TKH - banner 04

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
Tiếng Dương Cầm -  Chương 9
Tóm lược truyện dài  TIẾNG DƯƠNG CẦM
1977 1 TDC Chuong 9 LuuPLan
     Lệ Hằng, cô bé có thiên tài về âm nhạc, mồ cô mẹ từ năm mới mười bốn tuổi.  Từ đó cô sống với bà ngoại, cho tới khi bà mất, cô lên Đà Lạt ở với cha.  Sau khi vợ qua đời, ông Thanh, cha nàng đã tái giá với một người đàn bà goá trẻ đẹp.  Bà Lý tên người vợ sau, có hai đứa con riêng là Bách và Dung.
     Trong cuộc sống chung, Hằng nhận thấy ba mẹ con bà dì ghẻ có những hành tung bí mật, cô dần dần khám phá ra quá khứ của bà dì ghẻ khi xưa đã phạm tội sát nhân, bà giết chết tình nhân của chồng vì ghen.  Để lẩn tránh pháp luật, bà đem các con đi trốn, và để sống còn, bà kết hôn với những người đàn ông giàu có, và giết họ khi tông tích bị bại lộ.
     Lần này cũng vậy, khi biết đứa con riêng của chồng đã khám phá ra tội ác của mình, bà lập mưu giết chết cả hai cha con, để hưởng gia tài và diệt nhân chứng.  Trớ trêu làm sao Bách, con trai của bà lại thầm yêu Hằng, nhưng không được Hằng yêu lại.   Trong thời gian này, Hằng quen với một người bạn trai tên Đạt, tiếng đàn của cô đã mê hoặc anh chàng trẻ tuổi này, và vì muốn cưú cô, nên Đạt cũng suýt bị thiêu sống cùng với Hằng, trong một âm mưu rùng rợn do người dì ghẻ dàn cảnh cái chết thành một tai nạn.
     Còn Bách, mặc dù đang căm hận vì yêu mà không đuợc Hằng đáp lại, nhưng trước hành động tàn ác của mẹ, Bách đã phản ứng ra sao? xin mời xem hồi kết cuộc. 
CHƯƠNG  9
     Những ngày sau đó là những ngày trầm lặng, tôi tập làm quen với gia đình mới, với những sinh hoạt hàng ngày của họ.  Tôi vẫn dậy thật sớm, khi những tia nắng đầu tiên của mặt trời làm hồng một góc chân trời ở phương đông và một lúc sau mặt trời xuất hiện, tôi bắt đầu đi dạo để hít thở không khí mát mẻ, không phải vì mục đích gặp Bách.  Thỉnh thoảng tôi có nhìn thấy Bách đang chạy bộ, hắn trông thấy tôi thì mỉm cười và giơ tay vẫy, nhưng không bao giờ hắn dừng lại để nói chuyện, hình như hắn có vẻ ngại một cái gì.  Từ cái đêm ấy, Bách không nói chuyện nhiều với tôi, những tình cảm lúc ban đầu tưởng sắp biến thành tình yêu, thì trái lại đã bị giết chết bởi những hành động điên rồ của Bách đêm hôm đó.  Tôi không muốn nói chúng tôi hoàn toàn tuyệt giao vì buổi sang hôm sau, Bách gặp tôi để xin lỗi về “hành động ngu xuẩn thiếu suy nghĩ” của hắn đêm đó đã khiến Dung và tôi phải hoảng hồn.  Bách cũng trả lại tôi số tiền tôi đã nộp phạt cho cảnh sát, hắn tỏ ra lễ phép và lịch sự với một khoảng cách cả về tình cảm lẫn những sự đụng chạm.  Khi tôi bắt hắn phải giải thích về cái bằng lái xe của hắn, Bách cắt nghĩa một cách mơ hồ:
-        Tôi đánh mất nó trong khi đi chơi ở thác Cam Ly, rơi xuống nước và bị nước cuốn đi mất… Chắc Hằng biết tính mẹ tôi cả lo như thế nào, bà nói đường phố Ðà Lạt lên dốc xuống đồi nguy hiểm lắm, tôi chưa có kinh nghiệm lái xe, vả lại đâu có gì cần thiết phải xin lại bằng lái mới?
-        Nhưng Bách có thể xin lại dễ dàng nếu Bách muốn, đâu phải là một chuyện khó khăn?
-        Hằng nghĩ thế vì Hằng không hiểu, muốn có bằng lái mới, tôi sẽ phải gởi cho Nha lộ vận số bằng lái xe cũ và cả giấy khai sinh của tôi nữa, sẽ phải mất rất nhiều thì giờ và phiền phức, vì cái giấy khai sinh của tôi đã bị thất lạc, phòng hộ tịch không sao tìm ra được.  Trong lúc chờ họ tìm kiếm, tôi không thể xin lại bằng mới được.
        Những ngày hè cứ thế êm ả trôi qua, lặng lẽ, bình thản, kín đáo, tẻ nhạt, chỉ trừ những ngày thứ tư mỗi tuần khi cô gái người Thổ lai đến giúp việc lau chùi nhà cửa.  Sau khi nghe những lời tả của dì Lý bên bàn ăn hôm nào, và cả những điều tôi đã đọc trong cuốn sách mượn ở thư viện, tôi có hơi thất vọng một chút khi nhìn thấy cô ta lần đầu, Ðèo Mai không đẹp như tôi tưởng tượng về những người con gái mang hai dòng máu.  Cô ta mặc toàn đồ đen của dân miền Thượng với áo chẽn, váy thêu và đeo vòng cổ, vòng tay dầy cộm, nước da cô ta màu bánh ít và tóc buộc túm lên như cái đuôi ngựa.  Cô ta lặng lẽ làm việc, không nói với ai một lời nào, có lẽ điều này làm dì Lý hài lòng hơn cả, bà khen cô ta “khá nhất” trong những người làm công bà đã mướn trước đây. 
        Càng giữa mùa hè, cái nắng hanh nóng càng tăng dần, đến cuối tháng sáu thì không khí oi ả không thể tả, tôi chỉ cảm thấy dễ chịu một chút vào lúc buổi chiều khi đã tắt hẳn nắng và mặt trời xuống thật thấp, khuất sau những rặng cây sồi.  Những buổi trưa dài, mọi người đều ở cả trong nhà để trốn nắng, cái nắng hanh làm khô da nẻ thịt của miền cao nguyên.  Cha tôi miệt mài viết lách, dì Lý bận rộn với công việc thêu may, dọn dẹp nhà cửa và sửa soạn các bữa ăn.  Ðôi khi dì ngồi hàng giờ trước cái đàn dương cầm chơi những bản nhạc thật buồn, thật lạ, tôi chưa từng được nghe bao giờ, dì cũng tốn nhiều thì giờ để chăm sóc những cây kiểng ngoài vườn.  Về mùa hè, những cụm hồng trổ bông thật rực rỡ, đủ loại, có cả hồng nhung, hồng vàng và bạch hồng, một loại hồng quí gây giống từ bên ngoại quốc. Trong nhà vì thế lúc nào cũng có một bình hoa tươi.  Mỗi tuần một lần, dì Lý lái xe xuống phố để mua sắm và đi chợ, những dịp như thế, thường có Dung và tôi đi theo, khi thì ghé vào thư viện mượn vài cuốn truyện, khi thì đi coi chiếu bóng, khi thì dí mũi vào những cửa tiệm bán quần áo phụ nữ thời trang.  Bách không bao giờ được tháp tùng chúng tôi trong những dịp đi xa, nhưng hắn có một thú vui mới là cái thú ngồi hàng giờ câu cá bên bờ ao, hoặc đi dạo ven rừng.  Một lần dì Lý làm tôi ngạc nhiên khi bảo Bách:
-        Con có nghĩ rằng đây là lúc con nên đưa Hằng đi dạo ở trong rừng hay bờ hồ không?  Bây giờ là mùa hè, nước hồ trong sạch và cây cỏ xanh tươi, mẹ cam đoan là Hằng chưa bao giờ được nhìn những cảnh đẹp như thế!
Bách liếc mẹ thật nhanh, một cái nhìn nặng nề khó hiểu, rồi lắc đầu:
-        Chưa phải lúc, còn khối thì giờ, còn cả một mùa hè mà.
-        Nhưng đừng để lâu quá.
Bách gắt lên:
-        Con đã nói để lúc khác, con chưa sẵn sàng.
         Bách nói xong quay phắt người, ra khỏi phòng.  Buổi chiều hôm đó, hắn về nhà rất muộn khi trời đã tối đen, mọi người đã ăn cơm chiều xong.  Dung và tôi đang rửa chén ở trong bếp, Bách đi vào, không chào hỏi ai cả, hắn lặng lẽ mở nắp cái lồng bàn dựng cơm để phần, rồi lặng lẽ ra khỏi phòng, vẫn không nói một lời.  Một lúc sau, nghe những bước chân đi răng rắc trên cầu thang, tôi ngẩng lên thì thấy Bách đang đem đồ ăn vào phòng riêng ở trên lầu.
-        Tại sao Bách có thái độ kỳ lạ như vậy?  Tôi hỏi Dung và cảm thấy tự ái bị tổn thương, khi chị mới đến, Bách không có cái vẻ thù hằn như bây giờ.  Chị có làm gì đâu mà Bách giận?
-        Ðâu có ai làm gì?  Dung nói, và anh Bách cũng đâu có giận chị?  Khi Bách bị áp lực thì anh ấy thường lầm lì như vậy.
-        Áp lực, áp lực nào?  Tôi hỏi và lại tự trả lời, hay là tại cô gái Dung kể với chị hôm nọ? cô gái lai Thượng đã chỉ cho Bách và Dung cách xử dụng những loại thuốc bằng thảo mộc để ngâm vào rượu?  Bách nói rằng cô ta sống ở trong một ngôi nhà nhỏ ở ven rừng, Dung có nghĩ rằng Bách vẫn gặp lại cô ta?
-        Không!  Dung nói một cách quả quyết, họ đã thôi nhau từ lâu rồi.
-        Có thể cô ta đã thay đổi ý định và quay lại? 
Tôi hỏi như vậy vì thấy Bách thường hay vắng mặt ở nhà, và hắn đã từ chối khi dì Lý đề nghị hắn đưa tôi đi chơi ở ven rừng, nhưng Dung lắc đầu:
-        Làm gì có chuyện đó, chị Liên chết rồi!
-        Chết rồi?
        Tôi há miệng kinh ngạc, không hiểu nguyên nhân nào đó khiến tôi xúc động, như tôi đã từng quen biết cô bạn gái của Bách.  Tôi hỏi tiếp, tim đập rộn rã:
-        Chết hồi nào? Bách mới biết tin à?  Thảo nào Bách có thái độ không yên lòng, như người đang bồn chồn…
Dung ngắt lời:
-        Chết cả mấy năm rồi, anh Bách đâu có buồn vì chuyện đó, hoặc có buồn cũng không thể làm gì khác hơn được.  Nhưng cho dù chị Liên còn sống, họ cũng đâu có thể làm bạn với nhau mãi mãi? vì.. một người sẽ bị chết trước… Chuyện đó xảy ra thường lắm, chị Hằng! khi một người bạn thân lìa xa khỏi chị và họ chết, chị sẽ khổ tâm lắm, vì vậy đừng có gắn bó với ai cả, nêu khống kết cuộc bao giờ cũng buồn.
        Ðêm đó tôi nằm suy nghĩ suốt đêm, không thể tin được một đứa trẻ bằng tuổi Dung mà đã có những ý nghĩ bi quan như vậy.  Mặc dù những cá tính kỳ quái của đứa em ghẻ, tôi vẫn cảm thấy nảy nở một thứ tình cảm sâu đậm với nó.  Cha tôi và Bách có những bận rộn riêng tư, đa số thì giờ của tôi là ở bên cạnh Dung, tôi quen với những sở thích của nó, và Dung cũng khoái những băng nhạc của tôi, thỉnh thoảng nó cũng thích nghe tôi đàn.  Buổi sáng, chúng tôi thường đi dạo với nhau ngoài bờ ao, hoặc ngồi phơi nắng ở sau vườn, ngắm những người thợ đang bận rộn trộn xi măng và đào đất để sửa soạn xây hồ tắm. 
        Một buổi xế trưa, khi thợ đã về hết, Dung đem tiểu thuyết ra salon nằm, vừa đọc vừa ngủ gà ngủ vịt, còn tôi ngồi xuống trước đàn dương cầm, bắt đầu dạo vài bản nhạc classic quen thuộc.  Tôi nghĩ đến những ngày nghĩ hè ở Nha Trang với cha mẹ tôi lúc xưa, gió và thông reo, biển xanh với cát trắng, mặt trời và sóng vỗ… Lòng dạt dào cảm xúc, tôi mở đầu bằng bản “Sóng nước biếc”.  Những tiếng nhạc dập dìu vang lên nghe như sóng vỗ, đem tôi trở về với quá khứ êm đẹp, những ngày tràn ngập hạnh phúc khi mẹ tôi còn sống…
        Thế rồi hết bản này tới bản khác, tôi say sưa hòa mình theo tiếng đàn.  Dung bỏ sách xuống thôi không đọc nữa, nó lắng nghe với một vẻ say mê.  Khi tôi vừa đàn xong bản nhạc thứ tư, Dung bất chợt đề nghị:
-        Chị Hằng! chị đàn hay quá, hay chị thử đệm đàn cho em hát một bản, được không?
-        Ðược chứ!  Tôi mỉm cười, thật là thích thú nếu hai chị em mình có chung một thú vui, Dung muốn hát bài gì?
Ngẫm nghĩ một lúc, Dung nói:
-        La plus belle pour aller dancer, chị biết bài này chứ?
Tôi gật đầu liền:
1977 2 TDC Chuong 9LPhuongLan
-        Chị biết, bài này rất phổ thông, để chị đệm cho Dung hát.
Dung hát tiếng Pháp rất đúng giọng, chẳng có gì lạ vì nó học trường đầm ngay từ thuở nhỏ.  Nó có giọng kim khá tốt, có thể lên được những nốt cao một cách tự nhiên, không khó khăn gì.  Tuy Dung hát không được đúng nhịp lắm, nhưng tôi cố theo sát, nên bài hát được coi là thành công, khá hay.  Khi Dung hát đến câu chót, và tôi bấm những nốt thật nhẹ đệm theo để chấm dứt bài hát thì một tiếng nói chợt vang lên ngay sau lưng:
-        Hoan hô!
        Chúng tôi giật bắn mình quay lại, Ðạt đang đứng đó tự bao giờ, đang nhe răng ra cười.  Hôm nay Ðạt không còn mặc bộ quần áo thợ thuyền như mọi ngày, hắn diện một bộ đồ thể thao với quần short màu trắng, áo thun sọc xanh, đi giầy ba ta cũng màu trắng và đội mũ casquette màu xanh đồng màu với áo thun, trông hắn thật là điển trai.  Dung mừng rỡ, nó nhảy quẫng lên như một chú chó con, tía lia luôn miệng:
-        Ðạt, Ðạt, trời ơi anh Ðạt!
Còn tôi cũng kêu lên:
-        Ngọn gió nào thổi anh tới đây?
Ðạt cười, khoe hàm răng trắng bóng:
-        Chẳng có gió máy nào hết!  Hì hì, tôi tự lái xe tới đó mà.
Rồi hắn nói như phân trần:
-        Tôi đâu có định hù cho các cô giật mình, tôi có bấm chuông đó chớ, nhưng các cô mải đàn hát, làm sao nghe thấy?
-        Rồi làm sao anh vào nhà được? Tôi hỏi.
-        Đèo Mai ra mở cửa, cô ấy nói rằng ba Hằng đang làm việc trong văn phòng, mẹ Dung đang ngủ trưa và tôi có thể vô nhà gặp hai cô.  Tôi đến tự nãy giờ và đã nghe cô Hằng đàn.
-        Thì ra anh đến tự nãy giờ, tại sao không lên tiếng?  Tôi hỏi.
-        Ngu gì? tôi phải im lặng để thưởng thức tiếng đàn của cô chứ.
Ðạt cười vui vẻ và quay sang Dung:
-        Còn cô, ai ngờ cô cũng biết hát mà lại hát rất hay nữa chứ?  Dạo này ra sao, có gì lạ không, cô bé?
-        Chán lắm, chẳng có gì đáng nói.  Còn anh? em đang tự hỏi vì sao lâu quá không thấy anh tới?
-        Tôi cũng muốn lắm, nhưng đâu có dễ gì, có chắc mẹ cô cho phép không?
Dung xầm ngay mặt lại:
-        Mặc kệ bà ấy!
Tôi khẽ suỵt Dung một tiếng và hỏi Ðạt với một vẻ ngạc nhiên hết sức:
-        Anh cũng biết Đèo Mai à? làm sao anh biết được tên cô ấy?
-        Mai là hàng xóm cũ của tôi khi xưa, chúng tôi thường chơi đùa với nhau lúc còn nhỏ.  Vả lại ở vùng Trại Hầm này, người nào cũng biết nhau hết, cô có biết rằng ông nội của Đèo Mai khi xưa là người làm vườn ở đây?
-        Ở đây? anh muốn nói rằng ngay tại biệt thự Vườn Hồng này?
Ðạt gật đầu:
-        Phải!
-        Thật à?  Dung kêu lên, mẹ em biết được chắc sẽ thích lắm, lâu chưa?
-        Từ hồi cô và mẹ cô chưa dọn tới đây.  Thật buồn cười.. Đèo Mai nói, lại thêm một thế hệ nữa dòng họ Đèo làm công cho gia đình mẹ cô.
-        Kể cũng ly kỳ.
Tôi nói giọng thư người sắp kết thúc một cuốn truyện bỗng tìm thấy nhiều chi tiết sót cần phải bắt đầu lại.
-        Ngồi xuống đi anh Ðạt, có muốn uống một cái gì mát không? trà đá chẳng hạn? Tôi muốn mời anh bơi, nhưng cái hồ này chưa có một giọt nước nào cả.
-        Không hề gì, Ðạt nói, tôi thích bơi trong một cái hồ cạn khô, như thế khỏi lo chết đuối.  Nhưng tôi không thể ở lâu được, tôi phải đi bây giờ, hôm nay là sinh nhật mười bốn tuổi của em gái tôi, tôi phải xuống phố mua cho nó một món quà.
-        Nếu vậy sao anh lại mất công tới đây?  Dung hỏi, anh đi một đoạn đường dài, tới nơi rồi quay về lập tức?
-        Tôi muốn hỏi cô Hằng xem chương trình tuần này như thế nào? vì nhà các cô không có điện thoại nên chỉ có cách tôi phải tới tận nơi để hỏi.
-        Anh muốn hẹn hò với chị Hằng à? 
Dung hỏi thật nhỏ và lập tức những tia sáng long lanh nơi mắt Dung tắt ngấm, khuôn mặt nó buồn hẳn lại.  Đạt thản nhiên nói tiếp:
-        Tôi nghĩ tôi sẽ mời Hằng đi coi chiếu bóng hoặc đi dạo phố cũng được. 
Ðạt hơi cúi người về phía trước, hắn nói với tôi, không để ý gì đến phản ứng của Dung:
-        Hằng trả lời tôi đi! cô có thể đi chơi với tôi tối thứ sáu này được không?
-        Tôi không biết.  Tôi nói một cách chậm rãi, nghe có vẻ thích thật đấy, nhưng…
Tôi liếc nhanh về phía Dung, vẻ đau khổ hiện trên khuôn mặt nó làm tim tôi se lại, lập tức tôi quyết định, nhìn thẳng vào mắt Ðạt tôi nghiêm nghị nói:
-        Có vẻ thích thật đấy nhưng tôi rất tiếc, tôi không đi với anh được, tôi đã có chương trình cho ngày thứ sáu.
-        Nếu thế thì thứ bảy nhé?
-        Thứ bảy tôi cũng bận.
Tôi sợ rằng nếu không dứt khoát, Ðạt sẽ tiếp tục hỏi tôi về những ngày cuối tuần tới, vì vậy tôi vội vã nói tiếp:
-        Tôi rất tiếc, tôi không có thì giờ, cám ơn anh đã có lời mời.
Tôi nói một cách lạnh lùng, Ðạt nhún vai:
-        Hừm, như vậy là cô đã quyết định chấm dứt không liên lạc với tôi nữa?
Ðạt hỏi với giọng bực bội, tôi biết là tôi đã làm cho Ðạt chạm tự ái rất nhiều, nhưng tôi không thể làm khác hơn được, tôi tảng lờ như không biết và hỏi:
-        Anh có chắc là anh không cần một ly trà đá cho mát?  Bây giờ mới hơn 4 giờ chiều, các tiệm ở dưới phố mở cửa đến 7 giờ.  Hãy còn sớm, anh chưa cần đi vội.
-        Không, cám ơn, tôi cần phải đi bây giờ.  Ðạt nở một nụ cười gượng gạo, chào các cô nhé, mong có dịp gặp lại các cô ở một dịp khác vậy.
1977 3 TDC Chuong 9 LuuPLan
-        Hy vọng thế, tôi nói, thật tình tôi mong có dịp gặp lại.
Sau đó không có gì để nói thêm ngoài câu “tạm biệt”, hai chúng tôi cùng bật lên một lúc và cùng bối rối cố tránh nhìn vào mặt nhau.  Ðạt quay lưng đi thật nhanh, bóng dáng cao lớn của hắn đã khuất sau góc nhà, vài phút sau có tiếng xe rồ máy, tiếng động cơ gầm lên, lớn tới nỗi tôi ngạc nhiên tự hỏi vì sao không nghe thấy lúc hắn đến?  Suy nghĩ ngột hồi, tôi mới chợt hiểu là hắn đang giận dữ.  Một lúc rất lâu sau khi Ðạt đi khỏi, Dung và tôi ngồi im lặng, không ai nói với nhau một lời.  Sau cùng tôi lên tiếng trước:
-        Mình tiếp tục nhé?
-        Không!
Dung đang nhìn một cách vô hồn vào những tờ nhạc nằm ngổn ngang trên mặt bàn, bây giờ nó mới ngẩng lên và bắp gặp tia mắt của tôi.
-        Tại sao chị lại nói chị bận cuối tuần này? chị biết là chị nói dối, chị có việc gì làm đâu ngoài việc đi loanh quanh trong nhà?
-        Chị đâu có tới đây để hẹn hò? chị tới đây để sống với cha chị và gia đình mới của chị.
-        Nhưng không phải vì vậy mà chị từ chối Ðạt.  Dung nói, chị làm như vậy là chỉ vì em, chị biết em thích anh ấy và vì thế chị không nhận lời…
Ðôi mắt to màu nâu của nó, đôi mắt giống hệt Bách, giống hệt dì Lý, đang sáng lấp lánh một vẻ ngờ vực:
-        Chị tốt lắm, chị Hằng! nhưng chị không cần phải làm thế.  Anh Bách nói đúng, bất cứ làm cách nào cũng vô ích, không bao giờ có người nào yêu em hết.
-        Ðừng nói hồ đồ.  Tôi bảo, em mới mười ba tuổi, khi chị bằng tuổi em, chị cũng đâu có hẹn hò với ai?
-        Chị khác, chị có một cuộc sống sung sướng êm đềm, chị đâu có gì phải lo lắng sợ hãi.
Tôi không hiểu nó muốn nói gì, nhưng cũng cố gắng an ủi:
-        Dung cũng vậy, không có gì mà phải lo lắng cả, khi Dung đến tuổi dậy thì Dung sẽ trở nên xinh đẹp giống mẹ Dung vậy, thiếu gì người sẽ chú ý đến Dung, rồi Dung sẽ lập gia đình và có một tương lai tốt đẹp…
-        Không làm gì có chuyện đó đâu.   Dung bỗng thút thít khóc, rồi đây em sẽ phải sống cô đơn suốt đời và xa lánh mọi người.
-        Ðừng nói điên, việc gì mà phải lẩn tránh mọi người như những tên tội phạm? khi mình có một nếp sống lương thiện, một gia đình êm ấm, và mẹ Dung…
Dung bỗng ngắt lời, nó xua tay lia lịa:
-        Thôi, thôi đủ rồi, đừng nhắc đến mẹ em nữa, em chỉ muốn thoát ly khỏi bà ấy càng sớm càng tốt.  Em sợ tương lai, em sợ những ngày sắp tới, em sợ, em sợ…
Dung nấc lên khóc, nước mắt bị dồn nén nãy giờ bỗng tuôn xối xả.  Tôi dang rộng hai tay và Dung nhào vào vòng tay tôi khóc nức nở.  Tôi vỗ về nó như người mẹ vỗ về một đứa con thơ dại:
-        Chị hiểu em đang ở vào cái tuổi khủng hoảng, tuổi mười ba, mười bốn. Chị nhớ khi chị ở vào cái tuổi ấy chị cũng muốn nổi loạn.  Nhưng em sẽ không là trẻ con mãi mãi, em sẽ lớn lên và có những cảm nghĩ khác đi. Dung nên hiểu rằng xã hội Việt Nam mình thời buổi bây giờ vẫn còn nhiều người theo xưa lắm, nhất là trong những gia đình lễ giáo, việc cha mẹ kiểm soát hành động của con cái là một việc rất bình thường.
-        Nhưng với mẹ em thì không bình thường tí nào cả, mẹ em bắt buộc phải làm vậy là vì, vì…
Dung bỗng khựng lại, nó vội úp mặt vào vai tôi để che dấu những cảm xúc. Tôi chờ đợi một lúc để nghe nó nói tiếp nhưng nó chỉ thút thít khóc.  Tôi thở dài, cố gắng khuyên nhủ:
-        Ðừng oán mẹ em, bà làm vậy là vì tương lai con cái!
-        Chị không hiểu, Dung nói một cách khó khăn, bà làm vậy là vì… vì bà ấy.  Mẹ em không sung sướng đâu, suốt đời bà ấy đau khổ, nhưng đáng đời, vì bà ấy làm khổ lây cả em và anh Bách.
-        Ðừng nói thế chứ! sau này khi em có gia đình, có con cái em cũng sẽ hành động giống như mẹ em bây giờ.
-        Không, không bao giờ!  Dung bỗng gào lên khóc, không bao giờ em muốn bắt chước mẹ em hết, em ghét cái mặt mẹ, em ghét những hành động của mẹ, em ghét cách ăn nói của mẹ, em ghét tất cả những gì thuộc về mẹ…
-        Ồ, Dung đừng nói thế! chị biết em không muốn nói thế phải không?
Nhưng tự trong thâm tâm tôi biết nó nói thật, nhưng nó vừa lỡ lời. 
 
Lưu Phương Lan
Xem tiếp chương 10

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC