TKH - banner 07

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

 

Làng Mỹ Lương nằm uốn quanh dọc theo hai bờ sông dài. Sông nầy nếu đi qua vùng nào thì lấy tên làng đó. Có khúc gọi là sông Cổ Cò, có khúc tên là sông Ông Mẻ, có khúc tên là sông Hòa Lộc. Dòng sông dài không biết bắt nguồn từ đâu, nhưng chảy qua các tỉnh xa xôi sát biên giới Việt Miên, Châu Đốc, Cao Lãnh, Đồng Tháp… chảy qua nhiều nhánh rẽ kinh, rạch… Rồi vào địa phận làng Mỹ Lương. Dòng nước nầy còn chảy ngang qua sông Mỹ Đông (chợ Cái Thia) rồi nhập vào nhánh Tiền Giang của dòng Cửu Long chảy ra biển...

Nhờ phù sa theo nước lớn chảy vào bồi đắp hai bên bờ sông, những bãi tân bồi, vào kinh rạch nuôi tươi tốt cây trái, lúa, nếp... Phù sa còn tạo cồn trẻ nổi lên ở ngã ba sông Mỹ Đông chạy dài trong địa phận làng Mỹ Lương qua khỏi đình thần. Đây là một trong những thôn làng trù phú và an ổn nhứt trong quận Cái Bè, thuộc tỉnh Mỹ Tho.

Làng Mỹ Lương không nhiều ruộng, chỉ có số ít những hộ gia đình trồng lúa nếp để ăn trong năm chớ không dư, hay sản xuất nhiều để bán như các làng Mỹ An, Thiên Hộ, Ngã Sáu, Bà bèo, Long Định, Cái Nứa… thuộc, và lân cận vùng Đồng Tháp Mười.

Mỹ Lương đất thích hợp cho vườn tược hơn. Nên dân sống nhờ vào rẫy nương, trồng các loại cây ăn trái có hoa lợi bốn mùa. Các loại trái cây bán nhiều ở bến bắc Mỹ Thuận khiến Cái Bè nổi tiếng về xoài cát đen, chuối xiêm đen, cam hồng mật, gà Cái Bè, mận kiến sen, ổi xá-lị, ổi tám tháng… cũng là phát xuất từ Mỹ Lương, Hòa Lộc và các thôn làng lân cận…

Làng Mỹ Lương đất đai màu mỡ. Hướng tây giáp Quốc Lộ Bốn. Hướng đông là có dòng Tiền Giang cặp sát chạy dài ra biển… Địa thế không mấy lợi cho giặc trong những trận đụng độ cấp Tiểu đoàn. Nên bọn Việt Cộng nằm vùng chỉ đào đường, đấp mô, bắn sẻ… phá rối trị an chớ không có những trận đánh lớn, đi vào chiến sử như: Sầm Giang, Cai Lậy, Đồng Tháp. Vị Thanh, Cờ đỏ, U Minh… Và miền ngoài như Kongtum, Đắc-Tô, An Lộc, Phước Thành, Khe Sanh…

Từ Quốc lộ bốn, muốn vào làng Mỹ Lương phải đi bộ khoảng ba cây số đường đất râm mát. Dọc theo đường hai bên bờ sông có bóng cau dừa lồng đáy nước xanh, trong vắt và ngọt muôn đời… Hoặc có thể đi đò chèo. Nếu đường xa hơn như từ chợ quận Cái Bè, chợ tỉnh Mỹ Tho, Vĩnh Long, Bến Tre… Thì phương tiện di chuyển phải bằng ghe máy lớn, hay đò máy chở hành khách hàng ngày…

Ở những làng xã xa xôi hẻo lánh như Mỹ Lương, và các thôn lân cận, không phải là vùng địa linh nhân kiệt. Nhưng nhiều hộ gia đình cho con em ra thành học, qua Tây học… Đỗ đạt về làm ông Phủ, ông Huyện… rạng rỡ tông đường. Và cũng có nhân vật nổi tiếng qua nhiều thời kỳ ở nhiều bộ môn. Như Hòa Lộc có nhạc sĩ Anh Việt Thu, nổi tiếng với bài “Dòng An Giang” Còn những gia đình có con lái máy bay, lái tàu biển… Con gái cũng có người bác sĩ, kỹ sư… Tốt nghiệp ở ngoại quốc trở về quê hương công tác cũng không ít.

Ở một góc nhỏ của vùng trời thôn dã nầy. Những dân kỳ cựu sống trong làng Mỹ Lương ai mà không biết, hoặc không nghe ít nhiều về gia đình của thầy giáo Nam. Ông nghỉ hưu trẻ lắm, ở tuổi ngoài bốn mươi. Sau khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị giết. Ông Nam nghỉ dạy học ở trường Tiểu học Long Hồ, kế chợ Trường An thuộc tỉnh Vĩnh Long. Ông đem gia đình về sống an phận nơi quê vợ.

Vợ chồng ông lam lũ chăm sóc tốt miếng vườn chưa được 2 mẫu của cha mẹ chia phần cho con gái. Vườn được ông bà tu bổ, sửa sang làm rẫy và trồng cây ăn trái là nguồn sinh kế duy nhứt của gia đình. Mặc dù họ cũng có chút ít vốn liếng sau khi nghỉ dạy học về đây. Nhưng ông bà không xây nhà lớn, chỉ cất nhà ngói, vách bổ kho, nền lót gạch tàu thôi. Họ có thể, nhưng cũng không mua thêm đất đai để mở lớn rộng cho việc trồng tỉa.

Vợ chồng ông giáo Nam thức thời, nên hòa nhập vào cảnh sống của dân quê rất dễ dàng. Cộng vào kiến thức sẵn có và óc cầu tiến của hai vợ chồng, nên sự suy nghĩ về tương lai con cái của ông bà cũng có chỗ khác biệt hơn nhiều gia đình lam lũ ở thôn quê.

Thiên hạ thường bảo “Vác thúng đong lúa, chớ không ai vác thúng đong chữ” bao giờ. Nghe người nói, ông không trả lời chỉ cười cười thôi. Nhưng trong thâm tâm ông thì nghĩ rằng: “Ruộng bề bề, không bằng nghề trong tay” nên năm cô con gái cưng của ông giáo Nam, đều được ra thành theo đuổi bút nghiên học hành. Để khi các cô có chút vốn chữ nghĩa, thì tìm học cái nghề thích hợp có thể lo cho bản thân, và lo cho gia đình mai sau.

Riêng bà Giáo Nam thấy mấy đứa con gái mình đang tuổi lớn, ngấm ngầm thắt thẻo âu lo! Bởi gia đình người ta chỉ có một, hai đứa con gái thì đã lo. Nói chi bà có đến năm đứa con gái nhồng nhộng! Không sanh được một mống con trai để nối dòng, nói dõi cho chồng, đôi lúc nghĩ đến bà cũng buồn lắm! Nhưng rồi bà chép miệng thở dài tự an ủi lấy mình: “Thôi con nào cũng con, thời buổi giặc giã có con gái thì đỡ lo hơn!

Nhưng nói thì nói vậy chớ nghĩ cho cùng, nỗi lo về mấy đứa con gái vẫn lớn hơn những mối lo khác trong lòng bà” Người đời thường bảo: “Nhà mà có con gái lớn chẳng khác nào hũ mắm treo đầu giàn… Không biết chừng nào sẽ rớt xuống bể ra làm hôi thúi cả nhà!” Mặc dù ông bà giáo Nam dạy dỗ các con gái mình rất khít khao về: công, dung, ngôn, hạnh, đạo làm người… Nhưng bà vẫn thấy ngay ngáy trong lòng!

Ờ làng Mỹ Lương, gia đình ông bà Giáo Nam có nếp sống bình đạm ở bậc trung. Họ không khá giả, không nghèo, cũng không so sánh đua đòi “Nhìn lên mình không bằng ai/ Ngó xuống không ai bằng mình”. Đó là nhờ tánh tình tốt, và cách đối xử với những người chung quanh hòa nhã, bình dân của gia đình họ, nên được chòm xóm, thôn dân trong làng xã quý mến khen ngợi. Nhứt là năm cô con gái “Ngũ long công chúa” của ông bà mỗi cô một vẻ, và xắp xỉ tuổi nhau.

Cô Bạch Liên (con gái lớn) 18 tuổi, có vóc dáng thanh cảnh, da trắng, tóc đen, mày ngài, mắt to, mũi cao. Khuôn mặt đều đặn, tánh tình nhu mì ăn nói nhỏ nhẹ dễ thương. Đã làm rung động trái tim cháu ngoại ông Cả Bảy về nghỉ hè năm đó. Cho nên ông bà giáo Nam bảo cô Bạch Liên nghỉ học chữ, cho đi học nữ công gia chánh. Để cuối năm, về làm dâu cho ông bà chủ hãng xe đò, có tiệm bán tơ lụa nổi tiếng của miền Hậu Giang. Mà chồng tương lại của cô Bạch Liên đang làm việc ở Sài Gòn.

Cô Bạch Huệ 17 tuổi, hơi thấp người, tròn trịa, tánh tình cởi mở, hoạt bát. Mặt mày cô lúc nào cũng tươi vui, ăn nói giòn giã, khoa tay múa chân, giọng cười hào sảng… Nói chuyện với cô, người đối diện cảm thấy rất thoải mái, và dễ thân thiện. Tánh tình Bạch Huệ cương trực, ngay thẳng, nhưng lại nóng nảy không thua gì nam phái. Cô là mối lo cho bà giáo Nam nhứt. Má cô rầu rĩ vì đứa con nầy bởi con nhỏ “Chưa nói đã cười/ Chưa đi mà chạy, là người vô duyên!” mai sau ai mà dám cưới nó đây?

Tuổi đã 15, nhưng mới nhìn ai cũng tưởng Bạch Mai chừng 13 tuổi. Cô cao nhồng, ốm nhách nên trông hết sức ròm rĩnh như bà Hai Ròm trong xóm! Trước khi cô đi ngủ lúc nào cũng có chén thuốc Bắc hoặc thuốc Nam, má cô đã đặt sẵn nơi đầu giường. Khi thuốc ho, lúc thuốc cảm, và kèm theo thuốc bổ… uống cho khỏe mạnh, mập mạp.

Bạch Huệ hay ghẹo em mình, nên bảo:

-  Mầy có uống một hồ, một giếng, một con sông thuốc bổ cũng không mập. Chớ đừng nói chi uống một chén. Tại mầy kén ăn quá trời nên làm sao mập được… Uống thuốc bổ nhưng phải ăn, chớ chén thuốc đắng nghét làm sao mà mập được mậy…

Nói đến đó cô bỗng cười ha hả, mắt ngời sáng. Bà chị Bạch Liên nghi con nầy trở chứng, tà tâm nổi dậy… sắp phá phách chọc ghẹo ai nữa đây? Thiệt y như rằng, Bạch Huệ lên tiếng:

-  Nè từ rày trở đi nghe Bạch Mai, tao đặt cho cái tên rất hấp dẫn và phù hợp với mầy lắm lắm… Mau mau lại đây, kề tai tao nói nhỏ cho mà nghe, lại đây mau lên đi…

Cô em không giận, ngây thơ mỉm cười đến gần chị, nhẹ giọng hỏi:

-  Tên gì, mà chị có vẻ thần bí quá vậy?

-  Lại đây, lại đây “Bà Tư Teo Héo” Nè, mầy có “chịu” cái tên tao đặt không nào?

Bạch Mai nhăn nhó nhưng không nhịn được cười. Cô cung tay vừa đánh thùm thùm vào lưng chị, miệng vừa la oái oái:

-  Đồ quỉ, đồ quỉ… cứ hay đặt tên nầy tên nọ cho người ta! Chị thiệt tình chỉ có tài ăn hiếp và chọc ghẹo em không hà… 

Rồi năm chị em, có cả hai cô em kế là Bạch Cúc và Bạch Lan cười bò lăn, bò lộn. Nhưng sau cơn cười vui đó, thì tội nghiệp cho nàng Bạch Mai có dáng liễu rũ mai gầy, bị mang mãi cái tên cúng cơm “Bà Tư Teo héo” cho mãi mãi về sau.  

Năm đó cô Hai Bạch Liên theo chồng. Vợ chồng cô ở Sài Gòn một thời gian thì trở lại Tây Đô, tiếp nối trông coi công việc làm ăn của cha mẹ chồng. Cô có nếp sống sung túc và hạnh phúc bên chồng con.

Cô Ba Bạch Huệ ra trường Sư phạm dạy lớp nhì, lớp nhứt ở Vũng Liêm. Cô nầy lúc nào cũng ồn ào, cả đến chuyện kết hôn với anh chàng lỡ thầy lỡ thợ. Bởi anh Hậu chồng cô, sau khi thi đậu Trung học Đệ nhứt cấp thì bỏ học, trốn gia đình ôm gói theo đoàn ca vũ nhạc kịch, ở Sài Gòn xuống trình diễn trong tỉnh nhà. Cả năm sau hết tiền dành dụm đem theo, hát hò không bằng ai, thất chí anh hát câu“Ôi ta buồn ta đi lang thang bởi vì ai? Ôi ta buồn ta đi lang thang bởi vì đâu?” Anh đi lang thang thế nào mà đụng vào nàng Bạch Huệ. Hai người thề non, hẹn biển để rồi sau đó anh Hậu trụ hình, nghe lời Bạch Huệ khuyên bảo trở về phụ cha mẹ mình coi xưởng thợ mộc.

Dĩ nhiên là ông bà giáo Nam không bằng lòng gả Bạch Huệ cho anh thợ đóng xuồng, đóng ghe, tàu, đóng bàn, ghế, có khi còn nhận đóng hòm cho người ta nữa. Nhưng miệng lưỡi Tô Tần của nàng Bạch Huệ đã khiến cha mẹ hồi tâm chuyển ý, cho cô kết tóc se tơ với Hậu người cô mơ tưởng, quý yêu.

Ở thị thành lúc nào cũng ngựa xe như nước, áo quần như nêm. Các dãy phố chợ buôn bán sầm uất… Dân chúng ăn nên làm ra, nhờ Đồng Minh các nước qua trợ giúp chiến tranh Việt Nam… Mọi ngành nghề vươn lên và phát triển mạnh về kinh tế, y học, khoa học… Những thanh niên ưu tú được chánh phủ cho học bổng, hay tự túc du học, đỗ đạt trở về giúp nước. Trong khi đó, những kẻ nghe lời đường mật của Cộng sản tuyên truyền lén lúc cùng  giặc quấy động ven đô, phá rối trị an khắp nơi… Và thanh niên miền Nam tới tuổi nhập ngũ, tình nguyện tùng chinh đuổi giặc, để giữ gìn bờ cõi…

Thời gian qua mau. Bạch Liên năm nay có ba đứa con kháu khỉnh… Bạch Huệ cũng là mẹ của hai đứa con bụ bẫm dễ thương. Còn cô Tư Bạch Mai đang làm việc tại Trung Tâm Y Tế Toàn Khoa tỉnh. Bạch Cúc ra giáo sư Trung học. Bạch Lan năm cuối Kiểm Sự Nông Lâm Súc Cần Thơ.

Mỗi khi về thăm cha mẹ gặp lại các em, nàng Bạch Huệ lúc nào cũng lên giọng chị ả dạy đời. Và lúc nào cô cũng kiếm chuyện gì đó để có cớ chọc ghẹo em như thời còn độc thân:

-  Đời bây giờ giặc giã! Tụi bây nhớ kiếm lấy tấm chồng làm thương gia, hoặc chủ hãng như tao với chị Hai sẽ đỡ lo. Đừng có lấy chồng lính tráng khổ lắm… Tiền lính tính liền nghe tụi bây! Đã nghèo rớt mồng tơi, mà họ còn bay bướm, đa tình… Nhứt là mấy chàng Không quân, Hải quân… vừa khôi vĩ, vừa hào hoa… Bởi họ được Chánh phủ đã lựa sẵn rồi. Vốn liếng đa tình sẵn có của đàn ông, mà còn đẹp trai, rày đây mai đó vì công tác… Có những môi trường thích hợp như vậy, nên họ khó mà chung tình với vợ nhà lắm! “Ai ơi đừng lấy Hải quân/ Bến nào cũng ghé/ Sà quần với mấy ả bán ba” Còn nữa, khi nghe bản “Hoa Biển” của nhạc sĩ Anh Thy thì các em ù té ào ào chạy đến làm quen liền hà… Những tên đó nguy hiểm lắm, tụi bây phải tránh xa, tụi bây phải cẩn cẩn đề phòng mới được nghe chưa…

Bạch Lan háy chị mình con mắt có đuôi. Còn Bạch Mai và Bạch Cúc nhìn nhau bụm miệng cười hí hí. Bởi cô nàng Bạch Lan (cô út) trong “Ngũ long công chúa” đang có bồ là lính biển. Nàng ta nghe chị nói, chạm nọc nên ghét lắm, chõ mỏ đớp lại liền:

- Thôi đi bà ơi, bà già rồi lẩm cẩm nên quơ đũa cả nắm! Xì, bộ người lính Hải quân nào cũng vậy sao? Chị có giỏi rầy bà Năm Sa Đéc kìa (Bạch Cúc) bồ bả là lính Pháo binh đó. Thời buổi nầy không có bồ là lính, không lấy chồng lính thì có nước ở vá, hoặc các cô vào chùa tu hết cho rồi…

Cô nàng Bạch Lan nói đến đó thì đôi mắt phượng lim dim. Ra điều ta đây hạnh phúc ngập lòng. Cô liền gọt dũa cái giọng của mình ngọt như đường cát, mát như đường phèn, lên tiếng liền:

- Người yêu của tui ôi vừa đẹp trai, vừa hiền, vừa thương tui, và tôn sùng tui như nữ hoàng vậy đó! “Anh là lính đa tình/ Tình hải hồ ôm mộng/ Tình vũ trụ ngát hương…” Chu choa ơi, anh hát hay, nhảy đầm giỏi, hoàn cảnh gia đình tốt, lại chưa vợ! Có người đủ điều kiện như vậy thì không lọt vào giếng mắt của nàng Út Bạch Lan nầy sao được đây hỡi trời! Và còn có chỗ nào để chê nữa đây chị Ba Khía?

Bạch Huệ nghe em gọi mình Ba Khía mắc tức cười lắm. Nhưng cô trấn áp nhịn cười, quay qua nhìn Bạch Cúc, nói với Bạch Lan:

-  Nồi ơi, bài ca tuyệt vời mà hát bắc quàng, không đầu không đuôi, coi chừng tác giả kiện mầy đó! Ê, bộ hai con bồ tọt lửa bây có người yêu rồi hả Bạch Cúc, Bạch Lan? Tụi bây có nói cho má biết chưa?

Bỗng Bạch Huệ trở dịu giọng:

-  Ờ, tao nói là nói vậy để nhắc nhở và khuyên thôi. Miễn tụi bây có tấm bồ đàng hoàng, tụi bây hạnh phúc thì bà chị nầy vui mừng lắm rồi…

Chị ta lại quay sang qua Bạch Mai, bảo:

-  Còn Bà Tư Teo Héo của nhà ta thì sao đây? Hai đứa em có bồ rồi, mầy xinh tươi như hoa vậy, thì đừng xạo nói với tao là chưa có bồ nghe! Mầy làm ở bệnh viện, thôi thì coi ông thương phế binh nào thuận mắt “chài” đi, cho chắc ăn!  Nói tóm lại, bọn bây đứa nào cũng có nghề hết rồi, cũng đến lúc có bồ bịch để đi đến hôn nhân chớ. Nhưng lính tráng luôn xa gia đình, phải coi chừng kẻo họ có vợ con đùm đề bên ngoài hai ba đứa mà vợ nhà cũng chưa hay biết… Hoặc súng đạn vô tình không có mắt, chồng thành phế binh, hoặc vợ thành quả phụ nhanh như trở bàn tay đó nghe…

Bạch Mai biết bà chị mình thức thời. Bả ớn hai con em giờ đã lớn và có cái nhìn tinh tế, chớ không thiển cận như bả. Cho nên bả dịu giọng vuốt nhẹ. Và bà ta quay qua định tấn công mình đây. Nhưng bả cũng khựng lại, vì Bạch Mai hôm nay không còn là Bạch Mai của ngày xưa hay nhút nhát sợ sệt, lo âu nữa. Bây giờ cô đã là một công chức trong ngành nghề vững chắc. Cô không còn khù khờ để bà chị tinh ranh của mình chọc ghẹo, phá phách.

Thiệt như vậy, Bạch Mai bây giờ tiến bộ về mọi mặt. Cô không còn teo héo như bà chị “đa sự” nầy nói. Cô có vóc dáng dễ nhìn, miệng cười duyên dáng, tánh tình dịu dàng, nhã nhặn. Cô tha thướt trong chiếc áo dài màu hoa cà trên đường nắng hai buổi đến và tan sở. Nam đồng nghiệp trương lứa len lén nhìn cô rồi thả dê cũng có đôi ba mạng… Cô biết được vui vẻ cười thầm và nghĩ “không được đâu!” Nhưng đàn ông con trai mà, thấy đàn bà con gái xinh không động chân tình, không có máu dê thì có đúng là đàn ông không? Hay là cô gái đó chẳng có nét gì khiến cho bọn họ động lòng? Ôi làm con gái mà như thế không hóa ra là tệ lắm sao? Nên các anh chàng mới không nhìn lén, không huýt sáo, không liếc mắt đưa tình, và không thả dê sao cho được…

Bạch Mai nghiêm giọng bảo với chị:

-  Bà cứ quen miệng ăn mắm, ăn muối hay nói bậy bạ, và hay trù ẻo người ta. Hãy coi chừng bị mang khẩu nghiệp đó! Bà nên nhớ bây giờ nói cái gì, làm cái gì bà cũng phải nghĩ suy, cẩn trọng và phải nghĩ đến gieo phước đức cho con cái sau nầy.

Cô dừng lại liếc chị cười cười, rồi tiếp tục:

-  Bà làm ơn bỏ gọi tui là “Bà Tư Teo Héo” nữa đi. Tui bây giờ “đẹp hết chỗ chê” chớ teo héo chỗ nào đâu mà gọi người ta teo héo hoài vậy? Thiệt thấy bà tội nghiệp, nên tui cũng không nỡ giấu giếm làm chi! Hãy nghe đây: Bồ tui là lính trận miền xa! Sư Đoàn 21, còn có biệt danh là“Sét Miền Tây” nữa đó. Chàng của tui là người hùng rừng U Minh Thượng, U Minh Hạ ở Cà Mau và cà vùng giới tuyến, có gồ ghề chưa? Nên bà đừng tưởng bở nghe…

Bạch Huệ hấy em con mắt có đuôi, ởm ờ:

- Vậy sao, thiệt ngon quá hén! Thì ra bồ của mầy là “người rừng” hả? “Hù hu… Tarzan đánh đu, máy bay thả dù, Zerô bắn súng… Chết cha con ma nào đây, làm tao hết hồn thằn lằn cụt đuôi…”

Thế là mấy chị em cười rộ lên muốn vỡ mái nhà. Bạch Mai chồm lấy gối, lấy khăn… quơ hốt được thứ gì chọi chị mình thứ ấy. Bạch Cúc, Bạch Lan cười chảy cả nước mắt.

Bạch Huệ nín cười, nghiêm giọng lên tiếng:

- Ờ thì tao biết tụi bây còn trẻ lòng non dạ, nên nghĩ gì bảo nấy để khuyên tụi bây thôi, chớ có ác ý chi đâu! Nhưng tụi bây nhớ phải giữ gìn “Khôn ba năm/ Dại một giờ” đừng làm gì quá trớn để cho ba má đau lòng, và tao cũng không tha tụi bây đâu nghe.

Bao nhiêu năm qua ông bà giáo Nam nhọc nhằn nuôi con ăn học. Giờ đây vợ chồng ông rất hài lòng và mãn nguyện về năm cô con gái của mình:

* Chồng cô gái lớn Bạch Liên trông coi ngành xe cộ với cha mẹ. Còn cô thì coi cửa hàng tơ lụa ở tại thị xã Cần Thơ.

* Cô kế Bạch Huệ có chồng làm chủ lấy mình trong việc làm ăn. Cô xin đổi về dạy học tại trường Tiểu học Châu thành. Để gần nhà ở Cầu Tham Tướng (Tây Đô) cũng gần cơ sở làm ăn của chồng.

* Con gái thứ Tư là cô y tá Bạch Mai có chồng làm lính chiến miền xa như ước nguyện. Mùa hè đỏ lửa năm 1972, chồng của Bạch Mai bị trọng thương trong trận kéo quân về tái chiếm Thị xã An Lộc. Gần 2 năm trị và dưỡng thương, anh giải ngũ với cấp độ tàn phế 70% (Hư hoàn toàn mắt phải. Mình đầy thương tích. Ba (3) mảnh đạn nhỏ còn nằm trong phổi, có lẽ anh sẽ mang theo suốt cả đời mình!

* Giáo sư Bạch Cúc chồng là binh chủng Pháo binh mà bà Bạch Huệ có “Cái nết đánh chết không chừa” gặp em gái mình, cô hào hứng bảo:

-  Tao đã cảnh cáo mầy rồi là “Ai ơi đừng lấy pháo binh/ đêm đêm nó bắn rung rinh cái giường” mà mầy chẳng nghe. Bọn bây cưới nhau, sau chị Hai và tao mà đã có ba đứa nhỏ, sanh năm một liền tù tì…

Bạch Liên đứng gần đó nghe, vừa cười vừa nạt vải em:

-  Mầy có điên không Bạch Huệ? Lớn cái đầu mà không nên nết, cứ hay ăn nói tào lao, bậy bạ… Không nhìn lại coi, chồng mầy có phải là lính Pháo binh đâu, mà mầy cũng đang mang cái bụng chè è gần sanh kìa… Cứ ở đó mà chọc ghẹo nó…

Bạch Cúc đang đút cơm cho con cũng cười ngất:

- Kệ bả, hơi sức nào giận bả cho mệt… Tui không thèm nói và cãi với chỉ làm chi! Chị Hai nói dùm tui rồi hà, hà…

* Bạch Lan đang mang thai đứa con đầu lòng. Bọn nó gần ngày đám cưới thì giặc cưỡng chiếm miền Nam. Người yêu nó bị đi tù cải tạo mấy năm, khi trở về mới đám cưới.

Thiệt tình, trong năm chị em, không chị hay đứa em nào mà tránh khỏi cái miệng của mụ Bạch Huệ. Em rể trong binh chủng Hải quân, đang đứng đó mà cái miệng bả cứ ông ống ghẹo em gái mình “Chồng em Đại Úy/ Em không vừa ý/ Lắc lư con tàu đi” Thiệt là hết nói nổi!

Hôm nay ông bà Giáo Nam vui lắm. Vì gia đình đoàn tựu, có đủ mặt con, rể, cháu ngoại. Nhà phải kê hai chiếc bàn dài nối liền nhau, mới đủ chỗ cho cả nhà ngồi ăn cơm. Ngồi chung quanh bàn ăn có vợ chồng ông Nam, năm đứa con gái và năm thằng rể. Còn mấy đứa cháu ngoại ngồi ở bàn tròn đặt kế bên.

Từ hồi năm cô lấy chồng, mỗi người một công việc, một gia đình, ở mỗi nơi. Chị em gặp đủ mặt còn khó thì nói chi năm anh em bạn rể với nhau.

Giặc vào chồng của Bạch Cúc, Bạch Lan bị tù cải tạo. Chồng của Bạch Mai là phế binh cũng bị đày mút chỉ cà tha. Anh đi ở tù nhiều năm hơn hai em rể. Mấy chị em trong gia đình lấy làm lạ, sao kỳ vậy? Rồi cũng là Bạch Huệ! Cái miệng bà nầy lách chách thiệt, nhưng bả nói ra những nhận xét cũng rất tinh tế và chí lý lắm chớ:

- Với Việt Cộng thì có gì là lạ đâu? Chuyện gì chúng cũng làm được dù đạp trên sinh mạng kẻ khác! Người ta giải ngũ từ mấy mười đời dương rồi mà cũng kiếm chuyện bắt bớ, cầm tù… Để gia đình lòi tiền, để có cớ trả thù dân trí thức miền Nam, để che đậy cái ngu dốt của chúng…

Ông giáo Nam nhắc nhở con:

- Nhỏ miệng một chút, “Tai vách mạch rừng” thời cuộc nầy người ngu trị đời… Thôi bỏ đi! Ờ thằng Hai, thằng Ba làm ăn của các con thế nào?

Anh Hùng chồng Bạch Liên, lễ phép:

-  Dạ thưa ba, giặc đến thế nào chúng cũng cướp giựt, tịch thu lấy hết của cải, và sẽ bắt mình bỏ tù… Nên ba má con tẩu tán tài sản trước đó rồi. Vậy mà đánh tư sản đợt đầu chúng cũng cướp gọn được một mớ. Vợ con khéo léo trước kia mua vàng giấu, nên cũng còn vốn để làm ăn tiếp tục. Kinh nghiệm mấy mươi năm trong thương trường “Ma cao một trượng, mình cao gấp đôi” mới đấu lại chúng. Ông già con đâu có chịu thua bọn chúng dễ dàng, thưa ba.

Ông giáo Nam gật gù, kề miệng ực nửa chun nhỏ rượu trắng. Ông khà một tiếng thống khoái nhìn thằng rể thứ ba.

Anh Hậu chồng của Bạch Huệ cười hịch hạc trả lời cha vợ:

- Công việc làm ăn của chúng con nhìn bề ngoài, coi như cắt cụp đủ ăn, đủ xài, nhưng tiền vô ngầm. Vì gần đây con lãnh đóng những chiếc tàu cho họ chở hàng ra biển nữa đó ba…

Rồi anh dè dặt nhỏ giọng:

- Trong mấy gia đình chị và em. Người nào có muốn ra khơi. Tôi biết được nhiều chỗ thích hợp, và kín đáo lắm…

Bà giáo Nam thật thà hỏi thằng rể:

- Bộ đi đường xe khó và mắc lắm sao? Đi bằng đường biển thường gặp sóng to gió lớn không đặng đâu đó con. Đi làm ăn, mấy đứa nên đi xe dù mắc hơn cũng được, vì đi xe má thấy sẽ an toàn hơn…

Mấy đứa con biết mẹ chưa thấu hiểu chuyện đóng tàu và giúp người tìm đường vượt biên. Ông già cũng hình như chưa biết! Bạch Mai nháy mắt với mọi người có ý bảo đừng nói nữa… Cô đánh trống lảng sang chuyện khác ngay:

- Má à, má xem coi cái bụng của Bạch Lan sanh con trai hay gái? Cả hai chị và Bạch Cúc cũng đoán thử xem coi có đúng không…

Bà giáo Nam cười hiền:

- Tao sanh lũ bây toàn là gái, nên đoán sẽ không đúng đâu. Sao Quang, Bạch Lan, hai đứa bây muốn con trai hay gái?

Trần Quang chồng cô Bạch Lan là lính biển. Nãy giờ nghe ông anh rể của vợ nói về ra khơi thì anh biết ý ngay. Mắt u buồn nhìn ngoài trời, anh Quang chợt nhớ đến tàu lúc lênh đênh trên biển cả mênh mông, lúc ghé bến lên đất liền… Những tháng ngày ra ngoại quốc học về ngành chuyên môn… Những đêm trăng sáng trên biển nước mênh mông. Mặt nước bao la bát ngát không thấy bến bờ. Có đêm ánh trăng trải lóng lánh vàng như thảm giác kim tuyến… Rồi những lúc biển cuồng nộ trong cơn bão nổi để cho người đời ngợi ca “Đời không đau khổ đời vô vị/ Biển chẳng phong ba, biển chẳng hùng”.

Giờ bất chợt nghe bà nhạc hỏi, anh Quang giựt mình còn đang lúng túng, thì được vợ đỡ lời:

- Con đầu lòng mà má, trai gái gì cũng được. Nhưng má chồng con muốn có cháu nội gái. Vì nhà bà toàn là trai (7 người) chỉ có chị Năm và cô Út là nữ thôi. Nên bà thích cháu gái lắm…

Anh Vinh chồng của Bạch Mai là cựu sinh viên Luật khoa, và Văn khoa Sài gòn. Cha anh là thầy thuốc Bắc, bị Việt Cộng thủ tiêu. Anh buồn quá bỏ học tình nguyện vào lính. Bình thường ít nói, khi bị tù về anh càng ít nói hơn. Bởi nước nhà nghiêng ngã, giặc dùng mọi thủ đoạn chiếm đoạt, cướp tài sản, giết, chụp mũ thành phần trí thức, những người giàu có, và nhứt là thành phần đối nghịch với chúng. Là một chiến binh bao nhiêu năm trong quân ngũ, rồi bao nhiêu năm bị giặc bắt cầm tù… Đã tôi luyện nung nấu tinh thần nuôi chí lớn trong lòng anh. Vinh cũng là một thương phế binh! Chiến tranh đã cướp mất của anh mắt phải, thị giác của anh không nguyên vẹn như xưa. Nhưng lòng anh không bị thui chột, tâm trí anh vẫn sáng ngời như nhựt nguyệt. Anh đã suy nghĩ lung lắm sau những đêm lén nghe đài VOA, đài BBC… Anh hiểu biết thêm ít nhiều về những miền đất tự do bên ngoài…

Thế giới bàng hoàng xúc động, khi nhắc đến Việt Nam bị lọt vào tay Cộng sản thì quân nhân, công chức… bị giặc trả thù tàn bạo bằng danh xưng hoa mỹ “Cải tạo”. Anh Vinh thao thức theo tháng năm dài ngột ngạt dưới chế độ Cộng sản. Để rồi quyết định trong lòng và chọn lựa: một là anh rút vào bưng tìm đồng chí để chống giặc. Hai là anh phải đem gia đình đào thoát rời bỏ quê hương… Chớ anh không sao sống với chế độ Cộng sản được. Tương lai con anh sẽ ra sao, khi cha chúng bị giặc gọi là “Ngụy quân/ Lính Mỹ đánh thuê…” Anh không thể nào để con mình bị nhồi sọ theo giáo điều của Cộng Sản…

Nhưng mọi thứ gần như bế tắc trong anh. Vì tiền bạc là mối lo đầu tiên nhưng anh không tìm đâu có! Và bọn ba mươi trong vùng anh ở luôn theo dõi mọi hành động của anh… Đôi lúc anh cảm thấy vô cùng tuyệt vọng!

Giờ đây phải chăng là một kỳ tích xuất hiện? Sẽ thay đổi số mạng cho cả gia đình anh! Anh Vinh quyết sẽ tâm sự cùng ông anh rể Hậu (chồng của Bạc Huệ) chị vợ mình. Rất hiếm hoi, hai người họ có dịp gặp nhau như hôm nay. Vinh nghĩ, phải chăng đây là duyên số mà trời đã ngầm ban cho anh cùng gia đình…

Dòng đời lững lờ trôi đi và trôi mãi trôi! Để bây giờ năm anh em bạn rể mỗi người một nơi!

Sau lần gia đình mấy chị em và anh em bạn rể đoàn tựu trong nhà cha mẹ vợ đó. Họ không gặp lại nhau nữa dù ở đám tang bà giáo Nam (mẹ của họ). Các con gái, con rể cũng về không đủ mặt. Bởi thời cuộc đổi thay khắc nghiệt. Người dân Việt chạy tán loạn tìm đường sống, tìm bờ bến tự do… Gia đình năm cô con gái ông bà giáo Nam cũng không thoát khỏi tình trạng chung là: Tù đày, khốn khổ, lầm than… trong nước Cộng sản cai trị!

* Vợ chồng và con cái của Bạch Cúc theo tàu đăng ký của em rể bên chồng. Họ vượt biên đến Mã Lai, và sau đó được vào nước Úc.

* Trần Quang, chồng của cô Bạch Lan lái tàu đăng ký của người chú ruột. Anh đưa gần 300 người vượt biển đã an toàn đến Nam Dương. Trong khi đứa con trai đầu lòng, vợ anh mới sanh chỉ có hai ngày… Gia đình họ cũng đã vào nước Mỹ.

* Rồi tin Bạch Liên qua đời vì hậu sản sau khi sanh đứa con thứ năm! Anh Hùng chồng chị và đứa con út thoát khỏi vòng kềm tỏa của Việt Cộng bằng đường bộ qua Thái Lan. Sau đó đứa con trai lớn của Liên, Hùng cũng đã vượt thoát. Cha con họ, kẻ trước người sau lần lượt đã đến định cư ở đệ tam Quốc gia Hoa Kỳ.

* Anh Hậu chồng của Bạch Huệ ở lại quê nhà vào bưng! Sau khi anh hay tin vợ qua đời vì kiệt sức trên đường vượt biên! Ba đứa con của họ được vợ chồng Bạch Mai nuôi dưỡng. Năm đó, cũng nhờ ông anh rể Hậu chồng chị Bạch Huệ giúp đỡ, sắp xếp để cho gia đình Bạch Mai cùng vợ con anh Hậu ra đi trước. Còn anh ở lại, sẽ đi ở chuyến tàu sau.

Nhớ trước khi tàu vượt biên rời bãi. Hai anh em bạn rể (Hậu chồng Bạch Huệ và Vinh chồng của Bạch Mai) bắt tay hẹn gặp lại nơi bến bờ tự do…

Hậu gởi gấm với em rể mình rằng:

- Chuyến nầy anh không đi chung với chị và các cháu, cùng gia đình em… Trăm sự gì qua bển nhờ em chăm sóc cho chị và các cháu dùm anh…

Chồng của Bạch Mai xiết chặt tay anh rể, cương quyết rưng rưng lời hứa:

-  Khi anh chưa đến, chúng em hứa sẽ lo cho chị và các cháu… Vì ngoài tình gia đình ruột thịt chị em, chúng ta là anh em bạn rể. Ơn trọng của anh đã giúp đỡ gia đình em ra đi hôm nay nữa… Anh yên tâm, chúng em hứa sẽ chu toàn mọi thứ với khả năng mình cho chị và các cháu…

Chồng của Bạch Huệ cười buồn:

- Chúng mình là anh em bạn rể mà dượng Tư… Vả lại chị thương vợ chồng dượng lắm… Thôi xuống ghe đi, chúc tất cả thượng lộ bình an…

Chiếc ghe nhỏ khuất dần trong màn đêm dầy đặc sương mù. Gió biển rạt rào… Mùi biển mặn, mùi bùn, mùi tôm cá quyện vào nhau đưa xa vào vùng ven biển. Và lời hứa hẹn của Vinh có đất trời, biển cả mênh mông làm nhân chứng!

Giờ đây, tính ngày rời nước đến nay đã ba mươi năm rồi! Vinh không ngờ đó là lời từ biệt của hai anh em bạn rể, cho đến nay vẫn cách biệt ngàn trùng. Nhưng lời anh Hậu vẫn còn văng vẳng bên tai anh như mới hôm nào đây thôi.

Vinh đã làm tròn lời gởi thác của người anh em bạn rể. Ba năm trước đây hai đứa con trai lớn của hai chị em (1 của Bạch Huệ, và 1 của Bạch Mai) đã về nước! Hiện chúng đang ở chung với chồng chị Bạch Huệ… Con gái út của Bạch Huệ có chồng được hai con, đang ở gần nhà dì Bạch Mai.

Có buổi tiễn đưa nào mà không buồn! Nhưng hôm nay đây, vợ chồng Bạch Mai rất hài lòng và hãnh diện, chuẩn bị cho đứa con trai mình, và cháu trai nhỏ (con trai anh Hậu) của mình (ngành Quân y trong quân đội Mỹ) trở ra đơn vi sau những ngày nghỉ phép. Chúng đang cùng đồng đội chiến đấu trên chiến trường Iraq. Trước khi con và cháu lên đường, Bạch Mai nấu bữa ăn ngon lành, đặc biệt để đãi hai chàng chiến binh người Mỹ gốc Việt nầy.

Sau khi ăn, trong lúc trò chuyện, anh Vinh dặn dò nhắc nhở với con và cháu rằng:

- Cha của con, và dượng của cháu (ta đây) là cựu chiến binh, và là thương phế binh của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa ngày xưa trên đất Việt. Ta rất hãnh diện xả thân chiến đấu cho quê hương. Ta cũng không bao giờ hối tiếc phần thân thể của mình bị mất mát trên chiến trường cho chánh nghĩa. Nếu có được trở lại thời thanh xuân, ta cũng quyết tâm đi chiến đấu… “Tôi trung không thờ hai chúa/ Gái trinh không lấy hai chồng” Anh Hậu, anh em bạn rể của ta là cha của cháu là dượng của con, không phải là cựu quân nhân trước kia. Nhưng “đất nước lâm nguy/ Thất phu hữu trách” Anh đang miệt mài không ngại gian nguy cùng đồng chí đang chiến đấu ở quê nhà. Các con còn trẻ, đời người mong manh! Các con sống sao cho đáng sống! Đầu đội trời chân đạp đất, đừng có quên, và tự tước bỏ đi phẩm giá của chính mình! Mọi con người sanh ra ở nước tự do đều bình đẳng như nhau. Nhưng trên cõi đời, người nầy hơn người kia chỉ ở đạo đức và tư cách thôi. Tiền tài danh vọng là vật ngoài thân, phù du lắm… Các con đừng vì lợi ích riêng tư, đừng vì miếng đỉnh chung, mà lầm đường, sai lối làm tay sai cho giặc, theo giặc… Các con sẽ bị người đời nguyền rủa, khinh khi là kẻ vô ơn, phản quốc… Nhưng cái khổ nhứt của kiếp con người là niềm hối hận…

Nửa đêm qua, vợ chồng Vinh được điện thoại của Bạch Lan ở miền Trung Tây Hoa Kỳ báo tin. Chồng cô là Trần Quang vừa mới qua đời! Người em rể Hải Quân nầy bị stroke cả năm nay!

Bạch Mai ôm mặt khóc thút thít. Vinh thở dài, nhìn qua cửa sổ bầu trời đen như nhuộm mực. Đêm nay không trăng, nhưng sáng ngời muôn vì tinh tú…

Qua màn lệ, Bạch Lan bảo: “ Trước ngày ra đi, ảnh có dặn em rằng: Đừng để ảnh ở nhà quàn thăm viếng. Hãy đem thiêu thi hài, lấy tro cốt rải vào biển cả… Chị ơi, chồng em muốn đi vào lòng Đại dương cho tròn vẹn đời của một người lính biển Việt Nam Cộng Hòa… ”

Ôi, nỗi buồn đau sao luôn đến với tha nhân!

Trong năm mươi tiểu bang của Mỹ. Khí hậu tốt nhứt, người Á Châu đông nhứt, đồ dùng rẻ nhứt, trái cây ngon nhứt, các món ăn rẻ nhứt, và còn nhiều thứ nhứt lắm… Gần như đều nằm rải rác ở tiểu bang California. Nhưng vào chánh mùa hè, miền Bắc California năm nào cũng có mấy ngày khí hậu nóng nhứt (100 đến 115… độ F)

Hôm nay nền trời California xanh màu ngọc bích. Gió lay nhẹ đưa từng cụm mây ngồn ngộn trắng như tuyết chầm chậm bay bay. Những con chim trời nhàn hạ như vô tranh với đời. Chúng chớp đôi cánh lượn qua, lượn lại trong không khí trong lành, và mát rười rượi. Rồi chúng đáp xuống, đậu trên những cành cây xanh, lá thắm cất tiếng hót vang vang…

Vinh cảm thấy lòng vui theo ngoại cảnh. Bạch Mai bưng cho chồng tách trà ấm, rồi bước đến mở truyền hình ra xem.

Chị vui miệng ghẹo chồng:

- Ông làm gì mà ngồi chết trân vậy? Đang có tâm sự lên khơi vì nhớ đến cô nào ở thuở ngày xưa hả?

Vinh cười cười, nhìn vợ:

- Bộ muốn chết sao dám nhớ cô nào? Chỉ có một cô ngồi kế bên, đã theo kềm kẹp mấy chục năm trời, khiến đôi lúc không dám ho lớn, không dám thở mạnh… thì tui còn dám nghĩ đến cô khác sao? Tôi đang nhớ đến năm anh em bạn rể (chồng mấy chị, và em của em) Bây giờ mỗi người một nơi, kẻ còn người mất, kẻ ở quê nhà, kẻ ra hải ngoại làm thân chùm gởi… Thiệt đúng là ở đời mỗi con người đều có số cả! Theo thuyết nhà Phật, cái số khổ sở, đắng cay khó mà thay đổi! Trừ ơn phước do ăn hiền ở lành, lánh dữ, tích đức… của chính bản thân thì may ra được hoán chuyển từ nặng thành nhẹ, từ xấu trở nên khá hơn thôi…

Bạch Mai cười bùi ngùi, nhìn chồng lòng đầy thương cảm. Hai vợ chồng chị không phải mở truyền hình nghe tin tức, hay xem phim bộ như mọi ngày. Hôm nay họ dành thời gian để theo dõi đài truyền hình trực tiếp thu buổi văn nghệ “Cảm Ơn Anh” tổ chức tại Nam California. Buổi văn nghệ nầy có mấy chục ca sĩ thiện nguyện, hát ngoài trời để gây quỹ giúp Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa còn kẹt lại bên kia bức màn tre!

Theo ban tổ chức cho biết thì số tiền thu được của đại nhạc hội “Cảm Ơn Anh” năm nay, có hơn 600 ngàn đô-la. Như vậy thì nhiều lắm, so với tình trạng nền kinh tế toàn cầu không mấy khả quan trong những năm gần đây. Đem số tiền to đó để tặng, thì mỗi người chỉ được một ít thôi, vì số thương phế binh đông! Nhưng “Đây là món quà nghĩa tình, mà người Việt lưu vong lúc nào cũng biết ơn và nhớ đến các anh Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa”còn đang kẹt lại nơi quê hương khốn khổ, đoạn trường!

Dư Thị Diễm Buồn

 

 

 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.