TKH - banner 03

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
 
 
Buổi sáng ngày đầu xuân nhiều sương mù, tiết trời vẫn còn se lạnh, mây  xuống thấp la đà lưng chừng đồi. Vài tia nắng yếu ớt đang le lói cố xuyên qua màn không khí trắng loãng. Từ ống khói lò sưởI của mấy căn nhà nằm chênh vênh trên triền núi, những cụm khói trắng và hương thơm gỗ thông tỏa ra, rồi tan loãng trong không gian. Người dân trong làng West Cornwall  thường dùng gỗ cây phong để đốt trong lò sưởi, vì ánh lửa của loại gỗ này có màu đỏ hồng rực rỡ và hương thơm lại dịu dàng. Trầm Hương giảm tốc độ cho xe chạy từ từ trên con đường khúc khủy vòng quanh chân đồi, nàng rẽ trái, đổ dốc xuống ‘’Thung Lũng Mai Vàng’’. Trong những ngày đầu xuân, cả thung lũng ngợp một mầu vàng tươi thắm của loài hoa forsythia cánh nhỏ mong manh.  Ngay từ mùa xuân đầu tiên khi định cư, đứng trước cảnh đẹp thiên nhiên, Trầm Hương đã reo lên và gọi nơi này là Thung Lũng Mai Vàng.
 
 
      
 
Ngôi thánh đường  Saint Peter trang nghiêm, tọa lạc trên thửa đất rộng thênh thang nằm giữa thung lũng, đỉnh tháp lờ mờ rồi hiện rõ sau màn sương. Những hồi chuông ngân vang trong không gian tĩnh mịch, hòa cùng tiếng gió rì rào qua mấy hàng thông. Cảnh vật, lòng ngườI cùng buồn miên man. Hương đưa mắt nhìn mẹ nàng, ngồi bên cạnh. Thoáng thấy trên khuôn mặt xanh xao, ưu phiền của mẹ một chút bình an. Hương nén tiếng thở dài, lòng chùng xuống, xót thương hơn cho số phần hẩm hiu của người mẹ một đời lận đận.
 
Như thường lệ, Hương và mẹ đến nhà thờ thật sớm, nhà thờ mới chỉ lác đác vài bóng dì phước đang chăm chú cầu nguyện. Cũng như thường lệ, mẹ con Hương ngồi vào hàng ghế thứ ba đối diện với ca đoàn. Ở hàng kế, sau chỗ ngồi của mẹ con Hương, vẫn người đàn ông Việt Nam với mái tóc bạc hoa râm đang quỳ gối, mắt kép hờ hững.
 
Ông đã hiện diện liên tiếp hai chúa nhật trong hàng ghế này. Hương biết ông là người Việt; không phải vì bề ngoài rất Việt Nam của ông, mà vì trong thánh lễ, lúc chúc bình an, ông đã không ngần ngại dùng tiếng mẹ đẻ nói với Hương: ‘’Bác chúc bình an cho cháu’’, và quay sang bà Hoà, ông không bắt tay nhưng cúi chào bà, cũng bằng tiếng Việt ông nói: ‘’Tôi chúc chị bình an.’’  Nhưng lạ quá, ánh mắt của ông sao trông thân quen, như đã biết bà từ bao giờ. Nghe tiếng chân người, ông mở mắt, nụ cười bao dung nở vội trên khuôn mặt phảng phất u hoài.  Ông không nói chỉ gật đầu chào hai người.
 
Khi tan lễ, mặt trời đã lên cao, nắng ấm chan hòa trên sân cỏ. Một buổi sáng đẹp trời ! Những ngày xuân ấm áp đang trở về với đất trời, với tình người. Những thay đổi của thiên nhiên luôn làm Hương cảm thấy hân hoan, và dường như bà Hoà cũng vui vẻ hơn. Hương định đưa mẹ xuống phố ăn điểm tâm trước khi về nhà. Hai mẹ con đi đến cuối nhà thờ, người đàn ông Việt Nam đã chờ sẵn, ông tiến về hướng Hương và bà Hòa, vẫn nụ cười cố hữu, ông lên tiếng chào bà Hòa:
 
- Chào chị, hôm nay trời đẹp qúa phải không chị?  Khí hậu giống như Sài Gòn những ngày đầu năm.
Bà Hòa chỉ gật đầu chào lại, rồi bà bối rối nắm tay con gái.  Hương âu lo nhìn mẹ, nàng ôm vai mẹ như để che chở cho người mẹ sẵn sàng trở bệnh dù chỉ một xúc động nhỏ.  Nhìn người đàn ông, Hương ngần ngại nói:
            
- Thưa bác, mẹ cháu không được khỏe.  Từ ngày ba cháu qua đời, mẹ cháu ... mẹ cháu bị bệnh...  xin lỗi bác.
- Xin lỗi chị.   
- Ông ái ngại nhìn bà Hòa, giọng ông trầm xuống
-  Xin chị đừng ngại, tôi cũng là người đồng hương cả mà.Tôi tên An, tôi có người bạn nhìn rất giống chị. Nhưng tôi không gặp chị ấy đã mấy mươi năm nay rồi.
            
Ông nhìn bà Hoà như để tìm một câu trả lời. Bà Hòa vẫn im lặng, nhưng nét mặt bà đã bình thản trở lại, bà không còn nắm tay con gái nữa. Dù bà xanh xao tiều tụy, nhưng nơi bà vẫn còn phảng phất những nét thanh tao, kiều diễm của thuở thanh xuân. Riêng Hương, nàng cảm thấy có chút cảm tình với người đồng hương này.  Vẫn với giọng từ tốn, ông An tiếp:
            
- Làng này yên tĩnh nhưng buồn qúa chị nhỉ, may mà gặp chị với cháu đây, nếu không, tôi sẽ là người Việt đơn độc ở chốn này.  Quay qua Hương ông phân trần
Lần trước thấy cháu mặc áo dài đi dự lễ, lòng bác mừng khấp khởi vì biết đã tìm được người cùng quê hương mình.
            
Hương mỉm cười như thông cảm sự thân thiện của ông:
- Bác An,  Cháu rất vui được biết bác, nhất là có người đồng hương để trò chuyện với mẹ cháu, cho mẹ cháu bớt nhớ nhà.  Người Mỹ gọi mẹ cháu là bà Nguyễn, vì ba cháu tên Hoà, họ Nguyễn.  Còn cháu tên Trầm Hương.
            
Ông An tròn xoe cặp mắt, nhìn Hương vài giây, ông lập lại:
- Hoà Nguyễn ?  Nguyễn Hiếu Hoà!  Trầm Hương!   
Quay sang bà Hòa, ông nhìn bà lâu hơn, ông hỏi tiếp:
- Còn chị ?  Chị Hòa!  Phải chị là Trầm Lan, bạn của Hạnh, học bên Văn Khoa không?
Dường như âm vang của những tên quen thuộc có một ma lực đưa bà Hoà trở lại với thực tại.  Một chút tinh anh thóang hiện trong đôi mắt buồn diệu vợi.  Bà thảng thốt kêu:
- Anh An!  Anh Phan Thế An.  Đã từ lâu chúng tôi không gặp lại anh.
Giọt nước mắt lăn dài trên má, bà thổn thức
- Anh An, anh Hòa chết rồi, chết thật rồi ...
Khuôn mặt bà xanh xao, môi nhợt nhạt, trong khoảnh khắc, bà Hoà lại rơi vào thế giới riêng của bà. Hương hốt hoảng ôm vai mẹ, nàng nói :
- Cháu phải đưa mẹ cháu về, mẹ cháu cần thuốc an thần, thuốcsẽ làm mẹ cháu ngủ li bì nhưng khi tỉnh dậy sẽ đỡ nhiều.
Ông An thầm nghĩ:   ‘’Nỗi mất mát, niềm đau đớn qúa sức chịu đựng!  Thật
tội nghiệp ...’’  Ông giúp Hương đưa bà Hòa vào xe.  Quay sang Hương, ông khẩn khoản:
- Để bác phụ cháu đưa mẹ cháu về, khi xưa bác và ba mẹ cháu là chỗquen biết, lúc nào tiện bác sẽ kể cho cháu nghe.  Từ nay, cần gì thì cháu cứ gọi cho bác. Đừng ngại gì cả.
Hương đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.  Rõ ràng ông An cóquen biết với ba mẹ nàng!  Gương mặt của ông biểu lộ sự chân thành, cung cách của ông cũng cho Hương thấy ông là mẫu người tốt.  Hương không ngần ngại nói với ông là nàng đã quen với căn bệnh của mẹ có thể tự lo liệu, và nàng phải đi làm nên những ngày trong tuần rất bận rộn; nhưng cuối tuần rảnh rang đôi chút, nàng mời ông đến nhà dùng trà với mẹ nàng.  Ông An vui vẻ nhận lời và chào bà Hòa đang ngồi yên trong xe.  Đàn bồ câu từ đâu bay tới, đậu lại dưới chân bức tượng đức mẹ Fatima lộ thiên.  Nhìn đàn bồ câu trắng, dấu hiệu của hoà bình, ông An mỉm cười và lâm râm cầu nguyện:  ‘’Xin Đức Mẹ ban bình an xuống trong tâm hồn mọi người.’’
           
                                                            ***
 
Sau lần gặp gỡ, ông An không thể nào quên được khuôn mặt buồn bã và đôi mắt mất thần như tách rời khỏi thực tế của bà Hòa. Hình ảnh bà ngồi co ro trong xe, miệng lẩm bẩm những điều gì nghe không rõ, rồi sự lo âu, và lòng hiếu thảo của Trầm Hương, ngần ấy điều cứ thấp thoáng trong tâm trí ông.  Ông quyết định phải tìm cách giúp bà Hòa trị bệnh. Không phải là một bác sĩ tâm lý, nhưng ông cũng biết bệnh của bà Hòa là một tâm bệnh.  Căn nguyên gây ra căn bệnh là yếu tố quan trọng, và đó là điều tiên khởi ông cần tìm hiểu.
Đã ba tháng qua, ông An thường tới thăm gia đình bà Hoà vào những ngày cuối tuần.  Có lúc ông uống với bà một tách trà, nghe bà kể một vài mẫu chuyện về cuộc sống trong qúa khứ.  Chuyện bà kể có lúc rất rõ ràng, chiết khúc làm người nghe có cảm tưởng như đang sống thực trong trại cải tạo nào đó trên quê hương Việt Nam.  Những kỷ niệm bồng bềnh, lãng đãng trong từng lời nói của bà.  Có lúc bà lẩm bẩm dăm ba câu không đầu không đuôi:  ‘’Mưa lớn qúa..,coi chừng, coi chừng té...  Trời ơi, lại mưa nữa rồi .., khổ qúa.  Hương ơi, dọn cơm cho ba  ... Trời tối rồi, để má đốt cây đèn cầy trên bàn thờ ba ... Mưa dầm dề mãi thế này bao giờ mới tạnh! .. ’’  Thỉnh thoảng, những ngày trong tuần, ông An gọi điện thoại hỏi thăm bệnh trạng bà Hòa, cũng có lúc Hương gọi cho ông.  Ông An được dịp nói chuyện nhiều với Hương.  Nàng cảm mến và tin tưởng nơi ông, đã có lần Hương nhờ ông đưa bà Hòa đi bác sĩ vì nàng không xin được ngày nghỉ.  Qua những lời tâm sự của Hương, ông An biết nhiều hơn về hoàn cảnh gia đình bà Hòa.
 
Sau bảy năm tù, ông Hòa được trả ‘’tự do’’  từ trại cải tạo Vĩnh Phú Tam Đảo,  ông đã đưa gia đình vượt biên bằng đường biển, lúc đó Hương mới được hơn tám tuổi.  Dù biết vượt biển là một chuyện đầy mạo hiểm, vượt ra khỏi được vòng đai kềm tỏa của Cộng Sản đã là một gian truân, còn phải đối diện với bão táp phong ba, hải tặc trên biển cả. Ông thừa biết có nhiều chuyến đi, chưa ra được hải phận quốc tế đã bị chận bắt hoặc bị bắn chết; bao nhiêu mạng người đã bị vùi lấp trong lòng đại dương.  Rồi còn bọn hải tặc dã man!  Hàng ngàn những chuyện bất trắc, không may, sẵn sàng chụp lên đầu những thuyền nhân khốn khổ.  Cũng như bao người dân Việt Nam khác, họ đành cam lòng lìa bỏ quê cha đất mẹ ra đi, chỉ vì không sống nổi vớI chế độ cộng sản.  Họ đã mang sinh mạng đổi lấy tự do!
Nhưng gian nan, khốn khổ vẫn triền miên đổ xuống gia đình ông Hòa.  Ba chuyến ra đi là ba lần thất bại, mọi thứ trong nhà đã bán sạch.  Ông lại lâm bệnh!   Đủ mọi chứng bệnh, đau bao tử, đau khớp xương, viêm phổi ...  Kết qủa của những năm bị đày đọa trong trại tù cải tạo.  Chiếc nhẫn cưới, kỷ vật qúy báu nhất của vợ chồng ông cũng bị bán đi để lo chữa bệnh cho ông.  Gia đình ông sống lây lất nhờ vào sự giúp đỡ của những người thân, đồng tiền bà Hòa tảo tần buôn bán chỉ đủ thang thuốc cho chồng.
Đường hầm tối tăm của cuộc đời mà gia đình ông Hòa đang đi dường như đã đến đọan cuối khi ông nghe tin tù nhân chính trị dướI chế độ cộng sản sẽ được đi định cư ở Hoa Kỳ theo diện HO.  Ông ráo riết làm đơn từ, hoàn tất những thủ tục đòi hỏi.  Hai vợ chồng ông tranh thủ thời gian, ôn lại vốn liếng Anh ngữ và nhẫn nại chờ đợi.  Mùa thu năm 1993 gia đình ông bước lên máy bay xa rời quê cha đất mẹ.  Hành trang mang theo là những kỷ niệm dấu yêu.  Có những kỷ niệm đẹp tựa trăng sao, nhưng cũng có những kỷ niệm đầy nước mắt, xót xa, cay đắng . NgườI ra đi mang theo tình quê hương, hàng xóm, thân quyến, bạn bè, thầy cô, trường học, đình làng, những con đường, góc phố, căn nhà mái lá, con sông dài, cây cầu khỉ, chuyến đò ngang ... đám ruộng xanh, lũy tre làng, cây me gìa bóng mát ... giàn dạ lý thoảng đưa hương.  Ôi!  Việt Nam với bao tình tự dân tộc, tất cả đã được ông bà Hòa và Trầm Hương khắc ghi vào ký ức và tâm hồn họ.  Hương đưa tay vẫy chào ông bà nội, ngoại, bà con, xóm làng. Phút biệt ly!  Kẻ đi người ở, bịn rịn chia tay, nước mắt chan hoà.
Cũng như bao gia đình HO khác, sau khi định cư, ông bà Hòa tận lực làm lụng, tham dự những lớp huấn nghệ ban tối.  Kiến thức sẵn có, nên chẳng bao lâu bà Hoà tìm được việc làm thư ký hành chánh cho viện dưỡng lão Valerie Manor gần nhà thay cho việc tính tiền trong siêu thị.  Ông Hoà tìm được việc làm đại diện cho công ty dược phẩm Up-john.  Công việc hợp với năng khiếu của ông nên ông rất thích thú.  Sau khi định cư, Hương phải học lại lớp mười hai trước khi vào đại học.  Từ khi biết suy nghĩ, Hương đã ghê sợ chiến tranh, nàng tự nhủ, sau này khi trưởng thành, nàng sẽ chọn những việc làm phụng sự hoà bình, giúp ích cho nhân loại.  Hương đã chọn ngành y tá.  Hiện giờ Hương là cô y tá trẻ, yêu nghề và dễ mến của viện dưỡng lão Valerie Manor, nơi bà Hòa làm việc trước đây.  Mọi người trong viện dưỡng lão đều qúy mến Hương và mẹ nàng. 
Gia đình đã tạm ổn định.  Trải dài trên nhiều trang nhật ký của bà Hòa, khổ đau và tuyệt vọng đã nhường chỗ cho những niềm vui và hy vọng cho một tương lai sáng sủa.  Nhưng dường như khổ đau đã gắn liền với tên Trầm Lan. Những ngày hạnh phúc chưa được là bao thì ông Hòa trở bệnh.  Ban đầu chỉ là những cơn nhức đầu ngắn, rồi cơn nhức đầu kéo dài hơn và kèm theo chứng buồn ói.  Cho đến khi những viên thuốc Tylenol hay Motrin không còn hữu hiệu, ông đã đi khám bệnh.  Sau nhiều cuộc thử nghiệm và những ngày dài chờ đợi kết qủa.  Hai vị bác sĩ từ hai viện chuyên khoa về bệnh ung thư đã xác định cùng một điều:  Ông Hoà bị ung thư óc!  Các tế bào ung thư đã lan ra những nơi khác trong thân thể.  Trị liệu bằng xạ tuyến không hữu hiệu trong trường hợp của ông.  Bác sĩ giải thích cặn kẽ cho ông bà Hoà và con gái biết về những triệu chứng phụ khi trị liệu bằng chất hoá học (chemo therapy).  Bác sĩ nói riêng với bà Hòa và Hương: ‘’ ... Bệnh đã đến thời kỳ trầm trọng, cuộc sống của ông nhà chỉ có thể kéo dài từ hai đến sáu tháng ...’’  Bà Hoà tưởng chừng như trời đất quay cuồng, đổ nát.  Bình an và niền hy vọng chợt vụt tắt.  Kể từ hôm ấy bà đã xin nghỉ làm dài hạn để ở nhà săn sóc chồng.  Với bà Hoà và Hương, lúc đó không còn điều gì qúy báu hơn là những giây phút được gần ông Hoà.  Nhưng chỉ 68 ngày sau, kể từ ngày biết hung tin, trong một buổi chiều cuối thu, gió thổi mạnh cuốn theo những chiếc lá lià cành rơi phủ úa vàng lối đi, ông Hoà dồn hết sinh lực vào đôi cánh tay gầy guộc, ôm chặt vợ và con gái, và ông đã trút hơi thở cuối cùng.  Cơn mưa nặng hạt vẫn vô tình ồ ạt đổ xuống trần gian, gió cuối mùa rít lên từng hồi, mưa tạt vào khung cửa kiếng chảy nhạt nhoà như những giọt lệ bi ai của hai mẹ con bà Hoà.
Sau khi chôn cất chồng, bà Hoà như người mất hết sinh lực, tâm thần xáo trộn, bà sống trong cõi thực hư lẫn lộn, lúc khóc, lúc cười, càng ngày bà càng xa rời thực tế.  Những liều thuốc an thần của vị bác sĩ tâm lý chỉ giúp bà tìm quên trong giấc ngủ.  Hương không thể để mẹ ở nhà một mình trong lúc nàng đi làm.  Nàng đã điều đình và được vị giám đốc cho bà Hoà ở trong viện dưỡng lão trong giờ làm việc của Hương với một lệ phí tượng trưng.  Trong lúc khốn khổ, Hương luôn cầu nguyện và hy vọng thời gian sẽ chữa lành những vết thương trong tâm hồn người mẹ bất hạnh.
                                             
***
Ra khỏi bệnh viện Sharon, nơi ông An làm việc, thì trời cũng nhá nhem tối. Ông ghé tiệm mua một bông hồng đỏ và một hộp trà quế rồi lái xe thẳng đến nhà bà Hoà.  Nghe tiếng xe ông An rẽ vào sân, Hương ra tận cửa đón ông. Nàng hớn hở khoe:
-  Bác biết không?  Mẹ đã đi dạo với cháu trưa nay, sau đó hai mẹ con đi chợ, buổi chiều lại ra thăm mộ ba cháu nữa.  Mẹ cháu không mệt và rất bình thường.  Mà bác biết không?  Mẹ cháu đã bắt đầu nấu ăn trở lại rồi đó bác, chiều nay mẹ cháu làm món mì xào chay ngon lắm.  Cháu còn để dành một phần cho bác.  Cháu nghĩ thế nào bác cũng đến mà.
Ông an vui lây với niềm vui của Hương, ông mỉm cười, trao tặng Hương đóa hồng mà ông đã giấu sau lưng, ông nói:
-  Bác cũng mừng như cháu khi thấy bệnh mẹ cháu thuyên giảm.  Bông hồng này bác tặng cháu, vì cháu đang còn mẹ và cháu lại là người con hiếu thảo, còn hộp trà này bác biếu mẹ cháu.
- Hôm nay là rằm tháng bảy!  Ngày lễ Vu Lan!  Bận rộn qúa nên cháu cũng quên mất.  Bác thật chu đáo.  Cháu cảm ơn bác.  Hồi còn nhỏ, bố có đọc cho cháu nghe bài  Bông Hồng Cài Áo của thầy Nhất Hạnh,  cho đến bây giờ cháu vẫn còn nhớ.
Ngay từ đầu ông An đã qúy mến tính tình lễ độ và lòng hiếu thảo của người con gái trẻ này, nhưng càng lúc ông càng phục tài dậy dỗ của ba mẹ Hương.
-  Cháu và mẹ cháu mới thật là ân nhân của bác, nhờ hai người mà bác quên được những tháng ngày buồn tẻ.   - mắt buồn xa vắng, giọng trầm xuống, ông tiếp:-  Lẽ ra bác cũng có một đứa con, nhỏ hơn cháu ít tuổi.  Nhưng ...
Bỏ lửng câu nói, giọng ông vui vẻ hơn, ông nói đùa:
-  Nãy giờ hai bác cháu mình vẫn đứng ngoài cửa!  Bộ cháu không muốn mời bác vào nhà?
- A!  Cháu quên, xin lỗi bác.
Vừa nói Hương vừa mở rộng cửa mời ông An.  Quen biết ông An đã khá lâu, nhưng Hương chẳng biết nhiều về ông, nàng chỉ biết ông là người khiêm tốn và rất tử tế với mẹ nàng và nàng.  Trong ngôn ngữ và cử chỉ, ông luôn tỏ vẻ tôn trọng bà Hoà.  Hiện ông là bác sĩ nhi đồng cho bệnh viện Sharon.  Hương mong có dịp tìm hiểu thêm về ông và nhất là quan hệ giữa ông và ba mẹ nàng.  Hương nói:
-  Hôm nay làm việc nhiều nên mẹ cháu đã ngủ sớm.  Để cháu châm bình trà và hâm nóng thức ăn mời bác.
Ông An mỉm cười gật nhẹ và ngồi xuống chiếc ghế trong phòng ăn.  Thực ra, căn nhà ông mướn chỉ cách nhà Hương khỏang 15 dặm, nhưng ông không muốn trở về căn nhà tẻ lạnh ấy.  Ở đây, ít nhất ông cũng tìm được chút ít không khí gia đình.  Ông An thích thú quan sát tủ sách lớn qúa khổ, tủ đóng bằng loại gỗ nâu đỏ, kê giữa phòng, chia căn phòng dài ra làm hai, một bên là phòng ăn và bên kia là phòng khách.  Trên kệ, những quyển sách qúy, bià cứng, được xếp ngay ngắn, thứ tự.  Ngoài những bộ sách khoa học, kỹ thuật, còn có Hồ Sơ Mật Dinh Độc Lập của Nguyễn Tiến Hưng, Việt Nam Lửa Máu Quê Hương của Đỗ Mậu, ...  những tờ Bản Tin Trần Hưng Đạo của nhóm Sĩ Quan Hải Quân OCS.  Đã có lần Hương nói với ông:  ‘’ Ba me cháu thích đọc sách và sưu tầm sách qúy.  Ba đã tự đóng kệ sách này, còn mẹ thì làm bìa cho những quyển sách đó bác ...’’  Lá cờ Việt Nam, màu vàng ba sọc đỏ, được trịnh trong treo cao trên bức tường đối diện tủ sách, bên dưới lá cờ là hình ông Hoà trong bộ đại lễ trắng của sĩ quan Hải Quân.  Hình ông Hoà chụp hồi còn trẻ, chỉ khoảng hai mươi lăm tuổi, ông nhìn quắc thước, oai phong.  Hai mươi mấy năm trước, đã có lần gặp ông Hoà, ông An đã mến ngay con người ngay thẳng nhưng cởi mở và thân thiện của ông Hòa, lúc đó ông An đã nghĩ thầm:  ‘’Bạn có đủ tư cách và xứng đáng được Trầm Lan yêu.’’  Đang chơi vơi trong vùng kỷ niệm xa xưa thì Hương bước vào với một khay đầy thức ăn và trái cây.  Hương rót hai tách trà mời ông An, ông vừa ăn vừa nhìn Hương nhấp từng ngụm nước trà trong chiếc tách nhỏ mà dường như người uống, uống mãi không hết.  Hương có phong thái thưởng thức trà giống bà Hòa.  Ông An cười, nói:
- Cháu nhìn giống ba cháu, nhưng lại có nhiều nét của mẹ cháu khixưa.
- Ba cháu cũng thường nói như thế đó bác.  Bác biết ba mẹ cháu lâu
chưa?   Sao hồi ở Sài Gòn cháu không gặp bác ?
            - Thực ra bác quen mẹ cháu trước khi biết ba cháu, lúc đó mẹ cháu là cô sinh viên bên Đại Học Văn Khoa.  Có lẽ còn trẻ hơn cháu bây giờ.
- Bác kể cho cháu nghe được không bác?  Tình cảm của người Việt
Nam phức tạp, lãng mạn và thầm kín. 
            - Dù cháu hãy còn trẻ, nhưng bác biết cháu là một người có tâm hồn quảng đại và nhiều đức tính qúy.  Bác đã tìm được nơi cháu một người Việt Nam yêu quê hương, trọng danh dự và tha thiết với phong tục tập quán của dân tộc. Bác đã nhiều lần muốn tâm sự với cháu, và hôm nay thật là một dịp may cho bác.
            Ông An nhấp một ngụm trà nhỏ, ngả lưng vào ghế, hai tay vòng trước ngực.  Ông lạc vào thế giới của những ngày xa xưa. Ông kể:
            Đó là đêm lễ Giáng Sinh, bác theo Tú, người bạn học cùng trường, đi dự một buổi tiệc trong gia đình có năm người con gái.   Tú là bạn trai của Hồng, người con gái thứ tư.  Tú bảo nhỏ với bác là sẽ giới thiệu cho bác cô út, tên Hạnh, rất đẹp.  Dĩ nhiên là bác rất thích.  Chưa gặp, nhưng bác đã nghe bạn bè kháo nhau về năm cô gái họ Trương sắc nước, hương trời này.  Chẳng đợi đến giờ, bác theo Tú đến sớm để cùng đi dự lễ với nhóm con gái. 
Đúng như lời Tú, Hạnh không những đẹp, lại còn có duyên.  Dường như Hạnh cũng mến An, nàng hoạt bát và khiêu vũ rất đẹp.  Buổi tiệc hôm đó rất đông, nam thanh nữ tú dập dìu.  An là người miền quê, lên Sài Gòn học mấy năm nay, chỉ biết sách vở, trường học và ký túc xá.  Tiếng nhạc ồn ào, tâm tình cởi mở của người khác phái làm An choáng ngợp, chàng muốn ra ngoài đi bộ môt vòng quanh vườn.  Đi gần đến cửa, An gặp Hạnh đang nói chuyện với một người con gái mặc áo dài màu xanh nước biển, mái tóc dài mềm mại ôm gọn bờ vai nhỏ.  Khác hẳn với Hạnh, sôi nổi, nóng bỏng.  Người con gái áo thiên thanh này nhìn diụ dàng, mong manh, nhất là cặp mắt buồn diụ vợi trên khuôn mặt trắng hồng tự nhiên.  Thấy An, Hạnh nhanh nhẹn giới thiệu:
- Anh An, đây là Trầm Lan, học bên Văn Khoa với Hạnh.   - quay sang Lan, Hạnh nói -   Lan, đây là anh An, dân Y Khoa, bạn học của anh Tú.  Anh An à, phiền anh lấy nước uống cho Lan giùm Hạnh, con bé này nhút nhát, ngồi đâu là ngồi một chỗ.  Anh tiếp nó hộ Hạnh nha.
Nói vừa dứt câu, Hạnh đã bỏ đi, Lan mỉm cười nhình theo Hạnh và đám con trai đang vây quanh Hạnh.  An cảm thấy mến nụ cười mím chi và dáng dấp thùy mị của Lan.  Tự nhiên An trở thành vụng về, chàng muốn nói chuyện với Lan nhưng không biết phải bắt đầu thế nào.   Mà mỗi lần muốn nói thì cổ lại bị nghẹn cứng.  An đã bắt đầu bằng một câu hỏi thật ngớ ngẩn:
- Trầm Lan khiêu vũ được không ?
- Không anh An.  Còn Anh?
- Tôi cũng không biết khiêu vũ.  Có nhà quê qúa không Trầm Lan?
-  Dĩ nhiên là không.  Theo Lan, đó chỉ là sở thích và năng khiếu của
 mỗi người.  Lan không thích nên không mấy quan tâm.
- Tiếng nhạc ồn qúa, tôi mời Lan đi dạo quanh vườn được không.   Ngoài
vườn, ban nãy chúng tôi  có treo đèn ngôi sao và giăng đèn màu trên cây, dưới ánh sao đêm chắc hẳn phải rất đẹp.
            Lan chưa kịp trả lời thì một nhóm con gái bạn của Lan và Hạnh, kéo đến nhập bọn với Lan.  Họ đẩy An về phiá bên kia phòng, nơi nhóm con trai đang ồn ào bàn tán.  Thì ra họ đang bàn tán về một trò chơi do Tú đề nghị, trò chơi: ‘’Kỷ Niệm Đêm Noel’’.  Khi được gọi tên, người con trai sẽ tỏ một cử chỉ đẹp với người con gái mà họ quý mến nhất trong buổi tiệc.  Tú cầm microphone và bắt đầu trò chơi.  Trước tiên, Tú tình nguyện làm ‘’nháp’’ và tự gọi tên mình; Tú tặng Hồng một gói quà nhỏ, theo lời yêu cầu của mọi người, Hồng mở qùa tặng, đó là một chiếc vòng đồi mồi đen nhánh.  Tiếng vỗ tay hoan nghênh khi Tú mang vòng vào cườm tay cho cô bạn gái.  Tú tiếp tục gọi tên các bạn khác, quà tặng là một hộp kẹo, một lời chúc đẹp, một cây viết, một quyển thơ ..., bất cứ một vật gì khả dĩ là nhóm con trai lập tức dùng làm qùa tặng.  Trò chơi thật hào hứng.  ‘’ Kế đến là bạn Phan Thế An, đến từ miền châu thổ sông Cửu Long, cũng là sinh viên ưu tú của trường đại học Y Khoa, xin mời bạn An.’’   Như những lần trước, Tú vừa dứt lời, tiếng cười nói, vỗ tay, huýt sáo lại vang dội căn phòng.  Dù đã chuẩn bị sẵn, An cũng mất mấy giây mới lấy được bình tĩnh, chàng rút một đóa hoàng lan trong bình hoa chưng trên bàn, đi thẳng đến chỗ Lan, trao cho nàng đóa hoa, An nói:
- Anh tặng Trầm Lan để kỷ niệm ngày anh được hân hạnh quen Lan.
Nhận đóa hoa, gương mặt Trầm Lan đỏ hồng, nàng nói:
- Cảm ơn anh An.
Sau buổi tiệc tối hôm ấy, hình bóng Trầm Lan luôn chập chờn trong tâm trí An.  Chàng đến trường Văn Khoa tìm gặp Lan nhiều lần, nhưng nàng cố tình tránh mặt.  Hỏi thăm Hạnh về Lan thì Hạnh lạnh lùng bảo:  ‘’Lan đã có người yêu, họ yêu nhau tha thiết ..., tình yêu một chiều khổ lắm anh An ơi.’’  Hạnh từ chối, nhất định không giúp An.  Cảm thấy hụt hẫng khi nghe Hạnh nói, An đã cố gắng vùi đầu vào sách vở tìm quên, nhưng không thể nào quên được Lan.  ‘’Cái bông hoa nở giữa vườn, Hương thơm nhiều lúc lại thường bay xa.’’(1)  An lại tìm đến Hạnh, nhờ Hạnh trao cho Lan lá thư An viết.  Phong thư đầu đã trao, An bâng khuâng chờ đợi cánh thư hồi âm.  Nhưng đáp lại chỉ là sự im lặng vô tình.  Đến lá thứ hai thì nhận được hồi âm của Lan.  An xúc động thật nhiều để rồi buồn cũng thật nhiều khi đọc thư Lan:
            Anh An mến,
            Cảm ơn cảm tình đặc biệt anh dành cho Trầm Lan.  Lan cũng rất qúy mến anh.  Mong anh hãy coi Lan như một người bạn, hay coi Lan như cô em gái.   Hôm nào anh Hòa, người yêu của Lan được về phép, Lan sẽ giới thiệu anh Hòa với anh.
            Nếu anh đồng ý những điều Lan đề nghị, thì Lan mời anh và Hạnh, chiều chúa nhật đi dự lễ tại Vương Cung Thánh Đường với Lan.
            Trong lúc chúng ta được yên ổn ngồi trên ghế nhà trường, sống an bình nơi hậu phương, rong chơi trên những con đường của Sài Gòn hoa lệ, thì những người chiến sĩ như anh Hòa đang xông pha, đương đầu vớI hiểm nguy, gian khỗ nơi chiến tuyến.  Lan mong ước anh nhận lời mời, để chúng ta cùng nguyện cầu hoà bình cho quê hương Việt Nam triền miên thống khổ.
                                                Qúy mến,
                                                Trầm Lan
 
 An đã nhận lời và đã dự lễ tại Vương Cung Thánh Đường với Lan và Hạnh. 
Càng gần Lan, An càng thán phục sự tinh tế và tính nết thùy mỵ của nàng.  Kể từ hôm ấy An trở thành người ‘’anh tinh thần’’  của Lan, nhưng An biết mình đang tự dối lòng.  Trở về ký túc xá, An tìm quên trong sách vở.  Đám cưới Lan, An đến dự và chúc đôi uyên ương trăm năm hạnh phúc.  Rượu nồng chưa uống cạn mà đã nghe tan nát lòng,
           ‘’Em đi giữa giòng đời
Một khung trờI thơ mộng
           Giọt buồn nào lắng động
           Rơi xuống đáy hồn tôi. ‘’ (2)
Sau khi tốt nghiệp, An phục vụ tại bệnh viện Thủ Khoa Huân, thành phố Mỹ Tho, và kết hôn với một cô giáo làng Bình Phan.  Liên, vợ của An là một thiếu nữ hiền thục, khéo léo, và rất yêu chồng, nàng chăm sóc An từng chút.  Liên không những yêu chồng mà còn tùng phục chồng.  Sau ngày Cộng Sản chiếm miền Nam, An bị giam trong trại tù cải tạo Ấm Thượng, nhưng chỉ một thời gian ngắn, vì như cầu nên An đã được tạm trả tự do.  Sau đó được chỉ định về làm việc ở bệnh viện Nhi Đồng tại Sài Gòn.
  
Khu khám bệnh Nhi Đồng           
Một buổi chiều, trời nắng chói chang, không khí oi ả.  Bệnh nhân xếp hàng dài dọc theo hành lang,  người thiếu phụ trẻ, tay ôm đứa nhỏ, tay níu người y tá, nàng năn nỉ :  ‘’Con tôi bệnh nặng, sốt cả đêm hôm qua, khó thở, ho sặc sụa.  Cô nghe xem, chắc cháu có nước trong phổi.  Xin cô làm ơn cho cháu vào gặp bác sĩ trước.’’  Qua cách phục sức gọn gàng, đơn giản và tư cách của người thiếu phụ, người ta cũng có thể đoán đây là một người trí thức của chế độ cũ.  Người y tá Cộng Sản lạnh lùng hất mạnh tay bà, nói : ‘’Chờ đến phiên mình thì vào.’’   Mất thăng bằng bà ngã xuống sàn gạch, lồm cồm ngồi dậy, bà chạy với theo:  ‘’ Xin cô thương tình, tôi đã đợi hôm qua ở đây, chưa tới phiên đã hết giờ làm việc.  Nếu phải đợi thêm một ngày nữa con tôi sợ qua không nổi.’’  Người y tá không trả lời, bước vào bên trong để mặc bà ôm đứa con đang ho từng cơn.   Cắn chặt vành môi, nhưng bà không khóc, bà rất ghét khóc trước mặt kẻ thù.  Sống trong chế độ Cộng sản, bà đã trở nên dày dạn, chai lì.  Những người đứng trong hàng tỏ vẻ bất mãn, mỗi người một câu, xúi bà cứ xô cửa vào đại.  Nghe tiếng ồn ào, vị bác sĩ bước ra.  Vừa thấy bóng ông, người thiếu phụ bế con chạy lại, nói:
- Bác sĩ, xin bác sĩ cứu con tôi.
Vị bác sĩ đón đứa bé từ tay bà, cũng vừa lúc bà nhìn lên, và thảng thốt
kêu:
- Anh An!
- Trầm Lan.  Ô! .. Chị Hòa.  Cháu thế nào? Mời chị vào bên trong để
tôi khám bệnh cho cháu. 
            Lấy lại bình tĩnh, bà Hòa nói:
            - Bác sĩ An!  Xin bác sĩ giúp con gái tôi, cháu tên Trầm Hương, được hai tuổi, cháu trở bệnh nặng đã mấy ngày nay.  Tôi hy vọng cháu không bị sưng phổi.
- Chị cứ an tâm, tôi sẽ chữa cho cháu khỏi bệnh.  Chị nhìn phờ phạc lắm.
 Đưa tay chỉ chiếc ghế kế cạnh, ông An mời bà Hòa:
-  Chị ngồi nghỉ, để cháu tôi lo.
            Qủa như Lan tiên đoán, con nàng bị cảm nặng, và bị sưng phổi, phải ở lại bệnh viện điều trị.  Bảy ngày sau mới được xuất viện.  Trong thời gian này, Lan luôn tránh gặp An.   An hỏi thăm và biết được chồng Lan vẫn còn bị giam cầm trong trại cải tạo, mẹ con Lan đang lâm cảnh túng thiếu.  Biết Lan là người tự trọng, An đã nhờ vợ tìm cách giúp đỡ Lan, nhưng Lan cương quyết khước từ.  Lan nói với vợ chồng An:  ‘’Ơn cứu tử của vợ chồng anh chị, tôi xin tạc dạ.  Mong một ngày nào khi chồng tôi được phóng thích chúng tôi sẽ tìm anh chị để đền ơn ...’’ Lan tránh tất cả mọi liên lạc với vợ chồng An.
 
Mặc dù đã thấm thía câu nói nôm na để bày tỏ sự phẩn uất của ngừời miền Nam:  ‘’Nếu cây cột đèn bên đường có chân, chúng cũng sẽ nhổ gốc tìm đường vượt biên’’; vợ chồng An vẫn nghĩ và hy vọng rằng:  Họ đang sống trong một thể chế vô nhân bản, dân chúng bị áp chế, lòng căm phẫn của người dân đã lên đến cao độ, chế độ này sẽ bị đào thải.  Cho đến năm 1979, vợ chồng An không còn đủ can đảm chờ đợi, họ đã theo làn sóng của người vượt biển, ra đi tìm tự do.  Phong ba, bão táp, tai họa đã liên tiếp giáng xuống con tàu dài 10 thước, mang theo 25 sinh mạng.  Sau 12 ngày lênh đênh trên biển cả, đói khát, bệnh hoạn, tai ương đã giết chết gần một nửa thuyền nhân, và trong đó có cả Liên và thai nhi mới được khỏang ba tháng trong bụng LIên.  Khi vào được đất liền, hòn đảo Galang ở Nam Dương.  An không còn tha thiết đến chuyện đi định cư.  Trong lúc những người chung quanh An hớn hở, vui mừng khi được gọi đi phỏng vấn, đi tuyên thệ thì An vùi đầu vào công việc của An.  Công việc cứu người!  Chăm chỉ, cần mẫn và câm lặng.  Tốp người cũ đi thì tốp người mới đến, người dân Việt Nam vẫn lũ lượt bỏ nước ra đi, và An vẫn tiếp tục ở lại trại tỵ nạn, hăng say làm việc trong lầm lì và hoàn toàn câm lặng.  An đã chữa lành bệnh cho bao nhiêu người, nhưng chua xót thay, An đã không cứu được chính người vợ của mình.  Đó là một điều đau đớn nhất trong cuộc đời An.  Dù đã nhiều năm qua đi trong đời, nhưng những cơn ác mộng kinh hoàng vẫn chưa rời bỏ An.  Đời sống thanh bình, phồn thịnh nơi xứ người càng làm An băn khoăn, suy tư, lo lắng cho số phần của trên 70 triệu đồng bào Việt Nam còn đang sống trong sự áp chế, kềm tỏa của xã hội Cộng Sản.  Đến bao giờ những người dân Việt Nam mới được thật sự sống trong thanh bình, tự do, no ấm !?
 
Ông An ngừng kể, để cùng lúc nhìn thấy những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt Hương.  Hương xúc động không hẳn vì câu chuyện thương tâm của ông An, vì qua báo chí và những tin tức mà ba nàng tìm kiếm được khi ông còn sống, Hương đã biết được những hoàn cảnh đáng thương tương tợ đã xảy ra cho đồng bào ruột thịt của nàng. Hơn nữa, Hương làm sao quên được những chuyện mà nàng thấy và cảm nhận được khi còn sống tại quê nhà, dù rằng có những biến cố xảy ra lúc Hương còn ấu thơ.  Điều làm Hương thật sự xúc động là vì sự tương đồng giữa ông An và ba nàng, cả hai người đều có chung giấc mộng quang phục quê hương, có chung hoài bão xây dựng một nước Việt Nam tự do, dân chủ, thịnh vượng, và tiến bộ.  Hương nói:
- Bác An, bác nhắc cháu nhớ đến quyển sách ‘’Tâm Hồn CaoThượng’’ của ba cháu, qua hai lần Cộng Sản hô hào đốt sách, ông nội cháu vẫn dấu được, và sau này ông nội tặng lại cho cháu.  Đối với cháu,  bác và bác Liên,  ba và mẹ cháu là những người có tâm hồn cao thượng nhất, đáng kính nhất.
            Vẫn ánh mắt u buồn, mỉm cười, ông nói:
- Cảm ơn cháu, nhưng theo bác, cháu mới là người có tâm hồn vĩ đạivà cao thượng.  Nước Việt Nam của chúng ta cần những người như cháu, có tài và có đức.
            Hương cười vui vẻ, giọng cười nhỏ và trong, nàng đùa:
- Bác qúa khen cháu rồi đó, cháu chỉ có cái bao tử vĩ đại thôi, vì cháu
thích ăn.  Tiệm kem Friendly bữa nọ bác đưa cháu đi, có kem dâu ngon ghê.  Bữa nào mình mời mẹ cùng đi với bác cháu mình nghe bác.
- Ý kiến hay, bác hoan nghênh.  Bác sẽ thưởng cháu nhiều chầu kemngon hơn nữa, nếu mẹ cháu khỏi bệnh.  Bây giờ thì bác phải về để cháu nghỉ, ngày mai hai bác cháu mình còn phải đi làm nữa.  Cảm ơn cháu đã cho bác một buổi chiều ấm cúng.
                                                            ***
 
            Đã hơn hai tuần nay, bệnh của bà Hòa thuyên giảm hẳn, nhất là sau lần ông An và Hương đưa bà Hoà đi bộ trong cơn mưa tầm tã.  Theo kế hoạch của ông An.  Họ đã rủ bà Hòa đi dạo khi trời vẫn vũ và chuyển mưa.  Những giọt mưa ban đầu còn nhẹ, chỉ vài phút sau, mưa ào ạt đổ xuống. Bà Hòa hoảng sợ, khóc thét và niú chặt tay con gái. Hương và ông An đi hai bên trấn an bà, ông An cởi chiếc áo mưa lớn của ông khoác thêm cho bà bớt lạnh.  Hương hỏi bà về một biến cố trong qúa khứ, xảy ra cũng trong một chiều mưa:
- Mẹ nhớ hồi con được bốn tuổi, mẹ dẫn con đi thăm ba trong trại tù
cải tạo ở Vĩnh Phú Tam Đảo không mẹ?
            Suy nghĩ một hồi lâu bà Hòa mới trả lời:
- Mẹ nhớ, hồi ba con đi, mẹ đang mang thai con, nên ba không biết
mặt con.  Ba nói chỉ vài tuần sau sẽ trở về, vì người ta bảo với ba con như thế.  Nhưng ba con đã chẳng trở về.  Mãi hơn một năm sau mẹ mới tìm được trại tù cải tạo nơi ba con bị giam cầm.  Sau này, mỗi lần mẹ đến thăm, ba hỏi thăm thật nhiều về con và ao ước được gặp con.  Mẹ hứa với ba khi nào con lớn hơn một chút mẹ sẽ bồng con theo.  Ba con nói, ba chỉ ước thế thôi, chứ ba biết đi thăm nuôi là một hành trình dài đầy gian khổ và nguy hiểm, ba con xem hình con cũng đủ rồi.  Ba còn bảo mẹ, cứ ở nhà săn sóc con, đừng lo cho ba, đừng đi thăm ba hoài, vừa tốn kém vừa nguy hiểm.  Hai mẹ con mình là lẽ sống, là niềm hy vọng của ba.  Nếu chuyện gì xảy ra cho mẹ con mình chắc ba không sống được.
            Bà Hòa ngưng kể, chân mày nhiú lại, bà đang suy nghĩ.  Hương ngước nhìn ông An, ông gật nhẹ ra dấu cho Hương.  Hương chưa hỏi thì bà Hòa kể tiếp
- Lúc ấy con mới được bốn tuổi nhưng con rất thông minh, con vẫnthường hay hỏi mẹ về ba, và nhất định đòi đi thăm ba.  Cuộc hành trình dài đầy gian khổ, từ Nam ra Bắc, băng rừng lội suối, con không hề khóc hay quấy mẹ, con còn phụ mẹ xách bọc mì sấy mẹ mang cho ba.  Các bác đồng hành, cũng đi thăm thân nhân đều khen con.  Lúc đó khoảng 3 giờ chiều, đoàn người phải leo một qủa núi vừa dốc vừa cao để qua bên kia đồi, đường đi đến cổng trại nằm bên kia đồi.  Mẹ vừa leo vừa kéo con theo, gần đến đỉnh đồi thì trời đổ mưa.
Bà dừng kể, mặt lộ vẻ đau đớn, Hương quàng tay qua vai mẹ như để che chở.  Giọng ngẹn ngào, xúc động, bà nói tiếp:
- Mẹ bị trượt chân, trong lúc mất thăng bằng, mẹ đã buông tay con
ra. Con ngã lăn xuống đồi !  Mọi người la hoảng.  Mẹ kêu lên  ‘’Chúa ơi!  Cứu con.’’ và định nhào theo con, nhưng những người bạn đồng hành kịp giữ mẹ lại.  Chúa đã giúp mẹ con mình, con bị vướng vào gốc cây mọc lưng chừng đồi, và được chận lại.  Mọi người xúm lại, người góp dây nịt, người cởi áo, cột lại thành một sợi dây dài, họ cột ngang lưng mẹ để mẹ xuống ẵm con lên.  Tay con còn giữ chặt bọc mì sấy.  Không những mẹ mà mọi người đều mừng rỡ.  Họ đã cười thật nhiều trong cơn mưa, nhất là khi nghe con dặn mẹ đừng cho ba biết chuyện kẻo ba buồn rồi không cho con theo mẹ.
Nói đến đây thì đã về đến nhà.  Họ đã đi hết một đoạn đường dài trước khi trở về nhà.   Bà Hòa tỏ vẻ bình tĩnh lạ thường, ngoài sức tưởng tượng của ông An và Hương.  Bà mời ông An vào nhà và bảo Hương đi lấy khăn cho ông lau nước mưa.  Nhưng đã dự tính trước nên ông có mang theo khăn và quần áo để thay.  Sau khi mọi người đã thay quần áo khô.  Bà Hòa pha một bình trà thơm, ba người đã nói chuyện đến gần nửa đêm.  Bà Hòa vẫn bình tĩnh, bà kể nhiều chuyện trong qúa khứ, nhưng không hề nhắc đến sự quen biết giữa ông và gia đình bà.  Khi ra về ông An nói riêng với Hương:  ‘’Bác hy vọng, sẽ không bao lâu nữa mẹ cháu sẽ hòan toàn bình phục.’ ‘  Hương nhìn ông An với ánh mắt vừa biết ơn vừa thán phục, nàng nhẹ gật đầu.
 
Điều ông An và Hương hy vọng và cầu xin đã thành sự thật.  Bà Hòa đã hòan tòan bình phục. Bà đã trở lại con người thực của bà, một người đàn bà hiền thục, thông minh, can đảm và tế nhị.  Bà không những đã đi làm trở lại, qúan xuyến mọi chuyện trong gia đình, mà còn là cánh tay đắc lực của ông An và Hương trong tổ chức  mà bà Hòa gọi  là: ‘’Nhân Đạo’’.  Ông An và Hương đang kêu gọi các bạn và người đồng hương tham gia tổ chức ‘’Nhân Đạo’’ với mục đích cung cấp dịch vụ y tế, săn sóc sức khoẻ, chữa bệnh cho đồng bào, chống nạn mù chữ và giúp đỡ những ngườI cựu chiến binh, thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa đang sống vất vưởng, nhọc nhằn, lầm than dướI chế độ Cộng Sản.  Trưa nay, Hương gọi điện thọai vào sở cho bà Hòa:  ‘’ .... con xin lỗi báo cho mẹ biết hơi trễ, tối nay con mời bác An đến dùng cơm với mẹ con mình, và sau đó nhờ mẹ giúp một tay soạn thảo chương trình cho buổi họp kế tiếp, được không mẹ ? ... Dạ cám ơn mẹ, Con sẽ về sớm phụ mẹ nấu cơm. Chào mẹ.’’ 
Bà Hòa đang lúi húi cất thức ăn bà mới mua ở siêu thị về thì ông An đến.  Ông cũng khệ nệ với nhiều túi xách, thấy bà, ông mỉm cười và phân trần:
- Sợ chị nấu nướng cực khổ, lại mất thì giờ, tôi đã đặt sẵn thức ăn.  Cháu Hương đang trên đường về.  Cháu mới điện thoại cho tôi.
Bà Hòa cười, nói:
- Chào anh An, sao lại khách sáo thế!  Bộ hai người chê tài nội trợ của
tôi ?
- — không!  Những món ăn chị nấu thật tuyệt diệu, tôi ước gì được ăn
những thức ăn như thế suốt đời.
 Biết mình lỡ lời, ông khựng lại vài giây rồi tiếp:
- Xin lỗi chị, tôi thực lòng không muốn chị phải cực khổ.
            Ông đưa cho bà hộp kem và nhờ bà cất vào tủ lạnh, ông bảo: 
- Kem dâu của cháu Hương, nó thích lọai kem này chị ạ.
Ngần ngại đôi giây, ông lấy từ trong túi ra một chiếc hộp, cột nơ tím
xinh xắn, trong có đoá hoàng lan tươi, tuyệt đẹp.  Trao cho bà Hòa, ông nói:
- Tôi biết chị vẫn thích mầu tím và tôi vẫn yêu những đóa hoàng
lan, xin chị cho phép tôi được tặng chị cành Lan này.  Với tôi, qúa khứ của tuổi hoa niên là một gia tài qúy báu nhất mà tôi luôn chắt chiu.( xxx)
 (Hình Lan Tím)
- Cảm ơn anh An, anh lúc nào cũng chu đáo, và tôi vẫn còn mang ơn
anh.  Ơn cứu tử !  Nay anh lại giúp chữa lành bệnh cho tôi.  Tôi sẽ suốt đời mang ơn anh, bác sĩ An.
- Chị Hòa,  Trầm Lan!  Xin đừng khách sáo.
Bà Hòa ngước nhìn ông An, bà tìm thấy trong đôi mắt buồn thảm ấycòn thể hiện một nỗi đau khổ.  Trong chính bà, bà cũng nhận thấy một chút xao động.  Bà cắn nhẹ vành môi, bà không dám chớp mắt.  Bà biết chỉ một chớp mắt nhẹ, thì nước mắt bà sẽ tuôn trào, và bà sẽ trở thành yếu đuối.  Chuyện gì sẽ xảy ra bà không thể lường được.  Ông An như đọc được ý bà, ông nói:
            - Trầm Lan !  Tôi không thể chịu đựng được khi thấy Lan khổ.  Xin đừng làm trái lòng mình.
            - Anh An!  Ngoài chồng tôi. Anh là người đàn ông tôi vẫn hằng qúy mến.  Tôi mến phục anh vì anh có kiến thức uyên bác và tâm hồn cao thượng.  Xin cho tôi giữ mãi hình ảnh đẹp đẽ ấy trong tim.  Hãy giúp tôi giữ trọn nghĩa với chồng tôi.  Chúng ta vẫn là anh em, vẫn là đôi bạn tốt.  Anh An, Lan mong rằng chúng ta luôn kính trọng lẫn nhau.
- Trầm Lan. Chúng ta vẫn là anh em như khi xưa mình đã kết nghĩa.
Anh không mong muốn gì hơn.  ‘’Kỷ Niệm Đêm Noel’’ muôn đời vẫn là kỷ niệm đẹp trong anh.
Ngoài trời mưa vẫn rơi, nhưng với Trầm Lan, bây giờ những giọt nước mưa không làm nàng hoảng hốt lo sợ nữa. Tiếng mưa rơi như một điệu nhạc êm đềm ru Trầm Lan vào cõi bình an.  Nàng mỉm cười, hôn nhẹ lên đóa hoàng lan.   Ông An nhìn ra ngoài cửa sổ, thấy đôi sóc đang trú mưa dưới tàng cây phong, ông mỉm cười, đọc mấy vần thơ của thi hào Nguyễn Du:
            ‘’Trời còn để có hôm nay,
 Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời,
            Hoa tàn mà lại thêm tươi,
           Trăng tàn mà lại hơn mườI rằm xưa.’’
           
Ghi chú:  Thơ 1/ Phạm Đức.
                         2/ Huỳnh Hữu Võ,
Lê Phạm Kim Phượng

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC