TKH - banner 03

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

Tiếng Dương Cầm – Chương 21

Tóm lược truyện dài  TIẾNG DƯƠNG CẦM

4357 1 TDC Chuong 21LPLan

      Lệ Hằng, cô bé có thiên tài về âm nhạc, mồ cô mẹ từ năm mới mười bốn tuổi.  Từ đó cô sống với bà ngoại, cho tới khi bà mất, cô lên Đà Lạt ở với cha.  Sau khi vợ qua đời, ông Thanh, nàng đã tái giá với một người đàn bà goá trẻ đẹp.  Bà Lý tên người vợ sau, có hai đứa con riêng là Bách và Dung.

      Trong cuộc sống chung, Hằng nhận thấy ba mẹ con bà dì ghẻ có những hành tung bí mật, cô dần dần khám phá ra quá khứ của bà dì ghẻ khi xưa đã phạm tội sát nhân, bà giết chết tình nhân của chồng vì ghen.  Để lẩn tránh pháp luật, bà đem các con đi trốn, và để sống còn, bà kết hôn với những người đàn ông giàu có, và giết họ khi tông tích bị bại lộ.

      Lần này cũng vậy, khi biết đứa con riêng của chồng đã khám phá ra tội ác của mình, bà lập mưu giết chết cả hai cha con, để hưởng gia tài và diệt nhân chứng.  Trớ trêu làm sao Bách, con trai của bà lại thầm yêu Hằng, nhưng không được Hằng yêu lại.  Trong thời gian này, Hằng quen với một người bạn trai tên Đạt, tiếng đàn của cô đã mê hoặc anh chàng trẻ tuổi này, và vì muốn cưú cô, nên Đạt cũng suýt bị thiêu sống cùng với Hằng, trong một âm mưu rùng rợn do người dì ghẻ dàn cảnh cái chết thành một tai nạn.

      Còn Bách, mặc dù đang căm hận vì yêu mà không đuợc Hằng đáp lại, nhưng trước hành động tàn ác của mẹ, Bách đã phản ứng ra sao? xin mời xem hồi kết cuộc. 

CHƯƠNG  21

      Thời gian trôi chậm chạp, để đỡ nóng ruột trong lúc chờ đợi, tôi cố làm cho đầu óc bận rộn bằng cách nghĩ về quá khứ, tôi quay lại từ đầu khúc phim dĩ vãng.  Trừ những năm còn bé quá không thể nhớ được, nhưng từ khi tôi đủ trí khôn để ghi nhận, thì những kỷ niệm khó quên hiện rõ mồn một.

… Năm lên ba tuổi, hôm sinh nhật, tôi được cha mẹ tôi cho một con gấu bằng nhung nhồi bông to gần bằng tôi, đặt tên là Bambi.  Tôi đã ôm ấp và làm bạn với nó cho tới khi nó rách lòi cả bông gòn ở bên trong ra, tôi đã khóc ầm ĩ khi mẹ tôi vứt vào thùng rác, làm bà phải hứa sẽ mua đền cho tôi con khác. 

… Năm lên bốn, tôi được đi Sở Thú lần đầu, và được cưỡi ngựa gỗ xoay vòng tròn.  Thích thú lẫn sợ hãi, tôi đòi cho bằng được mẹ phải ngồi sau lưng và ôm tôi thật chặt. 

     Năm lên năm, tôi đi học mẫu giáo, và khóc thét bắt mẹ tôi phải đứng chờ ở ngoài cửa, rồi tôi được cô giáo dỗ dành, dắt vào lớp và cho một cây kẹo que.  Năm lên sáu...

      Tôi đang nghĩ đến những kỷ niệm của năm lên sáu thì chợt nghe tiếng gọi từ xa làm tôi giật bắn mình:

  • Chị Hằng! chị ở đâu?

      Tiếng của Dung, nó đang đi tìm tôi ở phía sau vườn.  Tôi hụp đầu xuống thấp hơn và lại cảm thấy vô cùng sợ hãi.  Bịt tai lại, tôi cố gắng không nghĩ đến cái thực tế kinh hoàng và lại tiếp tục dòng tư tưởng. 

… Năm lên sáu tuổi, tôi được cha mua cho một cái xe đạp ba bánh màu xanh nhạt.  Năm lên tám tuổi, tôi bị lên thủy đậu và phải nghỉ học ở nhà hai tuần liền.  Năm chín tuổi, mẹ tôi ghi tên cho tôi học bơi ở hồ tắm học sinh Nguyễn Bỉnh Khiêm gần Sở Thú Sài Gòn, nhưng tôi từ chối, tôi không thể chịu được ý nghĩ phải dìm đầu xuống nước...

4357 2a TDC Chuong 21LPLAn

  • Chị Hằng! em có nhiều chuyện quan trọng cần nói với chị. Chị đang ở đâu? về nhà đi, mình sẽ tính lại.

Năm mười tuổi, tôi bắt đầu mê đọc sách và căn phòng nhỏ của tôi ngập những truyện cổ tích, truyện phiêu lưu ký và truyện ma quái.  Năm mười hai, tôi giã từ những trò chơi của tuổi thơ ấu và bắt đầu biết làm dáng, những buổi sáng đứng soi gương hàng giờ, khuôn mặt phản chiếu trông ngô ghê của lứa tuổi nửa trẻ con, nửa người lớn, chứng tỏ còn cần phải trải qua một cuộc biến đổi mầu nhiệm để trở thành một thiều nữ.  Tôi khổ sở vì thấy mặt bắt đầu nổi tấm tấm mấy mụn trứng cá, và một buổi sáng thức dậy, tôi đã hốt hoảng kêu khóc ầm nhà, khi nhìn thấy những vệt máu loang lổ trên tấm ga giường trắng tinh, và quần tôi đẫm ướt máu tươi, lần có kinh nguyệt đầu tiên…

      Một cái lá rơi làm tôi giật thót mình, giống như một con bệnh nặng thường hay tự dối mình, tôi không thể nào tập trung tư tưởng để chỉ nhớ đến dĩ vãng, bởi vì không dễ dàng gì quên được hiện tại.  Mặc dù không còn nghe tiếng Dung gọi nữa, nhưng điều đó không có nghĩa rằng nó đã bỏ ý định đi tìm tôi, mỗi lần ló đầu lên khỏi đám cỏ cao, tôi vẫn thấy bóng áo vàng của nó thấp thoáng trên lối đi ra cái ao ở phía sau nhà.  Còn Bách, tôi không biết hắn đang làm gì, có thể hắn cũng đang đi tìm tôi.  Ðể trấn áp sự sợ hãi, tôi lại cố gắng trở lại câu chuyện dĩ vãng.

… Năm mười ba tuổi, tôi bắt đầu dở chứng, tôi coi cha mẹ tôi như những kẻ thù vì những cấm đoán vô lý của họ: tôi không được thức khuya quá 12 giờ đêm, tôi không được đi phòng trà, không được đến những party có nhảy đầm nếu không có cha mẹ đi theo…  Mấy đứa bạn tôi mách nước, chỉ có một cách là tôi có thể trốn học để đi xi nê vào buổi trưa là ông bà không thể nào biết được, nhưng tôi nhát gan không dám. 

      Cha tôi đi hành quân liên miên, mẹ tôi giữ dịt tôi trong nhà như con gái cấm cung, bà làm như cứ hở ra một tí là lúc nào cũng có người rình sẵn để vồ con gái bà, tha đi mất.  Cũng năm tôi mười ba tuổi, cha tôi bị thương và được giải ngũ, sau đó ông xin đi ngoại quốc chữa bệnh, luôn tiện để thương lượng về bản quyền những cuốn sách khảo cứu công phu của ông về văn hóa Ðông phương viết bằng Anh ngữ.

... Năm mười bốn tuổi…

       Tôi không dám nghĩ tiếp, vì không muốn khơi lại  những kỷ niệm buồn về cái chết của mẹ tôi, ma chay xong xuôi, tôi về ở với bà ngoại cho tới ngày cha tôi về nước vài tháng sau đó.  Ðau buồn vì cái chết của mẹ tôi, ông bắt đầu xuống tinh thần rõ rệt, bỏ bê hết cả công việc làm ăn.  Bạn bè khuyên nên dời chỗ ở, cha tôi đồng ý, ông không muốn sống mãi trong cái thành phố đầy những kỷ niệm với mẹ tôi, ông dời nhà đi Ðà Lạt, định đem tôi theo nhưng bà ngoại tôi nhất định không chịu, viện cớ gà trống khó bề nuôi con.  Nhưng thật sự bà tôi không muốn tôi bị ảnh hưởng bởi nếp sống bừa bãi và tinh thần bất ổn định của cha tôi, vì thế ông lên Ðà Lạt một mình, và ở lại đấy cho tới ngày gặp dì Lý… 

4357 3 TDC Chuong 21LPLan

       Tôi vẫn núp trong bụi rậm, kiên nhẫn chờ đợi, thời gian qua đi chậm chạp, lâu như một thế kỷ.  Vào khoảng 3 giờ, tôi nghe tiếng xe của bà ta trở về, thắng lại trước cửa nhà.   Tiếng cửa xe mở và đóng xập lại thật mạnh, một lát sau đó, tôi lại nghe thấy tiếng cổng trước đóng lại nghe đến ình một cái, sau đó là im lặng hoàn toàn.  Bây giờ, thay vì đếm từng năm trong quá khứ, tôi đếm từng phút trong hiện tại, càng lúc giờ hẹn càng đến gấp rút, còn nửa giờ nữa... còn 20 phút... 15 phút... rồi 10 phút!  Bây giờ tôi biết tôi sẽ phải ra phía cổng trước để đón Ðạt, đừng để hắn không thấy tôi rồi chạy thẳng.  Tôi nhìn để định rõ đường đi nước bước, có mỗi một lối đi là men theo những cây trắc bách diệp lớn nằm dọc hai bên đường, những cây trắc bách diệp cành lá rậm rạp xòe tán che rợp lối mòn, nếu núp dưới tàng lá rồi nhảy thật nhanh từ gốc cây này sang cây khác, tôi có hy vọng không bị ai phát giác. 

       Nín thở, tôi từ từ nhô đầu lên, ngó thận trọng ra chung quanh, bốn bề hoàn toàn im vắng, không có một tí dấu hiệu của sự sống, có thể ba mẹ con họ đang ở trong nhà họp nhau bàn tán xem có thể tìm tôi ở đâu.  Cố níu hy vọng đó, tôi luồn rạp trong cỏ, tiến về phía cái hàng rào ngăn nghĩa trang với lối ra cổng trước.  Tôi dừng lại một giây, ngoái lại một lần chót rồi leo nhanh qua hàng rào, tôi vùng chạy tới núp dưới tàng lá rậm rạp của một cây trắc bách diệp gần đó nhất.  Dán sát người vào thân cây, tôi khẽ liếc về phía cổng và bỗng rụng rời, chân tay lạnh toát, vì lần đầu tiên kể từ ngày đến Vườn Hồng, tôi trông thấy hai cánh cổng được khóa bằng một ổ khóa khổng lồ! 

      Tôi cố kìm hãm để khỏi bật khóc vì tuyệt vọng, với lối ra bị bịt kín, tôi hết hy vọng có thể thoát ra ngoài, và Ðạt làm sao biết được để vào cứu?  Hắn sẽ tưởng tôi bỏ hẹn, chờ một lúc không thấy, hắn sẽ đi luôn, và  tôi sẽ bị nhốt trong nhà một mình, yếu đuối, trơ trọi không có gì tự vệ, chẳng khác gì một tên tử tội bị nhốt trong khám chờ giờ đem ra hành quyết.  Cố gắng cho khỏi nhụt chí, tôi nặn óc tìm phương cách giải quyết, tôi biết tôi không được để sự sợ hãi làm điên loạn, nếu tôi không thể thoát ra ngoài bằng cửa trước, tôi phải tìm một lối thoát khác. 

      Khi mạng sống bị đe dọa, con người trở nên sáng suốt, tôi nhớ ngay đến cái chuồng chim bồ câu ở kế bên cái tàu ngựa ở phía sau, nằm sát bên hàng rào ngăn với mặt đường, nếu tôi trèo lên nóc chuồng, thì tôi có thể đu người qua hàng rào và thả rơi mình xuống mặt đất phía bên kia, từ đó sẽ đi vòng ra lối trước và đón xe Ðạt. 

      Vẫn hết sức thận trọng để khỏi bị lộ diện, tôi rời chỗ núp là một gốc cây trắc bách diệp cổ thụ, và đi ngược lại hướng tôi đã đi hồi nãy, lòng vẫn nơm nớp chỉ sợ bất thình lình nghe tiếng Dung gọi giật lại, hoặc dì Lý hiện ra ngay trên lối đi của tôi.  Khi đi luồn dưới cỏ, băng qua nghĩa trang, trở về phía sau vườn, một ý nghĩ chợt đến làm tôi đắn đo, tôi nhớ lại lần đến nhà cụ Đèo Mân, tôi đã kể cho Ðạt nghe những điều tôi khám phá về gia đình họ Tạ, nhưng Ðạt đã không tin tôi, như bất cứ một người nào khác cũng không thể tin được một câu chuyện có tính cách hoang đường như thế, nếu không có gì để chứng minh.  Tất cả những gì có thể chứng minh được đều để cả trong cái nhà kho ở phía sau vườn.  Mặc dù quyển nhật ký của bà ta không còn ở đó nữa, nhưng vẫn còn vô khối các thứ khác: những giấy tờ, tài liệu, hình ảnh v..v.. đều có thể dùng làm bằng cớ.  Có thể tất cả còn ở nguyên vị trí cũ vì họ chưa có thì giờ để hủy bỏ, nhưng khi bà ta thấy tôi đã biết, chắc chắn bà ta sẽ tìm cách đem dấu chỗ khác.  Những tài liệu đó cũng cần thiết cho tôi như sự cần thiết phải thoát khỏi nơi đây tôi phải đem theo bằng cớ.  Nghĩ thế, lập tức tôi đổi hướng và tiến về phía nhà kho.  Gần đến nơi, vừa ngẩng đầu lên quan sát, tim tôi chợt thót lên, cái ổ khóa không còn ở vị trí tôi đã ngụy trang trước đây - cái khóa vẫn móc vào khoen nhưng không bóp lại - bây giờ nó đã biến mất và cánh cửa nhà kho hé mở.  Chắc chắn là có người đang ở trong đó, họ đã khám phá ra âm mưu của tôi và bố trí cho người rình sẵn, hễ thấy tôi ló đầu tới là chụp.  Một lần nữa tôi lại sợ toát mồ hôi, cũng may họ chưa khám phá ra sự hiện diện của tôi ở quanh đây.

      Tôi thụp đầu xuống sâu hơn nữa trong bụi rậm.  Trong một lúc, người tôi đông cứng lại vì sợ hãi, họ đã chặn hết mọi đường rút lui của tôi: một người rình ở đây, hai người kia hẳn đã rình ở cổng trước và cổng sau là những nơi tôi có thể thoát ra khỏi nhà.  Muốn sống còn, phải nghĩ cách khác, mẹ ơi cứu con! phải làm thế nào bây giờ?  Tôi nhắm mắt lại cầu nguyện và trong giây phút tôi thấy mình bình tĩnh trở lại.  Óc tôi chợt lóe ra một tia sáng, nơi mà họ không đề phòng nhất có thể là chỗ trú ẩn an toàn nhất, tôi muốn nói căn nhà chính, chắc hẳn họ chẳng bao giờ ngờ tôi dám trốn ở một nơi lộ liễu nhất là căn nhà chính.  Phải, tôi có thể ẩn ngay tại phòng khách là nơi gần với cổng trước, lối duy nhất Ðạt có thể vào nhà.  Tại đây, qua cửa sổ, tôi có thể nhìn thấy Ðạt lúc hắn mới tới, và tôi có thể chạy ngay ra với hắn, chỉ vài chục bước thôi... Tim đập một cách hỗn loạn, tôi dáo dác nhìn quanh, thế rồi nhẹ như một con mèo, tôi rón rén bò ra khỏi bụi rậm, thận trọng từng bước một, tôi vượt qua hết bụi này tới bụi khác và sau cùng tôi đã tới trước cửa chính.  Ngoái lại phía sau một lần chót để chắc chắn không có ai theo dõi, tôi đưa tay vặn nắm khóa, mở cửa và lẻn nhanh vào. 

Lưu Phương Lan

xem tiếp chương 22

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC