TKH - banner 03

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

THỦ KHOA HUÂN:

Một hiện tượng đặc sắc của văn học yêu nước

trong Phong trào Văn thân chống Pháp

Đào Đức Chương

    Nguyễn Hữu Huân (阮 友 勳; 1816 - 1875), người làng Tịnh Hà, tổng Thạnh Quờn (Thạnh Quang), huyện Kiến Hòa, phủ Kiến An, tỉnh Định Tường; sau đổi thành xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho, nay là tỉnh Tiền Giang [1].

    Năm 1852, ông đỗ Giải nguyên nên thường gọi là Thủ khoa Huân, làm giáo thụ huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường. Năm 1861, Pháp chiếm Miền Đông Nam Kỳ, ông gia nhập hàng ngũ kháng chiến, bị bắt, rồi được tha. Năm 1863 (Quý Hợi), ông bị Pháp bắt lần thứ hai, kết án 10 năm khổ sai, và đày ông qua đảo Cayenne, thuộc địa của Pháp ở Nam Mỹ [2].

    Năm 1869, Pháp ân xá và đưa ông về nước, quản thúc tại nhà Tổng đốc Đỗ Hữu Phương và cho ông làm giáo thụ. Ông bí mật hoạt động, rồi trốn về Mỹ Tho hợp cùng Âu Dương Lân phất cờ khởi nghĩa vào năm 1872, đến năm 1875 thì bị bắt lần thứ ba. Ngày 15 tháng 4 năm Ất Hợi (18- 5- 1875), Pháp dùng thuyền chở ông xuôi theo dòng Bảo Định về Mỹ Tịnh An, quê hương của ông để hành quyết. Ngồi trên thuyền, cổ bị gông, chân bị xiềng, ông vẫn dung ung ngâm thơ:

Hai bên thiên hạ thấy hay không?

Một gánh cang thường há phải gông!

     Đến nơi hành quyết, không để cho giặc xử chém, anh hùng Nguyễn Hữu Huân hiên ngang cắn  lưỡi tự tử:                 

Chí quyết chết, cho tan đởm giặc,

Lẽ đâu sống chịu đứt đầu ông [3]

    Thơ ông, tiêu biểu có bài Cây Bắp, Đi Đày, Khi Được Thả Về, Mang Gông và câu đối Tự điếu. Trích thơ:

Mang Gông [4]

Hai bên thiên hạ thấy hay không?

Một gánh cang thường há phải gông!

Oằn oại đôi vai quân tử trúc,

Nghênh ngang một cổ trượng phu tòng.

Thác về đất Bắc danh còn rạng,

Sống ở thành Nam tiếng bỏ không. [5]

Thắng bại dinh hư [6] trời khiến chịu,

Phản thần đéo hỏa [7] đứa cười ông!

    Tóm lại, thơ Nguyễn Hữu Huân hầu hết được sáng tác trong thời kỳ chống Pháp, từ lúc khởi nghĩa, bị bắt, tù đày, được tha, tiếp tục chiến đấu, và lúc thọ hình. Thơ ông toát ra ý chí kiên cường, tranh đấu cho quê hương xứ sở thân yêu đang bị ngoại bang xâm chiếm. Từ Điển Văn Học đánh giá về chất thơ của Thủ khoa Huân là một hiện tượng đặc sắc của văn học yêu nước trong Phong trào Văn thân chống Pháp vào hạ bán thế kỷ XIX, xứng đáng một nhà thơ chiến sĩ [8].

2468 TKH MotHienTuongDacSacTrngVanHocDaoDucChuong

Chân dung Thủ khoa Huân

(Ảnh: vi.wikipedia)

                  

ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG

(Trích: Đào Đức Chương: VĂN HỌC VIỆT NAM THỜI CẬN ĐẠI - 1862 – 1945 đăng trên Viet LifeStyles số 88, April 2018)                

Chú Thích

[1] Năm sinh, quê quán và nơi dạy học của Nguyễn Hữu Huân, các tài liệu không thống nhất:

- Cao Xuân Dục; Quốc Triều Hương Khoa Lục, Nguyễn Thúy Nga và Nguyễn Thúy Lâm dịch (Sài Gòn, nxb TP/HCM, 1993); trang 321 chép: “Người thôn Tịnh Giang, huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường. Làm quan tới chức Giáo thụ Kiến An.”

- Bách Khoa Toàn Thư Mở ghi sinh năm 1830.

Nguyễn Đình Đầu; Nghiên Cứu Địa Bạ Triều Nguyễn - Định Tường (Sài Gòn, nxb TP/HCM, 1994); trang 99, chép: thôn Tịnh Hà, tổng Thạnh Quờn, tỉnh Mỹ Tho (địa danh từ năm 1889 - 1955)

[2] Nơi đi đày của Nguyễn Hữu Huân, các tài liệu ghi cũng không thống nhất:

- Bảo Định Giang; Thơ Văn Yêu Nước Nam Bộ - Nửa sau thế kỷ XIX (Sài Gòn, nxb Văn Học, 1977); trang 234: cho rằng Thủ khoa Huân bị giặc bắt lần thứ hai, chúng đày ra đảo Bourbon, tục gọi là đảo Bòn Bon.

- Đỗ Đức Hiểu chủ biên; Từ Điển Văn Học, Bộ mới (Không đề nơi, nxb Thế Giới, 2004); trang 1154, ghi là: đảo Cayenne, thuộc địa của Pháp ở Nam Mỹ.

[3] Bảo Định Giang, sđd, trang 235; Cao Xuân Dục, sđd, trang 322, cũng ghi là:  Nguyễn Hữu Huân “Mộ nghĩa dũng, sung Phó Quản đạo. Lại mộ nghĩa, rất có tiếng tăm, bị bắt đày đi Đại Hải bảy năm. Được tha về, lại mộ nghĩa, đắp lũy kháng cự, lại bị bắt, tử tiết.”

[4] Thơ Nguyễn Hữu Huân hầu hết không có đầu đề. Sau người ta dựa theo nội dung mà đặt tên bài thơ để dễ phân biệt.

[5] Câu 6 & 7: Thà chết, hồn được về “đất Bắc,” chỉ cho kinh đô Huế của Nhà Nguyễn (ở phía Bắc), danh thơm được sáng tỏ; còn nếu chịu sống đời dân nô lệ ở “thành Nam,” ám chỉ Nam Kỳ Lục Tỉnh, đang bị Pháp cưỡng chiếm, thì tiếng tăm coi như bỏ không.

[6] Dinh hư: đầy vơi.

[7] Đéo hỏa: tiếng chửi ở Miền Nam.

[8] Đỗ Đức Hiểu chủ biên, sđd, trang 1154.

***

Nhà Văn kiêm Thi Sĩ Vĩnh Liêm đã edited bài nầy và đăng trên Viet LifeStyles số 88 (Tháng 4 năm 2018 )

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC