TKH - banner 03

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

Lá Thơ Không Bao Giờ Gởi
THƠ CHO CHỊ
Chinh Hồ.
Vĩnh Long, ngày……….năm 1970
4279 1 LaThuKhgBaoGioGoiVHo

       Kính thưa Chị, Em đếm đầu ngón tay: đã sáu năm mười hai ngày rồi Chị nhỉ! Từ cái ngày oan nghiệt ấy đến giờ, em vẫn thường nghĩ nhiều về Chị; nghĩ đến lẽ Sống-Chết, Họa-Phúc trong đời. Rồi tự nhiên, em cảm thấy là Chị em mình không hề bị ngăn cách bởi một dòng sông với hai bến bờ thanh bình, lao khổ; mà thật sự Chị em mình vẫn gần gũi bên nhau! Không, Chị đâu có chết! Chị không chết vì mảnh đạn cắm sâu vô phổi mà Chị vẫn còn sống. Bởi Chị đang cưng yêu em và em cũng đang kính quí Chị đây.
       Vẫn là một ngày đầu mùa đông như hôm nay, hơn sáu năm qua, Chị đã ngã sắp xuống…Miệng chưa nhai dập miếng trầu và mấy tàu lá chuối vừa chặt xong, định gói bánh cúng rằm, còn ôm trong vòng tay. Mấy tàu lá chuối còn dính mủ cây! Chị tôi đã tắt thở rồi!
       Trái phá nào quái ác đã làm cho Chị ngã chúi xuống? Để không bao giờ dậy nữa! Thằng con nhỏ bị đứt lìa một bàn chân! Máu thắm đỏ cả một khoảng nhà!
       Chị chết sao dễ dàng quá vậy? Như một con gà. Như một con vịt. Còn kém cả một con heo!
       Chị nằm xuống rồi đâu vẫn hoàn vào đó. Nắng vẫn lên trên khóm trúc. Gió vẫn lay mấy tàu lá chuối. Và nước vẫn khi đầy khi cạn trong con rạch trước nhà.
       Chị nằm xuống. Thôi đã yên một đời nhọc nhằn, năm nắng mười sương. Chị nằm xuống. Thôi đã trôi qua một quảng đời đau khổ, chịu đựng từng ngày, từng phút mà vẫn chẳng một tiếng thở than.
       Chị nằm xuống, tấm thân mong manh chay lạt đó biết sẽ về đâu? Chị vẫn thường ăn chay để cầu mong cho gia đình may mắn, làng xóm yên lành và cho em út sớm nên người.
       Nhưng từ ngày Chị nằm xuống, ngôi nhà nào đã dột, đã sập, tủ bàn nào đã vỡ từng mảnh vụn? Và trong xóm: bao nhiêu trẻ thơ bỏ học đi hoang, bao nhiêu người già, trẻ, bé, lớn theo nhau bể đầu, văng óc, mất tay?...Trong thế giới vạn phúc bên kia, hẳn Chị đã gặp lại có đến hàng trăm kẻ quen biết xóm thôn mình. Nhiều lắm rồi phải hôn Chị? Nhiều lắm rồi!
        Riêng em , đứa em út của Chị, từ dạo ấy đến giờ, chưa có lấy một lần nên thân. Vẫn phải lặn lội đi tìm cái sống trong máu lửa ngút ngàn…Em như đuối hơi trong nổ lực tìm kiếm đó. Đã muốn đứt hơi rổi, em vẫn chưa tìm được cho mình một giải đáp thỏa đáng về lẽ “ở hiền gặp lành”. Sao mới gọi được là ở hiền? Và gặp lành là như thế nào hở Chị? Cách nay mươi hôm, ngoài đầu ngõ, một người vừa chết. Mới đây, em đi đám xác ông thân của một người bạn. Hằng ngày, chết chỗ nầy, chết chỗ kia. Chết già, chết trẻ. Chết trận. Chết vì đạn mồ côi. Chết vì một trái phá. Chết vì một nhát dao găm…Còn em, phải chăng em như con tép nhỏ lọt khỏi lưới trời lồng lộng? Em đang sống trong cõi chết hay đã chết từ vạn kiếp nào trong cõi sống? Sống trong cõi chết: chết bên cạnh bờ ao; chết quì trong địa đạo; chết phơi thây ngoài đường phố, chết khô héo trong lòng người. Hoặc chết ngộp trong lối sống: sống hỗn loạn bon chen; sống phản phúc hận thù; sống thèm khát một hơi thuốc lá, một cốc cà phê đen; sống đơn lẻ, âm thầm và đớn đau thua lỗ… Đối với em, sống hay chết, đàng nào thì cũng vậy thôi.

4279 2 LathuKhgBaoGioGoiCH

       Biết bao giờ em mới được trở thành người theo ý nguyện của Chị ngày xưa với một xác thân tục tằn, rời rã, càng lúc càng bị ám ảnh nặng nề bởi tiếng đạn nổ, bom rơi…Đạn cứ nổ, bom cứ rơi, hình hài còn không giữ vẹn được thì nói chi đến việc nên người!
       Phải chi Chị còn sống để em có thể chạy theo sau lưng Chị mà xin năm chục, bảy chục. Xin tiền Chị không phải để ăn bánh như xưa mà để có thể mua thêm một hộp sữa cho cháu hay một bao thuốc lá cho em.. Phải chi Chị còn sống, để Chị chứng kiến cái ngày cháu nó nói sành, chạy giỏi… Có lần em hỏi nó:”Lớn lên, con làm gì?” Nó mau mắn trả lời:”Con làm lính!””. Thoáng trong phút giây, hiện lên trong em hình ảnh một người tay dao, tay súng, lưng ba lô…văng vẳng đâu đây là những tiếng hô xung phong, tiếng thét giẫy chết…
       Chị ơi! Chị đã cõng em băng đồng chạy giặc đầu xanh, đầu đỏ…Thanh niên chúng em bao đứa đã là mồi ngon cho lửa đạn…và mai nầy đây, thế hệ tiếp nối chúng em cũng lại dấn thân vào vòng lửa đạn nữa sao?
       Chú bác nhà ta đã nguyện cầu. Chị cũng đã từng nguyện cầu. Nhưng xóm làng mình vẫn không có lấy một ngày im tiếng súng.
        Mấy tuần qua, nhân ngày giỗ lần thứ năm của Chị, em mới có dịp tạt về xóm mình viếng thăm mồ mã ông bà. Đây là mộ Ba, Ba mất đã hơn hai mươi bốn năm rồi. Hẳn Chị còn nhớ, năm Ba sắp mất thì tiếng súng đã bắt đầu râm ran trong xóm. Gần bên là mộ ông bà. Mộ ông bà giờ cỏ đã mọc khỏi đầu người. Và bên nầy là mộ Chị. Giá như không có tấm bia đá nguệch ngoạc dòng chữ sơn đỏ đề tên họ thì có lẽ em cũng chẳng nhận ra Chị nằm đâu! Tấm bia còn ghi thêm: “ Tử thương ngày rằm tháng mười âm lịch…”. Ôi, một người đàn bà, tháng tháng, ngày ngày chỉ biết tâng tiu, chắt mót trái cà, trái ớt, khâu vá cho con, ăn chay, niệm Phật và làm bánh cúng rằm sao lại tử thương! Và cay nghiệt thay, tử thương vào đúng một ngày rằm lớn!

4279 3 LaThuKhgBaoGioGoiCH

       Xa xa trong kia là xóm làng yêu dấu của mình. Vẫn với con rạch nhỏ uốn cong, nước chảy lững lờ… Chị ơi! Xóm mình bây giờ sao mà hoang phế đến lạnh người. Xưa kia, em thuộc làu từng hang cua, từng khóm dâm bụt, từng lỗ chó chun…Giờ đây, đứng giữa nơi chôn nhau cắt rún mà em ngỡ như đang lạc vào một vùng hoang địa xa xôi! Những gốc kiểng trước sân tự do đâm tược như rừng. Những chiếc cầu gãy đổ. Những căn nhà xiêu sập. Những khoảng đường cỏ mọc đến lưng.
       Em về đúng ngày Bác Chín – người bác cuối cùng trong họ - đang hấp hối. Em đến thăm Bác. Bác như bộ xương khô. Đôi mắt trắng dả, mở lớn, nhìn lên…Bác hoi hóp thở…Rồi Bác nấc lên mấy cái nhè nhẹ, từ từ và ngưng hẳn! Bác đã trút hơi thở cuối cùng nhưng sao đôi mắt cứ mở lớn, trừng trừng nhìn lên. Em không hiểu được Bác nhìn gì và nghĩ gì? Nghĩ và nhìn về một Thiên đường an lạc bên kia thế giới hay về một viễn ảnh Hòa bình đời đời, với Bác, chỉ là giấc mơ dài, càng lâu càng thêm héo hắt?
       Nhớ mỗi lần đến Bác “làm tuổi” ông bà vào những độ Xuân về, lần nào Bác cũng nắm tay em bảo: “ Sang năm thái bình, Bác ăn Tết lớn. Đã hàng chục cái “sang năm” mà “thái bình” vẫn không chịu đến! Và từ đây, đâu còn dịp nào để Bác có thể “ăn Tết lớn” với chị em ta được nữa…
        Niềm chua xót dâng đầy và em nghe nghẹn ngào nơi cổ. Nhưng không hiểu sao em không khóc được. Lạ một điều là cô bác bà con xung quanh em cũng thế. Em đã vô tri đã đành, nhưng những người xung quanh em, xưa vốn giàu nước mắt, qua một phần tư thế kỷ đau thương; nay đã cạn nguồn hay đã trở thành chai đá?
        Chị ơi! Thế hệ Bác, thế hệ Chị, Hòa bình vẫn chỉ là cánh hồng bay bổng tuyệt vời trên chín từng mây… Có thể rằng Bác và Chị cùng bao người quen biết khác đã tìm được một thứ Hòa bình vĩnh cửu nào đó ở thế giới bên kia. Nhưng còn em đây, còn con cháu chúng ta bên nầy phải chăng sẽ không bao giờ thấy được ánh Bình minh?
        Và nếu đúng như vậy thì Chị ơi, em sẽ xin noi theo gương Bác: làm một kẻ ngàn đời không nhắm mắt!
CH.


Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.