TKH - banner 03

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

Tìm Nhau Từ Thuở: Chương 10

Thơ Thẩn Đường Mây

Toàn  Phong

 

  Phương Vân đọc lại một lần nữa lời khai trên mẫu giấy ghi tên học Dược khoa, và kiểm soát lại những chi tiết, từ ngày tháng và năm sinh cho đến học trình, và khi thấy thật đầy đủ cô bé mới ký tên ở dưới và cho trong một cặp giấy để ngày hôm sau tới nộp ở văn phòng nhà Trường. Từ nửa năm nay, Phương Vân và các bạn cùng lớp, là những cô Tú tương lai của Trường Nữ Trung Học Gia Long, đã bàn bạc với nhau rất nhiều về sự chọn ngành học sau khi ra trường, tuy rằng ai thì cũng gần như sẽ theo lời khuyên của bố mẹ và gia đình của mình. Với Phương Vân thì ở nhà, từ bố mẹ cho đến hai anh, ai cũng khuyên cô bé nên theo những ngành y hay dược khoa cho hợp với khả năng và tính tình của cô, bản tính dịu dàng và nhân hậu lúc nào cũng lưu tâm săn sóc mọi người. Nếu chị Trinh còn ở nhà thì chắc chị cũng khuyên cô em bé bỏng của mình như vậy tuy rằng chị đã theo học ở Đại học Văn khoa và sau lại chuyển sang học Đại học Sư phạm. Lấy kinh nghiệm sau khi ra trường chị cũng chỉ kiếm được một công việc dạy học bán thời gian ở một trường trung học bên Gia Định trước khi lấy chồng, nên chị Trinh không bao giờ muốn Phương Vân đi theo ngành học văn chương của mình. Cho đến nay thì cuộc đời của chị Trinh lúc nào cũng êm đềm vì chị là một phụ nữ hiền thục theo cổ truyền của Á Đông. Theo học ở Trường  Đại Học Sư Phạm, khi gần ra trường chị được tuyển làm phụ tá để sưu tầm tài liệu cho một giáo sư đang viết một cuốn sách về chế độ khoa cử dưới triều nhà Nguyễn. Từ sự làm việc thân cận hàng ngày, lòng ngưỡng mộ một người thầy cùng với sự cảm kích về thái độ ân cần của tiến sĩ Diễm, một học giả hình như muốn dồn hết nghị lực vào công việc biên khảo từ khi bà vợ qua đời cách đây gần mười năm, chị Trinh đã nhận lời cầu hôn khi người thầy, và cũng là người bạn đồng nghiệp, ngỏ lời muốn cùng chị lập một gia đình mới. Ngày chị Trinh lên xe hoa về nhà chồng, trông nét mặt của chị tươi cười trong hạnh phúc, trong vai cô em làm phù dâu, Phương Vân đã thấy lòng bâng khuâng nghĩ đến cuộc đời tương lai của mình, không biết có sẽ được tươi đẹp như của chị không. Chị Trinh cũng mong rằng Phương Vân rồi đây có một cuộc đời hạnh phúc êm ả như mình, nhưng không hiểu sao chị có linh cảm rằng cô em của mình sẽ có một cuộc đời khác, một cuộc đời có lẽ thi vị hơn, nhưng cũng có thể gặp những đoạn đường gập ghềnh hay ngang trái.

 Những buổi như hôm nay, vào một chiều Chủ Nhật, khi bố mẹ và hai anh đều có công việc vắng nhà, một  mình ngồi trên căn gác trống, Phương Vân thường có thói quen mang cuốn vở ghi chép những bài thơ ưa thích ra đọc lại và cô bé lại nghĩ nhiều đến anh. Từ mấy năm nay, mỗi lần có tin tức gì đặc biệt về Phong, hay mỗi lần nhận được thư của anh, có đoạn viết nào làm cô bé vui thích, thì Phương Vân lại chép vào cuốn nhật ký này. Cả tập sách, từ trang đầu đến trang cuối, đều là chuyện giữa hai người, giữa Phong và Phương Vân, hay như đôi khi họ gọi nhau, giữa Anh và Bé. Cô bé, hay chỉ ngắn gọn là Bé không thôi, là cái tên lúc đầu chỉ có riêng Mẹ gọi, với ý nghĩa âu yếm dành cho cô con gái út bé bỏng. Bạn bè, những người thân thiết thường gọi cô là Mây, thay cho cái tên Phương Vân, có vẻ trịnh trọng và xa lạ, và Phong cũng theo như thế. Có lẽ Phong nghĩ là mình là nguời quen thân lâu năm với gia đình nên cách xưng hô với cô, chàng cũng theo như là Vũ và Hồng, những người anh cô bé và là bạn của chàng. Nhưng có một hôm bỗng nhiên chàng buột mồm gọi Phương Vân là Bé, làm cô ngạc nhiên sững sờ, và như Phong cũng nhận ngay thấy thế nên, muốn tránh cho Mây khỏi thắc mắc nghĩ ngợi, chàng đã mang chuyện “Le Petit Chose” của Alphonse Daudet ra kể cho cô bé nghe. Sau khi nghe anh kể chuyện, cô biết được rằng ở vùng trời Provence miền Nam nước Pháp, mà khi xưa anh từng có thời vi vút đường mây, có anh chàng Daniel Eyssette cũng mơ thành thi sĩ, nhưng đối với gia đình, lúc nào anh chàng cũng chỉ là cậu bé mà thôi. Nghe Phong kể chuyện, Phương Vân cũng đã thú nhận với anh là mình cũng đã có những mộng lãng mạn như viết văn, và làm thơ. Nhưng cô không dám nói ra là cũng có lúc cô ước mơ được cùng anh đi khắp bốn bể chân trời. Và cùng một lúc cô muốn mãi mãi là cô bé để được bố mẹ và các anh chị nuông chiều. Tuy vậy, Phong đã như đoán biết được tâm sự của Phương Vân nên đã khuyến khích cô bé hàng ngày nên viết những đoản văn kể chuyện mình và chen vào giữa những trang giấy, những bài thơ ngắn. Được anh hứa sẽ chỉ dẫn thêm cho, Phương Vân đã bắt đầu viết những trang nhật ký, cô giữ cho riêng mình, mà giờ đây cô bé đang đọc lại một vài đoạn, trong khi anh là người đã làm sáo trộn tâm tình thơ ngây của cô bé lại đang ở xa vời. Mây nhớ lại khi xưa, nghe Phong nói, ngoài bìa cuốn truyện của Alphonse Daudet có hàng chữ lớn Le Petit Chose và ở dòng tiếp theo có hàng chữ nhỏ Histoire d’un Enfant  cô bé cũng đã nắn nót viết ngoài bìa tập nhật ký của mình hàng chữ

 

Thơ Thẩn Đường Mây

Câu chuyện một Cô Bé

  Tuy gọi là nhật ký nhưng Phương Vân đã không viết những chuyện hàng ngày của mình mà chỉ thỉnh thoảng, khi có những chuyện gì đặc biệt xẩy ra, cô bé mới viết vào mấy trang giấy như là một câu chuyện ngắn, dù là vui hay buồn, đã xẩy ra trong cuộc đời của mình. Giờ đây đọc lại vài mẩu chuyện, Mây lại càng thấy nhớ anh da diết. Mây không thể nào quên được buổi chiều anh đến chơi nhà rồi kể cho cô bé câu chuyện có một cậu bé cũng tập làm thơ. Và nghe lời anh khuyên, ở những trang giấy sau đây có chuyện một cô bé tập viết văn, và làm thơ, và cũng vì cô không biết viết gì nhiều về chuyện đời nên đã đem chuyện lòng mình ra kể.

Chuyện cô Bé

  Hôm nay anh đến muộn làm Mây chờ suốt buổi sáng. Từ gần hai năm nay, đã thành một lệ quen là nếu không phải đi công vụ nơi xa thì sáng Chủ nhật nào anh cũng lại thăm gia đình. Cũng không biết từ bao giờ Mây mong đợi đến ngày cuối tuần để gặp anh, và muốn anh để trọn thời gian cho mình. Anh đã đến với gia đình khi Mây không chờ đợi vì dạo đó Mây còn bé tý hon, lần đầu tiên thấy anh đến chơi nhà vì anh là bạn học của anh Vũ, thấy người lạ Mây trốn mất. Sau này, thỉnh thoảng được các anh cho đi theo ăn kem ở bờ Hồ, Mây mới đuợc làm quen dần dần với anh. Lúc Mây đến tuổi cắp sách đến trường thì anh đã đi du học ở mãi nước Pháp xa vời, và chỉ thỉnh thoảng Mây mới nghe gia đình nhắc tới anh mỗi khi có tin tức gì gửi về. Thuở bé, Mây vẫn nghĩ anh là một người anh họ, hình ảnh của anh đôi khi loáng thoáng hiện ra khi nghe các anh chị vui chuyện kể lại rằng đã có lần anh tới chơi nhà gặp lúc Mây sắp bị ăn đòn, vì tội chơi đấu kiếm ở ngoài đường với bọn trẻ con hàng xóm, nhờ có anh mà Mây đã thoát được cơn thịnh nộ của Bố. Nhưng Mây chỉ thực sự biết có anh là người anh thân quen trong gia đình khi có lần viết thư về, anh gửi lời hỏi thăm cô bé đã khóc lóc khi xưa để anh phải dỗ dành. Từ đó, đôi khi Mây cũng thoáng nghĩ tới anh, và đôi khi ngắm mình trong gương, Mây tự hỏi không biết anh có biết bây giờ Mây không còn là cô bé hay khóc nữa hay không.

  Ở nhà thì chị Trinh theo về văn chương và sư phạm, còn các anh lớn là anh Vũ và anh Hồng thì theo học Toán và Kỹ thuật. Còn Mây, là  cô gái út được rất mực cưng chiều ở trong nhà, thì lửng lơ con cá vàng ở giữa, môn học nào thì cũng tàm tạm, cốt đủ điểm để lên lớp là qúy rồi. Nhưng từ khi, gặp một ngày đẹp trời lòng người rộng mở, cô giáo Toán của Mây lại khen là Mây giỏi về môn này, Mây lại nghĩ là theo với truyền thống gia đình có lẽ Mây giống anh Vũ nên cũng giỏi Toán. Nhưng anh Vũ lại hết sức ca  tụng anh là người ở phương xa, sự xuất sắc của anh thì không ai bì kịp, bọn Tây đưá nào cũng ngán anh cả. Mây nghĩ lẩn thẩn hay là hôm anh phải dỗ cho Mây nín, không khóc lóc vì sợ hãi vu vơ, qua lời nói ngọt ngào,  anh đã truyền cái giỏi toán của anh sang cho Mây. Từ đó hình ảnh của anh đã dần dần hiện ra trong trí não non nớt của Mây, một hình ảnh thân thương mà trước đây Mây chỉ nhớ rằng, lần đầu tiên anh đến nhà và được giới thiệu như là bạn học của anh Vũ, thấy người khách lạ Mây đã chạy vào để nấp sau lưng Mẹ, rồi hé đầu nhìn ra ngoài.

 Có một lần theo gia đình lên thăm một người Bác trên Dalat, Mây đã thơ thẩn ra sau nhà, nhìn khu rừng vắng tĩnh mịch, và bất chợt nghĩ đến anh, theo những tin tức đưa về, thì nay đang ở dưới trời Tây, nơi Kinh thành Ánh sáng, anh đã là một chuyên gia được qúy trọng. Không cứ về thời gian, tuổi đời chênh lệch, nhưng khoảng không gian giờ xa cách, chắc anh sẽ không có dịp trở về cố hương để gặp cô bé năm xưa, giờ không còn bé nữa, nhưng lòng ngưỡng mộ và nhớ tới anh thì vẫn như thuở nào. Hôm đó, Mây khoác tấm áo ấm có mũ chùm đầu, đi bộ trong một chiều mưa bay lất phất, một mình bầu bạn với mây trời và núi rừng bao la, Mây lại không thấy mình cô đơn vì nghĩ rằng có người anh còn nghĩ tới mình. Rồi Mây có ý tưởng khi về sẽ viết thư cho anh để gửi lời tâm sự của mình và mong được một lời của anh chỉ dẫn. Những cánh  thư  của Mây gửi tới anh, một người thân thương mà Mây mới chỉ gặp một vài lần khi còn tấm bé, sẽ như những chiếc lá vàng rơi mùa thu, hay hoa soan rụng giữa mùa hè rực rỡ, Mây thầm ước được anh đón nhận trên tay khi hoa lá còn đang vương bay theo gió, và được anh  giữ lại. Nhưng có thể một ngày nào đó, Tạo Hoá đưa tới anh một cơ duyên mới trong cõi vô thường này, để những lá vàng mùa thu và những cánh hoa đỏ mùa hè không còn làm cho anh trân qúy, và một làn gió mới sẽ cuốn đi những hoa lá để trả về khoảng không gian vô tình.

 Tuy nghĩ như vậy, nhưng Mây đã không viết thư cho anh, mà có viết Mây cũng không dám gửi. Ở Dalat về thì anh Vũ được tin anh đã nhận lời mời của Chính Phủ VNCH trở về để cải tổ lại hệ thống giao thông thủy bộ và hàng không cho đất nước, lúc đó đã chia đôi và gia đình Mây cũng đã di cư vào miền Nam. Và chỉ còn vài tháng nữa, vào dịp trước Tết là Mây sẽ gặp lại anh. Ở nhà được tin vui anh sắp trở về ai cũng mừng rỡ, và riêng Mây thì hồi hộp không biết khi gặp lại thì bây giờ Mây đã lớn, anh có còn ân cần săn sóc mình như thuở còn thơ ngây hay không?

 Mọi người trong gia đình Mây đã đón anh Phong như một người con thân yêu xa vắng lâu ngày, nay mới có dịp trở về. Mỗi lần anh lại nhà, không những anh đã rất ân cần và chiều chuộng Mây mỗi khi Mây có việc gì nhờ đến anh, mà anh lại kèm toán và giảng bài cho Mây, công việc mà trước kia anh Vũ vẫn làm để giúp cho cô em gái bé bỏng chuyển tiếp dễ dàng từ chương trình Pháp sang chương trình Việt. Mây thật không biết từ cái thuở ban đầu xa lạ ấy, sự ràng buộc nào giữa Mây và anh đã làm Mây phải mong chờ đến ngày cuối tuần để có dịp gặp lại anh?Khi xưa, lúc Mây còn gặp khó khăn với những bài toán, Mây phải cần nhờ đến anh chỉ dẫn, nhưng nay thì chính cô giáo Toán của Mây, có lần gặp anh Vũ là bạn học cũ, đã khoe rằng Mây hiện nay là học sinh xuất sắc trong lớp về cả hai môn đại số và hình học. Từ đó Mây không còn lý do gì để vác bài toán ra hỏi anh nữa mỗi khi anh đến chơi, nhưng Mây lại thấy ra rằng mình rất dốt về môn Việt văn và cần đến sự chỉ dẫn của anh. Anh cũng nghĩ như vậy và cho là con bé dốt tiếng Việt vì thuở nhỏ theo học trường các bà Mẹ. Mỗi lần nghĩ đến chuyện này, Mây lại cười khúc khích một mình. Đó là vì anh có lẽ ở Pháp lâu năm nên học được thói nịnh đầm của người Tây  phương. Có dịp gặp Mây là điều gì anh cũng khen cả. Vậy mà giờ đây anh lại nói là Mây cần phải học thêm về tiếng Việt. Vậy là Mây với anh cùng tâm đầu ý hợp về điểm này. Mây vẫn thường thấy anh hát: “Tôi yêu tiếng nước tôi…”. Mây cũng yêu tiếng Việt, nhưng không hiểu sao môn nào Mây học cũng nhanh mà chỉ có Việt văn học chừng nào Mây cũng thấy mình còn dốt và muốn học thêm nữa để có thể mãi mãi nhờ anh chỉ dẫn thêm cho. 

 Những trang sách sau, cô bé kể nhiều kỷ niệm học thêm về những áng văn thơ nổi tiếng của đất nước như Chinh Phụ Ngâm và Truyện Kiều. Nhưng có một kỷ niệm đáng ghi nhớ là trong một buổi tới nhà, Phong đã chỉ dẫn cho Phương Vân lề luật làm thơ để cho cô bé viết được những vần thơ non dại của thuở ban đầu. Ngày hôm đó là một ngày đặc biệt của Phương Vân, đã mở đường cho cô để thỉnh thoảng gửi tâm tình vào những bài thơ và cô bé đã ghi lại như sau vào tập nhật ký.

 

Cô Bé tập làm thơ

 Ngày Chủ Nhật hôm nay, khi anh tới nhà, trông thấy anh vui chứ không có vẻ tư lự như mỗi khi anh có điều gì bận tâm, Mây mới có ý nghĩ táo bạo là xin anh đóng góp  cho mấy bài thơ để tô điểm cho tập bài viết non nớt này. Anh chỉ cười và bảo:“ Đây là tập truyện của Mây, nếu em muốn thì thỉnh thoảng anh góp thêm một bài chứ có nhiều bài của anh trong đó sẽ mất vẻ đẹp thơ ngây và trong sáng của những bài văn thơ trong tập truyện của em”. Nghe anh từ chối một cách khéo léo như vậy, Mây chỉ hứ lên một tiếng, và anh hình như đoán được Mây sắp sửa giở trò hờn rỗi, nên đã phải dỗ ngọt:

-  Anh nghe ở nhà kể chuyện khi xưa Mây cũng đọc nhiều sách lắm phải không. Em có biết bài “Ai bảo chăn trâu là khổ” không?

-  Hứ, bài đó ai chả biết. Mây học từ lớp Ba kia, giờ hãy còn nhớ. “Ai bảo chăn trâu là khổ? Không, chăn trâu sướng lắm chứ”…

Mây thấy anh gật gù chắc anh không ngờ là Mây lại có trí nhớ như vậy. Bài học ngày xưa, từ thuở chưa lên mười, Mây vẫn còn nhớ. Anh lại hỏi tiếp:

-  Nếu bây giờ em đổi hai chữ “chăn trâu” thành hai chữ “làm thơ” thì sao?

Nghe anh hỏi vậy, Mây đã  nhanh nhẩu trả lời:

-  Có gì mà không đổi được. Này nhé: “Ai bảo làm thơ là khó? Không, làm thơ dễ lắm chứ”…

Đến đây thì anh phá ra cười và Mây biết ngay là anh đã bầy trò như thế để Mây tự nói ra rằng làm thơ cũng dễ thôi. Giờ nếu anh bắt con bé phải làm ngay một bài thơ để chứng tỏ rằng  “làm thơ dễ lắm chứ”  thì rõ ràng là anh muốn cho bàn dân thiên hạ, tất cả  mọi người, biết rằng Mây chỉ là đồ ba xạo.

 Nhưng anh đã không làm cho Mây phải thẹn thùng vì câu nói không bằng chứng của mình. Trái lại anh đã dành suốt buổi sáng hôm ấy để giảng cho Mây biết những nét đẹp của thi ca Việt Nam. Và anh đã là người đầu tiên dậy cho cô Bé này làm thơ.

 Theo anh, khi mới tập làm thơ thì nên viết những bài thơ ngắn theo thể lục bát và tùy theo hứng và cảm súc của mình. Anh cho Mây thấy rằng lục bát có thể tạo ra những hình ảnh đẹp và  sống động bằng những câu thật giản dị như trong những bài ca  dân  gian :

                                                “Hỡi cô tát nước bên đàng,

                                                Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?”

Anh cũng đã  đọc cho Mây nghe những câu tình  tứ thật lãng mạn của người dân quê

                                                “Yêu nhau cởi áo cho nhau,

                                                Về nhà, mẹ hỏi, qua cầu gió bay”

Nghe anh nói Mây có cảm tưởng như trong tâm hồn của Mây đã có sẵn một nhà thơ,  giờ đang được đánh thức dậy. Anh đã hướng dẫn Mây đi trong vườn thi ca qua những luống hoa vàng tươi thắm ở hai bên lối đi để tới những khu riêng biệt, nơi có những bông hồng rực rỡ hay treo những giò lan thơm ngát. Từ những câu thơ dản dị anh đưa ra như để tạo niềm tin cho Mây rằng rồi đây Mây cũng có thể viết được những câu thơ tương tự, anh đã cho Mây biết thêm rằng trong thi sử còn có những câu  thơ bác học hơn nữa, dùng những từ chọn lọc nhưng vẫn  nhẹ nhàng man mác như hai câu thơ của cụ Đồ Chiểu, đọc  lên nghe thật là lãng mạn

                                                 “Lênh đênh một chiếc thuyền tình,

                                                Mười hai bến nước, đưa mình vào đâu?”

Những buổi ngồi bên anh mà không phải để nghe anh giảng toán mà chỉ nói chuyện văn  chương, anh đã không còn vẻ nghiêm khắc của con người khoa học mà lại là người anh hiền từ đáng mến. Mỗi ngày gần anh, Mây lại thấy hiện ra dần  dần con người mà có lẽ Mây ao ước được gặp từ thuở nào. Chỉ tiếc là bây giờ Mây mới gặp anh mà nghe ở nhà bàn tán thì có lẽ anh lại sắp sửa rời nước ra đi. Nhưng càng gần anh, càng được nghe anh tâm sự, Mây lại càng thấy mình thật không biết gì về anh, vì nếu anh không giảng toán và  chỉ dẫn cho làm bài thì anh toàn nói chuyện văn chương, chuyện gì anh kể cũng là chuyện người thiên hạ, anh trích dẫn ra từ các sách anh đọc, còn chuyện của anh thì không bao giờ Mây được nghe anh kể. Khi xưa anh có viết một cuốn truyện đề là “Thư Kiếm Vẫy Vùng”, anh cũng cho Mây một bản, Mây đã đọc nhiều lần. Tuy anh đã nhiều lần nói đó là câu chuyện của một chàng trai  nước Việt trong thời ly loạn, nhưng đọc lên vài đoạn thì ở nhà ai cũng biết là chuyện cuộc đời của anh. Chỉ có anh Vũ là nhất định nói anh đã dùng văn tài mà xây dựng lên hình ảnh một chàng trai Việt sống trong thời loạn phải tranh đấu chống nghịch cảnh của xã hội mà vẫn làm tròn bổn phận của chinh nhân. Mây nhớ là trong cuốn truyện anh có in vài bài thơ và nói là của bạn bè tặng, anh thấy hay nên để vào trong sách. Lần này vì thấy anh vui nên Mây đưa sách ra hỏi anh vì thấy người tả trong thơ có vẻ giống như anh. Một trong những bài thơ Mây thuộc là bài có những đoạn nghe thật hào hùng mà lại mượt mà

                                                                  Tài Hoa
 
                                                “Phi bào gió cuộn mười phương,
                                                Phòng khuê hương quyện. Song sương khói lồng.
                                                Bao phượng đỏ, bấy thư hồng,
                                                Bao trang hạc múa, bấy dòng rồng soay.
 
                                                Xa nhau. Vời vợi. Tầm tay,
                                                Gần nhau. Hơi thở đời bày. Chiêm bao.
                                                Bao bấc lụn, bấy dầu hao.
                                                Bao tinh cầu nụ, bấy đào nguyên khai.
 
                                                Bàng trôi, nắng rụng thiên nhai,
                                                Khói mờ khe động. Sương phai chân cầu.
                                                Bao nhiêu cau, bấy nhiêu trầu,
                                                Bao thiên tình sử, bấy mầu thời gian.
 
                                                Mây trời hôm nọ lang thang,
                                                Thấy trong thần thoại, úa vàng tương lai.
                                                Bao nhiêu thắm, bấy nhiêu phai
                                                Bao tinh anh đọng, bấy tài hoa trôi.
 
                                                                   V T V

 Mây hỏi anh về tác giả bài thơ thì anh chỉ nói là một ngưòi em văn nghệ, vì qúy mến anh mà viết 200 câu thơ ca tụng những nét đẹp trong cuộc đời trôi nổi của anh. Anh cũng nói thêm là anh không đủ tài để viết hoạ lại. Anh đã trích ra một đoạn ngắn để đăng vào tập truyện. Những câu thơ như trong bài này phải có thật cảm xúc và trong những giây phút xuất thần mới viết nổi.

 Mây nghe anh nói thì tự nghĩ trong cõi đời này thì không bao giờ Mây có thể viết lên một câu thơ dù có theo học anh đến đâu chăng nữa. Trông nét mặt của Mây có lẽ anh cũng đoán được ý nghĩ sầu muộn nên anh dỗ dành bảo Mây:

- Muốn viết một bài thơ hay phải có cảm xúc mạnh và biết xử dụng ngôn từ. Mây đã biết luật bằng trắc của thể thơ lục bát. Bây giờ anh đọc thử cho Mây nghe một bài thơ, và nếu Mây cũng viết lại như là Mây đã  đọc bài “Ai bảo chăn trâu là khổ” là sáng tác được một bài thơ mới theo ý mình.

                                                                  Vắng Em
 
                                                Ngoài hiên thoáng bóng người qua,
                                                Tưởng em lưu gót, chạy ra đón nàng.
                                                Gió lùa hiên vắng, bẽ bàng,
                                                Vành khuyên chiêm chiếp, thương chàng ngẩn ngơ
 
Theo anh giải thích thì đây là một bài thơ tả nỗi sầu trống vắng của một thư sinh chờ đón một nàng tiên tới thăm mà không thấy. Anh không nói tiếp, nhưng Mây hiểu ý anh muốn nói là nếu Mây cũng chờ một người nào mà người ta không tới đúng hẹn thì cũng có thể dựa theo bài thơ mà tả nỗi hiu quạnh của mình. Bài thơ này Mây đã viết nhưng chỉ chép vào đây chứ không đưa anh xem. Mây chỉ coi như là bài tập nhưng không muốn anh cho điểm. Còn bài thơ cảm súc đầu đời Mây chưa muốn viết vì sợ có người đọc được họ lại cười Mây là con người giầu tình cảm. 
                                                              Vắng Anh
 
                                                Bên hiên sửa tóc cài thoa,
                                                Tưởng ai dừng bước thềm hoa đợi chàng.
                                                Gió đưa mành trúc nhẹ nhàng,
                                                Hoàng oanh ngưng hót, thương nàng ngẩn ngơ.

 

 Nhiều trang nhật ký của cô bé, viết sau khi  Phong đã từ nhiệm để sang Hoa Kỳ tu nghiệp. Trong hơn hai năm về làm việc trên quê nhà, chàng đã làm được nhiều việc có ích lợi, chấn chỉnh được hệ thống giao thông thủy bộ và hàng không, nhưng chàng đã gặp nhiều khó khăn trong tổ chức hành chánh chen lẫn chính trị của chính phủ đương thời. Theo lời khuyên của một số bạn bè thông hiểu tình thế, Phong đã nhận một học bổng của Asia Society để sang Hoa Kỳ học thêm về kỹ thuật và quản trị. Khi xa nhau, những bức thư cô bé viết cho anh cũng thoải mái hơn, và cho Mây nhiều kỷ niệm để viết những trang nhật ký cho tập Thơ Thẩn  Đường Mây. Dưới đây là một bài Phương Vân đã đọc lại buổi chiều hôm ấy.

Giấc mơ Xuân của cô Bé

 Hôm nay nhìn lên cuốn lịch đầu năm,  Mây không ngờ là  trời đã sang Xuân. Có lẽ vì năm nay Mây không phải lo đến những vụ thi cử cuối năm nên không thấy lòng rộn ràng, lo lắng để chuẩn bị khoa kỳ. Nhưng Mây không hiểu ở phương trời xa lạ, bên kia bờ đại dương anh có phải lo học,  lo thi hay không mà những điều Mây yêu cầu anh làm, không thấy anh nhắc nhở gì đến trong những lá thư hàng tuần anh gửi về. 

 Trong dịp Tết vừa qua, nhân thấy bài thơ  Đi Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp được in lại, Mây  đã dùng bút thiếp chép lại toàn bài để gửi cho anh như một chút quà Xuân và in ra một bản để vào trong trang sách này, không hiểu anh có đọc hay không mà không thấy anh phê bình gì. Anh cũng không có cả một lời khen là chữ Mây viết đẹp.

Đi Chùa Hương

Hôm nay đi chùa Hương.
Hoa cỏ mờ hơi sương
Cùng thầy me em dậỵ
Em vấn đầu soi gương.

Khăn nhỏ, đuôi gà cao;
Lưng đeo dải yếm đào;
Quần lĩnh, áo the mới;
Tay cầm nón quai thao.

Me cười: "Thầy nó trông!
Chân đi đôi giép cong
Con tôi xinh xinh quá!
Bao giờ cô lấy chồng?"

Em tuy mới mười lăm
Mà đã lắm người thăm
Nhờ mối mai đưa tiếng,
Khen tươi như trăng rằm.

Nhưng em chưa lấy ai,
Vì thầy bảo người mai
Rằng em còn bé lắm,
Ý đợi người tài trai.

Em đi cùng với me,
Me em ngồi cáng tre.
Thầy theo sau cưỡi ngựa,
Thắt lưng dài đỏ hoe

Thầy me ra đi đò,
Thuyền mấp mênh bên bờ.
Em nhìn sông nước chảy,
Đưa cánh buồm lô nhô.

Mơ xa lại nghĩ gần.
Đời mấy kẻ tri âm?
Thuyền nan vừa lẹ bước,
Em thấy một văn nhân.

Người đâu thanh lạ thường!
Tướng mạo trông phi thường.
Lưng cao dài, trán rộng.
Hỏi ai nhìn không thương?

Chàng ngồi bên me em
Me hỏi chuyện làm quen:
"Thưa thầy đi chùa ạ?
Thuyền đông, giời ôi chen!"

Chàng thưa vâng thuyền đông,
Rồi ngắm giời mênh mông,
Xa xa mờ núi biếc,
Phơn phớt áng mây hồng.

Giòng sông nước đục lờ.
Ngâm nga chàng đọc thơ!
Thầy khen hay, hay quá!
Em nghe, ngồi ngẩn ngơ.

Thuyền đi, bến Đục qua,
Mỗi lúc gặp người ra,
Thẹn thùng em không nói:
"Nam vô A-di-đà !"

Réo rắt suối đưa quanh.
Ven bờ, ngọn núi xanh,
Dịp cầu xa nho nhỏ.
Cảnh đẹp gần như tranh.

Sau núi Oản, Gà, Xôi,
Bao nhiêu là khỉ ngồị
Tới núi con voi phục,
Có đủ cả đầu đuôi.

Chùa lấp sau rừng cây,
(Thuyền ta đi một ngày)
Lên cửa chùa em thấy
Hơn một trăm ăn mày.

Em đi, chàng theo sau,
Em không dám đi mau,
Ngại chàng chê hấp tấp,
Số gian nan không giàu.

Thầy me đến điện thờ,
Trầm hương khói toả mờ
Hương như là sao lạc
Lớp sóng người lô nhô.

Chen vào thật lắm công.
Thầy me em lễ xong
Quay về nhà ngang bảo:
"Mai mới vào chùa trong"

Chàng hai má đỏ hồng
Kêu với thằng tiểu đồng
Mang túi thơ bầu rượu:
"Mai ta vào chùa trong"

Đêm hôm ấy em mừng!
Mùi trầm hương bay lừng.
Em nằm nghe tiếng mõ,
Rồi chim kêu trong rừng.

Em mơ, em yêu đời
Mơ nhiều ... viết thế thôi
Kẻo ai mà xem thấy,
Nhìn em đến nực cười.

Em chưa tỉnh giấc nồng,
Mây núi đã pha hồng.
Thầy me em sắp sửa
Vàng hương vào chùa trong.

Đường mây đá cheo veo,
Hoa đỏ, tím, vàng leo
Vì thương me quá mệt,
Săn sóc chàng đi theo.

Mẹ bảo: "Đường còn lâu
Cứ vừa đi ta cầu
Quan-thế-âm Bồ-tát
Là tha hồ đi mau."

Em ư ? Em không cầu,
Đường vẫn thấy đi mau.
Chàng cũng cho như thế.
(Ra ta hợp tâm đầu)

Khi qua chùa Giải Oan
Trông thấy bức tường ngang,
Chàng đưa tay lẹ bút
Thảo bài thơ liên hoàn.

Tấm tắc thầy khen hay
Chữ đẹp như rồng bay.
(Bài thơ này em nhớ
Nên chả chép vào đây)

Ôi! Chùa trong đây rồi!
Động thẳm bóng xanh ngời.
Gấm thêu trần thạch nhũ,
Ngọc nhuốm hương trầm rơi.

Mẹ vui mừng hả hê:
"Tặc! Con đường mà ghê!"
Thầy kêu mau lên nhé,
Chiều hôm nay ta về.

Em nghe bỗng rụng rời!
Nhìn ai luống nghẹn lời!
Giờ vui đời có vậy,
Thoáng ngày vui qua rồi!

Làn gió thổi hây hây.
Em nghe tà áo bay,
Em tìm hơi chàng thở!
Chàng ôi, chàng có hay?

Đường đây kia lên giời
Ta bước tựa vai cười,
Yêu nhau, yêu nhau mãi!
Đi, ta đi, chàng ôi!

Ngun ngút khói hương vàng,
Say trong giấc mơ màng,
Em cầu xin Giời Phật
Sao cho em lấy chàng.

 Mây nhớ là kèm theo hai trang thư họa bài thơ, viết trên giấy gió mịn mặt, Mây có viết thư nói là bài thơ tả người thư sinh đi cùng thuyền với cô bé mười lăm sao có vẻ giống anh kỳ lạ, cũng lưng cao dài trán rộng để ai nhìn không thương? Mây cũng tò mò hỏi anh có quen cô bé tuổi mười lăm nào không? Thường thì mỗi khi Mây hỏi anh chuyện gì thì anh cũng trả lời ngay, nhưng lần này không hiểu sao anh cứ phớt lờ, người đâu  mà dễ ghét chi lạ. Sau cùng Mây đành phải hỏi anh là chuyện cô bé theo bố mẹ đi lễ chùa Hương có giống như là chuyện Mây gặp anh hay không. Đã lâu Mây mong được anh viết câu chuyện mình như một bài thơ, nhưng mong ước này có lẽ cũng chỉ như là một giấc mơ vì Mây đâu phải là người được anh nuông chiều suốt đời như đã có lần anh nói ra như vậy.

  Giấc mơ Xuân của cô bé dừng lại ở đây, và trong tập nhật ký này còn để mấy trang trống, vì cô bé nghĩ rằng thế nào anh cũng chiều mình, và một ngày đẹp trời nào đó thế nào Phong cũng viết ra bài thơ kể chuyện khi xưa gặp cô bé, một bài thơ tình thật đẹp và Mây sẽ dùng cây bút thư họa thật mềm để viết bài thơ của anh gửi về.

  Sự thực thì Phong đã viết, không những một bài thơ mà chàng viết hai bài thơ, mỗi bài một tâm trạng. Bài thơ đầu Phong viết với một tâm trạng u hoài, của một người không tin rằng mình đã có diễm phúc được một tình yêu  thủy chung, tuy rằng từ một tương lai còn có nhiều hứa hẹn trong cuộc đời .

       Thương Nhớ Trọn Đời
 
 Năm xưa, mới gặp em
   Vào một buổi chiều êm,
 Cô em người bạn học,
   Anh về thức trắng đêm.
 
         "Rồi nhớ thương trọn đời",
    Không nói ra ngoài môi.
        Để chìm trong tâm khảm,
Vì nói lên nghẹn lời.
 
"Oh! Je t'aimerai",
Tiếng ai hát não nề,
 Nhưng nói lên tất cả
   Tấm lòng anh say mê.
 
        Một ngày không gặp em,
          Sao anh thấy muộn phiền,
           Không gian mà ngăn cách,
              Trời buông xuống màn đêm.
 
                                                       Ánh đêm sao nhung nhớ,                                                 
                   Buồn trăng non, thượng huyền,
       Như trang đài cách trở,
     Như nỗi sầu cô miên.
 
       Nhớ môi hồng thơ dại,
    Hàng mi cong và dài.
  Giận anh thì cau lại,
    Như sỏi đá vàng phai.
 
  Nhớ em cuời e thẹn,
        Giọng nói nghe dịu dàng:
                                                       "Muốn tình anh trọn vẹn,                                                 
   Đừng nói chi muộn màng"
 
           Theo giòng đời triền miên'
     Lời hứa rồi mau quên.
    Em đi vui duyên mới,
      Để anh với muộn phiền
 
       Nhớ em tình miên man,
Ngày mai rồi ly tan.
Trời ơi sao mà nhớ,
         Chiều thu nhạt nắng vàng.
 
Ngày vui đã qua rồi,
     Theo giòng đời nổi trôi.
      Giờ mình anh ngồi nhặt,
      Cuối mùa, cánh hoa rơi.

 

 Viết xong bài thơ đầu, Phong thấy tần ngần không muốn gửi đi vì sợ nhận được cô bé sẽ buồn. Bé là người hay mau nước mắt, mà nay lại không có người dỗ dành. Bài thơ thứ hai Phong viết xong cũng không gửi đi, vì hiện nay chàng  cũng không biết chắc chắn ngày trở về.

                                                                           Mùa Trăng

                                                                  Năm xưa em còn bé,
                                                                 Anh về quê thăm nhà.
                                                                 Em nấp sau lưng mẹ,
                                                                 Nhìn người khách phương xa.
                               
                                                                Đêm ấy trăng thượng huyền,
                                                                Em nghe người mới quen
                                                                Chỉ vầng trăng vừa ló:
                                                                Ô kìa, sao giống em!
 
                                                                Gặp nhau rồi xa cách,
                                                                Vết chân đời anh đi.
                                                                Nơi đây là đất khách.
                                                                Bao nỗi buồn chia ly.
 
                                                                Gia Long em tới trường,
                                                                Anh còn xa quê hương.
                                                                Gửi lời về thăm hỏi,
                                                                Nỗi nhớ với tình thương.
 
                                                                Nơi anh, buồn viễn xứ,
                                                                Bên em, rạng ngày mai.
                                                                Gửi đâu niềm tâm sự,
                                                                Nhớ ai nơi trang đài.
 
                                                                Năm em tuổi mười lăm,
                                                                Anh về nước, lại thăm.
                                                                Gặp em giờ đã lớn,
                                                                Trông tươi như trăng rầm.
 
                                                                Bên em, anh thầm hẹn:
                                                                Còn gặp nhau hay thôi?
                                                                Em nghe chừng e thẹn,
                                                                Không nói ra đầu môi.
 
                                                                Đêm nhìn ánh trăng thanh
                                                                Lòng chứa chan bao tình.
                                                                Mong trăng tròn mãi mãi,
                                                                Để rồi đây, đôi mình.
 
                                                                      T M

 

 Đêm nay cũng trăng rầm, nhưng Mây đi ngủ sớm vì không có ai là bạn tâm sự để cùng ngồi  nhìn ánh trăng xanh. Nhưng trong giấc mơ cô bé nhận được bài thơ anh gửi và trong giấc ngủ đôi môi xinh sắn thoáng hiện một nụ cười.

Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh

Trích trong “Tìm Nhau Từ Thuở”

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC