User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 


     Dạo tôi còn là học sinh Tiểu học, khi gió bấc nhè nhẹ thổi về, khi ánh trăng rằm tháng Chạp tỏa sáng mọi nơi, làng tôi dù xa thành thị vẫn rộn lên với tiếng giã gạo chày đôi, chày ba nhịp nhàng,tôi biết là mùa Xuân và Tết đến. Ôi chỉ tiếng Tết đơn sơ lại gây háo hức cho tôi và những trẻ cùng trang lứa.

    Vào những ngày sau đó, ba tôi lo làm cỏ, sơn phết lại phần mộ của ông bà nội và các chú bác, cô dì đã chết. Tùy theo thời tiết lạnh hay nóng, ba tôi giao cho anh em tôi lặt lá mai trước cửa nhà vào ngày mười bốn hay ngày rằm để mai nở đúng ngày mùng một Tết. Nhiệm vụ nhẹ và dễ dàng  nhưng cũng phải mất cả buổi mới xong. Nào đã hết việc, ngày kế bắt đầu đánh bóng lư đồng  và mấy cặp chưn đèn. Nhớ đến công việc đánh bóng nầy tới bây giờ  tôi còn ớn. Xong bộ lư lại phải khuấy hồ dán những đôi liễn ba đã đem về. Dạo đó nhà tôi chưa lót gạch nên đỡ phải o bế nền nhà, công việc quét tước don dẹp có má tôi và cô em gái lo liệu.


    Va xong những công việc trên lại đến ngày hai mươi ba tháng chạp là ngày đưa ông Táo về Trời. Theo truyền thuyết ông Táo là một vị Thần được Ngọc Hoàng bổ xuống trần gian ghi chép từng việc tốt xấu mỗi nhà đã làm suốt trong năm, nay ông về Thiên Đình tâu lại. Tương truyền ông cởi lý ngư tức cá chép, nên mọi nhà đều cố gắng mua cá chép khi tiễn ông thì thả cá xuống sông. Nghe nói ông Táo thích ngọt nên lễ tiễn đưa bao giờ cũng có kẹo, mứt, thèo lèo.. Mấy người Tàu nhà lân cận kèm theo một số giấy  tiền vàng bạc để làm lộ trình (mấy chú Ba hối lộ cả Thần Thánh ), cùng với lễ đưa ông Táo là lễ tiễn đưa ông bà. Từ hôm nay nhà không thắp hương nữa, vì lẽ ông bà đã đi khỏi . Nhà nào cũng trang hoàng lại cho có vẽ dễ coi, các khuông hình, tượng thờ được lau chùi kỹ lưỡng. Mỗi sáng nghe có tiếng chày quết bánh phòng, đó là loại bánh đặc biệt ở miền Nam  ít khi thiếu trong ngày Xuân và Tết. Tôi thường đi về xóm dưới chỗ lò bánh tráng của bác Hai vào buổi sáng khi trời còn lạnh,xem bác tráng bánh cho người ta, thỉnh  thoảng bác cho một cái bánh ướt ăn chơi ,gặp hôm tráng bánh ngọt, ăn một hai cái cũng thú vị lắm. Ngoài bánh ngọt, bàc còn  tráng bánh nước cốt dừa, bánh tráng trắng đê cuốn với thịt kho, dưa cãi. Bà con trong xóm làm vần công, người ngồi lò tráng bánh,người xay bột, trẻ nhỏ như tôi cẩn thận vác các vỉ bánh ra phơi,lo việc trở bánh  và xấp bánh đã phơi xong. Tới chiều khi xong công việc bác Hai tráng bánh ướt ăn với dùa khô đã nạo sẵn cho những người phụ với bác.

    Má và em tôi tối ngày bận rộn nào làm bánh, mứt, gói nem, gói bì để Tết đến có món cho ba tôi lai rai. Ba tôi lo mâm ngũ quả gồm có mảng cầu ,dừa xiêm , đu đủ , ít trái xoài; phần tôi chạy te xuống xóm dưới để xin trái sung. Mâm ngũ quả nói lên ước vọng của gia đình. Làm giàu rất khó nên ba má tôi chỉ mong vừa đủ ăn, đủ mặc khỏi phải nợ nần. Người  miền Nam thích hoa mai nên nhà nào cũng cố mua ít nhánh mai lúc gần tết về chưng, ngoài hoa mai hoa vạn tho, cúc, cũng được dân chúng ưa chuộng.


    Đến ba mươi Tết, từ sáng sớm má tôi đã đi chợ mua những món bà xét thấy cần thiết còn thiếu và vội vã về lo nấu nướng chuẩn bị rước ông bà.
    Buổi  cúng kiếng  hôm nay được xem là quan trọng nên má tôi mua thịt heo,làm gà trống,và nhiều món khác nữa để nấu các món canh , hầm, chiên, xào, nướng , luộc 
    Khi thức ăn đã chín còn phải chờ con nước lớn mới dọn cúng  vì bà tin rằng nước là tiền tài, nước có đầy tiền bạc mới dồi dào cho cả năm. Thức ăn được dọn lên bốn mâm: một mâm dành cúng đất đai,tức là vị thần coi khu vực mình đang ở. Đất đai giống như cảnh sát dưới cõi âm  để xin phép cho ông bà mình về dự lễ.,một mâm với nhiều đủa chén dành cho cô bác, anh chị, những người xiêu mồ lạc mả , hai mâm để cúng ông bà nội ngoại. Tóm lại, chiều ba mươi Tết, cả gia đình, người trần lẫn người âm cảnh đều cùng đoàn tụ mừng xuân. Cũng từ giờ phút nầy hương khói không bao giờ tắt trên bàn thờ. Cúng kiếng xong cả nhả quay quần ăn uống chuyện trò vui vẻ. Tiệc xong  cô em lo rửa chén bát, dọn dẹp nhà cửa. Mấy anh em tôi xách nước đổ đầy các lu , ,trong bếp nước mắm, nước tương cũng phải đầy. Má tôi nhắc nhở ai có nợ, dù của anh chị em cũng phải trả, để tới sáng mai tức đầu năm không tốt Việc này có lợi cho em  gái tôi cô ấy khỏi đòi, mấy người anh cũng tự động trả. Riêng má và cô tôi còn phải gói bánh tét nữa. Gói xong , nấu đến khi bánh chin cũng vừa đến giao thừa  Bấy giờ nhà nhà đều đèn đuốc sáng choan, công thêm khói hương nghi ngút.mang đến nét tươi vui đầm ấm của ngày lễ hội.

    Làm xong nhiệm vụ má giao phó, anh em tôi diện dồ”Kẻng” (quần áo may để dành ăn Tết )và bắt đầu dạo xóm để khoe đồ mới của mình. Má tôi còn phải lo cúng rước ông Táo .. Tụi tôi la cà ở các sòng Bầu cua cá cọp tới chin giờ mới về nhà. Bây giờ cúng dựng nêu, nghe nói những năm xa xưa thì cúng dựng nêu ở miểu Bà Chúa Xứ gần nhà,những năm sau mọi người đều có khuynh hướng giản dị hóa các nghi lễ rườm rà, cho nên dưng nêu có nhà cúng, có nhà không
Cúng dựng nêu ngoài bánh, mứt,chắc chắn còn món chè vì chúng tôi vẫn nghe hát trước Tết:


Cu kêu ba tiếng cu kêu,
Trong cho mau Tết dựng nêu ăn chè


    Đón Giao Thừa

    Đúng mười hai giờ ,tức giờ Tý,năm cũ chấm dứt, năm mới bắt đầu,người lớn xem đây là giây phút quan trọng nhứt,những thất bại, thua lỗ trong việc  buôn bán làm ăn trong năm cũ sẽ qua đi,họ hy vọng năm mới sẽ tốt đẹp hơn. Trái lại bọn nhóc chúng tôi chả quan tâm chút nào,chỉ mong ba cúng xong bưng mứt bánh vào xơi lai rai vì cũng khuya rồi.

    Theo nhà Văn Toan Ánh trong “Làng xóm Việt Nam” viết như sau:
“Tại tư gia,làm lễ giao thừa,người ta bày hương án ở giữa sân. Đồ lễ gồm bánh trái,trong đó phải có bánh chưng, trầu rượu, vàng hương>Người đứng cúng là gia chủ. Cúng lễ xong người ta đốt một  tràng pháo. Tiếng pháo mang sự vui mừng lại, tăng sự hân hoan cho ngày Tết, và tiếng pháo cũng trừ được ma quỷ” Đó là tục lệ đón giao thừa thưở xa xưa, ngày nay người ta chế bớt, trong Nam ngoài bánh mứt,rượu,bánh tét, vào thời buổi chiến tranh việc đốt pháo bị Chính quyền cấm đoán ,tuy vậy bọn trẻ chúng tôi cũng lén đốt một  hai tràng pháo chuột cho có mùi khét của khói  pháo và để nhìn xác pháo hồng khắp trong nhà, ngoài ngõ cho ra vẽ Tết.
Sau những tràng pháo ròn rã trong lễ rước giao thừa,người ta lại lắng nghe để biết xem con gì cai quản vùng mình ở. Ví dụ sau lễ giao thừa nghe tiếng gà gáy,tức là cầm tinh con gà;cầm tinh con chó nếu nghe tiếng chó sủa;mèo ngao là cầm tinh con mèo.

    Đón giao thừa xong,người ta đi lễ đến các chùa chiền, đền miếu gần nhà để lễ Phật cầu được bình an, thịnh vượng.
Hái Lộc

    Ngay khi lễ ở Đền, Chùa,người ta thường chọn một cành có lá, nếu có hoa càng tốt,hái đem về cắm trước cửa nhà,hoặc trên lư hương gọi là HÁI LỘC. Có người đem cành “lộc” nhờ thầy bói xem vận hạn nhà mình trong năm tới may rủi, tốt xấu thế nào.


Xông nhà
     Trên đường về nhà, gia chủ tự ý vào nhà trước gọi là xông nhà. Ý nghĩa việc xông nhà là muốn cho nhà mình suốt năm tiếp toàn khách tử tế. Vì vậy nên những người có tên tốt như tên Phú,Quí, Vinh, Quang đều được chủ nhà hoan nghinh khi đến nhà.Giả sử ngày mùng một Tết, vừa mở cửa,gặp Chú Giàu,thiếm Sang đến xông nhà, chắc chắn gia chủ sẽ tiếp rước,săn đón ân cần. Trái lại ai lỡ mang tên như: Xí, Rớt, Tí, Tèo, dù bản thân các người có tên vừa kể, giàu có hay sang trọng đến xông nhà vẫn bị gia chủ thờ ơ. Tục lệ này xảy ra lâu đời, nên những ai mang tên “xấu” phải đợi đến trưa mới dám đến nhà người khác.


Ngày mồng một
    Sáng mồng một, má tôi  thức dậy sớm nấu nước pha trà,đơm bánh, mứt lễ ông bà,.Bấy giờ con cháu bắt đầu lạy ông bà tổ tiên ở các bàn thờ,cầu cho Cữu Huyền Thất Tổ được siêu thăngTịnh Độ,kế tiếp các con mừng tuổi cha mẹ cô dì, chú, bác và nhận được “Lì xì”. Ba má dặn dò những điều cần phải tránh trong các ngày Tết như: không được nói năng thô lỗ,không gây gỗ đánh lộn,không được quét nhà v v.Kế tiếp Ba má chọn hướng xuất hành sao cho được đại lợi.  Đàn con cháu tung ra đi chơi với quần áo bảnh bao,trong túi đứa nào cũng có những đồng tiền mừng tuổi mới nguyên ( theo ý trong  câu thơ của thi sĩ Nguyên Sa trong bài thơ Đẹp”Hơi thở mới nguyên của đồng tiền mừng tuổi”) trước khi ra đường chúng tôi không quên dằn bụng bằng vài khoanh bánh tét,một số mứt cho ấm bụng. Tụi tôi đến nhà bà con  mừng tuổi tiếp, hy vọng thêm lì xì, chúng tôi vào những chỗ lắc bầu cua thử thời,có đúa trúng , đứa nào xui xẻo về nhà chờ ăn cơm rồi đi tiếp. .Lối mười giờ má tôi nấu cúng ông bà,gồm mâm chay và mâm mặn. Cũng như chiều ba mươi đồ ăn ê hề, món nào tôi cũng thử qua, nhưng có món ăn giản dị khó quên là dùng bánh tráng nhúng nước cuốn với thịt kho,dưa dá,rau sống,,món ăn mộc mạc nhưng cả nhà ai cũng khen ngon, lại còn nem bì nữa ! !. Vì là ngày mồng một theo tục lệ là tết nhà cha, do vậy chúng tôi chỉ lòng vòng quanh xóm,mai mới về ngoại. Trong ngày hôm nay,ba má tôi luôn túc trực tại nhà,đón các chú thiếm đến chúc tết,cùng uống trà có khi nhâm nhi cùng các chú, không khí gia đình thật vui tươi, đầm ấm.


      Trưa đến chúng tôi đến xã,nơi tôi đang học, tại đây chính quyền xã tổ chức nhiều trò vui như:nhảy bao bố,leo cột mở.Những trò nầy toàn trẻ nhỏ tham dự, có thưởng. Ở nhà lòng chợ có nhiều sòng bầu cua cá cọp. Chỗ nầy thu hút rất đông người, vừa người lớn , trẻ nít,đàn bà.con gái cũng tham dự nữa. Điều đó cho biết người Việt rất thích cờ bạc, có dịp họ sẵn sàng tham gia sát phạt.


     Sẵn tiền trong túi,tôi lên xe ra tỉnh xem có gì khác biệt. Nghe nói có diễn binhở Dinh Tỉnh Trưởng nhưng chúng tôi tới trễ không xem được. Đi lòng vòng phố xá,đâu đâu cũng nghe pháo chuột nổ ròn tan. Tôi đến công viên thấy có cái lều dựng lên, bên trong là nơi chơi lô tô. Ông kêu số lô tô có giọng rất hay và khôi hài. Ví dụ số 25, ông rao:’ cái quần lảnh của ai cái đáy khai khai đem về giặt lại để mai hãy cầm là con hai mươi lăm.

      Rời lều lô tô,tôi sang lều của Hội khuyến học,trong lều nầy chia làm hai phần:Phần thả thơ và câu đối.Thả thơ tôi không biết chút nào nên qua chỗ câu đối, họ ,thường lấy trong Ca dao,tục ngữ, người tham dư bắt thăm và tìm số trong thăm của mình rồi trả lời, nếu trúng, được thưởng cuốn sách giáo khoa, hoặc sách ca dao tục ngữ. Câu đối tương đối dễ . Tôi bắt được câu số 8,câu đầu là:
    Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Tôi viết liền câu kế;
    Nêu cao pháo nổ bánh chưng xanh
Các bạn tưởng tôi giỏi,không phải vậy ,tôi trúng tủ, thầy vừa cho học hôm bãi trường nghỉ Tết ,nên tôi thuộc. Tôi được thưởng sách của Nguyễn Văn Ngọc. Chắc tôi chọn hướng xuất hành tốt nên gặp hên. Tôi mang sách về nhà khoe và được ba má khen thưởng. Ngày mồng một qua đầy tươi vui và hy vọng.


Ngày mùmg hai
      Qua ngày mùng hai trong lúc chúng tôi còn ngáy ngủ,má tôi đã bắt con gà trống giò,màu đỏ làm thịt cúng. Bà cho biết hôm nay là ngày  Hành Binh, Hành Khiển một vị thần coi việc binh, vị kia coi việc buôn bán làm ăn.Việc cúng quảy cũng giản dị: gà làm thịt để nguyên con
(không chặt ra )nấu cháo, khi chin vớt ra cho vào cái dĩa lớn,kế bên để muối ,dọn lên mâm đặt trước cửa ,sát sân nhà ,ba chén cháo, vàng hương ,má hoặc ba đứng ra cúng ( thường thì má tôi lo việc nầy , ba tôi không phản đối nhưng những việc ông không trọn niềm tin ,ông thường giao cho má tôi làm ). Sở dĩ cúng phía ngoài vì theo má tôi, mấy ông quân đội ở gần nhà thì tốt,không nên lân la rũ rê họ vào nhà. Lúc đó tôi không hỏi, nên câu trả lời của má tôi vẫn còn là ẩn số. Trong lúc má cúng kiếng em gái tôi đã xắt xong rau ghém . Gà đem vô trộn gỏi húp với cháo nóng vào buổi sáng  khá ngon và thú vị. Ăn xong cả nhà gồm má ,anh em tôi, xuống xuồng bơi về nhà ngoại để ba tôi ở nhà thủ dinh vì hôm nay chắc còn nhiều khách  đén viếng nhà .

     Ngoại tôi, bà lão sáu mươi ốm yêu, hom hem ,nghe con và cháu về bà cũng tất bật, xuống  đón chúng tôi khi thuyền vừa cặp bến. Tội nghiệp bà vuốt ve đứa nầy, rờ rẫm đứa kia dù tụi tôi cũng khá lớn. Ngoại tôi sống với dì Tám cùng hai cháu nội một trai,một gái trạc tuổi anh em tôi.  Lên nhà chào hỏi các dì,tôi bắt đầu đến bàn thờ làm tuổi ông ngoại. Bảy năm trước tôi theo ngoại học chữ Nho, nên tôi thuộc lòng mọi ngõ ngách ở nhà nầy. Ngoại tôi là một hàn nho, ông sống nhờ dạy học,ruộng vườn không bao nhiêu. Ngoài dạy học ông còn giữ chức Chánh Bái,chuyên lo việc tế lễ trong đình ,trong xã. Năm 1946 Việt Minh giải tán làng ,ông tưởng bọn họ là kẻ cướp nên giữ  cửa không cho bọn họ vào,có lẽ tiếng la “có cướp, có cướp của ông,khiến mọi nhà xung quanh gõ mõ tiếp tay nên họ bắn ông. Từ đó bà ngoại sống chật vật với miếng vườn nhỏ. Thỉnh thoảng các dì mang gạo đến giúp bà, hàng ngày bà bán cau, trầu, dừa cho khách trong xóm. Tới mùa  xoài, mít nếu trúng  thì tiền thu vào cũng kha khá.

    Chúng tôi vừa định mừng tuổi cho bà,,ngoại đã khoác tay cho miễn ,tuy vậy bà vẫn dúi tận tay tiền lì xì cho mỗi đứa. Nhìn những đồng tiền mừng tuổi do ngoại chắt chiu năm tháng dành dụm cho các cháu ,tôi cảm động muốn khóc dù hôm nay là ngày vui. Nào đã hết đâu, buổi trưa các dì và má tôi gầy song tứ sắc, chính ngoại lại bưng bánh mứt đến chỗ đánh bài ép mấy dì và má tôi ăn. Trong bài tập đọc trong Quốc Văn Giao Khoa Thư có câu:


    Cha mẹ nuôi con như biển,hồ lai láng
    Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày

Tôi lại nhớ câu hát má tôi thường hát lúc ru em :
   

    Còng cọc bắt cá dưới sông
    Mấy đời cháu ngoại giỗ ông mà chờ.


    Tôi cảm thấy bùi ngùi cho ngoại. Lật bật chiều đến, chúng tôi xuống xuồng về nhà,các em tôi tíu tít khoe được lì xì nhiều,riêng tôi cảm thấy có cái gì khiến mình buồn buồn.
Tới nhà cũng gần bảy giờ chiều,kiếm vài món ăn dậm thêm, tôi lại te đến  xóm trên gần miễu bà xem có gì lạ. Chung quanh miếu cũng bầu cua cá cọp, lại có sòng dì dách, món cờ bạc nầy ba tôi cấm không cho chơi. Vì vậy tôi cố vớt vát ở chỗ bầu cua một lúc rồi về nhà.


    Mùng ba
    Sáng sớm má tôi đã dậy để chuẩn bị cúng mùng ba, lần này tự má tôi làm gà để cúng ra mắt. Gà làm xong phải chéo cánh cho đầu gà ngẩng lên để khi luộc không bị ngập vào nước sôi làm tróc da,hai chân gà cũng đặc biệt cẩn thận  và khi vừa chin, lấy cặp chân gà ra ngoài trước, kế đến vớt gà ra dĩa và cúng trước nhà lúc trời còn mờ sáng. Lễ cúng cũng cháo, gà để nguyên con,muối rượu ,giấy tiền , vàng bạc Sau khi cúng má tôi cắt đôi chân gà và đầu gà để vào dĩa nhỏ. Ba tôi mang xuống xóm dưới nhờ bác Mười coi giùm xem năm nầy gia đình mạnh giỏi thế nào,làm ăn ra sao?.

     Hôm nay là ngày Tết Thầy, thầy tôi ở ngoài tỉnh nên tụi tôi khỏi lo. Ba tôi lúc trẻ học võ với ông Hai nhà gần miễu. Má tôi chuẩn bị cặp vịt cho ba tôi tết thầy, dịp nầy tôi cũng đi theo.. Tại nhà ông Hai, Sư Phụ của ba tôi,hai cô Cúc và cô Bảy săn sóc tôi rất đặc biệt , lì xì nhiều, kẹo bánh cũng phủ phê. Từ giả ông Hai và các cô về,tới mười một giờ ba tôi còn đi lễ ở miễu bà Chúa xứ do quí vị trong ban trị sự định trong năm. Những năm trước lễ ở Miễu bà cũng linh đình. Những năm sau này càng ngày,càng thưa người tham dự, mấy ông Việt Minh ra lịnh phải dở những nhà lầu nhà gạch,đền,miếu để Tây không thể lấy những chỗ đó làm đồn, bót được. Do đó việc cúng miễu hôm nay cũng là tạm bợ,không biết lúc nào miếu lại bị dở bỏ, vì vùng tôi ở là vùng ban ngày Tây đến, ban đêm Việt Minh về.


     Mùng Bốn
 Sang mùng bốn ,gia đình sửa soạn cúng tiễn đưa ông bà, cũng gọi là cúng Tất,ngày hôm nay cũng cúng như ngày rước ông bà. Xong việc cúng kiếng coi như đã hết Tết, hồi xưa nghe nói ăn Tết đến mùng bảy,ngày hạ nêu mới hết Tết. Vào thơi buôi của tôi ăn tết thường giản dị. Sau lễ cúng tất, cũng còn gọi là cúng kiếu,  người ta bắt tay vào việc đồng áng,đốn cây chẻ cũi tức là động thổ, những việc mà trong thời bình làng nước cấm trước khi làm lễ Động Thổ..
Chuyện kể đến đây tạm chấm dứt ,thân chúc quí vị một mùa Xuân vui tươi hạnh phúc.

Viết xong ngày  12 tháng một dl năm 2012
Nguyễn Thành Sơn