TKH - banner 04

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

Kỷ Niệm Một Lần Xa Thành Phố


       Buổi chiều hôm ấy ở nhà Phương rất vui, vì có bác Tâm từ Lam Sơn về thăm mẹ của Phương và đón hai người con của bác về quê nghỉ hè. Con gái của bác, chị Trinh lớn hơn Phương hai tuổI, nữ sinh Gia Long, vừa học xong lớp đệ nhất và đang đợI ngày thi tú tài 2. Tú, con trai của bác nhỏ tuổi hơn Phương, học bên trường trung học Đắc Lộ. Bác Tâm biếu mẹ Phương rất nhiều xoài, cam và ối. Bác Tâm bảo những trái cây này do bác trai hái trong vườn sáng nay. Bác cũng không quên mang theo những chùm nem chua, có để lát ớt đỏ tươi, gói trong lá chuối xanh, bánh chuối và kẹo me do chính tay bác làm. Phương mê nhất là những viên kẹo me, vừa chua vừa ngọt. Trong bữa cơm chiều, Trinh bảo chỉ về thăm nhà vài ngày rồi lại trở lên Sài Gòn để chuẩn bị học thi. Dùng cơm xong cả nhà đi dự lễ tối. Phương và Trinh được ở nhà rửa chén và trông chừng nhà. Hai chị em vừa làm vừa tâm sự về người yêu của mình

3950 1 KyNiem1LanXaThanhPhoPhuongLe


       Hai người chụm đầu lại đọc lá thư Danh viết cho Phương mà Phương mới vừa nhận được. Thư Danh viết chan chứa ân tình, đong đầy nhớ thương, không những làm Phương thổn thức mà cả Trinh cũng xúc động, Trinh nói:
‘’ Ông Danh thương mi qúa, mi thật diễm phúc! Ông An của tao dân khoa học nên viết thơ không ướt át, lãng mạn như ông Danh của mi, tao thích nhất đoạn này.’’,Vừa nói Trinh vừa chỉ vào lá thơ, hạ thấp giọng cho có vẻ nam phái rồi chậm rãi đọc:
‘’ ...Em yêu dấu! Em có biết là anh yêu em nhiều biết mấy! Nhiều hơn là em có thể tưởng tượng được. MỗI lần về phép được gặp em anh sung sướng bao nhiêu thì khi trở về đơn vị anh đau khổ bấy nhiêu. Anh nhớ em từng giây từng phút, trong giấc ngủ của anh cũng chập chờn hình bóng em...


‘’ Em như một nụ hồng,
Cầu mong chẳng lạnh lùng,
Em như một ngày mộng,
Mà ta hằng ngại ngùng,
Sẽ ru ta niềm nhớ,
Một ngày thoáng mây đưa,
Cuộc tình đã như mơ ‘’.


       Em biết chăng dòng nhạc Ngô Thụy Miên cũng là tâm trạng của anh khi chờ em trước cổng trường! Những sáng trông mong, những chiều thương đợI và những tối lạnh lòng hoài vọng’’.
       Đọc đến đây Trinh dừng lại vừa nhìn Phương vừa nói: ‘’ Chao ơi! Tình tứ lâm ly làm tao cũng mủi lòng, kỳ sau có thư của ‘’ổng’’ mi nhớ cho ta đọc ké vớI nha, bảo đảm sẽ bao mi một chầu kem sầu riêng!’’.
‘’ ThôI đi, nghèo mà ham! trả thư lại cho Phương’’. Vừa nói Phương vừa giật lại lá thư. Cả hai đều cườI vang, những tiếng cườI dòn của họ vang vọng cả căn nhà.
Theo đúng chương trình đã bàn soạn, tối hôm ấy Trinh lên tiếng trước nói vớI mẹ Phượng:
‘’Thưa mợ’’
       Như sợ quên những điều đã chuẩn bị sẵn, Trinh nói luôn một mạch.
‘’Mợ cho Phương đi Lam Sơn chơi vớI con vài ngày, mùa hè ở đồng quê đẹp và mát lắm mợ, có nhiều trái cây nữa. ‘’ Bác Tâm vốn rất thương Phương, vừa nghe đến đây đã vộI góp ý:
‘’Đúng đấy, tội nghiệp con bé chẳng được đi đâu, mợ cho cháu dẫn mấy đứa em xuống tôi chơi, gió đồng quê trong lành rất tốt cho các cháu’’.
      Nghe bác có ý kiến đưa bốn nhóc tì đi theo Phương đã thấy chán nản, vộI đưa mắt nhìn Trinh cầu cứu, Trinh gật nhẹ hiểu ý. Mẹ Phương chép miệng như tiếc điều gì, quay sang Trinh mẹ chậm rãi nói: ‘’Hay Trinh đưa các em nhỏ đi chơi, Phương phải ở nhà giúp mợ lo sổ sách cháu ạ ‘’.
Thế là hết hy vọng! Phương nghĩ thầm và mắt cảm thấy cay, Phương ấp úng xin phép mẹ rồi âu lo nhìn Trinh. Trinh nổi tiếng là nói chuyện có duyên và có tài chinh phục. Chị đến ngồi gần mẹ Phương và bắt đầu thuyết phục, thỉnh thoảng Phương thấy mẹ cườI cườI. Cuối cùng mẹ nhìn Phương cườI bảo: ‘’Đi thì đi! Các con làm mẹ nhức cả đầu’’.
Mẹ chưa nói dứt câu, Phương và Trinh đã ôm nhau cười sung sướng và nhảy chân sáo lên thang lầu. Mẹ nói vọng theo:
‘’ Nhớ phải ngoan ngoãn, con gái lớn rồi phải ý tứ, nhớ mang theo áo dài đi lễ ngày "Chúa Nhật..’’. Mẹ còn nói nhiều lắm, dặn dò đủ thứ, nhưng Phương nào có nghe được gì. Phương phải lên lầu sắp xếp quần áo và những đồ dùng cần thiết. Con gái bao giờ cũng có nhiều đồ lỉnh kỉnh hơn con trai. Bỗng dưng Phương thấy đời thật đáng yêu, vừa làm Phương vừa hát nhỏ:


‘’ Ta yêu nhau yêu suốt cuộc đời
Như mây xanh dâng ngát bầu trời
Như muôn hoa tô thắm từng ngày,
Như hương thơm xao xuyến tình người...’’


Đêm đó Phương và Trinh mải miết tâm sự cho đến gần sáng.
       Mới tờ mờ sáng Phương và Trinh đã chuẩn bị xong. Phương xinh xắn trong chiếc áo thung hồng ngắn tay, quần tây trắng và sandal cao gót, tóc để xõa ngang vai. Phương không quên mang vào cổ tay chiếc vòng đồi mồi đen nhánh mà Danh, người yêu của nàng đã mang từ Phú Quốc về tặng nàng. Trinh cũng duyên dáng trong chiếc áo chemise trắng và quần tây trắng, tóc cột cao bằng một khăn mui soa mỏng có in hình chiếc mỏ neo. Đã có lần Trinh khoe vớI Phương đó là kỷ vật do người hùng Hải Quân của Trinh tặng. Mẹ, bác Tâm và Tú cũng đã thức; trao cho Phương gói qùa mẹ dặn dò:
‘’Đây là cà phê Ban Mê Thuột , con mang biếu bác trai. Nhớ phải ngoan đấy, đừng nhõng nhẽo như ở nhà.’’
       Phương mỉm cườI ôm mẹ và nói: ‘’Dạ vâng!’’. Mẹ Phương nhắc nhở Trinh nhớ đưa Phương về chuyến xe 6:00 giờ sáng thứ hai. Mọi người chào mẹ Phương rồi bước ra cửa. Trong nhà chị và các em Phương còn đang ngủ say. Mẹ nói vói theo một câu bâng quơ:
‘’Các cháu lớn mau qúa, chẳng mấy chốc cháu Trinh lại lên xe hoa mất thôi’’.
Bác Tâm dễ dãi đáp:
‘’Có thêm thằng rể cho vui nhà vui cửa, rồi cũng đến phiên mợ thôi, chỉ sợ các cô nhà mình nhõng nhẽo qúa không ai dám rước mợ ạ’’.
Phương và Trinh nhìn nhau tủm tỉm cười.
       Chuyến xe đò Sài Gòn - Vũng Tàu cũng sắp tách bến. Tiếng người lơ xe kêu gọi hành khách, tiếng bạn hàng nói chuyện xôn xao, tiếng những máy xe kêu xình xịch đều đặn, nhả những vùng khói trắng mịt mù, khung cảnh thật nhộn nhịp làm Phương cảm thấy lâng lâng một niềm vui. Sau khi bác Tâm và Tú đã yên vị trên chuyến xe đông khách. Phương và Trinh cũng ngồi vào băng trống ngay đằng sau, Phương ngồi vào bên trong gần cửa sổ. Xe từ từ chuyển bánh ra khỏi trạm. Khi ra đến đường chính bác tài cho tăng tốc độ, bánh xe lăn đều trên con đường tráng nhựa, tiếng xì xào nói chuyện của hành khách cũng thưa dần, những ngọn gío mát nhè nhẹ thổI qua khung cửa sổ làm Phương cảm thấy thoải mái. Trinh đã gục đầu vào vai Phương ngủ từ bao giờ. Phương mỉm cườI nhìn quanh xe, phần lớn những hành khách trên xe cũng chìm vào giấc ngủ hoặc lơ đãng nhìn qua khung cửa sổ như tận hưởng không khí trong lành. Phương nhìn đồng hồ tay, chưa 7 giờ mà trờI đã sáng hẳn, bầu trờI như phủ bằng một tấm lụa xanh biếc tuyệt đẹp, xa xa cuối chân trờI những tia nắng bình minh đang lung linh nhảy múa làm một góc trờI sáng rực như một vòng cung khổng lồ có dát vàng phản chiếu những tia sáng bảy sắc cầu vồng.
       Những tia nắng ấm áp kia như đang chuyền sức sống xuống cánh đồng xanh rì những ngọn mạ non. Qủa là một bức họa tuyệt mỹ! Một kỳ công của Tạo Hoá! Phương thầm nghĩ: Chỉ có cây cọ tuyệt vời của Đấng Hóa Công mớI có những nét chấm phá tài tình này! Bất giác Phương nhớ đến Danh; chàng Sĩ Quan Hải Quân với khuôn mặt khôi ngô và đôi mắt tinh anh, trên môi chàng lúc nào cũng điểm sẵn một nụ cườI tươi như hàm chứa một sự bao dung. Không những mấy đứa em Phương rất mến Danh mà cả đến mẹ và chị của Phương cũng qúi chàng. MỗI khi nói chuyện vớI mấy bà bạn về chàng, mẹ Phương thường kết luận ‘’Cậu ấy hiền như cục bột!’’. Có lần Phương nói dỗI với mẹ ‘’Anh ấy là người mà sao mẹ cứ ví như cục bột’’.
       Phương ngả đầu vào thành ghế, trong lòng cảm thấy bình an, nàng thả hồn bay về phương trời xa xăm nơi có hình bóng Danh. Phương miên man nghĩ về Danh. Không những trí óc và con tim của Phương mà hầu như tất cả các tế bào trong cơ thể của Phương đều nhớ chàng da diết. Hình bóng chàng trang nghiêm trong bộ quân phục màu xám nhạt vớI đôi omega vàng nổI bật trên cầu vai nhung, sợI dây kết vàng lónh lánh trên chiếc képi vành đen, tất cả như tô điểm thêm cho nét đẹp oai hùng của người sĩ quan trẻ tuổi. Đứng cạnh chàng Phương thấy như thật bé nhỏ.


3950 2 KyNiemXaThanhPhoLePKimPhuong


       Tháng trước về phép Danh cho biết Danh sẽ tạm trú ở Căn Cứ Hải Quân Cát Lở gần Vũng Tàu để chờ tân đáo Giang Pháo Hạm Thiên Kích HQ 329. Danh ước gì có Phương ra thăm thì chàng sẽ vui mừng biết mấy. Dù mong ước như thế nhưng Danh biết mẹ Phương rất thận trọng nên không dám xin phép cho Phương ra Vũng Tàu thăm chàng. Trong thư gửi cho Phương, chàng viết:
‘’... MỗI buổI sáng thứ bảy, nếu được đi bờ anh sẽ đợi em ở cổng trại Căn Cứ Hải Quân Cát Lở, anh sẽ chờ em dù biết em không đến... ‘’
       Lời thư làm Phương bồi hồi xao xuyến. Phương nghĩ: Chỉ còn đợi thêm một ngày nữa thôi, ngày mai đây andh sẽ gặp được em rồi. Ngạc nhiên này sẽ làm Danh thật hân hoan và thú vị! Phương chợt nhớ đến bài thơ ‘’Áo Trắng’’ của thi sĩ Huy Cận mà có lần Danh chép tặng Phương và Phương rất thích nên học thuộc nhanh hơn học bài.


‘’Áo trắng đơn sơ mộng trắng trong,
Hôm xưa em đến mắt như lòng,
Nở bừng ánh sáng. Em đi đến.
Gót ngọc dồn hương, bước tỏa hồng.
Em đẹp bàn tay ngón ngón thon:
Em duyên đôi má nắng hoe tròn.
Em lùa gió biếc vào trong tóc
ThổI lại phòng anh cả núi non.
Em nói anh nghe tiếng lẫn lờI;
Hồn em anh thở ở trong hơi.
Nắng thơ dệt sáng trên tà áo.
Lá nhỏ mừng vui phất cửa ngoài.
Đôi lứa thần tiên suốt một ngày.
Em ban hạnh phúc chứa đầy tay.
Dịu dàng áo trắng trong như suối
Tỏa phất đôi hồn cánh mộng bay.’’


       Tiếng xe thắng vội cắt ngang dòng tư tưởng của Phương, Phương nhận ra xe đã đến trạm để đổ thêm xăng. Tiếng những người bán hàng rong xôn xao mờI gọi làm mọI người trên xe tỉnh giấc. Bác Tâm ngoái đầu ra cửa sổ mua bánh ú và mấy xâu mía ghim. Hình như ai cũng đói nên họ ăn rất ngon. Khi tất cả đã ngồi vào chỗ, bác tài cho xe nổ máy và tiếp tục cuộc hành trình. Mặt trờI đã lên cao, xe chạy nhanh băng qua những cánh đồng nặng trĩu những bông lúa, vườn mía vớI những cây mía vàng óng nổI bật trong đám lá xanh, thấp thóang vài túp lều tranh nằn ẩn núp sau những rặng dừa xanh um lá. Tiếng Trinh thì thầm tâm sự:‘’ Tao ghen vớI hạnh phúc của mi Phương ạ! Anh An cũng là sĩ quan Hải Quân như bồ của mi, nhưng anh đóng mãi tận Năm Căn, anh ấy kể lại đó là nơi rừng sâu nước độc, tao không tớI thăm được, mà anh ấy cũng ít được đi phép, bọn tao rất ít khi gặp nhau. An viết thư cho tao hằng tuần nhưng tao vẫn thấy thật trống vắng, thật cô đơn. Mẹ An muốn bọn tao làm đám hỏi ngay khi tao thi xong, nhưng ý mẹ tao chưa muốn, có lần mẹ nói vớI tao lính tráng sống nay chết mai, mẹ không muốn con gái sớm trở thành góa phụ ‘’.
       Mắt Trinh vương vấn một nỗI buồn man mác, Phương lặng yên để Trinh trút cạn nỗI lòng. Phương thầm nghĩ: Những người trẻ trong thờI chiến thật qúa bất hạnh! Bất chợt Phương nhớ đến hai câu thơ mà Phương đã đọc được ở đâu: ‘’Năm căn đi dễ khó về, khi đi tàu sắt khi về hòm cây’’. Phương rùng mình cố xô đuổi những tư tưởng u tối. Cả Phương và Trinh đều im lặng, hình như mỗi người đều theo đuổI một tư tưởng riêng.
Tiếng bác Tâm kêu:
‘’ Cho xuống đây bác tài’’.
       Người tài xế giảm tốc độ và cho xe dừng lại bên lề đường. Bác xuống trước, mọI người lục tục theo sau. Đi qua cổng làng, bác rẽ vào con đường đất nhỏ đưa vào nhà. Con đường rợp bóng mát từ hai hàng hoa giấy bên lề đan vào nhau như vòng cung. Trước cửa nhà, bên trái là cây vú sữa nặng trĩu những qủa tím lịm, bên phải là những chậu kiểng đã được tỉ mỉ cắt xén thành hình những con công, con phượng..., trứơc hiên nhà có một vườn hoa vớI những đóa hoa tươi thắm nhiều mầu sắc. Phương biết ngay đây là công trình của bác trai, vì bác rất thích hoa và kiểng. Đang cắt xén chậu kiểng, bác ngừng tay và mừng rỡ reo:
‘’ Tôi tưởng phải đến tối mẹ con bà mới về đến.’’
Vừa nhìn thấy Phương bác lại reo lên:
‘’A có cháu Phương đến chơi nữa à! Thế thì vui thật, để bác đặt rọ bắt cua cho mấy đứa ăn.’’
       Bác mừng rỡ tíu tít hỏi chuyện Trinh, Tú và Phương. Phương nhìn quanh nhà, bàn ghế được đánh vẹc ni bóng loáng, hai khung cửa sổ được treo màn lụa trắng mà Trinh đã khéo léo thêu lên những nhánh mai vàng trông rất mỹ thuật. Từ phòng khách Phương có thể thấy hai buồng ngủ bên trong và nhà bếp đằng sau. Tú rủ Phương ra ao câu cá, và nhắc Trinh mang theo rổ để hái rau. Bước qua cây cầu khỉ đằng sau nhà là đến ao cá. Cây cầu rêu phủ thật trơn, dù Phương bước rất cẩn thận nhưng cũng suýt té xuống mương làm Trinh và Tú cười vang.
       Dọc theo ao cá, Phương thấy những rặng dừa xiêm sai trái, rũ bóng trên mặt ao, bên kia bờ là khóm trúc vớI những chiếc lá dài mong manh dịu dàng đong đưa theo làn gió thỏang. Phương cảm nhận ở đồng quê có nhiều khung cảnh thật nên thơ làm ngẩn ngơ lòng người và khách mhàn du phải sững sờ, xao xuyến! Chẳng mấy chốc Tú đã câu được nhiều cá rô lớn. Vòng qua bên hông nhà, Trinh và Phương cắt bạc hà, tần ô, hành và nhiều loại rau thơm khác. Đi ngang qua giàn mướp, Phương thích thú nhìn những trái mướp thòng xuống từ cái giàn dựng bằng tre thô sơ. Hoa mướp mầu vàng ánh đẹp làm sao! Đây là lần đầu tiên Phương thấy hoa mướp. Tú rủ Phương đi săn gà rừng nhưng Trinh bảo phải về phụ bác gái nấu cơm chiều. Bác gái làm món cá chiên xả ớt và canh bầu nấu tôm. Bác trai vừa đổ cà ri vào chảo cua đang xào trên bếp vừa đùa:
‘’ Đầu tôm nấu vớI ruột bầu, tôi chan bà húp gật đầu khen ngon.’’
Bác gái mắng yêu:
‘’ Ông chỉ giỏi tài tán tỉnh!’’
       Phương và Trinh bỏ thêm vỏ dừa vào bếp cho nồi canh chua mau sôi. Chẳng bao lâu bữa cơm đã được dọn lên. Bác trai đã cắt sẵn một bình hoa tươi để giữa bàn. Ngoài hoa huệ, vạn thọ, Phương thấy trong bình còn có nhánh hoa dại vớI những đóa hoa đỏ thắm, nhỏ li ti, cánh hoa mỏng manh tỏa hương thơm diù dịu. Phương hỏi tên của loài hoa, Trinh bảo đó là hoa dại nên không có tên nhưng Trinh và Phương cũng lãng mạn đặt tên cho hoa là hoa ‘’Thủy Chung’’. MọI người ngồi vào bàn ăn, họ vừa ăn vừa nói chuyện rất vui vẻ. BuổI tối ở đồng quê xuống thật vộI, hai ngọn đèn dầu được đốt lên tỏa ánh sáng leo lét trong căn nhà. Trinh và Phương ra chiếc võng ngoài hiên hóng gió một lúc thì Trinh tỏ ý muốn đi ngủ sớm. Trinh cho biết là Trinh đã xin bố mẹ ngày mai cho Tú đưa Phương ra Vũng Tàu, Trinh sẽ không đi chung vì nàng muốn ở nhà viết thư cho An. Phương thông cảm cho tâm trạng của người chị họ và cũng là người bạn thân của Phương. Trinh đã ngủ từ lâu mà Phương vẫn còn trăn trở, nằm nghe dế mèn kêu rả rích, nghĩ tớI ngày mai gặp Danh lòng Phương cảm thấy bồn chồn và rộn lên một niềm vui khôn xiết. Tiếng gà eo óc gáy làm Phương thức giấc, ánh nắng chiếu qua khung cửa sổ hắt vào giường ngủ, Trinh vẫn còn ngủ say. Phương bước nhẹ ra khỏi giừơng để khỏi đánh thức Trinh. Phương nghe tiếng bác trai và Tú nói chuyện bên phòng khách. Ngoài sân bác gái đang rải những hạt thóc xuống sân, bầy gà con và gà mẹ đang say sưa mổ những hạt thóc trên sân; chú gà trống có bộ lông vũ mầu nâu và chiếc mồng đỏ chót đang vươn cánh trên đống rơm, ngẩng cao đầu cất tiếng gáy ‘’ò ó o ’’. Đàn chim sẻ líu lo hót trên cành; văng vẳng từ đâu vọng lại tiếng ‘’nghé ngọ ‘’, ‘’hụm bò’’ của trâu bò. Ánh sáng ban mai chiếu xuống những chiếc lá mướp xanh mướt trên gìan còn đọng sương đêm, những giọt sương lóng lánh phản chiếu như những hạt kim cương. Thực là một buổI sáng thanh bình và thơ mộng ở đồng quê! Vừa trông thấy Phương, bác Tâm nhoẽn miệng cười hỏi Phương ngủ có ngon giấc không? Bác bảo ăn sáng xong thì Tú sẽ đưa Phương ra biển chơi cho biết đó biết đây. Phương thầm cảm ơn cho sự xếp đặt khéo léo của Trinh.
       Tú đã sẳn sàng trong bộ đồ short và chiếc túi xách trên vai. Chào hai bác xong, Phương và Tú đi bộ ra đường đón xe lam, Trinh đưa Phương ra đầu ngõ và chúc vui vẽ. Trinh nói nhỏ chỉ đủ để phương nghe,’’ Đám cưới của bọn tao, tao sẽ mờI bọn mi làm phù dâu, phù rể được không nhỏ? Khi nào đám cưới bọn mi, tụi tao sẽ làm nhân chứng tình yêu’’. Phượng cườI khúc khích vì tư tưởng ngộ nghỉnh của Trinh. Tú tuy nhỏ tuổI hơn Phương, nhưng vì sinh trưởng ở đồng quê, nên to cao hơn Phương, tính tình lại vui nhộn và hay nghịch nghợm; có Tú tháp tùng, Phương cảm thấy yên tâm hơn, hơn nửa, Tú quá quen thuộc vớI Vũng Tàu nên không sợ lạc đường.
       Chiếc xe lam dừng lại trước cổng trại lính cho Phương và Tú xuống, Phương thấy có nhiều quân nhân qua lại. Phương bỡ ngỡ đọc tấm biển trước cỗng ’’ Căn Cứ Hải Quân Cát Lở ‘’. Lẩm bẩm nói vớI chính mình ‘’ Đúng chỗ này rồi!’’. Còn đang bối rối chưa biết hỏi thăm làm sao, bỗng Phương thấy có nhiều người lính Hải Quân đang đi về phiá Phương và Tú, họ trông rất oai hùng trong bộ quân phục màu trùng dương. Một người trong nhóm cất tiếng hỏi ‘’ Cô tìm thân nhân phải không? ‘’. Phương lúng túng trả lờI ’’ Dạ, dạ, tôi...’’ Phương chưa nói hết câu thì một người khác chỉ người bạn đứng bên cạnh và đùa ‘’ Cô tìm anh này phải không?’’. Phương nghe có tiếng cườI tinh nghịch, Phương càng thêm luống cuống , mặt đỏ bừng vì những lờI chọc ghẹo; Phương nghĩ thầm: ‘’ Mấy ông nầy phá quá! Mình phải lấy lại bình tĩnh.’’. Giọng người đàn ông ban đầu lại ôn tồn hỏi: ‘’ Cô bé tìm ai? Cho tôi biết tên, tôi có thể giúp cô.’’. Tú sợ Phương không trả lờI nên vộI đáp: ’’ Tìm anh, anh Danh’’.
       Phương cũng thu hết can đảm nói’’ Chúng tôi tìm Haỉ Quân Trung úy Lê Chiêu Danh.’’ Một người trong nhóm như hiểu biết, nhanh nhẹn nói: ‘’ Ông Danh đợI cô ở cổng nầy từ sáng, mớI đi tắm biển vớI thiếu úy Cầu. Anh có thể đưa cô bé ra đó, cô là em gái của Danh hả ? ’’ Nghe người lính nói, Phương cảm thấy thật buồn và thất vọng, nước mắt rưng rưng, Phương cố gắng không chớp mắt đễ lệ khỏi lăn xuống má, lòng thầm trách Danh sao không đợi thêm chút nửa. Phương phân vân chưa biết xử trí ra sao thì nghe có tiếng Tú nói:’’ Cám ơn chú, cháu biết đường’’ và kéo tay Phương ra khỏi cổng, bỏ lại sau lưng những tiếng xì xào và tiếng cười vui vẻ của những người lính trẻ vui tính. Tú bảo chỉ cần một cuốc xe mườI phút sẽ ra tới biển.
       Phương và Tú đã đi gần giáp bãi sau nhưng vẫn không thấy bóng dáng Danh, Phương bước những bước rất khó khăn vì đôi giầy cao cứ ngoan cố lún sâu xuống bãi cát mịn theo mỗI bước chân; Phương muốn tháo giầy ra xách trên tay nhưng vẫn còn ngần ngại. Nhiều người nhìn Phương có vẽ tò mò. Phương cũng biết, ra biển mà mặc áo dài trắng, quần trắng thay vì bộ bikini màu sắc sặc sở thì tránh sao được những cặp mắt hiếu kỳ! Phương mặc kệ! Vì biết Danh rất thích Phương mặc áo dài trắng, và Phương chỉ muốn dành cho Danh một niềm vui trọn vẹn. Phương ước gì có một cặp mắt kiếng râm để mang cho đở ngượng. Đến lúc này, nỗI buồn và thất vọng dâng cao trong lòng Phương, Tú đề nghị đi ra bãi trước tìm. Quả thực, Phương đã tìm đựơc Danh ở bãi trước. Danh đang ngồi uống nước vớI bạn ở quán lộ thiên. Vừa thấy Phương, Danh chạy nhanh về phía Phương và Tú. Phương nghe tiếng anh Cầu gọi đùa với Danh:


3950 3 KNiemXaThanhPhoLPKP


‘’A, Cô em Bắc Kỳ của mày tới rồi kìa.‘’
       Gặp Danh, Phương mừng rỡ, những giọt nước mắt tủi hờn thi nhau tuôn trào rơi rụng trên má Phương, trên áo Danh. Danh nắm tay Phương thật chặt như sợ Phương tan biến trong không gian. Danh nhìn Phương thật lâu như để chia sẻ niềm hạnh phúc đang dâng cao như nước thủy triều.
‘’ Em đã đến, em đã đến, anh vui quá, anh không bao giờ ngờ em có thể đến đây thăm anh, em của anh tài quá, hôm nay anh là người sung sướng nhất trần gian’’.
       Danh nói rất khẻ như chỉ muốn một mình Phương nghe, Danh nói như trong cơn mê. Danh hỏi thăm Tú, rồi đưa Tú và Phương lại bàn nơi Cầu đang ngồi đợi. Cầu ân cần hỏi thăm, nói vớI Danh vài câu bông đùa mà Phương nghe không rõ, chỉ biết hai người nói cườI rất vui vẻ. Cầu tế nhị cáo từ, viện cớ phải trở lại căn cứ. Bây giờ Phương mớI cảm thấy khát. Bưng ly nước đá chanh uống từng ngụm nhỏ. Tú cũng uống hết ly nước và ăn hết ly kem ba màu. Tú xách chiếc túi có đựng đồ tắm, ngỏ ý muốn ra bãi sau tắm biển. Chỉ còn lại Danh và Phương, Danh kéo ghế ngồi gần Phương hơn, họ như có 1001 chuyện để nói vớI nhau, họ tỉ tê tâm sự, tất cả chung quanh họ như trở thành vô nghĩa. Họ chỉ biết một điều là họ đang có nhau. Từ chiếc máy cassette trong quán, giọng hát Thanh Lan ngọt ngào đầm ấm:


‘’ Gọi người yêu dấu bao lần
Nhẹ nhàng như gió thì thầm,
Làn mây trôi gợI nhớ chơi vơi.
...GọI ngừơi yêu dấu trong hồn.
Ngập ngừng tha thiết bồn chồn,
Kỹ niệm xưa mờ thoáng trong sương,
Cho lòng nhớ thương...’’


       Tú đã trở lại rủ Danh và Phương cùng tắm biển cho vui. Phương ngần ngại vì không mang theo đồ tắm, vả lại nàng cũng chẳng biết bơi . Danh bảo đồ tắm có thể mướn và chàng sẽ dạy Phương bơi. Bà chủ tiệm trao cho Phương chiếc áo tắm màu xanh dương có in hoa trắng, Phương mặc rất vừa vặn. Danh và Tú ra sức dạy Phương bơi, nhưng mỗI lần họ buông tay ra thì Phương lại chìm xuống nước, nước biển trong xanh và mát làm Phương cảm thấy dễ chịu. Tiếng sóng vỗ ào ào vào những bờ đá và tràn vào bãi cát mịn màng. Danh hét to như át tiếng sóng: ‘’ Phương, đừng có sợ, có anh đỡ, cứ bình tĩnh, thở bằng mũi thì thân hình sẽ nổi lên trên nước’’. Danh mượn một chiếc phao để Phương có thể bám vào và bơi xa, Danh bơi theo bên cạnh. Họ nô đùa ngụp lặn trong biển hạnh phúc. ThờI gian như ngừng trôi! Danh đưa tay chỉ đôi hải âu đang bay trên vòm trờI rộng và cầu xin Thượng Đế cho họ mãi có nhau như đôi chim biển kia. Hoàng hôn xuống dần, mặt trờI bắt đầu ngả về hướng tây, Tú đã lên bờ. Biết giờ chia tay sắp đến, Danh thì thầm:
‘’ Anh không muốn xa em dù nửa bước’’ và bảo Phương nhắm mắt lại, Phương làm theo, rồi Danh khe khẽ hát:


‘’ Yêu nhau trong cuộc đời,
Mơ duyên tình dài,
Gắn bó đôi lời,
Ta quen nhau một ngày,
Yêu nhau trọn đời,
Giữ cho lâu dài,’’.
Phương mở mắt và reo lên:
‘’ Anh hát hay quá, em chịu thua.’’


       Rồi Phương bỏ chạy lên bờ. Xa xa, vài chiếc tàu hải hành đang âm thầm vựơt sóng trùng dương. Sau khi Phương tắm lại nước ngọt và thay đồ xong thì Danh và Tú đã ngồi chờ sẳn bên ngoài. Phương nói vớI Danh, Phương phải về ngay vì sợ trễ. Danh đưa Phương và Tú ra trạm xe . Danh nắm nhẹ tay Phương, họ quyến luyến nhìn nhau như tiếc nuối một ngày vui chóng tàn. Phương thẫn thờ bước lên xe, lòng buồn tê tái. Danh dõi mắt trông theo chiếc xe chở Phương và Tú khuất dần trong tầm mắt, chỉ còn lại một làn khói trắng mờ ảo.
‘’ Người đi một nữa hồn tôi chết,
Một nữa hồn kia bỗng dại khờ’’.
Danh thì thầm hai câu thơ trữ tình lãng mạn của một nhà thơ tiền chiến mà lòng buồn rườI rượi.
       Thấm thoát đã ba mươi năm mà tưởng chừng như ngày hôm qua. Quá khứ là cả một kho tàng vô giá. Những ngày vui bên nhau trên quê hương thân thương, bên giáo đừơng, nơi khuôn viên đại học, bờ biển, đồng quê và nhiều nơi khác, ... Kỷ niệm nào nơi đất mẹ cũng đẹp, cũng nên thơ.

3950 4 KNiemXaTPLPKP


       Kỷ niệm tắm biển Vũng Tàu là một trong những kỷ niệm mà Danh và Phương yêu thích nhất. Ba mươi năm qua vớI bao nhiêu thay đổi, bao thăng trầm cho cuộc đờI, cho vận mệnh một quốc gia, một dân tộc, cho những người trẻ sinh ra và lớn lên trong một thế hệ rã rờI như Vũ Hoàng Chương đã có lần than thở:


‘’ Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ,
Một đôi người u uất nỗi bơ vơ’’.


       Vì sự dị biệt ý thức hệ, vì chiến tranh, bao anh hùng tuổI trẻ đả hy sinh cho chiến cuộc! Bao gia đình ly tán, vợ trẻ sớm trở thành góa phụ! Bao trẻ thơ sớm mất cha anh! Bao mẹ già mắt đã loà vì khóc cho sự khỗ đau của con cháu, của cuộc đời ! An và Trinh cũng cùng chung số phận, cùng cam chịu những khắt khe của định mệnh như những kẻ bất hạnh kia. Cô dâu Trinh mới ngày nào kiêu sa , duyên dáng trong chiếc áo cướI, e ấp sánh vai bên cạnh chú rể An, đã sớm vội vấn lên mái tóc đen huyền vành khăn sô trắng để suốt một đờI u uẩn nhớ thương! Chú rể An sao vội vã ra đi khi trái hạnh phúc vừa thơm hương?
       Cố Hải Quân Đại Úy Trịnh Trọng An đã anh dũng hy sinh đền nợ nước, chôn theo cả trái tim và cuộc đời của ngườl anh yêu nhất đời. An đã để Trinh lẻ loi đơn chiếc trong đám cướI của Danh và Phương. Ôi người đờI và đờI người! Một thời để yêu và một thời để buồn phiền! Phương và Danh vẫn hằng đêm cầu xin Thiên Chúa ban thái hòa an lạc cho quê hương Việt Nam.
       Tuy cuộc sống mới ở Hoa Kỳ có đầy đủ về vật chất, phố mới người vui, nhưng những kỷ niệm nơi cố hương vẫn là nguồn an ủi nhiệm mầu mang lại bình an cho tâm hồn họ trong những ngày lưu xứ. Tạ ơn Thiên Chúa đã cho con người những kỷ niệm để chia xẻ cùng nhau. Chung quanh họ vẫn còn có những người bạn với những trái tim chan chứa tình người và tình huynh đệ. Tuy tóc đã đổi mầu và tuổi đời chồng chất, nhưng tim họ vẫn còn xanh và tràn đầy sức sống, tin yêu về một ngày mai cho một Việt Nam Độc Lập, Tự Do, Thịnh Vượng và Tiến bộ vẫn còn đày ắp trong trái tim của họ.
Lê Phạm KP 3/11/99

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.