TKH - banner 09

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

 

     Mận cho thêm củi vào lò, ngọn lửa cháy bùng, nồi cá sôi bốc mùi thơm nghe đói bụng, ngoại của Mận thích món cá trê kho tộ và nó cũng vậy, người ta thường gọi là kho quéo, có thể để ăn được vài ngày dùng với cơm nóng rất ngon, Mận nhắc nồi cá xuống và cho ấm nước lên nấu sôi để pha trà cho ngoại, vừa chụm lửa vừa học bài, "Chao ôi, sao hôm nay mình ráng học mà không có một chữ nào trong tâm trí cả, hay tại mình mừng quá nên học không được, chắc vậy rồi!". Ngọn gió lớn thổi mạnh vào tấm vách lá, Mận lấy miếng thiếc lượm ở trường học chắn lại không để gió thổi vào, cái chái bếp muốn sập vì cây cột bị mối đục dưới chân, ngoại chặt cây bằng lăng chống đỡ, vài ngày nữa  có nhà mới rồi. Tiếng ho của ngoại làm cho Mận lo âu, vái Trời Phật cho ngoại sống lâu trăm tuổi, có lẽ ngoại cũng mừng rỡ chẳng kém chi nó, ông khỏi phải ngồi dậy mỗi khi mưa to gió lớn, sẽ bớt lạnh lẽo khi ngọn gió đông về lùa qua khe hở của vách lá, ngoại thầm cảm ơn mhững tấm lòng nhân ái đã giúp cho ông được một nơi ấm áp. Mận mong sau này lớn lên được làm cô giáo dạy học cho trẻ em nghèo, hình ảnh cô giáo dịu dàng đứng trên bục giảng là hình ảnh đã in sâu vào trong tâm trí của Mận, nó ước ao được như vậy.

 Trời đã ngả màu hoàng hôn, ông Hai Bạc bước ra ngoài, nhìn về hướng núi, đàn chim tung cánh bay về tổ, mây tím giăng ngang lưng trời, phía sau chái bếp, khói lam  bay nhè nhẹ và tỏa dần trong không gian, ông nhớ tuổi thơ ở Đà Nẵng, những lúc ông thả diều bay cùng chiều với khói lam của ruộng ai đốt đồng, bất chợt ông thở dài buồn bã khi nhớ tới kỷ niệm xưa, con Mận cũng bước ra nơi hàng rào bông  bụp, nó đưa tay nâng cánh hoa màu đỏ thắm rồi chúm môi cười, niềm vui tràn ngập trong lòng, nó tự ví mình như bông bụp, giản dị và bình lặng, giản dị như dòng suối hiền hòa chảy về sông mẹ La Ngà, bình lặng như quê hương quanh năm rợp bóng mát với những hàng điều xanh thẳm, ôi quê hương mến yêu nơi ta sinh ra và lớn lên.

Gia đình bác Tư Mạnh khá giả vì có mấy người con đi nước ngoài, tuần trước các anh chị ấy về  dẫn thêm mấy người bạn, khi đi chơi ngang qua nhà Mận, thấy căn nhà lá tồi tàn sắp sập, họ tò mò dừng lại, trong nhà có hai đứa con trai, thằng Minh 6 tuổi và thằng Mẫn 4 tuổi đang ăn sơ mít. Thắm, con bác Tư đến gần nói:

- Sơ mít ăn đâu có ngon, bỏ đi.

Thằng Minh lắc đầu:

- Con đói bụng.

- Sao con không ăn cơm?

Thằng Minh thản nhiên:     

- Hổng có cơm.

Một người trong nhóm hỏi:

- Mít con hái ngoài vườn hả? Trái nhiều hôn, ăn hết rồi sao không hái trái khác mà ăn.

- Nhà con đâu có mít, con lượm vỏ mít ở nhà ông Tư Mạnh.

Thắm thấy lòng mình quặn đau, hồi sáng ba Thắm hái mấy trái mít Tố Nữ cho gia đình ăn, rồi bỏ vỏ mít ngoài sân, mấy đứa nhỏ lượm về ăn mót, Thắm hỏi:

- Ba má con đâu?

Thằng Minh vừa nhai sơ mít vừa trả lời:

- Má con chèo xuồng đi bán chôm chôm bị chìm xuồng chết.

- Còn ba con?

- Hổng biết.

- Con ở với ai?

- Ông ngoại và chị Mận.

Thắm và các bạn kéo nhau về, mỗi người một ý nghĩ, con đường đất đỏ ngoằn ngoèo, các cây mì cao lêu nghêu sắp đến ngày thu hoạch, ông Tư Mạnh giàu nhất ấp này, ông có chục mẫu mì, một mẫu chôm chôm và hai mẫu sầu riêng, các con ông đa số ở nước ngoài làm ăn khá giả, Thắm là chủ một tiệm nail sang trọng ở thành phố Atlanta, cô về nhà bàn với ông bà Tư phải giúp đỡ gia đình ông Hai Bạc, ông ngoại của Mận, cô gom được một số tiền của cô, của gia đình và mấy người bạn, tuần sau sẽ cất lại nhà cho ông Hai. Ông Tư Mạnh cho một bộ cây gáo vàng và một mớ cây khuynh diệp, để làm cột kèo, cô Thắm cảm thấy vui trong lòng vì mình thể hiện được tình làng nghĩa xóm. Trời về chiều, cô cùng các bạn ra vườn mít, những trái mít Tố nữ thơm phức treo trên thân cây mẹ, cô hái mấy trái chín rồi cùng các bạn đến nhà Mận. Ông Hai Bạc, có một đứa con gái duy nhất là cô Mai, bà Hai bị bệnh mất đi lúc Mai được ba tuổi, ông buồn bã bỏ xứ ra đi, trước khi lên tàu, ông nhìn lại lần cuối nơi chôn nhau cắt rún, từ biệt ngọn Ngũ Hành sơn, năm cụm núi quê hương, ông làm thân gà trống nuôi con. Theo lời hướng dẫn của một người đồng hương, ông lên Xuân Lộc sinh sống ở cái ấp nghèo khổ này, lúc trước nơi đây là một bãi đào vàng, dân tứ xứ lên đây rất đông, họ giành giựt cấu xé lẫn nhau để tranh giành từng mét đất, thời gian trôi qua mấy ai giàu vì đào được vàng, rồi lần hồi của thiên cũng trả địa, vàng ở đâu nữa mà tìm, họ rút lui lần hồi chỉ còn một số ít người ở lại nhận nơi đây là quê hương thứ hai.

Ông Hai Bạc bồng bế đứa con gái  lên đây, che tạm cái chòi bên con suối, ông làm thuê cho ông Tư Mạnh, bất cứ việc gì ông cũng làm được, tới mùa điều ông xách giỏ đi lượm trái cho chủ vườn, làm tới chiều tối mới được nghỉ, lúc đó bé Mai được 5 tuổi, ông đi làm phải dẫn theo, tới mẫu điều nào ông cột võng cho nó nằm chơi, đến lúc con ngủ, lâu lâu ông chạy lại đưa võng vì sợ muỗi chích, mấy người làm chung ai cũng thương cảnh gà trống nuôi con, có người khuyên ông nên tìm một người đàn bà phụ ông săn sóc cho đứa nhỏ, ông lắc đầu nói khi nào con lớn sẽ tính đến chuyện đó.

Hai Bạc tướng dong dỏng cao, hơi gầy, nước da sạm đen vì nắng  gió, gian khổ, tính tình hiền lành ít nói, nên ai cũng thương mến, làm việc gì Hai Bạc cũng siêng năng chăm chỉ, không câu nệ trong công việc, không tham lam không rượu chè bài bạc, cho nên rất được lòng chủ đất, có rất nhiều người đàn bà muốn đến với Hai Bạc, nhưng vì nặng nợ con thơ nên ông không nghĩ đến tình cảm riêng tư. Thuở nhỏ Mai và cô Thắm học chung trường làng, Mai có gương mặt thanh tú, cười rất có duyên, được nhiều người cảm mến, đến năm 18 tuổi, Mai có chồng sanh được một đứa con gái là Mận, lúc Mận lên bốn tuổi thì người cha đi theo tiếng gọi của một phụ nữ khác, Mai một mình nuôi con, vài năm sau, Mai gặp một người đàn ông khác cho ra đời bé Minh, rồi người cha đó cũng quất ngựa truy phong, một mối tình cuối cùng tưởng êm ấm lâu dài, ai ngờ cha của bé Mẫn cũng cuốn tượng ra đi trong một đêm tối trời, một sự ra đi không buồn hẹn ngày trở lại, thế là một mình Mai ôm ba đứa con của ba người chồng họ Sở.

Tới mùa chôm chôm chín, Mai bơi xuồng vượt suối đi bán, chẳng may đến dòng nước xoáy, bị nhận chìm xuồng và Mai mất đi bỏ lại ba đứa con thơ, lại một lần nữa ông Hai Bạc cưu mang mấy đứa cháu ngoại, hết cực vì con nay cực vì cháu, tuổi 50 mái tóc đã bạc màu sương gió vì cuộc sống quá khắc khổ, ông mãi lo cho con cháu mà quên đi cái chuyện bước thêm bước nữa, ông thở dài thườn thượt, nỗi buồn xâm chiếm tâm hồn, vợ mất, con mất, cuộc đời còn gì để nói. Sáng sớm con Mận thức dậy xuống bếp soạn bao để chuẩn bị đi mót củ mì, hồi tối nó học bài tới khuya nên sáng dậy không nổi, ngáp tới ngáp lui, nó chồm lấy hai cái túi đệm, sứt quai hết một cái, vội đi kiếm dây cột đỡ, lát nữa cho hai đứa em cùng đi mót mì. Mận ra sau nhà ôm bao mì đã phơi được hai nắng, đổ ra sân phơi thêm vài giờ nữa là đi bán được rồi, chiều nay ra ngã ba cân cho lái buôn là mua được vài ký gạo, Mận nhớ hồi năm ngoái, có bữa gạo không đủ nấu cơm phải nấu cháo, hai đứa nhỏ ăn không được no nên khóc đòi ăn thêm, Mận sợ ông ngoại thức giấc, trời mưa lâm râm nó lấy  nón đội đi hái trộm chôm chôm về cho em ăn đỡ dạ, ăn xong con Mận gom hột và vỏ bỏ vô bao ny lông, cột thêm cục đá rồi quăng xuống suối phi tang vì sợ ông ngoại biết sẽ la rầy.

  Ông Hai Bạc coi ngày tốt để cất nhà rồi, chỉ còn ba hôm nữa là lên đòn dông, con Mận trông cho mau có nhà mới ở để tối học bài không sợ mưa to gió lớn làm tắt ngọn đèn dầu. Thằng Minh thức dậy dụi mắt:

- Đi mót mì chưa chị ?

- Chuẩn bị đi, gọi thằng Mẫn dậy, trưa rồi.

Đứa lớn cặp nách cái bao, hai đứa nhỏ mang túi đệm bước xuống ruộng mì, đi đến mấy chỗ mà người ta đã nhổ xong, hai đứa cúi xuống lượm lia lịa những củ mì nhỏ bằng ngón chân cái, rồi nhanh nhẹn bỏ vào túi đệm, chúng miệt mài góp gió thành bão, con Mận thấy có mấy củ mì to nằm dưới đất nó chạy lại định lấy......

- Ê, của ông đấy, đừng phỗng tay trên nha con.

- Ủa, ông cũng đi mót mì nữa hả?

Ông già nhăn nhó:

- Mầy đừng nói đi mót mì nghe xấu hổ, mà nói là đi nhặt mì.

- Ông nói gì con không hiểu.

- Tao nói tiếng Việt Nam chớ có nói tiếng Tây, tiếng Tàu gì đâu mà mầy không hiểu, cái con này vớ vẩn.

Mận cười bỏ đi chỗ khác, mặt trời đã lên cao, nó thấy hai đứa em mặt mày đỏ ké, mồ hôi ướt đẫm lưng áo, cố kéo lê chiếc túi đệm vào bờ, Mận gọi hai đứa chuẩn bị đi về, nó vác bao mì về trước rồi trở lại xách hai túi đệm. Thằng Minh thằng Mẫn lẽo đẽo theo sau, hai người đàn bà đi chợ về ngang thấy ba đứa nhỏ đi lơn tơn, vẻ mệt mỏi nên dừng xe lại, người ngồi sau lấy trong giỏ ra ba miếng chuối chiên, chia cho mỗi đứa một cái, thằng Mẫn cầm lấy nhai ngấu nghiến cười đưa hàm răng sún, con Mận cúi đầu cảm ơn rối rít, người đàn bà ngồi trước nói:

- Đưa hai túi xách cô chở về cho, mấy đứa đi nhanh lên, trời nắng quá.

Hai người đàn bà vừa chạy vừa nói chuyện.

- Đàn ông như con gà trống, đạp cồ xong rồi bỏ.

- Ông Thiên Lôi ở đâu mà sao không đi kiếm 3 thằng ăn chạy đó.

Ngôi nhà lợp tôn, vách cây được cất lên thay thế cái chòi tranh mục nát, ông Hai Bạc không biết nói gì hơn, cứ luôn miệng cám ơn hết người này tới người nọ, chốc chốc ông đưa tay lên gạt nước mắt, sự cảm động khiến ông không nói nên lời, cô Thắm mua hai cái bàn nhỏ để cho con Mận và thằng Minh ngồi học, cô cho vô đường dây điện thay thế ánh đèn dầu leo lét, và cô nhận đứa con của người bạn cùng xóm cùng trường năm xưa làm con nuôi.

Tám năm sau, Mận là học sinh giỏi của trường tỉnh, nó muốn thi vào Đại học Sư phạm theo đúng nguyện vọng của mình, nhưng cô Thắm bảo nó ráng thi vào trường Đại học Y dược, và con Mận đã làm cho người mẹ nuôi hài lòng với thành tích học vấn của nó, Mận ở nhà, được sự tài trợ của cô Thắm nên cuộc sống cũng không đến nỗi nào nghèo khổ, nó ráng dạy học lại cho hai thằng em, và khuyên lơn đủ điều, sự cố gắng chuyên cần sẽ dễ dàng mang đến thành công, khi ra đời, kiến thức sẽ giúp cho mình rất nhiều trong cuộc sống. Ông Hai Bạc ngồi uống nước trà thấy mấy đứa cháu ngoại đứa nào cũng học giỏi, chúng biết vươn lên từ cuộc sống nghèo khổ, ông rất vui mừng, bây giờ ông mới rỗi rảnh ngồi ôn lại cái quá khứ hẩm hiu của mình, cái nghèo khổ từ quê hương miền Trung nắng cháy tới vùng đất miền đông Nam bộ. Từ cảnh đói nghèo đến đủ ăn, biết bao nhiêu nỗi thăng trầm, có lần thằng Minh hỏi sao ông ngoại không đi tìm bà ngoại cho đỡ buồn, ông mỉm cười nói khi nào các cháu thành gia thất hết thì ông ngoại mới kiếm bà ngoại, thằng Minh cười toe toét nói lúc đó răng rụng hết còn kiếm gì nữa, ông cũng cười nói răng rụng kiếm theo răng rụng, hai ông cháu cùng cười ha hả làm con chó đang ngủ dưới chân giường chạy ra sân sủa vang lên.

Hai vợ chồng Mận mua nhà ở cạnh cô Thắm để được gần gũi chăm sóc cô, và mở phòng mạch cũng gần đó, chồng Mận là bác sĩ chuyên khoa tim mạch được sự giới thiệu của cô Thắm nên hai người thành hôn với nhau, và Mận sang Mỹ do sự bảo lãnh của chồng, bên Việt Nam Mận cũng tốt nghiệp ngành Nha khoa. Mận muốn bảo lãnh ông ngoại qua Mỹ để hưởng cuộc sống nhàn lạc và tiện việc chăm sóc, nhưng ông không chịu đi, ông không muốn xa rời quê hương thứ hai này, cũng nhờ nơi đây nên con cháu mới thành đạt, ông lúc nào cũng muốn nhìn khói lam chiều bay tỏa nhẹ trên không gian, mặc dù trong nhà có cái bếp gas, nhưng không sử dụng, chỉ thích nấu nước bằng bếp củi, không được nhìn khói lam ở quê nhà thì cũng được nhìn khói lam nơi đây, qua Mỹ làm gì có khói lam để mà nhìn, có người nói ông còn quyến luyến cái nghèo khổ. Nghèo khổ đã quen rồi không quyến luyến sao được, có gì sung sướng cho bằng khi đứng nhìn cảnh hoàng hôn, nhìn khói lam chiều nơi chái bếp bay lên không trung mà thả hồn mình về nơi xa xưa, có mấy ai hiểu được tâm trạng của người già luôn sống trong quá khứ. Vợ chồng thằng Minh ở Sài Gòn cũng gọi ông lên ở với nó, ông không đi, nó bây giờ là Hiệu Trưởng một trường trung học ở Quận Ba ít có thời gian để về thăm viếng, thằng Mẫn cưới vợ rồi ra riêng mua nhà ở Đồng Nai để quản lý một công ty xuất nhập khẩu hột điều, cuối tuần là vợ chồng con cái về đây thăm ông và nó cũng thường hay trách cái thằng anh Hiệu Trưởng ăn mót sơ mít lơ là viếng thăm ông ngoại.

 Cả ba đứa cháu đứa nào cũng muốn kéo ông về với nó, nhân lúc con Mận về nước, ba đứa đến thăm và năn nỉ ông về ở với một trong ba đứa, ông không nói, xuống bếp lấy một mớ củi chụm nấu nồi chè rồi ngoắc ba đứa ra sân, chỉ làn khói lam đang tỏa nhẹ trên chái bếp, ông nói:

- Khi nào nhà các cháu có làn khói đó thì ông sẽ về ở.

Ba đứa cháu ngoại sững sờ nước mắt rưng rưng, mà con Mận là khóc nhiều nhất vì nó nghĩ rằng không thể nào quên đi cái cảnh nghèo khổ năm xưa, ông ngoại muốn giữ mãi hình ảnh nơi đây, chính ngôi nhà này đã làm nên sự thành công vẻ vang của ba đứa, Mận nhìn hai thằng em lỳ lợm cũng đang sụt sùi.

Trên chái bếp làn khói vẫn còn đó.

Lợi Trân

Tháng 12. 2013

 

 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC