịu. Tuy Má không ẳm bồng con Tư Phuống với con Năm Xẩm hay thằng Ba Tuội, nhưng ít khi Má la tụi nó. Chấn có cảm giác là Má không thương mấy đứa con của Má hay là Má không thương cái gia đình này. Chấn chợt nghĩ tới Đực. Nhà Đực nghèo lắm, có lẽ vì vậy mà Chấn tìm cách giúp đỡ Đực chuyện này chuyện khác. Hồi nhỏ Đực hay dạy cho Chấn cách bắt cua bắt cá, đăng tôm. Đực cũng chỉ Chấn cách làm mắm lóc, mắm sặc rồi món mắm bằm làm sao cho ngon. Chấn biết là Cha Má không bao giờ chịu gả Chấn cho Đực vì không môn đăng hộ đối. Không biết mai mốt này Chấn đi lấy chồng An Nhơn Tây, xa Trung lập, Chấn không có cơ hội giúp đỡ Đực, Đực sẽ sống ra sao? Chấn bỗng thở dài, lắc đầu không muốn nghĩ tới nữa.

***

 Ngày cuối năm, Chấn đã chuẩn bị đủ mọi thứ cho ba ngày tết. Tháng trước đàng trai đã cho nạp sính lễ và làm đám hỏi. Ra giêng họ sẽ rước dâu. Hôm đàng trai đến, Chấn trốn trong buồng không dám bước ra. Tuy nhiên Chấn cũng lén vén tấm màn cửa sổ liếc nhìn chú rể. Chỉ nhìn thoáng qua, Chấn cũng thấy anh ta cao ráo lịch sự. Hôm đó chú rể mặc áo dài the đen phía ngoài áo dài trắng, chân đi giày ba ta. Chấn cũng nhìn sơ qua bà già chồng. Coi bộ bả nghiêm khắc, nhưng biết làm sao, lệnh Cha Má, Chấn đâu dám cãi. Trước đó, Chấn có tâm tình với Cha:

- Cha à, tui chưa muốn lấy chồng. Tui lo cho Cha dí lợi thằng Ba Tuội còn đi học rồi con Tư Phuống còn nhỏ quá, con Năm Xẩm thì bịnh hoài. Cha huỡn huỡn vài năm nữa được hôn Cha. Tui đi xa rồi ai đâu lo cơm nước cho Cha. Tui hổng có yên cái bụng.

Ông Hội Đồng Là nạt ngang:

- Bây khéo lo. Cha lo cho Cha được. Con gái lớn rồi thì bây phải đi lấy chồng chứ bây ở nhà hoài sao. Chỗ này gia đình người ta danh giá. Nghe đâu thẳng cũng có học có hành. Gả bây vô chỗ này Cha cũng đỡ lo cho bây.

 Cha nói như vậy, Chấn đâu dám cãi nhưng trong lòng Chấn không yên. Con gái lấy chồng như thau nước tạt ra ngoài sân, có muốn về thăm Cha coi bộ khó. Làm thân con gái 12 bến nước, biết bến nào trong bến nào đục đây? Rồi không biết Chấn ăn ở có vừa lòng gia đình chồng hay không? Theo Chấn được nói lại, anh ta là con trai lớn và lại là con trai độc nhất, sau anh ta có 4 người em gái. Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng, mà đàng này có 4 bà cô, liệu Chấn có được sống êm ấm với gia đình chồng chăng?

 Vừa nghĩ ngợi, Chấn đem nếp đã ngâm đêm qua đem ra để ráo nước đặng gói bánh tét. Cha Chấn năm nào cũng gói bánh tét hột điều. Những nơi khác gói bánh tét đậu xanh. Riêng vùng Củ Chi đa số gói bánh tét hột điều. Chấn đem hột điều đã ngâm nước một đêm, mỡ thịt cắt miếng dài đem ướp với chút muối, phơi ngoài nắng một canh giờ, lá chuối đem phơi cho héo héo một chút, dây chuối cũng tướt ra phơi khô từ mấy bữa trước, để sẵn trên bộ ván gõ ở nhà giữa. Vậy là Chấn cùng vài người làm bắt đầu gói bánh tét. Chấn xếp mấy lớp lá theo chiều dọc, lá chuối gói bánh phải là lá của cây chuối hột thì bánh mới có màu xanh tươi, Chấn đong nếp cho vừa một đòn bánh rồi lấy phân nửa nếp đổ lên lớp lá chuối, kế đến là hột điều rồi đến lớp mỡ, xong lại một lớp hột điều và một lớp nếp nữa che lên trên. Chấn bắt đầu khoanh tròn đòn bánh, vén hai đầu bánh cho tròn trịa, rồi lấy lá chuối cột đòn bánh lại. Cột cho dư dây chuối trên đầu để sau khi luộc bánh chín lại sẽ treo đòn bánh lên xà nhà.

 Năm nào Cha Chấn cũng bắt gói cả trăm đòn bánh tét, lớp tiếp khách mấy ngày Tết, lớp cho mấy người làm công cho ông Hội Đồng. Mỗi người được ông Hội Đồng biếu một cặp bánh. Nhà bình dân không có gói bánh tét hột điều tại hột điều mắc tiền, họ chỉ gói bánh tét đậu xanh. Năm nào Chấn cũng lén cho Đực thêm một cặp bánh ngoài cặp bánh của Ông Hội Đồng biếu. Nghĩ tới đây, Chấn thấy lòng buồn buồn. Năm tới chắc Chấn không có giúp Đực được, không biết Đực làm sao có thêm bánh tét ăn tết. Khi bánh tét chín, Chấn vớt ra treo lên, Chấn lựa một đòn có vẻ ngon, lột lớp vỏ chuối bên ngoài ra rồi lấy sợi chỉ giữ một đầu, đầu kia của sợi chỉ choàng qua đòn bánh rồi Chấn kéo mạnh, từng khoanh bánh tét rơi ra trên dĩa, tròn trịa và mướt lớp mặt bánh. Đây là cách tét bánh của bánh tét, có lẽ vì thế cho nên được gọi là bánh tét. Chấn không có dùng dao cắt bánh vì chất nhựa của nếp dính dao khó cắt bánh cho đẹp, dao lại khó rửa. Dân Trung Lập chỉ tét bánh theo kiểu này.

 Ngày hôm qua bên nhà trai đã cho người đem biếu bánh mứt họ mua ở Sài Gòn và một cặp rượu tây. Cha cũng thiềng lại sui gia cặp gà trống thiến và hai hộp trà Thiết Quan Âm với một hộp bánh tây đựng trong hộp thiếc có in hình bà đầm tây xòe cây dù. Ngày hôm qua Chấn kho một nồi thịt đùi với hột vịt. Cá lóc với cá tràu Chấn rộng một lu đầy. Dưa kiệu, dưa giá, dưa mít, cải chua, mỗi thứ Chấn ngâm một chậu sành. Chấn làm sẵn cho Cha 2 khạp rượu nếp than. Khi gói bánh tét xong, Chấn luộc hai bộ đồ lòng, mấy cái đùi thịt phay, tối Chấn luộc con gà trống để rước ông bà và ông táo. Tết năm nào Chấn cũng bận rộn cho đến ra giêng. Lớp mấy ông trong Nhà Làng thăm viếng nhậu nhẹt rồi còn bà con hàng xóm nữa. Năm nay còn phải lo đón tiếp bên đàng trai chắc là Chấn sẽ không có phút nào ngơi nghỉ.

 Bầy heo ở nhà trước Tết Chấn đã bán bớt đi một mớ nên chuồng heo bây giờ cũng đỡ phải dọn dẹp. Kỳ này có ông lái heo mới, ông Năm Bụng. Ông này tính tình vui vẻ, người ta kêu ông là ông Năm Bụng nhưng thực ra bụng ông đâu có bự. Ông có chiếc xe đạp, trên xe ông có treo cái cân, ông hay đi từng nhà mua heo, sau khi cân và trả tiền xong, ông đi mướn chiếc xe bò rồi ông đi một vòng gom hết mấy con heo ông đã mua. Ông chở chúng đi đâu Chấn cũng không rõ. Cứ mỗi tháng ông hay về làng này để cân heo. Hôm trước, khi bán lứa heo, Chấn có nói với Cha:

- Khi tui đi lấy chồng rồi, Cha nói Má dìa nhà lo việc nhà, chứ mình Cha làm sao Cha lo được. Cha mắc công việc làng rồi ai coi mấy đám ruộng với bầy heo.

- Bây yên tâm mà đi lấy chồng đi. Chuyện nhà Cha Má biết tính.

Cha nói vậy, nhưng Chấn biết tính của bà Hội Đồng, Má Chấn ít để tâm đến việc nhà, bà lại hay la mắng kẻ ăn người làm. Cha Chấn chẳng biết gì về việc nhà. Chấn lo quá là lo. Nhưng con gái lớn mà không có nơi nào hỏi cưới cũng lại bị tiếng đời mai mỉa. Bây giờ Chấn không ưng đám này, biết sau này có đám nào dám cưới Chấn hông.

***

 Vậy mà Chấn lấy chồng đã được 6 năm. Ngày Chấn sanh con trai đầu lòng, thằng Hai Thinh, cà nhà chồng đều vui mừng và làm đầy tháng thiệt là lớn. Chấn được bà già chồng lo lắng đủ điều. Suốt ba tháng trời sau đó, Chấn không phải làm gì hết, chỉ ở cữ trong phòng, nằm than, ăn cá kho nghệ. Mỗi buổi sáng sớm, bà già chồng chịu khó qua nhà hàng xóm, năn nỉ xin nước tiểu con nít về cho Chấn uống. Chồng Chấn cũng rất cưng chiều Chấn, mỗi bữa cơm, chính anh ta đem cơm vô tận trong buồng cho Chấn. Cưng đứa cháu nội đích tôn nên Má chồng Chấn giữ riệt lấy thằng Hai Thinh. Mỗi lần tết Chấn cùng chồng về Trung Lập thăm nhà, bà giữ cháu nội ở nhà không cho Chấn đem theo lấy lý do đường xa bụi bặm, Hai Thinh dễ mắc bệnh.

 Khi Hai Thinh được hai tuổi, Chấn lại sinh đứa con gái, con Lang, gia đình chồng có phần lợt lạt hơn. Chấn không trách họ tại vì Chấn biết nhà chồng có một người con trai duy nhất cho nên họ mong có nhiều cháu trai. Lần này Chấn chỉ ở cữ được có 10 ngày là phải ra ruộng cấy lúa. Bà già chồng nói là sanh con rạ nên không cần ở cữ lâu.

 Hôm nay Chấn mang cái bụng bầu 6 tháng, ì ạch gánh hai cái thúng, lê bước về nhà Cha. Một đầu thúng là con Lang, đầu kia là đồ đạc nhà chồng trả lại cho Chấn. Mặc dù Chấn đã khóc hết nước mắt, năn nỉ bà già chồng, năn nỉ chồng là Chấn không có tội lỗi gì từ ngày làm dâu đến nay nhưng nhà chồng vẫn cương quyết ra nhà làng làm giấy chia của.

Bà già chồng còn xỉa xói:

- Bây giờ mầy không có lỗi gì với con tao nhưng ai biết được là mấy năm nữa mầy cũng đi theo trai như con gái mẹ của mầy. Mầy không có lỗi tao mới chia của cho mầy, chứ thứ mầy có lỗi tao cạo đầu khô mầy bôi vôi rồi chứ không có cho mầy giữ hết số vàng đồ cưới đâu. Đúng là tao không có con mắt mới cưới mầy cho con trai tao. Thiệt là cái quân…

 Đứa con trai đầu lòng, bên chồng giữ nuôi, giao cho Chấn đứa con gái và đứa con trong bụng. Họ còn nói nếu Chấn sinh con trai họ cũng bắt luôn, là con gái thì Chấn nuôi. Mặt trời đang từ từ lặn, giờ này mọi nhà trong làng chắc đang tụ họp ăn cơm chiều, con đường làng vắng bóng người qua lại. Chấn thấy ngôi nhà của Cha thấp thoáng đàng sau khóm trúc. Chấn mong là Cha có nhà để Chấn được gặp Cha. Khi nhà chồng báo với Cha là trả Chấn về, Cha đã qua An Nhơn Tây bàn lại, nhưng chồng Chấn cũng có ý nghe lời Má chồng Chấn, không hề cất một tiếng nói để xin cho Chấn được ở lại. Cuối cùng Cha phải nói với Chấn:

- Chấn à, vợ chồng là duyên nợ, bây không nên cưỡng cầu. Tại cái số bây như vậy, bây cũng đừng trách Má bây.

- Cha không trách làm sao tui dám trách Má.

 Chấn nói với Cha như vậy, nhưng trong lòng Chấn rất buồn việc làm của Má. Sau khi Chấn theo chồng về An Nhơn Tây, Má ở nhà thường xuyên hơn. Lúc đó Cha rất vui. Cha mướn thêm chị Ba Tương phụ giúp công việc nhà cho Má. Chị Ba Tương cũng trạc tuổi Chấn, dáng người vạm vỡ, đỡ đần công việc cho Má rất nhiều. Mỗi tháng ông Năm Bụng hay ghé nhà gặp Má để coi việc mua heo và hay nói chuyện với Má về chuyện nuôi heo. Lần nào ông Năm cũng ngồi ở phòng khách tới chiều khi Cha Chấn gần về, ông ta mới đi. Mỗi lần bán heo, Má đưa Cha ít tiền đi, Cha thắc mắc:

- Má con Chấn nè, bây giờ heo lên giá mà sao tiền Má nó đưa cho tui ít đi là sao?

Má gây lại:

- Ông nói cái gì vậy chớ? Heo có giá hết mà, heo cân bao nhiêu thì người ta trả mình bấy nhiêu tiền thôi chớ.

- Có phải bà bán cho ông Năm Bụng đó hôn?

Má nổi sùng lên:

- Ông nghi ngờ tui cái gì đây?

Cha đấu dịu lại:

- Má nó thiệt là. Tui chỉ nói vậy thôi mà.

- Ông không bằng lòng chuyện nhà giao cho tui thì tui về Cha Má tui tui ở.

Ông Hội Đồng Là tưởng bà Hội Đồng chỉ nói vậy thôi, ai dè, ngày hôm sau khi đi làm về, bà Hội Đồng đã không còn ở nhà nữa. Ông la lên:

- Tương à Tương, bà đâu rồi.

Cô Ba Tương trả lời:

- Bà dọn đồ đi rồi ông ơi. Bà kêu con nói với ông là đừng đi kiếm bà. Bà không muốn về nhà này nữa.

- Bây có biết Bà đi đâu hôn?

- Bà hổng có nói cho con biết ông ơi. Mấy tháng trước con có nói ông coi chừng ông Năm Bụng nhưng ông hổng tin còn bạt tai con nữa. Có khi nào bà đi theo ông Năm Bụng hôn ông?

- Bây câm cái miệng của bây lại. Nói tầm bậy tầm bạ không hà.

 Tuy trả lời Ba Tương như vậy nhưng ruột gan ông Hội Đồng rối bời. Chẳng lẽ Bà Hội Đồng lại làm chuyện đó sao? Ông xét lại ông không làm gì có lỗi với bà. Suốt đêm ông Hội Đồng trằn trọc, chờ đến sáng là ông đi xe ngựa xuống nhà nhạc gia để rước vợ về. Nhưng Bà Hội Đồng như bóng chim tăm cá, không có ở nhà Cha mẹ vợ, ông Hội Đồng Là cũng không biết đi đâu tìm bây giờ. Ông Hội Đồng Là lấy chìa khóa mở tủ coi lại giấy tờ, ông chợt thấy giấy tờ bán ruộng và bán Nhà Máy xay lúa. Ông lẩm bẩm:

- Ủa, lạ kìa. Tui đâu có bán ruộng với Nhà Máy xay lúa hồi nào đâu cà.

 Ông nhìn kỹ tờ giấy bán ruộng và tờ giấy bán Nhà Máy Xay Lúa đã được Làng chứng, hóa ra Bà Hội Đồng đã bán hết mấy trăm mẫu ruộng của ông, chỉ còn vài mẫu ruộng gần nhà là Bà để lại. Ông Hội Đồng choáng váng mặt mày như người té từ trên cao xuống. Đột nhiên ông trở thành kẻ trắng tay. Ông gục đầu xuống bàn, sáng mai ông sẽ từ chức Hội Đồng, còn mặt mũi nào mà ra Nhà Làng làm việc. Chuyện nhà lo không xong còn lo chi đến chuyện Làng, chuyện Nước.

 Chuyện xấu nào cũng lan truyền rất nhanh. Chuyện Bà Hội Đồng Là bỏ chồng con đi theo người đàn ông khác chẳng mấy chốc đầu trên xóm đưới đều rõ chuyện. Chuyện lan đến An Nhơn Tây. Ba Má chồng Chấn kêu Chấn ra hỏi chuyện, rồi từ đó thái độ của họ đối với Chấn càng ngày càng xấu đi. Anh Hai Tiệm cũng lạnh nhạt với Chấn. Hồi đó mỗi khi anh Hai Tiệm ra bờ sông câu cá là hay dắt Chấn đi theo. Hai vợ chồng ngồi ngắm trời ngắm đất và anh Hai Tiệm kể chuyện cho Chấn nghe. Chuyện bà con họ hàng, chuyện thời sự, chuyện bên tây bên tàu… Chấn vừa thương chồng vừa cảm phục sự hiểu biết của chồng. Chấn thấy Chấn rất hạnh phúc và may mắn có được một chỗ nương tựa tốt đẹp. Dòng sông bây giờ vẫn còn đó nhưng Chấn đã trở thành kẻ sống thừa trong nhà chồng. Hầu như ngày nào bà già chồng cũng chửi và đánh đập Chấn không tiếc tay. Chấn làm việc nhà rất giỏi nhưng cũng không làm bà vừa lòng. Tết nhất, giỗ quảy gì cũng một tay Chấn lo nhưng hình như nhà chồng không cần sự có mặt của Chấn nữa. Có lần bà ta còn lấy một que sắt bỏ vào lò nướng đỏ lên rồi ấn vào đùi non của Chấn. Mặc kệ Chấn van xin khóc lóc, bà cũng không ngừng tay. Hai bên đùi Chấn nổi lên những vết thẹo lằn ngang lằn dọc. Cho đến một hôm anh Hai Tiệm kêu Chấn ra nói riêng:

- Má thằng Thinh, tui nói mình nghe, tui thấy mình bị Má ghét bỏ như vậy, tui cũng đau lòng lắm. Tui nói hết lời với Má rồi mà cũng không được. Má kêu tui thôi mình. Nhà chia dọc của chia hai. Tui cũng hổng biết làm sao, chỉ có như vậy mình mới không phải khổ nữa.

 Chấn chua xót khi nghe những lời nói vô tình của anh Hai Tiệm. Tình nghĩa vợ chồng mà lúc nào Chấn cũng tôn thờ bây giờ không còn gì để mà quý nữa. Người chồng có bằng cấp, chữ nghĩa nhiều mà sao tình yêu quá ít ỏi.

 Ngày đám cưới Chấn, hai họ đưa rước ồn ào, mọi người vui vẻ tấp nập. Hôm nay một mình Chấn lặng lẽ trên đường về nhà. Anh Ba Đực sau ngày đám cưới Chấn nghe đâu cũng đã bỏ xứ ra đi. Đi ngang qua thửa ruộng ngày trước anh Ba Đực vẫn hay cày bừa cho Cha Chấn, Chấn nghe trái tim nhói đau. Chấn mường tượng như anh Ba Đực còn buông tiếng thá dí với cặp trâu của gia đình. Những lời anh Đực nói ngày nào còn văng vẳng: “Tội nghiệp cô Hai thì thôi. Gia đình có tiền mà sao tui thấy cô Hai cực quá.”. Cây xoài bên cạnh thửa ruộng mà ngày xưa Chấn hay ngồi chờ anh Ba Đực dưới gốc cây để anh Đực ăn cơm trưa vẫn còn đó, nhưng anh Đực đã không còn ngồi đó nữa. Nước mắt của Chấn bỗng lăn dài trên má. Cảnh cũ vẫn còn đây nhưng tất cả đã thay đổi hết rồi. Chấn thở dài lo lắng cho những ngày tháng sắp đến. Chấn thương yêu chồng, nhịn nhục chịu đựng sự hành hạ của Má chồng cùng sự quá quắt của 4 cô em chồng. Chấn tưởng rằng sẽ được cùng chồng răng long đầu bạc, ai ngờ nửa đường đứt gánh. Chấn không có lỗi gì hết nhưng bên chồng tìm cách đổ lỗi cho việc bỏ nhà ra đi của Má Chấn để ruồng bỏ Chấn. “Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra”. Tương lai của Chấn hoàn toàn đen tối. Cha Chấn đã suy sụp từ ngày Bà Hội Đồng bặt tăm. Thằng Ba Tuội phải nghỉ học ngang xương, Cha không còn tài sản để lo cho nó học ở Sài Gòn nữa. Con Tư Phuống phải mở quán bán cháo lòng để phụ giúp cho Cha, Năm Xẩm thì cứ suốt ngày khóc đòi Má rồi lại ốm đau hoài. Cành nhà ngày nào khá giả bỗng chốc trở thành bần hàn. Chấn biết trách ai bây giờ cho số phận của Chấn quá bi thương. Chấn nhớ lại sự tích con trâu. Hay là kiếp trước Chấn là vị tiên gây nên lỗi lầm nên kiếp này phải chịu khổ như kiếp của con trâu. Trâu kéo cày trả nợ loài người, Chấn chịu đau khổ để trả nợ này cho ai đây? Nhìn lại đứa bé còn nhỏ ngồi trên cái thúng, Chấn ngậm ngùi lại cất bước đi .....

 

Thanh Huyền

 

 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC