TKH - banner 02

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

Chương 13

Một Thời Ly Loạn

Xuân Vinh

 

   Sau ngày 21 tháng 4, 1975, khi Tổng Thống VNCH đọc một bài diễn văn để trút tất cả trách nhiệm lên chánh phủ Hoa Kỳ đã không giữ lời hứa và sau đó ông tuyên bố từ chức, thì thành phố Sàigòn trở nên hỗn loạn. Từ mấy tháng nay sau khi Ban Mê Thuột  thất thủ và Quân Đoàn II rút khỏi Cao Nguyên, rồi tiếp theo đến cuộc di tản khỏi Đà Nẵng thì ở Thủ Đô miền Nam, mạnh ai người ấy chạy và gia đình nào có chút phương tiện cũng chỉ nghĩ đến chuyện làm cách nào để rời khỏi nước. Những người Việt mà có quốc tịch nước ngoài thì đi bằng phương tiện riêng, thường thì bằng đường hàng không, giá vé tăng lên gấp ba hay bốn lần ngày thường. Những người khác mà giầu có thì cố gắng chạy chọt để xin được chiếu khán ra khỏi nước và đồng thời xin được nhập cảnh vào một nước khác, tốn kém bao nhiêu cũng bỏ ra cả. Hải quân và Không quân VNCH cũng có những chương trình di tản nên nhiều người tìm những liên hệ  theo những ngả này.

   Tội nghiệp cho cô bé; tuy ở nhà bàn kế hoạch di tản ai cũng nghĩ đến chuyện ưu tiên là phải lo cho Phương Vân, nhưng không ai bàn luận  gì với cô cả. Phần khác mặc dầu cô đã viết thư đoạn tuyệt với anh, nhưng trong lòng lúc nào cô cũng mong mỏi được gặp lại anh hay ít ra cũng nhận được thư của anh, nhưng đã mấy tuần qua cô không nhận được tin tức gì của Phong. Tuy Phương Vân, trong lòng lúc nào cũng nghĩ rằng anh không thể nào giận được cô bé, dù cho cô có trách cứ anh thế nào chăng nữa, nhưng cô vẫn lo rằng bức thư mới đây gửi cho anh cô đã viết nặng lời, và cô đã nói lời vĩnh biệt với anh. Có khi nhà vắng người cô bé ngồi khóc một mình, nghĩ giận anh mà cũng tự trách mình.

   Giờ đây ở nhà chỉ còn có 5 người, Chị Trinh thì đã theo chồng ra nước ngoài từ năm ngoái khi anh Diễm nhận lời mời của Đại Học Alger sang đó làm giáo sư thỉnh giảng. Anh Vũ thì ngoài chuyện giúp Bố trong công nghiệp, có thì giờ rảnh anh dậy giúp về môn Toán cho Trường Trung Học Tư Thục Hưng Đạo của Linh Mục Trần Đức Huynh, nhưng học sinh đã nghỉ và trường đóng cửa từ hai tháng nay, cả nguời gác gian cũng không còn ở lại nên đường giây ra nước ngoài qua ngả này cũng bít lối. Từ ngày có tin loan truyền là những người Việt nào mà làm cho công ty xây cất Hoa Kỳ RMK Construction  sẽ đưọc phi cơ chở đi sang căn cứ Không Quân Clark Field ở Phi Luật Tân, thì Hồng cũng đi tìm những kỹ sư bạn cùng làm trước đây để hỏi tin tức nhưng không ai biết gì cả. Vả chăng từ ngày ký Hiệp định Ba Lê cách đây gần hai năm, Hãng RMK đã dần dần cho nhân viên nghỉ việc và bây giờ chỉ còn một văn phòng nhỏ đặt ngay tại trong căn cứ Tân Sơn Nhất lo giải quyết một vài vấn đề hành chánh còn đọng lại. Mọi người giờ chỉ chờ ở sự quyết định của Bố. Ông Quận trưởng, là chủ gia đình, thuộc giới sinh viên đậu cử nhân Luật và được bổ nhiệm làm tri huyện vào những năm trước khi Việt Minh cướp chính quyền. Thời Quân Đội Quốc Gia mới thành lập, ông được trưng tập để làm Quận trưởng một thời gian nhưng đã giải ngũ từ lâu và sau đó theo doanh nghiệp nên cũng không quen biêt nhiều người trong quân đội để tìm lối đi. Hàng ngày nghe ngóng tin tức, Bố biết được rằng tuy theo Hiến Pháp, sau khi ông Nguyễn Văn Thiệu từ chức, giờ là cụ Trần Văn Hương lên kế vị là Tân Tổng Thống, nhưng vẫn có những tin đồn đại là cụ Hương bị áp lực để nhường chức cho Đại Tướng Dương Văn Minh để có thể thảo luận với người anh em bên kia, tức là cộng sản Bắc Việt hiện nay đang xiết chặt vòng vây quanh SàiGòn sau khi những đơn vị cuối cùng của Sư Đoàn 18 dưới sự chỉ huy của Tướng Lê Minh Đảo đã  rút khỏi Xuân Lộc ngày 22 tháng 4 sau 13 ngày anh dũng chống lại nhiều đợt tấn công của cộng quân với một lực lượng mạnh hơn gấp bội. Xuân Lộc, là cửa ngõ vào SàiGòn nay  bị bỏ ngỏ.

   Chiều ngày 23, trong bữa cơm chiều, bỗng nhiên Bố hỏi các con có ai nhận được tin của Phong, giờ ở đâu không. Mọi người nhìn nhau, ai cũng lắc đầu và tự dưng không ai bảo ai, mọi người đều nhìn về phía cô bé. Phương Vân bỗng nhiên oà lên khóc và nói là : “Anh ấy đâu có thiết tha gì đến gia đình mình trong lúc này”. Nhưng Bố lắc đầu nói là có lẽ không phải và có thể lúc này Phong đang ở SàiGòn và đang họp với nhiều người đang lo quốc gia đại sự, vì Bố nghe thấy nói là ông Đại sứ Pháp là ông Mérillon đã gặp ông Dương Văn Minh để bàn về giải pháp trung lập, theo đó cụ Trần Văn Hương sẽ xin với Quốc Hội để cụ trao quyền Tổng Thống cho Đại Tướng Dương Văn Minh và ông này sẽ bổ nhiệm một Thủ Tướng mới để thành lập một nội các gồm toàn những sĩ phu xưa nay vẫn được lòng dân, nay vì quốc gia đang gặp cơn nguy biến mà hy sinh ra gánh vác công việc. Tên của Phong lại hay được nhắc đến như là người đã được sự qúy trọng của cả người Pháp lẫn ngưòi Mỹ. Khi nghe Bố nói vậy, Vũ đã cả quyết là không phải và cho đó chỉ là tin đồn mà thôi. Là bạn thân của Phong và người từ xưa đến nay hay được Phong nói chuyện tâm sự, Vũ có thể đoan chắc là vì Phong đã biết quá nhiều về hành xử của Việt cộng nên anh không thể nào cùng đứng trong hàng ngũ với những người chủ trương hợp tác với Bắc Việt được. Vả chăng nếu vào lúc này Phong có mặt ở SàiGòn thì thế nào chàng cũng đã liên lạc với gia đình hay ít nhất là cũng phải nhắn tin cho Vũ là người mà Phong coi như là một đồng chí trong tư tưởng chính trị. Sau đó cả gia đình giữ yên lặng để ăn cho xong bữa cơm, mỗi người có một tâm tư thắc mắc và phiền muộn khác nhau.

o-0-o

  Sự thực thì trong lúc này Phong đang ngồi đợi ở  phi trường Đài Bắc, chờ đến giờ để đi Sàigòn, nhưng trong một nhiệm vụ khác, không liên hệ gì với chính trị, nhất là chàng lại không thuộc vào thành phần thứ Ba, gồm phần lớn những người không có lập trường rõ ràng chỉ xuất hiện những lúc tình thế rối ren để kiếm mối đỉnh chung. Phong đã nhận lời làm phi công phụ cho Tần Quang Thanh để lái một chiếc phi cơ Douglas DC-4 bốn máy có một phi hành đoàn, ngoài hai người còn một điều hành viên và một cơ khí viên của Không quân Trung Hoa Dân Quốc. Loại phi cơ này, chỉ danh quân sự là C-54, có tên gọi là Skymaster, đã có một thời oanh liệt phục vụ như là loại phi cơ chuyên chở chính cho  Quân Đội Hoa Kỳ trong Thế chiến II và cho hơn mười quốc gia Đồng Minh. Trong thời gian trước thời đại phi cơ phản lực loại chuyên chở của Hãng Boeing,  phi cơ C-54 cũng đã được dùng làm phi cơ riêng cho những vị Tổng Thống Hoa Kỳ như Franklin D. Roosevelt và Hary S. Truman, cho Thủ Tướng Anh là Winston Churchill và cũng được dùng là phi cơ riêng của Đại Tướng Douglas MacArthur. Trong Cầu Không Vận Bá Linh năm 1948 để tiếp vận cho thành phố trước sự phong toả của Liên Sô, hơn 300 chiếc C-54 đã được xử dụng như là lực lượng cơ hữu. Sau chiến tranh Triều Tiên và tiếp theo sự hiện đại hoá của Không Quân Hoa Kỳ một số phi cơ C-54 đã được chuyển nhượng cho các nước ở Á châu. Không Quân Trung Hoa Dân Quốc, sau khi di tản sang Đài Loan còn giữ lại 2 chiếc. Không Quân Hoàng Gia Thái chỉ có một chiếc độc nhất, nhưng trong một chuyến đi thăm viếng Đài Loan vào năm 1960, trên đường trở về, chiếc phi cơ này do chính Tư Lệnh Không Quân Hoàng Gia Thái điều khiển đã đâm vào núi sau khi cất cánh, cả hai vợ chồng Thống Chế Không Quân cùng phái đoàn đã bị tử nạn.

   Ngồi trên ghế lái để đợi tín hiệu cất cánh, Phong đã có dịp ôn trong trí não lịch sử của chiếc phi cơ mà giờ đây chàng hy vọng là sẽ đưa được Phương Vân và gia đình khỏi phải vòng vây của cộng quân đang xiết chặt SàiGòn từ nhiều phiá. Chàng có một trí nhớ thật phi thường. Những điều này trước đây nhiều năm, chàng đã phải nghiên cứu tài liệu để làm sao viết lại lịch sử chiếc phi cơ dân sự DC-4 của công ty VIAT là do Air Vietnam chuyển nhượng chứ không phải là chiếc phi cơ quân sự C-54 của Không Quân Trung Hoa Dân Quốc tạm thời cho CIA mượn để thi hành những phi vụ thả dù tiếp tế trong lòng địch hay biệt kích nhẩy Bắc. Sau khi mãn nhiệm vụ, cũng chiếc phi cơ này lại trở về với Đài Loan và giờ đây, như là một tiền duyên hay nghiệp dĩ, chàng lại cùng với Tướng Tần Quang Thanh mang nó về SàiGòn mến yêu. Tướng Thanh cũng như Phong, hai người giờ đây như hai pho tượng đá ngồi thiền im lặng trong ghế lái, chờ đợi một tín hiệu để cất cánh. Mới cách đây hai tuần, vào ngày  8 tháng 4, từ một phi vụ cất cánh từ phi trường Biên Hòa, trung úy phi công phản loạn Nguyễn Thành Trung đã lái một chiếc phi cơ F-5E trực chỉ SàiGòn và ném bom dinh độc lập rồi đào thoát sau khi hạ cánh trên một sân bay dã chiến tạm thời làm ở tỉnh Phước Long và do cộng sản kiểm soát. Tuy vụ ném bom chớp nhoáng không gây nhiều thiệt hại nhưng sau đó với nhiều trận pháo kích phi trường Tân Sơn Nhất, giờ đây sân bay không dùng được cho những phi cơ chuyên chở phản lực và chỉ dùng cho những phi cơ cánh quạt, những lần cất cánh và hạ cánh đều được cả hai giới chức Việt và Mỹ kiểm soát thật chặt chẽ. Tuy tướng Thanh không nói chi tiết cho Phong biết nhưng hai người đều hiểu rằng Việt cộng chỉ cần mang vài bộ phận phòng không tới sát vòng đai phi trường là có thể  kiểm soát hoàn toàn vấn đề không lưu của phi truờng. Giờ đây có thể nói là cả Mỹ và Bắc Việt đều muốn cho cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu rời SàiGòn càng sớm càng hay để họ có thể làm áp lực cho Tân Tổng Thống Trần Văn Hương trao quyền lại cho ông Dương Văn Minh là người họ muốn nói chuyện. Sau nhiều sự vận động ngầm, ông Thiệu sẽ được bí mật đưa ra đi và Không Quân Hoa Kỳ đã đưa sang phi trường Tân Sơn Nhất một chiếc phi cơ bốn máy Douglas DC-6, với chỉ danh quân sự là C-118, để thi hành phi vụ này. Phi cơ này cũng thoát thai từ loại DC-4, được cải tiến và nay dùng trong Không Quân Hoa Kỳ để thay thế những chiếc C-54 bằng loại C-118 có tên gọi là Liftmaster. Chiếc phi cơ của Đài Loan được mượn là để dùng phòng hờ, một thể thức bao giờ cũng được áp dụng khi có sự chuyên chở Thượng cấp. Trong chuyến đi này Tướng Thanh cũng đã ghi trong danh sách chuyên chở lúc về sẽ có một số hành khách là nhân viên sứ quán Trung Hoa Dân Quốc và ông đã dành một số ghế cho gia đình người bạn. Ngày giờ hạ cánh và cất cánh sẽ được quyết định khi cơ quan tình báo Hoa Kỳ biết chắc chắn là phe địch không có những hoạt động quân sự chung quanh phi trường Tân Sơn Nhất.

   Giờ cất cánh từ Đài Bắc là trong năm phút nữa. Phòng lái của chiếc DC-4 đã nhộn nhịp. Hai người phi công chính và phụ giở lại check list và cơ khí viên bắt đầu kiểm soát lại các áp lực các động cơ truớc khi mở máy. Cho chuyến bay này Tần Quang Thanh đưa theo một cô chiêu đãi viên chọn lựa trong những người tháo vác và nói thạo tiếng Việt. Ming Pi Chao là một thiếu nữ người Hoa nhưng sinh ở Chọ Lớn nơi thân phụ là một thương gia giầu có. Lớn lên cô được gửi về Đài Loan nơi có ông Ngoại là một vị tướng Không Quân đã theo Tổng Thống Tưởng Giới Thạch từ lục điạ sang hải đảo. Được ông ngoại dẫn dắt, cô gia nhập Không Quân Trung Hoa Dân Quốc và hiện nay là sĩ quan quân báo.

   Miss Chao đã được cả Tướng Thanh lẫn Phong nói rõ nhiệm vụ được giao phó cho cô ở SàiGòn. Hiện giờ thì Trung úy Chao đóng vai chiêu  đãi viên cho chuyến bay và cô mang vào phòng lái cho hai phi công một bình cà phê nóng. Người phi công phụ, ngồi bên phải đưa tay đỡ lấy và gật đầu cám ơn. Tuy mới gặp Phong lần đầu nhưng cô cũng thấy có phần cảm phục con nguời đặc biệt này. Ngoài giáng điệu trí thức và oai nghiêm, vừa nghe giới thiệu tên cô, Phong đã đọc ngay ra bằng tiếng Việt là Triệu Minh Bích và khen là tên đẹp và có ý nghĩa nói chuyện cổ khi xưa Ngọc Bích lại đưa về được nước Triệu. Cô biết, chuyến đi này là do sự liên hệ giữa những cơ quan tình báo Hoa Kỳ và Trung Hoa Dân Quốc, nhờ nhau trợ giúp cho một phi vụ quan trọng được chót lọt, nhưng Tần Quang Thanh khi biết chuyện đã nhận lãnh chuyến bay để nhân dịp này giúp cho một người bạn cứu gia đình người yêu ra khỏi SàiGòn. Nhìn hai người bạn đang cùng nhau kiểm điểm động tác theo check list, trước khi rời phòng lái, Triệu Minh Bích bỗng dưng thấy nóng lòng muốn được gặp cô gái nào trong cuộc mà hai người trai anh dũng và tài ba này đã phải để tâm giúp cho thoát hiểm.

o-0-o

  Trong khi cả thành phố xôn sao tìm phương tiện di tản thì Phương Vân như cam chịu với số phận. Cô với Phong, nay mỗi người ở một phương trời, cô tự hỏi bây giờ anh đang làm gì. Anh có biết là nước nhà sắp rơi vào sự kiểm soát của cộng quân hay không? Phương Vân nhớ lại tấm hình chụp anh với cô mặc áo đỏ, mà Mây cũng không biết tên, vì báo “Thế Giới Tự Do” cũng không cho thêm chi tiết, chỉ nói lững lơ là ở Sproul Hall, trong khuôn viên Đại Học California ở Berkeley, hai người Việt Nam đi qua đã dừng lại và tranh luận vói những sinh viên phản chiến, cô nghĩ hai người chắc là ý đầu tâm hợp với nhau lắm nhỉ. Phương Vân cứ băn khoăn không biết là họ quen nhau từ bao giờ, nhưng trông thì họ khá thân thiết với nhau, cứ qua dáng điệu cô này đứng sát vào anh thì biết. Phương Vân tự nghĩ, có lẽ anh cần người già dặn hơn để cùng nhau tâm sự. Và mình thì còn trẻ quá, lại hay giận dỗi với anh. Nhưng cô tự hỏi là sao anh không nói sự việc cho mình biết, là anh thích người già dặn và không muốn bận rộn phải nuông chiều cô bé. Có một lần anh nói với Mây là anh sinh nhầm thế kỷ, và thật Mây cũng không hiểu ý nghĩa của câu nói này, nhưng bây giờ thì cô bé chợt hiểu và chỉ muốn có anh ở đây để Mây nói lại với anh câu ấy và ước gì Mây sinh ra ở thế hệ của anh thì sẽ hiểu anh hơn và không còn hay giận hờn để làm cho anh buồn vì Mây. Chưa bao giờ có một cô bé lại muốn mình già hơn nhiều tuổi như trong lúc này.

   Ở nhà bây giờ chỉ có mình cô bé. Nhìn trên lịch treo ở tường, Phương Vân thấy hôm nay đã là ngày 24/4/1975 rồi, Xuân Lộc đã thất thủ được 3 ngày, đường về thành phố SàiGòn đã bỏ ngỏ, và nghe tin đồn thì cộng quân sẽ vào thành phố không biết lúc nào. Từ sáng, Bố đã đi cùng với anh Hồng ra Vũng Tầu vì có người quen ở ngoài đó cho tin tức là có phương tiện dùng thuyền ra bể. Ở ngoài khơi đã có tầu chiến của Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ bảo vệ không sợ xuồng máy của Việt cộng ngăn cản. Mẹ cũng đi gặp mấy người trong họ để thanh toán công việc trước khi ra đi để khỏi phải nợ nần ai. Anh Vũ cũng dặn Phương Vân ở nhà để anh ra ngoài nghe thêm tin tức, có thể chuyện Phong về nước là chuyện thật, và ngày hôm qua Vũ cũng nghe được tin gần như chắc chắn là Đại Tướng Dương Văn Minh sẽ ra làm Quốc Trưởng và sẽ lập chính phủ trung lập để điểu đình với Bắc Việt. Như thế sẽ tránh cho SàiGòn bị pháo kích tan thành bình địa.

   Cô bé ngồi một mình và có lúc cô định lấy giấy bút viết thư cho anh, nhưng biết viết gì đây khi anh không còn tha thiết nhận thư của Mây, và bây giờ cũng không biết anh ở đâu mà gửi thư đi, và cũng không biết là trong lúc thành phố bị bao vây các công sở nhiều nơi công chức không còn đến làm nữa, thư từ có còn được chuyển đi hay không. Mọi công việc hành chánh hầu như bị tê liệt.

   Vừa lúc ấy thì Phương Vân nghe thấy tiếng chuông gọi cửa. Mở cửa ra, cô thấy sững sờ vì khách là một thiếu nữ trông rất đẹp, nguời dong dỏng cao trạc tuổi ngoài hai mươi, mặc một bộ đồ vàng nhạt, áo có cài khuy, đeo một cái brooch hạt trai bên ve áo, trông lịch sự kiểu như những phụ nữ có chức vụ Mây thấy trên những chương trình truyền hình. Sau khi được mời vào ngồi trong phòng khách, thiếu nữ, tuy trông như ngưòi ngoại quốc, đã tự giới thiệu bằng một thứ tiếng Việt rất trơn tru:

- Chắc cô là Phương Vân, có phải không? Tôi là Minh Bích, người của sứ quán Trung Hoa Dân Quốc. Tôi đến đây là vì tiến sĩ Nguyễn Đình Phong.

Vừa nghe thấy tên anh, Phương Vân như thấy tim mình đập nhanh, và cô không biết là chuyện lành hay dữ. Mấy tuần nay anh hay giao thiệp với phụ nữ mà cô nào trông cũng đẹp và thanh lịch. Anh đã có bạn là cô áo đỏ, giờ lại có cô áo vàng đến đây cũng vì anh, Phương Vân thấy như trời đất quay cuồng chung quanh mình. Cô bé nói ấp úng:

-  Anh tôi không có nhà…

Cô gái tên là Minh Bích phải cười vì thái độ lúng túng của Phương Vân. Cô ôn tồn nói tiếp:

- Không, tôi chỉ muốn nói là ông Phong nhờ tôi đưa đến đây một lá thư cho cô. Cô đọc xong thì sẽ biết. Ông Tổng Giám Đốc có xin với chính phủ chúng tôi đưa gia đình cô di tản sang Đài Loan và hưởng quy chế tỵ nạn chính trị. Lời yêu cầu này đã được chấp thuận và tôi sẽ nói thêm cho cô biết chi tiết về cuộc du hành.

  Phương Vân thấy thiếu nữ áo vàng dùng chữ Tổng Giám Đốc để chỉ anh, và cô thoáng có  ý nghĩ là anh đã có một chức vụ nào đó và cô gái này là người làm việc cho Phong ở nước ngoài. Sự thực thì người Trung Hoa rất tôn trọng chức vụ, nhất là khi có kèm chữ “Tổng”. Trung Tướng Tần Quang Thanh khi can thiệp với Không Quân Trung Hoa Dân Quốc để Phong được đi cùng chuyến bay sang SàiGòn đã dùng chức vụ khi Phong ở địa vị này mà giúp cho việc thành hình Hãng Hàng Không Chuyên Chở VIAT và tiếp thu những phi cơ chuyển nhượng. Còn chi tiết thì trên chuyến bay trở về ông sẽ lấy quyền Trưởng phi cơ để thiết lập danh sách hành khách.

Cô bé tay run run mở phong thư dán kín của anh, lá thư mà cô chờ đợi từ gần một tháng nay. Trong thư chỉ có một tấm thiệp trình bầy rất đẹp và ở trên có hình một chiếc nhẫn ngọc Garnet, chiếc nhẫn khi xưa anh đã mua cho cô khi sinh nhật vừa tuổi mười lăm. Đọc thư xong, cô đặt tấm thiệp xuống bàn và lấy tay vân vê chiếc nhẫn ngọc mầu đỏ tươi đeo bên tay trái, và đôi dòng lệ từ từ chẩy xuống má. Lúc này hơn lúc nào hết, Phương Vân  muốn có anh ở cạnh để cô có thể cám ơn tấm lòng của anh không bao giờ quên cô bé và vẫn chịu đựng những lời phiền trách mà không bao giờ anh có một lời than van.

 

 

  Triệu Minh Bích, người cũng có tên là ngọc sáng, nhìn thấy hình chiếc nhẫn trên tấm thiệp để trên bàn rồi nhìn cô bé thông cảm và chợt thoáng thấy là chuyến đi đón gia đình này nếu thành công sẽ là kết thúc của một mối tình thật đẹp. Phương Vân giờ không còn nghi ngờ gì nữa. Cô sẽ hết mực tin anh, và cô nghĩ không có hình bóng nào chen được vào giữa hai người. Bên cạnh chiếc nhẫn mầu đỏ anh viết thêm 4 câu thơ

 

                                                Giờ đây vừa mới năm qua

                                                Tháng Giêng sinh nhật, nhớ quà cho em.

                                                Cung đàn viết dở chưa xem,

                                                Chờ ai lên phím, mới thêm lời vào.

  Mấy câu thơ này đúng là của anh nhưng Mây chưa bao giờ đọc. Nếu anh viết mấy năm trước đây  khi anh mua cho cô chiếc nhẫn  mặt Garnet thì đúng là lời thú nhận của anh là Mây là người trong giấc mơ của anh, là người anh luôn luôn nghĩ tới. Và cũng vì thế mà giờ đây anh về để đón Mây và gia đình đi cùng với anh ra nước ngoài trong lúc tình thế hầu như tuyệt vọng như thế này. Ở phiá dưới anh viết thêm tuy ngắn gọn nhưng rõ ràng:

“Giới thiệu với Mây người bạn về để đón Mây và gia đình tới nơi an toàn”

  Ở phía dưới anh ký như thường ký dưới các bài thơ hai chữ  “TM” . Trước đây anh thường nói đùa với Mây là hai chữ TM có nghĩa là Tối Mật, nghĩa là không thể nảo giải thích ý nghĩa của hai chữ này được, nhưng giờ đây cô bé có thể quyết đoán đó là hai chữ Thương … Mây!!! Anh có thể không nhận, nhưng điều này Mây sẽ không bận tâm, Mây để tùy anh muốn giải thích thế nào cũng được vì Mây đã coi như là anh thú nhận tình yêu muôn thuỏ với mình rồi.

Để cho cô bé qua cơn hồi hộp cảm súc lúc đầu, Minh Bích mới nói cho Mây biết cặn kẽ chương trình thoát hiểm ngày mai . Đúng 6 giờ tối ngày 25/4/1975, Minh Bích sẽ đi một chiếc xe của sứ quán có biển ngoại giao đến đón gia đình Phương Vân. Đoàn người sẽ chỉ giới hạn mang theo 2 vali cho cả gia đình. Lộ trình đi vào phi trường sẽ rất phức tạp vì lúc đó đã là giờ giới nghiêm. Suốt giọc đường Hồng Thập Tự sẽ có nhiều chặng gác, đôi khi họ không chấp nhận những thông hành ngoại giao. Xe của Sứ Quán Trung Hoa Dân Quốc sẽ đi đường vòng tới một đơn vị Nhẩy Dù và sẽ được hướng dẫn an toàn vào phi trường tới chỗ phi cơ đậu. Trong suốt thời gian di chuyển nhóm ngưòi sẽ giữ hoán toàn im lặng nếu gặp chặng gác hỏi giấy tờ thì Minh Bích sẽ trả lời và đưa  ra chứng thư cần thiết.

   Sau khi người khách khả ái ra về Phương Vân còn ngồi ngẩn ngơ như người vừa tỉnh một giấc mộng kê vàng. Mọi sự đến với cô một cách quá nhanh chóng như trong một giấc mơ. Tuy vậy cô vẫn không hiểu tại sao anh không đích thân tới lại nhờ qua tay cô gái này. Minh Bích có liên hệ với anh ra sao. Cho đến lúc Mẹ và anh Vũ đi công chuyện về và sau khi kể lại ngọn ngành Mây mới trở lại bình tĩnh và cùng mọi người hối hả đi lo hành lý để ngày hôm sau mang đi. Giờ chỉ chờ cho Bố với anh Hồng từ Vũng Tầu trở về nhà mọi người mới hết bồn chồn lo sợ.

o-0-o

  Vũng Tàu tuy chỉ cách SảiGòn vào khoảng 130 cây số, trước đây gia đình ông Quận Trưỏng Thái đôi khi ra nghĩ mát vào những ngày cuối tuần lái chiếc xe Simca của ông mất chỉ vào khoảng hai giờ, nhưng từ hơn một tuần nay khi có tin là ra đó mướn tầu chạy ra khơi là đã có tầu chiến của Hoa Kỳ vớt với lòng nhân đạo nên chặng đường bị nghẹn xe, người đi tưởng như không nhúc nhích được. Những năm trước, thì ở đây là bản doanh của đoàn quân Úc châu, nhưng cũng là nơi nghỉ mát của các quân nhân Hoa Kỳ. Du khách thường ra để ngắm cảnh ở Bãi Trước nhưng khi đi tắm thì lại đến Bãi Sau nơi có một bãi bể cát trắng mịn và đẹp dài đến hơn 10 cây số. Từ ngày quân đội Úc rồi đến quân đội Hoa Kỳ rút đi thì những quán Bar trước mọc lên nhan nhản với đủ mọi tên nghe khiêu khích gợi tình nay trở nên vắng bóng thê thảm. Những tuần vừa qua thì thiếu hẳn những bóng hồng và chỉ có người đi tìm tầu thuyền để ra khơi, nhưng phần lớn chạy đi rồi lại chạy về vì chuyện được tầu Mỹ vớt người vì lòng nhân đạo không phải là chuyện thực mà chỉ là tin đồn của những người giầu tưởng tượng. Người quen của Bố là một sĩ quan truyền tin trước đây làm dưới quyền ông khi ông là một Quận trưởng ở ngoài Trung, và cách đây hai năm được thuyên chuyển về làm huấn luyện viên ở Trường Truyền Tin ở ngoài Vũng Tầu. Hai người lại bắt liên lạc được với nhau trong một dip Bố đưa gia đình ra nghỉ mát ở nơi này. Lần này khi Bố cùng anh Hồng ra tìm gặp lại người bạn thì Thiếu tá Mạnh và vợ cùng hai con cũng đang chuẩn bị để tìm đường đi. Ông cho biết là Trường Truyền Tin cũng đã bỏ ngỏ để các sĩ quan cùng cán bộ về SàiGòn lo liệu lấy. Câu chuyện ra khơi để được Đệ Thất Hạm Đội chờ đón là chuyện hoang đường và trong tình thế này thì trở về SàiGòn để cùng với Hải Quân Việt Nam ra khơi mới là sinh lộ. Thiếu tá Mạnh cũng khuyên hai cha con người bạn ở lại qua đêm ở nhà ông ở Vũng Tầu rồi sáng mai lên đường về sớm thì tránh được nạn kẹt xe. Liên lạc điện thoại thì tất cả đã bị cắt đứt nhưng muốn cho người bạn yên lòng ông đã nhờ đường dây truyền tin gửi bản tin ngắn cho người mang về nhà báo tin ông Thái ở lại qua đêm ở đây để sáng mai về cho tiện.

   Nhưng Trời chẳng chiều người, tang tảng sáng hôm sau, vào đúng ngày định mệnh, ngày 25/4/1975, Thiếu Tá Mạnh lái một chiếc xe quân đội Dodge 4x4 đi trước mở đường để chiếc Simca nhỏ bé đi theo sau thì vừa ra khỏi tỉnh, con đường trỏ về đã bị tràn ngập bỏi những chiếc xe đủ loại từ SàiGòn kéo tới. Thật là một nỗi kinh hoàng vì có thể nói là ngưòi dân đã ra khỏi đô thành bằng tất cả những gì có bánh xe lăn, từ xe đạp đến xe ba bánh, xe thổ mộ, xe hơi lớn nhỏ đủ kiểu, xe dân sự cũng như xe nhà binh. Nhiều xe đã bị đẩy xuống vệ đường khi bị chết máy hay vì chờ đợi lâu nên cạn hết bình xăng. Sau nhiều lần xoay sở mà không đi xa hơn được nữa, Bố và anh Hồng đành lên xe Dodge 4x4 nhà binh cùng với gia đình Thiếu tá Mạnh để lách qua những chặng đường khó khăn, đôi khi phãi trèo cả xuống ruộng bên đuờng, và gần nửa đêm mới về tớì nhà để thấy Mẹ và anh Vũ đang ngồi vỗ về an ủi Phương Vân đôi mắt lúc đó xưng húp vì khóc nhiều.

   Trước đó, đúng 6 giờ chiều, như đã hẹn trước, Triệu Minh Bích trong bộ đồng phục kaki gọn gàng như kiểu hướng đạo sinh Trường Tàu, đã dùng một chiếc xe van nhỏ có biển ngoại giao, tới đón gia đình Phương Vân. Tới nơi, người sứ giả Đài Loan đã ngạc nhiên khi thấy ở nhà chỉ có ba mẹ con bà Thái, còn chủ nhà thì đi đâu vắng mặt chưa về. Phương Vân, lúc đó nước mắt đầm đìa đã nói với Minh Bích là Bố đi ra Vũng Tầu từ hôm trước, rồi buổi tối nhà nhận được bức điện tín đưa tới là ông cùng với một người con trai nghỉ qua đêm ở nhà một người bạn và hôm nay mới về. Nhưng cả nhà đã chờ từ sáng đến giờ mà không thấy tin tức gì. Có lẽ có sự gì cản trở dọc đường như pháo kích của Việt cộng. Cô gái Tầu vì thông hiểu tình thế chiến cuộc đã an ủi gia đình là Việt cộng không có chiến thuật  tấn công trục SàiGòn-Vũng Tầu và nếu có chậm chễ là vì đường bị kẹt xe mà thôi. Cô cũng cho biết là vì tình thế khẩn trương, giờ giấc dự trù đã được tính từng phút một, cô chỉ có thể đợi được đến đúng 6g30 là thời điểm cuối cùng phải đi tới điểm hẹn. Minh Bích cũng đề nghị là nếu Bố về không kịp thì Mẹ và Phương Vân có thể đi trước. Sau này chắc Tổng Giám Đốc Nguyễn Đình Phong sẽ tìm phương tiện cho gia đình ra đi. Mẹ thì nhất định phải đợi cho Bố đi cùng vì bà nghĩ là sang nước ngưòi một mình thì bà chẳng làm được nghề chi để sinh nhai. Bà vui lòng để Phương Vân đi một mình vì ra ngoại quốc đã có Phong lo cho nàng, và trong lòng bà cũng thầm nghĩ rằng hai người sẽ nên  duyên vợ chồng. Nhưng Phương Vân chỉ gục đầu vào lòng Mẹ để khóc, và sau cùng khi đến giờ Minh Bích phải đi, cô đứng dậy gạt nước mắt, rút ở tay chiếc nhẫn ngọc để đưa cho người mà giờ đây cô coi như là ân nhân cho gia đình:

- Phụ Mẫu em cũng đã già rồi, em không thể nào bỏ người ở đây được.  Em chắc gia đình em sẽ bị sống khổ sở một thời gian nhưng sau rồi sẽ quen đi. Chiếc nhẫn này trước kia anh Phong mua cho em, nhờ chị trao lại cho anh ấy. Nếu nó thật là của em thì sau này em chăc nó sẽ trở về với em.

  Cầm lấy chiếc nhẫn và nắm lấy bàn tay của Phương Vân, Triệu Minh Bích cúi đầu chào mọi người và quay đi ngay vì mắt cô đã trào lệ sót thương cho cô bé mới quen mà nàng đã coi như là một người em thân thương.

o-0-o

  Trong ngày hôm ấy, đường phố SàiGòn vắng lặng một cách kỳ lạ. Người ta không nghe được cả tiếng đại bác mà mọi người hồi hộp chờ đợi sẽ bắn vào. Vào khoảng 8g30 tối, ba chiếc xe có biển Ngoại giao chạy vào đỗ trước tư gia trong Bộ Tổng Tham Mưu của Đại Tướng Trần Thiện Khiêm, vị Thủ Tướng đã từ nhiệm. Trong những người từ xe vào nhà có tướng Lục quân Charles Timmes là cánh tay phải của ông Thomas Polgar là Trùm nhiệm sở CIA ở Việt Nam. Một lúc sau Thomas Polgar cũng thân hành tới nhập vào phái đoàn. Mọi người chờ đợi không lâu thì chiếc xe Mercedes quen thuộc của cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cũng tới. Ông ra xe và bước nhanh vào nhà trong khi nhân viên tháp tùng đã cùng với đìệp viên CIA chuyển hành lý mang theo lên những xe đến trước.

   Sau khi những thượng cấp người Việt đã lên ba chiếc xe của CIA, chuyến đi đã được diễn tiến như trong một cuốn phim gián điệp, xếp đặt có lớp lang từng giây phút một. Ông Thomas Polgar đi chiếc xe đầu và tướng Timmes lên xe thứ hai, ngồi ở ghế sau cạnh cựu Tổng Thống. Chiếc xe do điệp viên Frank Snepp lái. Đại Tướng Trần Thiện Khiêm cũng lên xe sau cùng với mấy tùy viên. Xe chạy qua những phố vắng và khi qua cổng phi trường như đã có hiệu lệnh trưóc, lính gác để xe qua dễ dàng. Thay vì chạy đến sân bay dân sự để lên phi cơ đậu chờ ở trước đại sảnh như mỗi lần thượng cấp đi kinh lý thì lần này đoàn xe đi đến khu Air America kín đáo đã có chiếc phi cơ C-118 bốn động cơ đợi sẵn. Đại sứ Hoa Kỳ là ông Graham Martin đã có mặt để tiễn chân những người đã tửng lãnh đạo đất nước Việt Nam gần 9 năm trời. Sau đó, phái đoàn Hoa Kỳ còn đứng chờ cho đến lúc phi cơ ra phi đạo cất cánh an toàn rồi mới lên xe trở về theo cùng con đường đã tới.

o-0-o

  Chiếc phi cơ phòng hờ C-54 đã chờ trong bóng tối không xa nơi tiễn biệt lịch sử này bao xa. Đợi đúng mười phút, sau khi chiếc C-118 đã cất cánh, Tần Quang Thanh mới giơ tay ra hiệu và cơ khí viên bắt đầu động tác mở máy. Phong đọc check list và cùng người phi công chính kiểm điểm lại những động tác cần thiết. Giờ đây, làm động tác quen thuộc như một cái máy, nhưng trong lòng chàng thấy nặng chĩu ưu phiền. Buổi chiều hôm nay Triệu Minh Bìch đã tới đúng hẹn nhưng nàng đi một mình và đưa cho Phong chiếc nhẫn Garnet của Phương Vân, chiếc nhẫn mà chàng biết rằng trong bao nhiêu năm không rời ngón tay của cô, và đã có lần cô muốn tháo ra cho người bạn xem mà không được. Nhưng nay cô đã trao lại cho Minh Bích và như thế có lẽ cô bé đã gầy đi nhiều hay sao, gầy đi vì lo lắng hay vì nhớ thương? Minh Bích cũng nói cho Phong biết lời nhắn của Phương Vân, và cũng thêm lời an ủi chàng.

   Phong đưa tay lên ngực trái, nơi ấy ở trong túi của chiếc áo bay chàng đã tạm thời đặt chiếc nhẫn Garnet khi nhận được từ tay của Minh Bìch. Mọi người cùng giữ im lặng vô tuyến nhưng dấu hiệu từ đài kiểm soát cho chàng biết là phi cơ được xử dụng phi đạo 07 R. Cùng với Thanh, Phong cho phi cơ lăn từ từ ra định hướng trên phi đạo. Hai ngưới lảm động tác cất cánh và theo hướng này thì cứ bay lên và giữ nguyên hướng bay sẽ ra biển Đông và rồi chuyển hướng đi Đài Loan. Nhưng bỗng Tần Quang Thanh giơ tay ra hiệu. Ông vửa nhận được tín hiệu để đổi phi trình thay vì đi Đài Loan nhưng lại phải chuyển hướng đi Bangkok. Những lần bay U 2 vào lục dịa Trung Quốc trước đây, người trưởng phi cơ cũng đã quen với những tín hiệu này khi trung tâm kiểm soát thấy có những nguy hiểm trên đường bay. Hai chàng phi công chợt hiểu. Trên suốt phi trình đi Đài Loan có nhửng đe doạ của Không quân miền Bắc và Không quân của Trung Cộng. Ngay cả phi trường Phan Rang nay với những phi cơ phản lực A 37 cũng ở dưới sự kiểm soát của Bắc Việt. Có lẽ những cơ quan kiểm soát dân sự cũng như quân sự trong Vùng Không Lưu Đông Nam Á biết rằng đêm nay có một phi cơ dân sự bốn máy được phép bay tuyến đường SàiGòn-Đài Bắc và theo thoả hiệp lưu thông hàng không quốc tế, an ninh phi hành phải được tôn trọng. Nhận được tín hiệu, Thuyền trưởng Tần Quang Thanh đã chuyển hướng bay vòng về phía trái trên đường đi Bangkok. Đêm nay chỉ có một phi cơ  độc nhất bay theo lộ trình về phía Bắc, một chuyến bay đơn độc chở những người đã một thời làm mưa gió trên miền Nam Việt Nam. Chuyến bay đi Bangkok cũng đơn độc, những người trong phòng lái cũng là những người hùng theo ý nghĩa riêng của những chữ hùng anh. Nhưng nay họ cũng là những người thua trận vì đã không hoàn thành được ý nguyện.

   Triệu Minh Bích đã ra dấu cho người cơ khí viên nhường cho nàng chiếc ghế ngồi sau hai chàng phi công. Cô đã có dịp quan sát Tần Quang Thanh, vị chỉ huy mà cô tôn kính, và Nguyễn Đình Phong, người cô vừa mới gặp mà đã có nhiều cảm tình. Họ là hai người chiến sĩ không quân vừa thua trận. Triệu Minh Bích chia sẻ nỗi buồn của họ và muốn được đặc biệt chăm sóc cho họ trong chuyến bay này.

(Xin xem tiếp chương 14 và hết)

Xuân Vinh

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC