TKH - banner 07

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

Ðôi Mắt Phượng : Nỗi Bi Thương Của Dân Tộc Việt
Ðoàn Hương Hoa Cali lần đầu tiên ra mắt vở tuồng “Ðôi Mắt Phượng” tại Hoa Thịnh Ðốn đã gây xúc động cho khán thính giả và để lại nhiều lưu luyến trong lòng người mộ điệu.
Bài của VĨNH LIÊM



      Mọi người không ngăn được giọt lệ khi thuyền nhân Ân - cựu Y sĩ Ðại úy - cố lấy tàn hơi, khóc thương thảm thiết, hai tay sờ soạng trên mặt đất nơi hoang đảo khô cằn sỏi đá để tìm kiếm đứa con gái yêu qúi – Bé Hiền – đã bị đồng hương bắt cắp đem đi làm thịt. Khi anh bò lại nơi chỗ người yêu đang nằm thì Ân mới hay Phượng – vợ anh – đã trút hơi thở cuối cùng. Ân còn lại bé Thương – đứa con rơi của vợ trong một hoàn cảnh éo le – đó là nguồn an ủi duy nhất còn lại của anh trên bước đường đi tìm Tự Do. Ân trao bé Thương cho bác tài công, nhờ bác đem ra bãi biển nơi có chiếc thuyền tị nạn vừa mới tấp vào. Chàng cố gắng lấy hết sức bình sinh để cõng xác người vợ yêu qúi, dù nàng đã chết, để đến chiếc thuyền tị nạn. Tiếng khóc nức nở và thê thiết của Ân như xoáy vào hồn người nghe từng chập. Tấm màn nhung từ từ khép lại, chấm dứt vở tuồng tình cảm, xã hội, hiện đại “Ðôi Mắt Phượng” (tức Kiếp Hồng Nhan) do đoàn ca kịch Hương Hoa Cali trình diễn tại rạp TC Williams, Alexandria, Virginia. Ðèn bật sáng đúng 9 giờ 30 đêm Chủ Nhật 28-10-90. Bên ngoài nhiệt độ xuống còn 45 độ F.
      Tôi theo dõi vở tuồng Ðôi Mắt Phượng từ đầu tới cuối, không bỏ sót một động tác nào của các diễn viên, nghe không thiếu một chữ. Từng câu thơ, từng lời đối thoại, từng câu vọng cổ, từng bài bản vắn… rót tận vào tâm can. Lời văn thật chọn lọc, bóng bẩy, ý nghĩa thâm trầm. Những đoạn châm biếm, chọc cười rất sâu sắc và ý nhị. Soạn giả Trần Văn Hương và Lê Nguyên đã làm sống lại ngành cải lương Việt Nam ở hải ngoại với năm điểm sáng chói:
      - Cốt truyện lành mạnh, chọn lọc, đầy ý nghĩa, gồm đủ cả hỉ, nộ, ái, ố, và hoàn toàn xây dựng.
      - Nội dung phong phú, gồm đủ cả thời gian và không gian, nêu cao tinh thần ái quốc và chiến đấu của nhân dân Miền Nam Việt Nam.
      - Nghệ sĩ gạo cội, được chọn lọc để thủ diễn đúng với sở trường của từng diễn viên.
      - Văn chương trong sáng, mạch lạc, có trình độ cao.
      - Không một vai nào thừa; mỗi vai tiêu biểu cho một thành phần của xã hội hay thế hệ.
      Tôi theo dõi thật sát, không bỏ dở một màn nào và phơi trải hồn mình theo từng nhân vật. Khi cười thì cười muốn khan cổ; khi cảm thương nhân vật thì hai dòng lệ cứ tuôn trào. Lần đầu tiên ở hải ngoại tôi đi coi cải lương, vở tuồng “Ðôi Mắt Phượng” đã làm cho tôi sống lại cùng với đoạn phim hãi hùng của đồng bào thuyền nhân trong hai thập niên 70 và 80; đồng thời chia xẻ thảm cảnh bi thương của họ qua thi tập Bi Ca Người Vượt Biển mà tôi ấn hành năm 1980 để tặng các thuyền nhân ở Ðông Nam Á.
      Ngồi cạnh tôi, Cụ Tô Giang Tử, 83 tuổi, nhà thơ và dịch giả nổi tiếng ở hải ngoại, đã không tiếc lời ngợi khen vở tuồng “Ðôi Mắt Phượng”. Ai nấy đều tấm tắc khen ngợi vở tuồng “Ðôi Mắt Phượng”: hay quá, hay thật là hay!
      Các diễn viên thì khỏi phải nói! Các nghệ sĩ chuyên nghiệp, gạo cội của ngành cải lương đã từng nổi tiếng trong nhiều thập niên ở trong nước trước năm 1975, như: Việt Hùng, Hùng Cường, Xuân Phát, Kim Tuyến, Thu Vân, Hoàng Long, và Kim Xuyên Lan. Các tài tử mới xuất hiện ở hải ngoại sau năm 1975 nhưng diễn xuất rất vững chắc và có tương lai rất sáng, như: Thanh Huyền, Huỳnh Long Giang và bé Mỹ Linh.

3520 a DoiMatPhuongVLiem3520 b DoiMatPhuongVLiem
3520 c DoiMatPhuongVLiem3520 d DoiMatPhuongVLiem

      Hùng Cường và Kim Tuyến thủ diễn hai nhân vật chánh của vở tuồng (vai Ân và Phượng), xuất hiện từ đầu đến cuối làm cho mọi người rơi lệ, hồi hộp theo dõi. Hai cây cười thượng hạng Xuân Phát và Hoàng Long (vai Thủ Trưởng và cán ngố VC) làm cho mọi người cười muốn vỡ bụng và càng cay cú bọn cán ngố thập phần. Kim Xuyên Lan thì sảnh sẹ, lẳng lơ, thâm hiểm qua vai Chị Hai chủ Bar rất điêu luyện và sống động. Việt Hùng thủ vai đôn hậu và nhân từ của người tài công xứ Rạch Giá. Việt Hùng, con chim đại bàng của ngành ca cổ nhạc Miền Nam, với mái tóc bạc phơ, diễn xuất ngọt như võ sĩ đi đường quyền; người già mà giọng hát vẫn không già. Nghệ sĩ Thu Vân với vóc dáng mảnh mai, thủ diễn xuất sắc trong vai Bà Loan, mẹ của Ân và Tâm, một bà già trung lưu đôn hậu, đạo đức, rất mực thương con cháu.
      Ðiều làm cho khán thính giả đặc biệt chú ý là ba tài tử trẻ: Thanh Huyền, Huỳnh Long Giang và bé Mỹ Linh. Thanh Huyền thủ vai Tâm – em gái của Ân – một cô giáo sau 30-4-75, giàu lòng ái quốc, đã thức tỉnh được một thanh niên tên Hiệp (do Huỳnh Long Giang thủ diễn), vốn là tay ăn chơi đàng điếm, không thiết gì đến vận nước đang hồi đen tối, ngửa nghiêng. Bé Mỹ Linh mới xuất hiện đôi lần trên sân khấu cải lương, nhưng diễn xuất rất vững, đóng trọn vẹn vai trò một đứa bé lên 8 tuổi.



***

      Hơn 15 năm qua tại hải ngoại, tuồng cải lương chỉ mới xuất hiện đôi lần, nhưng đều là những tuồng cũ trước năm 1975. Người đi xem vì ghiền hơn là vì nghệ thuật. Tuồng cũ, theo tôi, không đóng góp được gì nhiều cho nền cổ nhạc lưu vong, vì thế nên tôi ít khi để ý tới những tuồng hát cũ đó. Nhưng lần nầy thì khác, vì “Ðôi Mắt Phượng” là tuồng mới, nó làm cho tôi chú ý rất nhiều. Tôi phải đi tìm một cái gì mới mẻ mà trong cuộc sống lưu vong đang thiếu vắng. Lần nầy tôi đi coi cải lương, không phải vì tôi “ghiền” nó, mà vì cái tên của vở tuồng làm cho tôi chú ý.
      Vở tuồng “Ðôi Mắt Phượng” thích hợp với hoàn cảnh tị nạn và tâm trạng của khán thính giả ở hải ngoại. Nó nhắc nhở những kỷ niệm và dấu tích đau thương mà người Việt tị nạn đã trải qua. Và hơn hết, nó khơi động tinh thần ái quốc của người Việt tị nạn còn nặng lòng với đất nước khổ đau. Vở tuồng “Ðôi Mắt Phượng” đã trả lời cho câu hỏi “Ai làm cho đất nước khổ đau và gây ra thảm cảnh thuyền nhân?”
      Ðã hơn 20 năm tôi không để ý tới cải lương. Dường như con người của tôi thay đổi quan niệm theo từng thời kỳ, thời đại. Khi còn thơ ấu – dưới mười tuổI – tôi mê Hát Bội kinh khủng! Ði coi Hát Bội vì tính hiếu kỳ, ưa thích màu sắc sặc sỡ qua các bộ quần áo của Phàn Lê Huê, Lưu Kim Ðính, Quan Công… chứ không hiểu gì tuồng tích! Từ 11 đến 16 tuổi, tôi đâm ra mê Cải Lương; đồng thời cũng chán Hát Bội. Vở tuồng “Ðoàn Chim Sắt” của gánh Hoa Sen làm cho tôi mê mệt. Rồi lên 17, 18 tuổi, tôi quay sang xi-nê, lúc đầu mê phim ảnh nhập cảng từ Ấn Ðộ. Sau đó, lại chê các cô đào Ấn hở bụng, mà đâm ra mê tít phim Pháp và Mỹ. Nhưng khi đi tị nạn chính trị thì dường như tôi không còn mê gì cả! Suốt 15 năm tị nạn, tôi chỉ “được” đi coi có 2 phim – Jaw và Grease – do vé mời của bạn bè.
      Gần đây, tôi cảm thấy thiếu vắng một thứ gì thân thiết! Thấy nhơ nhớ Út Trà Ôn, Thành Ðược, Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Minh Chí, Việt Hùng, Hoàng Giang… Sáu câu vọng cổ “Mồ Em Phượng” và “Tình Anh Bán Chiếu” qua giọng ca truyền cảm của Út Trà Ôn làm cho tôi sống lại một thời quá khứ êm đềm. Ðó là thứ “mười năm tình cũ” qua tiếng đàn giéo giắt của Kìm, Cò, Ghi-ta… Tiếng nhịp Song-lan làm cho người nghe bồi hồi nhớ lại những tàng cây Gõ ở quê nhà. Song-lan và đờn Cò làm bằng cây Gõ, một loại cây rắn chắc nên phát ra âm thanh trong, cao vút. Cây Gõ được trồng rất nhiều ở miền Nam. Cây đờn Kìm được làm bằng gỗ Quau. Ở miền Nam, cây Quau mọc hoang, không cần phải trồng hay chăm sóc mà nó vẫn mọc đầy ở cạnh bờ sông, không ai có đủ sức chặt bỏ nó. Người làm đờn Cò, đờn Kìm đâu cần tốn nhiều tiền, chỉ có tốn ít tiền mua keo mà thôi. Mủ cây Sao dùng cho đờn Cò rất tốt. Ta chỉ cần gở mủ từ thân cây Sao, đem hơ lửa rồi gắn vào đờn Cò, khi kéo đờn lên, ta nghe ai oán não nùng trong đêm đen tịch mịch, thanh vắng.
      “Mồ Em Phượng” và “Tình Anh Bán Chiếu” là thứ tình cảm đặc biệt mà chỉ ở miền Nam mới có. Ai có đi sông rạch, ngồi trên chiếc xuồng tam bản trong đêm thanh vắng mà nghe 6 câu vọng cổ của Út Trà Ôn phát ra từ cái ra-dô thì cuộc đời dễ chịu và hạnh phúc làm sao ấy! Nếu bạn mà lỡ nghe nhạc Disco của Mỹ do mấy anh Xì vặn điếc tai thì có nước phải đi bác sĩ tai mũi họng để vá lại cái màn nhĩ đã bị thủng. Nghe cổ nhạc cũng giống như nghe nhạc của Bach, Beethoven, Chopin…, bạn phải nằm duỗi cẳng cho thoải mái, hai tay gối đầu, hai mắt lim dim, để cho đôi tai làm việc một cách tự nhiên thì nhạc mới thấm vào hồn người. Nhưng khi đi coi cải lương thì bạn phải thả tâm hồn mình sống với từng nhân vật trong tuồng. Tới đoạn mùi mẫn, lúc chàng và nàng e lệ nắm tay nhau hay “mi” nhau, đôi mắt của bạn phải khép hờ lại thì tiếng ca 6 câu vọng cổ mới thấm vào tim vào máu, chạy rần rần trong tứ chi của bạn.
       Tôi có những người bạn và những đứa em đã từng đi tù của VC nên khi coi dũng khi chưa Hùng Cường thủ diễn vai đại uý Ân, lúc hùng dũng khi chưa bại trận, lúc đau khổ oằn oại trong trại tù CS… thì tôi cảm thấy như chính mình đang bị tù.  Tôi cũng có những mối tình thơ mộng, những người tình duyên dáng ở lứa tuổi dậy thì, nay xem Kim Tuyến đóng vai Phượng mới thấy tim mình quặn thắt, nước mắt trào dâng. Ðó là những mảnh đời tơi tả có thực, nay được đem lên sân khấu cải lương để nhắc nhở người đời những nỗi nhọc nhằn đau khổ của người dân miền Nam sau năm 1975 đổi đời bi thảm. Nó không phải là sản phẩm của tưởng tượng hay tiểu thuyết. Nó ở trước mặt chúng ta. Nó ở ngay trong mọi người chúng ta. Nó là ta, ta là nó. Vì vậy mà Hùng Cường, Kim Tuyến, Việt Hùng, Xuân Phát, Hoàng Long, Thanh Huyền, Thu Vân, Huỳnh Long Giang… mới diễn xuất một cách xuất thần và độc đáo hơn bao giờ hết.
       Tôi đã từng mê thoại kịch, nhưng thoại kịch chỉ diễn tả được một khía cạnh nào đó của cuộc đời, chứ nó không lột tả được hết những bi thương, phẫn nộ của cuộc đời. Phim ảnh cũng thế. Nhưng cải lương thì muôn mặt. Nó hội đủ cả hỉ, nộ, ái, ố của cuộc đời. Trong cải lương có kịch tính rõ ràng. Những mẩu đối thoại, những đoạn pha trò, chế giễu, móc họng… đều mang tính chất kịch tính. Trong cải lương cũng có thơ. Những chỗ tả cảnh, tả tình, triết lý… đều có dùng đến thơ hay hò. Cải lương cũng dùng tới phim ảnh nữa. Những chỗ tả cảnh, như núi non, bãi biển, sông rạch… đều cần phải dùng tới ngoại cảnh. Vì thiếu thốn kỹ thuật nên các đoàn cải lương trước năm 1975 không dám dùng tới phim ảnh làm ngoại cảnh vì tổn phí quá nhiều (trừ đoàn Hoa Sen trong thập niên 50). Nay ở hải ngoại, với phương tiện kỹ thuật tối tân, đoàn cải lương có thể dùng phim ảnh mà không phải mất nhiều tiền. Ðạo diễn có thể quay ngoại cảnh rồi chiếu lại, đỡ phải tốn công và của để làm phông, vì phông quá kềnh càng và tốn tiền di chuyển cũng như nhân lực.
      Tôi xin góp ý với Ông Bầu Hương và đạo diễn Hùng Cường, lần sau nên quay ngoại cảnh cái đảo hoang nào đó thử xem sao. Ðấy là bước cải tiến nghệ thuật và kỹ thuật sân khấu đầu tiên của ngành cải lương mà đoàn Hương Hoa sẽ là đoàn có công đầu. Ngành cổ nhạc xấp xỉ tám mươi tuổi rồi, đã trải qua nhiều giai đoạn cải tiến không ngừng mà chúng ta đã từng thấy trước năm 1975. Nay là dịp cho ngành cải lương hải ngoại đi bước đầu tiên trong bước tiến cải tiến kỹ thuật và nghệ thuật sân khấu.



(Ðức Phố, 28-10-1990)
Vĩnh Liêm

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.