TKH - banner 04

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 4 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Inactive
 

 

Chúng tôi xin giới thiệu và tóm lược truyện Tình Nhà Nợ Nước của Tác giả Huỳnh Dung.

Đây là câu chuyện tình tay ba, lồng trong bối cảnh lịch sử cuối đời nhà Trần đầu đời nhà Hồ, rất diễm lệ và thơ mộng, với Trung Hiếu Tiết Nghĩa. Là 3 cuộc tình của 3 người hùng trong thời ly loạn cùng yêu người đẹp quyền quí Giáng Hương con nhà quan. Ba  người đàn ông đối với nàng đầy ân tình.

Câu chuyện gồm 17 chương với những tình tiết ly kỳ hấp dẫn...

* Sơ lược hoàn cảnh đất nước và giới thiệu xuất xứ của 3 bậc anh tài: Trần Quốc Anh, Nguyễn Trường Hân và Hùng Phong. (xem từ chương 1 đến 6).

* Sự xuất hiện của Giáng Hương , nàng tiên trong mộng của Tiêu Dao Tráng sĩ Trần Quốc Anh (xem chương 7)

....                                                               

* Mối tình thứ nhất : Giáng Hương với Trần Quốc Anh -  Chàng vốn là người đàn ông tài trí, quí phái, thượng lưu, xem nhẹ công danh, một tráng sĩ yêu thích gió trăng sông hồ ...Là người đàn ông đẹp từ hình hài đến nhân cách, là người đàn ông lý tưởng mà Giáng Hương yêu thầm và mơ ước từ thuở chỉ nghe tên. Đến khi gặp mặt chàng thì nàng như sống trong mộng đẹp tuyệt vời. Nhân lúc gặp nạn, để đáp lại ân tình với người đàn ông lý tưởng trong lòng đã giải thoát mình khỏi bọn cường đạo , nàng không e dè hứa hẹn nhân duyên với chàng -  Đối với cả hai Quốc Anh và Giáng Hương thì đây là thứ tình lý tưởng thật đẹp, thật thơ mộng - (Xem chương 8, 9, 10) 

* Mối tình thứ hai : Giáng Hương và Hùng Phong - (Chàng là con trai của Thượng Tướng Trần Khát Chân, cũng là cháu của Trần Quốc Anh) - Là cuộc tình đầy đau khổ dằn vật ray rức  của đôi "trai tài,  gái sắc" vì hoàn cảnh chiến sự của đất nước chàng trai trẻ Hùng Phong phải sống cần kề bên người đẹp Giáng Hương để che chỡ bảo vệ người tình của chú. Cả hai sống bên nhau, cùng chia xẻ  bao hiểm nguy sống chết... bao kỷ niệm... bao cảm xúc...Rồi tình yêu phát sinh từ lúc nào họ không hay biết! Đến khi nhận ra...  họ hoảng sợ, họ trốn tránh, họ cấm đoán con tim ...  Nhưng càng trốn chạy, càng cấm đoán... thì tình yêu mỗi lúc một cao dày, để rồi tâm hồn và thể xác bị dày vò, đau đớn tưởng chừng như sắp chết ... Đây là thứ tình  oan trái, nhiều cảm xúc, nhiều bi thương...yêu mà không thể yêu!  -( Xem chương 11 và 12)

* Mối tình thứ ba : Giáng Hương với thủ lãnh Mật Khu Nguyễn Trường Hân. -  (Chàng vốn là anh em kết nghĩa với Trần Quôc Anh, là người hùng của dân tộc) - Thượng Thư Hoàng Giáp, cha của Giáng Hương, được vị Thủ Lãnh Mật Khu Nguyễn Trường Hân giải thoát khỏi nhà giam của quân Hồ, ông rất cảm kích ân tình liền hứa gả con gái cho vị ân nhân đã cứu mình. Giáng Hương  không thể từ chối nhân duyên với Thũ Lãnh Mật Khu do cha ước hẹn, vì lòng hiếu đạo, vì lòng kính phục vị anh hùng của thế hệ mà Giáng Hương và toàn dân kính phục mến yêu -  Đây là thứ tình cao quí dựa theo đạo nghĩa và ân tình- (xem chương 13 và 14) 

 

* Nỗi khổ lòng của Giáng Hương trước tình yêu của 3 người đàn ông lý tưởng tài trí vẹn toàn,  mà nàng không thể chọn lựa ai? Nàng cũng không thể  bỏ ai! (Xem chương 15) 

 

 Đọc để biết tác giả Huỳnh Dung tạo dựng 3 mối tình oan trái với nhiều cảm xúc, đầy thơ mộng và lãng mạn trong hoàn cảnh hổn loạn của lịch sử thời Hồ, trong khung trời thơ mộng quê hương VN ngày xưa như thế nào? và cũng để xem tác giả đã gỡ rối 3 mối tơ duyên của họ ra sao? (xem chương 16 và 17).

  Xin giới thiệu qúy độc giả chương 1 : Đêm Họp Mặt Của Những Nhà Ái Quốc.

                            Kính,

                   Nguyễn Hữu Chánh

  (Lưu ý: Nhân vật trong truyện này được kể tiếp trong bộ Tiểu Thuyết Dã Sử "HỜN VONG QUỐC" của HuynhDung)

...............................................................................................................

Tình Nhà Nợ Nước

(Tiểu Thuyết Dã Sử Kỳ Tình VN vào cuối đời nhà Trần đầu nhà Hồ                     1400-1407)

                                   CHƯƠNG  MỘT

               ĐÊM HỌP MẶT CỦA NHỮNG NHÀ ÁI QUỐC

 

  Hôm ấy vào một buổi hoàng hôn ở Tây Đô, giữa đại sảnh  tòa nhà đồ sộ của quan Thượng Tướng Trần Khát Chân có một người đàn bà không quá tứ tuần, dung nhan xinh lịch, đang ngồi ủ rủ trên ghế trường kỷ, mặt mày bơ phờ, mi còn đọng lệ. Bên cạnh người ấy là một thiếu niên anh tuấn, khoảng 14,15 tuổi, nắm hai tay người đàn bà ve vuốt, nhỏ nhẹ hỏi:

- Vì sao mẫu thân quá bi thương sầu thảm? Phải chăng con đã làm điều gì nghịch ý mẹ cha?

Người đàn bà chính là Trần Khát Chân phu nhân, nghe con nói vội lau nước mắt, lắc đầu:

- Con nào có phạm lỗi gì đâu! Chẳng qua lòng ta không yên vì sự vắng mặt của phụ thân con.

Chàng trai nghe mẹ nói, lộ vẻ vui mừng,  cười nhỏ:

- Mẫu thân đừng lo buồn vớ vẫn nữa! Cha con là Thượng tướng của triều đình. Đời người chiến sĩ lúc nào cũng phải xong pha ngoài chiến địa thì xa nhà vắng mặt là chuyện thường. Mẹ quá bi thưong chỉ làm hại cho sức khoẻ! Huống chi nay đâu phải là lần đầu tiên phụ thân vắng mặt?

Trần phu nhân nhìn con với ánh mắt đăm chiêu một lúc mới nói:

- Con còn trẻ quá chưa hiểu hết việc đại sự quốc gia. Năm trước cha con đi bình Chiêm, diệt Lão Qua, ta ở nhà vẫn yên tâm chờ đợi. Nhưng hơn một năm qua ngoài biên thùy không có giặc khuấy phá, mà triều đình lại rối beng! Cha con là quan võ tướng, trong vì vua, ngoài vì dân, mà chưa dẹp được gian thần...

Chừng như thấy mình lỡ miệng bộc lộ quá nhiều việc đại sự với con, Trần phu nhân thở dài không nói thêm lời nào nữa. Chàng thiếu niên không nghe mẹ nói tiếp,  liền nài nỉ:

- Mẹ hãy cho con biết rõ mọi điều. Tuy con còn niên thiếu nhưng là con nhà võ tướng, đã thông thạo kiếm cung và thấu suốt sách vỡ thánh hiền, lẽ nào cha mẹ đang có điều lo nghĩ mà để con vô tư?

- Không phải là ta muốn giấu giếm không cho con biết, nhưng vì là một việc trọng đại liên quan đến vận mệnh nước nhà và sự an nguy của nhiều người, nên ta không có quyền  nói. Chờ khi phụ thân con về nhà, có lẽ người sẽ cho con biết nhiều điều. Mẹ là đàn bà nên tránh bép xép việc quốc gia. Thôi con hãy về thơ phòng ngơi nghỉ, đừng thắc mắc nữa!

Chàng thanh niên vâng lời mẹ thất thểu bước đi. Bỗng trong lúc ấy có tiếng vó ngựa dồn dập trước sân. Một con hầu từ ngoài chạy vào thưa:

- Bẩm phu nhân, quan Thượng Tướng trở về với nhiều binh sĩ lắm.

Trần phu nhân nghe báo tin chồng trở về, mừng ra mặt, hấp tấp bước ra ngõ. Chàng thiếu niên cũng chạy theo mẹ.

Phu nhân thấy chồng đã xuống ngựa, song còn đang huấn dụ các tướng sĩ và binh lính điều chi đó, nên đứng yên một chỗ chờ đợi. Chàng thiếu niên toan chạy đến mừng cha, nhưng bị mẹ níu giữ lại, đành phải đứng yên.

Tướng Trần Khát Chân vưà dứt lời với các binh sĩ liền quay gót đi vào nhà, chợt thấy vợ và con đang đón chờ mình, ánh mắt ông rực ánh vui mừng, nhưng chỉ một thoáng thôi, ánh mắt ấy như vương vấn muôn điều lo nghĩ ưu tư...

Trần phu nhân trông thấy vẻ mặt chồng có điều khác lạ, linh tính như có điều đại sự.  Đàn bà vốn nhạy cảm, thấy chồng trở về với binh sĩ quá đông khác hẳn thường lệ, trong lòng phu nhân lo lắng hoang mang, quên cả lời phải nói với chồng.

Chỉ có chàng thiếu niên vô tư, không để ý thấy cuộc diện trầm trọng, chạy tới bên cha nắm tay cha dục dặc hỏi:

- Phụ thân vừa đánh trận nào về? Khi nãy mẫu thân âu sầu buồn bã, con thật lấy làm lo. May thay phụ thân về đến!

Vị Tướng Trần Khát Chân

Chàng thiếu niên vừa nói vừa cười thật tươi. Cả ba cùng đi vào nhà. Tướng Trần Khát Chân bỗng lưu ý vợ lẳng lặng đi theo mình không nói tiếng nào. Ông đưa mắt nhìn vợ, thấy đôi mắt vợ còn ướt lệ, ông muốn nói vài lời an ủi, nhưng ông không biết nói gì ngoài tiếng  thở dài. Ông liếc mắt nhìn con, thấy con tuy còn trẻ nhưng rõ ràng là một trang thiếu niên anh tuấn. Trong phút chốc ông như quên hẳn niềm lo. Ông cười cười nói với vợ:

- Cứ mỗi lần ta đi xa trở về thấy thằng nhỏ lớn như thổi, phu nhân có để ý không?

Trần phu nhân gượng cười đáp:

- Nó giống chàng nên hình hài cao lớn, mới từng tuổi đó mà y như đàn ông!

Tướng Trần Khát Chân âu yếm nhìn con, hỏi:

- Hùng Phong, con nay đã bao nhiêu tuổi rồi?

Hùng Phong chưa kịp đáp lời cha, chợt nghe mẹ lên tiếng:

- Con của chàng mà chàng chẳng nhớ bao nhiêu tuổi! Thế mới biết đời của chinh nhân chỉ biết làm bạn với gươm đao, quên hết gia tư!

Rồi phu nhân thở dài nói tiếp:

- Con trai nay đã 15 tuổi rồi đó.

- Đã lớn như thế à? Nhớ ngày nào phu nhân sinh ra nó, bé tí ti, nay đã là  một trang thiếu niên 15 tuổi! Xem thế mới biết năm tháng nhanh chóng trôi qua, tuổi đời chồng chất, ta đã quá nửa đời người mà chưa làm được điều gì cho đất nước.

Sau câu nói là tiếng thở dài. Hùng Phong nghe cha không nói tiếp, nên nhỏ nhẹ hỏi:

- Chuyến này phụ thân ở nhà lâu không? Con muốn học cho xong đường kiếm gia truyền. Tiếc rằng tổ phụ qua đời quá sớm, khiến con dỡ dang việc học.

Nghe con trẻ nhắc đến cha già, tướng Trần Khát Chân lặng một lúc mới đáp:

- Ta chỉ sợ là không còn thời gian để dạy con, vì...

Câu nói dỡ chừng vì cả ba đã vào tới sảnh đường. Nơi đó có hai bàn thờ khói hương nghi ngút. Tướng Trần Khát Chân tới quỳ lạy bàn thờ tổ tiên trước, sau đến bàn thờ cha mẹ, nước mắt đầm đìa. Ông lâm râm khấn:

- Thân phụ và thân mẫu sớm qui tiên, bỏ con một mình với những rối reng của triều đình. Không có thân phụ chỉ vẽ cho con, lòng con hiện rối bời việc nhà việc nước. Xin song thân phù hộ cho con sớm dẹp đuợc loạn thần trừ hại cho Vua, thì dân mới sống được cuộc đời yên ổn.

Trần phu nhân nước mắt lã chã khóc theo chồng. Tướng Trần Khát Chân đè nén ưu sầu, đứng lên bảo vợ:

- Tôi về nhà chuyến này vì một việc hệ trọng. Chưa biết hậu quả tốt xấu ra sao? Tối nay nơi đây sẽ có một cuộc họp mặt với một số bạn đồng liêu. Phu nhân cho gia nhân sắp sữa trà bánh và dọn dẹp nhà cửa để đón khách vào lúc nửa đêm.

Trần phu nhân cau mày:

- Vì sao phu quân lại mời khách vào nửa đêm? Chàng mới về nhà, sao không nghỉ ngơi cho khoẻ, lại tính chuyện mời khách?

- Cũng vì tình hình khẩn trương mà tôi mới tổ chức một buổi họp mặt gấp rút như vậy. Hơn nữa, việc cơ mật phải xảy ra bất thình lình mới không bị lộ. Xin phu nhân lo liệu ngay dùm.

Trần phu nhân vốn là người đàn bà hiền thục, tuy trong bụng không vừa ý vì vợ chồng chưa kịp mừng đoàn viên, nhưng phu nhân vẫn ngoan ngoan làm theo yêu cầu của chồng, không tỏ vẻ khó chịu nào!

Phu nhân hấp tấp đi vào nhà trong để sắp đặt mọi việc với tôi tớ. Chờ vợ đi khỏi nơi đó, tướng Trần Khát Chân ôm con vào lòng, hôn lên trán con  hết sức  thân ái, rồi nhỏ nhẹ hỏi:

- Con nhớ chú con không?

- Phụ thân muốn nói chú Quốc Anh phải không?

- Ừ, Tiêu Dao tráng sĩ đó.

Hùng phong ngơ ngác hỏi cha:

- Vi sao cha gọi chú Quốc Anh là Tiêu Dao tráng sĩ?

Trần Khát Chân mỉm cười, đôi mắt vụt mơ màng như để nhớ chuyện xa xưa…

- Cũng bởi chú con thích cuộc sống giang hồ, chu du đây đó, không thích làm quan… Mặc dù Hoàng thượng bao phen triệu hồi phong cho quan tước, song chú con đều từ chối. Ta với chú con tuy thương yêu nhau, nhưng mỗi người một chí hướng. Ta quyết nối nghiệp tổ tiên mấy đời làm tướng. Cố tổ phụ con đã từng oanh liệt chống quân Nguyên và chọn cái chết anh dũng, để tiếng ngàn thu. Phu thân ta, tức tổ phụ con cũng là võ tướng, rèn luyện cho ta và chú con thuần thục đường gươm mũi kiếm để nối nghiệp cha ông. Nhưng chú con nhất quyết xa lánh công danh, về ở ẩn một vùng đèo heo hút gió, tháng ngày vui thú sông hồ...

Hai anh em ta tuy không cùng chí hướng, nhưng thâm tâm ta lúc nào cũng thầm phục chú con là một người trí dũng.

Ngừng một lúc ông vụt thở dài, nói:

- Tài trí nó ắt hơn hẳn ta. Phải chi nó chịu cùng ta chung vai sát cánh thì những lúc khó khăn như hôm nay ta đỡ lo biết mấy.

- Nhưng vì sao cha gọi chú là Tiêu Dao tráng sĩ?

- Tiêu Dao là hiệu của chú con. Còn tráng sĩ là vì dân chúng vùng Đà giang lộ[1] thấy chú con hay đeo thanh kiếm bên mình nên mới gọi là Tráng sĩ.

Đôi mắt Hùng Phong bỗng mơ màng mường tưởng đến người chú mà lâu rồi Hùng Phong không gặp... Thấy con trầm ngâm, Trần Khát Chân hỏi:

- Con đang nhớ đến chú con phải không? Con thương chú con chứ?

Hùng Phong mỉm cười gật gật đầu.

- Ta sẽ gửi con đến chú con để học xong đường kiếm gia truyền. Vậy con nên về phòng thu dọn ít hành trang, kíp rời nhà ngay đêm nay.

Hùng Phong nghe cha nói gửi mình đến chú thì rất vui mừng, tưởng như một chuyến đi chơi. Chừng nghe cha bảo phải đi ngay đêm nay, thì sắc mặt vừa ngơ ngác vừa kinh hãi.

Trần phu nhân từ nhà trong đi ra nghe chồng nói mấy lời ấy, mặt tái mét, run giọng hỏi chồng:

- Vì sao phải cho con trẻ đi ngay đêm nay?

Tướng Trần Khát Chân đáp lời vợ bằng giọng rầu rĩ:

- Phu nhân ơi! Tôi biết điều mà tôi kể cho phu nhân nghe sẽ làm phu nhân kinh hãi lắm. Mấy tháng qua tôi viện cớ đem quân trấn giữ ngoài biên thùy, sự thật là chờ dịp đưa quân vào thành giết tên gian thần Hồ Quí Ly[2]. Từ khi Thượng Hoàng mất[3], hắn coi vua quan không ra gì. Những kẻ xu nịnh theo phe với hắn thì được yên thân. Hoàng thượng vô quyền[4], từ khi bỏ Đế kinh (Thăng Long) về Tây Đô (Thanh Hoá) thì  không khác gì tù nhân.[5]

Ngừng một lúc như để đè nén cơn thịnh nộ, ông tiếp:

- Như tôi một đời võ tướng quen thói vẫy vùng, thấy vận nước suy vi gian thần đắc chí, lẽ nào khoanh tay ngồi nhìn? Cũng vì lúc Thượng hoàng còn sống tin dùng hắn, nên nhũng kẻ bầy tôi trong triều không ai dám động vọng. Mấy năm qua thanh thế hắn mạnh. Những kẻ muốn được an thân thì giả điếc giả mù, làm ngơ, mặc cho triều đình điên đảo. Người có lòng trung quân ái quốc thì yếu thế, không phương tiện làm được điều gì. Có kẻ chán nản xin về trí sĩ. Còn tôi bao phen cũng muốn hành sự, nhưng tự thấy một mình khó thể thành công, nên chuyến này trở về là để hội họp với những người đồng tâm đồng chí bàn kế hoạch tiêu diệt họ Hồ và bè đảng. Và cũng vì phe cánh của họ rãi rác khắp nơi, nên tôi không dám tựu họp ban ngày, cũng không dám định trước ngày giờ, mà phải tổ chức thình lình để không bị lộ.

Đưa mắt nhìn con rồi quay sang vợ, ông nói:

- Tôi sở dĩ muốn Hùng Phong vắng mặt, vì chúng ta chỉ có một đứa con, nhỡ tôi có bề nào còn có nó để lo phần hương khói của tổ tiên.

Phu nhân đổ lệ ròng ròng, sụt sùi nói với chồng:

- Để ít hôm nữa mình gửi con về nương náu chú nó cũng được. Bữa nay trễ quá rồi, chàng bảo con trẻ ra đi sao đành?

Nét mặt thống khổ, Trần Khát Chân rắn giọng bảo vợ:

- Phu nhân đừng cãi lời tôi nữa. Cho con đi xa chốn này sớm phút nào hay phút đó. Ấy là phu nhân thương con! Thôi phu nhân hãy soạn gấp hành trang và lộ phí cho con. Phần tôi, tôi còn phải viết một phong thư gửi gấm chú nó.

Một con hầu từ trong mang ra mâm thức ăn. Trần phu nhân đỡ lấy mâm cơm đặt lên bàn, nói với chồng:

- Dù sao thì chàng cũng nên dùng cơm trứơc đã.

Trần Khát Chân khoác tay bảo:

- Tôi cần viết thư giao cho con rời khỏi chỗ này trước khi khách đến. Việc ăn uống không gấp gì!

Ông quay sang con hầu ra lệnh:

- Ngươi đi gọi lão Lý Dân đến đây tức khắc.

Con hầu vâng dạ lui ra. Trần phu nhân nắm tay Hùng Phong dắt đi. Hai mẹ con đều mắt lệ đầm đìa.

Khi vợ con đi khuất cả rồi, tướng Trần Khát Chân buông tíếng thở dài, đôi mắt ưng ửng đỏ. Ông cố đè nén cảm xúc trước mặt mọi người, chứ thật lòng ông nào phải sắt đá trước buổi chia tay với đứa con duy nhất?

Ông uể oải đi vào thư phòng, lấy giấy bút biên thư cho em.

Một lúc sau ông trở ra đại sảnh đã thấy lão bộc Lý Dân và vợ con chờ sẵn nơi đó. Ông trao thư cho Hùng Phong, căn dặn:

- Thư này con cất kỹ, chờ khi gặp chú con trao cho chú. Con cũng nên biết, ta gửi con về sống nơi chú vì nơi đó là nơi an toàn để con dung thân. Hơn nữa, ta biết chú con là người tài trí, có thể tạo cho con thành nhân hoàn mỹ hơn ta. Bởi  đời ta là đời của một võ tướng, tháng ngày lăn lóc ngoài chiến trường, không có giờ để lo cho con. Con là trai mà tối ngày chỉ lẫn quẫn bên mẹ, không học hỏi được gì. Thôi con an tâm về sống với chú để trở thành con người trí dũng, hầu mai kia có đủ khả năng phụng sự cho quốc gia. Chuyến này nếu ta làm nên đại sự, cha con ta sẽ có cơ hội trùng phùng. Bằng ngược lại...

Nói đến đấy cổ họng ông như nghẹn lại. Hùng Phong ngước mặt ảm đạm chờ nghe cha nói tiếp. Trần phu nhân cố đè nén cảm xúc, môi mím lại mà lệ đổ ròng ròng...

Giọng trầm trầm của một dũng tướng lại vang lên:

- Bằng như ta bất tài, kẻ gian hùng được thời, âu cũng vì vận nước tới hồi suy, thì tổ quốc rất cần những tài năng son trẻ như con để xoay chuyển thời cuộc. Ta còn sống hay chết con đừng coi làm trọng. Đời người ai cũng một lần chết. Chết mà để tiếng ngàn thu còn hơn sống nhục sống cầu vinh, mặc cho nhân dân đồ thán. Mấy lời nhắn nhủ hôm nay, con nhớ khắc dạ ghi lòng.

Hùng phong còn nhỏ, những lời cha dạy chỉ biết lắng nghe, rồi vâng dạ, chớ chưa có ý kiến gì!

Tướng Trần Khát Chân thấy con ngoan ngoan vâng theo lệnh mình không một lời phản đối, lòng ông se sắt lắm. Ông bước tới ôm con vào lòng, siết thật mạnh trong vòng tay. Hùng Phong nghẹn ngào trong lòng cha:

- Sau này phụ thân và mẫu thân tới chú thăm con thường nhé?

Trần phu nhân nghe con nói không dằn lòng được, bật khóc to lên. Tướng Trần Khát Chân thấy vợ khóc lóc thảm thiết, sợ con trai bịn rịn không chịu đi. Nên gượng cười nói với vợ:

- Cho con về chú nó để học hành, kể như một chuyến đi chơi. Có gì đâu mà phu nhân bi lụy? Tôi biết phu nhân chống đối, chứ thật tình tôi còn muốn phu nhân theo con về nhà chú nó...

Trần phu nhân không để chồng nói dứt câu, ngắt lời chồng bằng một giọng hơi gắt:

-  Tôi là đàn bà có chồng, phải sống với chồng. Đâu có chị dâu nào phải sống nơi nhà em chồng? Phu nhân đừng tính lôi thôi nữa! Tôi không bao giờ lìa khỏi nơi này dù một ngày hay một giờ.

Biết không thể nào lay chuyển được ý vợ, tướng Trần Khát Chân quay sang người lão bộc, khẽ bảo:

- Năm xưa lão từng theo hai thân ta đến Đà Giang lộ. Chắc đường đi đến đó lão chưa quên?

- Thưa vâng.

- Vậy ta nhờ lão đưa công tử đến gặp em ta. Sau đó lão muốn lưu lại đó với nó hay muốn trở về gia tư tùy ý. Ta không buộc lão phải theo con ta.

Lý Dân khúm núm thưa:

- Bẩm tướng công! Kẻ làm tôi trung chỉ biết phụng sự cho chủ. Nay tướng công đã cắt đặt tôi theo hầu công tử thì tiểu chủ ở đâu tôi ở đó. Tôi không có gia đình, cũng không còn thân quyến, thì tôi chỉ biết nương tựa nơi chủ mà thôi.

- Được lắm! Vậy lão nên cùng với Hùng Phong đi ngay đêm nay. À lão có cần sữa soạn hành lý hay làm điều gì trước khi rời khỏi nơi đây không?

- Bẩm, tôi chỉ có vài bộ quần áo lấy theo, không còn việc gì khác nữa. Tôi xin phép về phòng riêng lấy đồ đạc và sẽ trở lại đây ngay.

Sau câu nói Lý Dân hấp tấp chạy đi. Trần Khát Chân nhìn theo lão có vẻ vừa ý lắm, nói với vợ:

- Tuy lão gần lục tuần mà thân thể xem còn tráng kiện lắm. Ta cho Hùng Phong theo lão đáng tin cậy đó chứ? Phu nhân nghĩ sao?

- Thiếp cũng đồng ý nghĩ như chàng. À, hành lý cho con thiếp đã soạn xong. Còn tiền bạc chàng muốn con đem theo nhiều ít? Thiếp chỉ ngại đường xa, mà một già một trẻ mang tiền bạc theo nhiều sẽ gây chú ý bọn gian tham.

Tướng Trần Khát Chân không suy nghĩ đắn đo, khoác tay nói:

- Không hề gì! Phu nhân nên giao cho con dư dã để có phương tiện đi đường. Tôi sẽ bảo Lý Dân giả làm người buôn bán đồ cũ, vàng bạc giấu kỹ chắc chẳng ai để ý tới.

Ông vụt nhìn con mỉm cười, nói với vợ:

- Thằng nhỏ này mặt mày khôi ngô tuấn tú, e lúc đi đường gây sự chú ý của người ta hơn là vàng bạc đó.

Nghe chồng khen con, phu nhân như quên nỗi sầu, đôi môi sẽ nhếch nụ cười:

- Bây giờ khuya rồi, không còn ai ngoài đường để nhìn thấy mặt mày nó.

Quay sang Hùng Phong, phu nhân căn dặn:

- Nè con! Ban ngày con nên bôi lên mặt ít bùn đất để thiên hạ không chú ý đến con nhé?

Hùng Phong gật đầu:

- Xin mẫu thân an tâm, con sẽ làm theo lời mẹ dạy.

Lúc bấy giờ Lý Dân đã trở lại với túi hành trang. Tướng Trần Khát Chân nói vài lời với lão, lão bỏ chạy và trở lại ngay với cái đòn gánh cùng với hai cái thúng có quai.

Khi Trần phu nhân giao túi vàng bạc cho lão, lão giấu dưới đáy thúng, sau đến lớp quần áo và một ít lương khô. Trần phu nhân bảo con hầu lấy thêm một mớ tơ lụa hàng vải giao cho lão, rồi nói:

- Lão nên giả làm người buôn bán hàng vải. Lúc đi đường nên xưng gọi với công tử bằng ông cháu để người ta không thắc mắc.

- Thưa vâng!

Hai vợ chồng cùng tiễn con ra ngỏ. Trời đêm ấy vô tình có trăng thật tròn đầy. Ánh trăng vằng vặc sáng tỏ, đủ cho cha mẹ con cái trông rõ mặt nhau giờ ly biệt.

Không ai nói với ai lời nào nữa! Hùng Phong với mớ tuổi niên thiếu, xa lìa cha mẹ trong lòng buồn bã lắm, song vốn là đứa con chí hiếu chỉ biết vâng lời, nên dù có muốn nói điều gì cũng không dám lên tiếng.

Bốn người bước từng bước chân âm thầm. Khi đến cổng rào có bọn lính canh, tướng Trần Khát Chân đứng sựng lại nắm tay con xiết thật mạnh, nói giọng nhiều xúc động:

- Thôi con đi đi. Ta còn nhiều việc phải làm nên không thể đưa con đi xa hơn nữa. Con hãy nhớ lời ta dặn. Khi về đến nhà chú thì phải vâng lời và thương yêu chú như cha mẹ vậy.

Trần phu nhân ôm con trai vào lòng,  bịn rịn xót xa không muốn rời. Tướng Trần khát Chân nhắc nhỡ vợ:

- Phu nhân hãy để con đi, đã trễ lắm rồi!

Người nô bộc già nước mắt cũng rưng rưng, chấp tay xá chủ. Hùng Phong cúi chào cha mẹ, nghẹn ngào nói:

- Cha mẹ hãy bảo trọng. Con xin giã từ.

Nói xong, lủi thủi bước theo ngươì tớ già. Trần phu nhân mắt lệ trông theo đến khi khuất bóng con mới theo chồng trở vào nhà.

Tiếng gió thổi về đêm rì rào qua kẻ lá càng làm hắt hiu giờ ly biệt. Nỗi lòng của bậc làm cha mẹ sao cho khỏi đớn đau khi xa lìa con cái của mình? Lâu lắm... lâu lắm... tướng Trần Khát Chân mới lên tiếng nói với vợ:

- Tôi cần phu nhân ở lại tối nay để giúp tôi đón tiếp khách. Nhưng sau cuộc mật bàn phu nhân cũng nên lìa kinh, rời xa chỗ này, trở về tá túc với nhạc gia ít lâu. Chờ khi cách mạng thành công, tôi sẽ đón phu nhân và Hùng phong trở...

- Tôi không đi!

Trần phu nhân không chờ chồng nói tiếp, ngắt lời chồng bằng một câu thật gọn, với giọng cả quyết. Trần Khát Chân liếc nhìn vợ, lần đầu tiên thấy sắc mặt ôn nhu của vợ khác hẳn lệ thường, biết mình không thể lay chuyển ý của vợ nên đành nói xuôi:

- Thôi được! Việc đi ở của phu nhân mai sẽ bàn lại. Bây giờ sắp đến giờ hẹn với khách. Phu nhân đã bảo gia nhân soạn sẵn trà nước chưa?

- Chàng không cho thiếp biết sẽ có bao nhiêu người đến, nhưng thiếp dự trù khoảng trên dưới một trăm người. Như vậy cũng đủ chứ?

- Thật tình chính tôi cũng không rõ sẽ có bao nhiêu người đến dự. Triều đình với số bá quan văn võ cũng nhiều, lại thêm các hoàng thân quốc thích không ít. Ai ai cũng muốn tiêu diệt tên gian thần họ Hồ, nhưng đứng lên chống đối công khai, chưa biết sẽ có bao nhiêu người dám? Hơn nữa bọn xu nịnh rãi rác khắp nơi, không ai dám tin ai. Tôi cùng quan Thái Bảo Trần Nguyên Hãng[6] tổ chức buổi họp mặt tối nay để bàn kế hoạch chống Hồ. Cũng có thể tối nay sẽ có rất nhiều người tham dự,  mà cũng có thể không có mấy người đến.

Tướng Trần Khát Chân nói đến đấy hai vợ chồng đã vào nhà. Trần phu nhân chợt nhớ ra điều gì, lên tiếng hỏi chồng:

- Khi chiều phu quân trở về với binh sĩ khá đông. Giờ họ đâu hết cả rồi?

- Tôi cho họ đóng binh cách xa đây vài dặm để tránh tai mắt của bọn mật vụ của lão Hồ.

- À,  thì ra là thế!

Ngoài miệng đối đáp với chồng mà sự thật Trần phu nhân không nghe không nhớ mình đã nói gì? Tuy xác ngồi đó mà hồn bà như theo dõi bước chân con... Phu nhân tự hỏi:

- Chẳng biết đêm nay Hùng Phong ngủ ở đâu? Đường đến Trần gia trang của người em chồng xa xôi cách trở, con ta còn nhỏ dại, với người tớ gíà thật thà chất phác, không biết có đến nơi đến chốn được không?

Đớn đau vì xa cách, cùng với nỗi lo âu của người làm mẹ, khiến phu nhân có cảm tưởng như nghẹt thở đứt hơi. Khổ một điều là không dám nói ra, cũng không dám khóc, vì phu nhân nhìn thấy gương mặt trầm trọng của chồng có cả sắc thái ủ ê.

Trời về khuya trăng càng sáng tỏ. Khắp nẻo đường hướng về toà nhà của quan Thượng tướng người ta nghe như có tiếng vó ngựa dồn dập và tiếng chân người...

Khi ấy nơi đại sảnh, Trần phu nhân và tướng Trần Khát Chân lăng xăng tiếp khách. Gian phòng tuy rộng lớn nhưng số khách quá đông. Chẳng mấy chốc sảnh đường chật nít kẻ ngồi, người đứng... Lúc bấy giờ người nọ giáp mặt người kia đều ngỡ ngàn xúc động. Thường ngày họ gặp nhau ở triều đình nhưng mọi người đều nghi kỵ, không ai dám bày tỏ với ai. Giờ phút này họ tựu hợp về đây cùng một lòng sôi sụt câm hờn, cùng một bầu nhiệt huyết...

Trông các sắc áo đủ màu[7], trông nhiều gương mặt già trẻ... mới biết lòng hận thù của dân quan khắp mọi từng lớp và mọi tuổi tác...

Chờ quan khách chào hỏi nhau một lúc, tướng Trần Khát Chân mới đứng lên cất giọng trầm trầm:

- Kính thưa quí vị quốc thích! Kính thưa bá quan văn võ! Trước hết tôi xin cảm tạ quí vị đã không ngại hiểm nguy giữa đêm lặn lội đến tệ xá cùng với tôi bàn kế hoạch cứu vua giúp nước. Vì tổ chức cấp bách nên cuộc tiếp rước của gia đình chúng tôi không được chu đáo. Kính mong quí vị niệm tình tha thứ. Sau đây tôi xin nhường lời cho quan Thái Bảo...  

Lúc ấy có một người trong số những người ngồi hàng đầu đứng lên. Người này mặc áo tím, đầu chít khăn đen[8], tuổi khoảng tứ tuần, râu lưa thưa...

Mọi người đưa mắt nhìn vị quan vừa đứng lên và nhận ra ông là quan Thái Bảo Trần nguyên Hãng, thuộc hoàng tộc.

Từ khi Thượng hoàng tin dùng Hồ Quí Ly, nghe lời xàm báng giết hại con cháu trong giòng họ rất nhiều, Trần Nguyên Hãng thầm hiểu mình là cái gai trong mắt của tên gian thần và tin chắc có ngày hắn sẽ tìm cách hãm hại mình. Ông biết thế nên quyết không ngồi chờ tai họa đến, hợp cùng dũng tướng Trần Khát Chân là người nắm giữ binh quyền, ngấm ngầm liên lạc với các quan đồng liêu trong triều, những người có lòng chống đối oán ghét  họ Hồ, để hợp sức dẹp loạn thần.

Bằng một giọng thiết tha, ông nói:

- Kính thưa qúi vị. Chắc quí vị cũng thừa biết từ nhiều năm qua Hoàng thượng vô quyền và Thượng hoàng lúc nào cũng tin dùng tên gian thần Hồ Qúi Ly đến đổi con cháu mình cũng giết[9]. Triều đình những ai vì vua vì dân đều câm hận, song không ai dám hó hé hay động vọng gì, mặc cho tên gian thần mỗi ngày một lộng hành làm nhiều điều tàn bạo.

Khi Thượng hoàng vừa mất, Hồ Quí ly đã bày chuyện dời Đô để dễ dàng thoán ngôi. Như quí vị đã biết, từ ngày dời về Tây Đô đến nay các quan không còn thấy Vua lâm trào nữa. Trong nước có Vua mà y như một nước vô chủ và ngày ngày  chỉ có tên gian thần huênh hoang giữa triều đường.

Mới đây Hoàng Thượng bỗng nhiên nhường ngôi cho con để đi tu. Thử hỏi thái tử chỉ 3 tuổi làm sao cầm quyền chính? Rõ ràng là mưu kế của lão Hồ áp bức buộc Hoàng Thượng bỏ ngôi[10]. Trước tình thế này chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ nữa ! Biết rằng thanh thế của hắn ngày nay quá mạnh. Chống đối hắn là có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng chúng ta vì lòng trung quân ái quốc mà hành động, dù phải chết. Thà chết để tiếng ngàn thu, còn hơn là sống nhục sống cầu vinh, mặc cho giang san nghiêng ngữa, loạn thần tác quái…

Trong phòng họp mọi người nghe nói đều xúc động xôn xao... Chờ phòng họp an tịnh trở lại, Trần Nguyên Hãng nói tiếp:

-  Hôm nay chúng ta họp mặt tại đây là để thành lập hội tiêu diệt họ Hồ và bè lũ. Trước khi nhường lời cho quan Thị Lang Nguyễn Đạt để trình bày cùng quí vị kế hoạch của chúng ta, tôi xin thay mặt mọi người cảm tạ Trần thượng tướng và Trần phu nhân đã bận rộn tổ chức buổi hội ngộ của chúng ta tại tư gia hôm nay. Tôi xin dứt lời. Cám ơn quí vi.

Thái Bảo Trần Nguyên Hãng vừa dứt lời, tiếng vỗ tay và tiếng hoan hô của mọi người vang dội cả sảnh đường. 

 

                          

Vị Tướng Trần Nguyên Hãn

Lúc ấy, một người mặc áo sắc đỏ đứng lên. Người này mặt mày thanh tú, dáng dấp nho sinh, tuổi còn trẻ, tuy hình vóc thanh mãnh, nhưng giọng nói thật hào hùng:

- Kính thưa bá quan! Tôi xin phép được vào đề ngay vì thời giờ cấp bách. Chúng tôi đã cùng Thượng Tướng Trần Khát Chân bàn kế hoạch hành động như sau:

« Ngày rầm Trung thu sắp tới, tức còn một tháng, chúng ta thừa dịp ngày lễ dâng cộ đèn, ngoài đường dân chúng vui chơi xách đèn dự lễ, Hồ Quí Ly với chức Khâm đức Hưng Liệt Đại vương, tự coi mình ngang hàng với vua, chắc chắn sẽ xuất hiện ngoài thành để chiêu dụ dân chúng. Một số võ quan phe ta sẽ giả  dạng thường dân theo dân chúng dự lễ. Quan Thượng Tướng hôm ấy sẽ đi bên cạnh họ Hồ để bảo vệ an ninh cho hắn,  thừa dịp hắn không đề phòng lấy đầu hắn giữa đám đông.  Quan binh giả dạng của phe ta lúc ấy sẽ  nhào ra bắt hết các bè lũ...»

Đang khi quan Thị lang thao thao đọc chương trình… Bỗng con hầu của Trần phu nhân bước ra phòng họp. Mặt nó đầy vẻ kinh hoàng sợ hãi, miệng lấp bấp nói với chủ, mà nước mắt chảy ròng ròng:

- Bẩm Tướng công... Phu nhân... Phu nhân bị... Xin Tướng công hãy vào nhà trong... Hãy vào ngay.

Trần Khát Chân đã khoác tay ra lệnh con hầu không được chộn rộn trong giờ phút nghiêm trọng. Nhưng thấy vẻ mặt nó quái dị, vừa nói vừa khóc, ông nghi ngờ có điều trầm trọng xảy ra, nên đứng lên rón rén rời phòng họp theo con hầu vào nhà trong.

Một lúc sau có tên hoằng nô (người ở nhà quan) bước ra vòng tay thưa với một vị võ quan:

- Bẩm quan! Quan Thượng tướng mời ngài vào trong có việc khẩn cấp.

Cũng một tình trạng như thế trong phòng họp một lúc sau số quan võ biến mất. Các võ quan đều ngồi phía sau, nhường phía trước cho các quan văn, nên khi họ rút lui những người ngồi phía trước không lưu ý, vì mọi người đang chăm chú nghe...

Quan Thị lang mặc dù đang nói, nhưng ông quay mặt về phía mọi người, nên từng người rời khỏi phòng ông đều thấy rõ. Bất chợt ông lưu ý số người đi không quay trở lại và họ đều là quan võ, nên ông nghi ngờ có đều bất thường. Ông ngưng nói, sắc mặt lo lắng...

Những người trong phòng họp chưa kịp hiểu thái độ của ông, đã nghe tiếng la hét bên ngoài...

Mọi người cùng hốt hoảng đứng lên… Nhưng chưa ai có phản ứng gì, quân 1ính của Hồ Quí Ly đã ồ ạt tràn vào bao vây phòng họp. Cùng lúc ấy xuất hiện một người...

Thấy mặt hắn tất cả quan khách đều kinh hoàng biến sắc. Có người thất thanh kêu lên:

- Trời ơi! Tên hung thần Phạm Văn! 

Phải! Hắn chính là Phạm Văn, cận tướng của Hồ Quí Ly! Sự xuất hiện của hắn nơi đó, mọi người đã biết buổi họp bị lộ và giờ phút cuối cùng của họ đã đến. Họ là số quan văn không thể dụng võ, đành đứng im mặc cho tên hung thần bắt trói dẫn đi.

Điều mà hắn ngạc nhiên là không ai khóc lóc, không ai nài nỉ xin tha. Họ là những người trói gà không chặt, nhưng sắc mặt họ giờ phút ấy vô cùng ngạo nghễ. Họ tuy không là dũng tướng, nhưng đã chọn cái chết hùng!

Bấy giờ đêm đã tàn, trăng đã khuất. Tòa dinh thự của Thượng Tướng Trần Khát Chân cũng chìm trong lớp sương mai...[11]

 

Huỳnh Dung

11-Hiện nay ở Thanh Hóa còn đền thờ Trần Khát Chân và 370 quan Văn Võ bị Hồ Qúi Ly giết vào đêm hội họp nầy.

 

Đền Thờ Thượng Tướng Quân Trần Khát Chân


[1]Thời Hồ Quí Ly là Đà Giang trấn. Nay thuộc tỉnh Sơn La Bắc Việt. Một vùng núi non hiểm trở, phong cảnh hùng vĩ.

[2]Hồ quí Ly chỉ đổi họ Hồ sau ngày làm vua. Trước lấy họ Lê, vì là con nuôi ông Lê Hoán.

[3]Nghệ Tông - Thượng hoàng làm vua 3 năm, Thượng hoàng 27 năm.

[4]Vua Thuận Tông làm vua 10 năm 1388- 1398, nhưng quyền hành đều trong tay Thương hoàng và Hồ quí Ly.

[5]Quí Ly buộc Thuận Tông dời đô về Thanh Hoá để tiện bề thoán ngôi.

[6]Quan Thái bảo cùng thượng tướng Trần Khát Chân lập hội trừ Hồ Quí Ly 1398. Tổ chức bị lộ. Số người bị Quí Ly giết chết trên 400 người.

[7]Phẩm phục các quan trong triều thời ấy tùy chức vị mà mặc màu áo.

[8]Khi vào triều các quan độ mão. Ở đây là cuộc họp mật, nên có người chít khăn, có người để đầu trần, tóc búi cao.

[9]Vua Phế Đế tức Đế Hiển, là cháu nội của Nghệ Tông, vì muốn thanh trừng Hồ Quí Ly nên bị hắn ta xúi dục Nghệ Tông giết (1388). Những quan cùng theo Vua Phế Đế đều bi hại.

[10]Qúi Ly buộc Thuận Tông nhường ngôi cho con vào tu ở cung Bảo Thanh, núi Đại Lại. Sau đó hắn cho người lẽn giết Thuận Tông, lập thái tử Thiếu Đế 3 tuổi lên làm vua. Một năm sau  Quí Ly xưng vương.

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC