TKH - banner 09

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

     Trên chuyến xe đò đi Xuân Lộc để nhận việc làm công nhân cho một nông trường, tôi ngồi cạnh một người đàn bà tuổi ngoài sáu mươi, dáng dấp quý phái và sang trọng, gần tới chợ Suối Nho, hành khách trên xe xuống gần hết, chỉ còn vài người trong đó có chị và tôi. Trời bỗng trút mưa tầm tã, chị nhìn sang tôi làm quen:

- Trời mưa lớn quá, em về đâu?

- Dạ, em đến nông trường nhận việc làm.

Chị nhìn tôi chăm bẳm rồi ái ngại:

- Nông trường còn xa lắm, em phải chuyển xe nữa, vả lại trời gần tối.

Chị kéo cao cổ áo, rồi nhìn tôi lần nữa:

- Hay là em ghé nhà chị nghỉ tạm qua đêm, sáng mai đi tiếp.

Ngoài trời mưa lớn, lại sắp tối, nông trường còn ở nơi đâu xa tít, trong bụng cũng mừng vì có người giúp, nhưng tôi vẫn ngại ngùng:

- Chị không sợ người lạ vô nhà sao?

- Nhìn em, chị hiểu đây là mẫu người hiền lành và đàng hoàng, đừng ngại.

     Sáng hôm sau, tôi đứng nhìn mấy cây Bằng Lăng trước sân nhà chị Tám, màu tim tím trên những đóa hoa thật đẹp, cái đẹp giản dị sâu lắng của rừng núi, ánh nắng vung vãi trên các ngọn điều còn trẻ, những cây điều chưa đủ tuổi ra hoa, nhìn ngôi nhà, nhìn những cây xoài, cây chôm chôm, cây mít Tố Nữ đủ biết chủ nhân ngôi vườn không là người địa phương, có lẽ mới đến đây lập nghiệp.

Chị Tám bước ra, tay cầm cái kéo để cắt vài nhánh Bằng Lăng vào chưng trên bàn Phật, chị cười:

- Chị muốn em ở đây, chị ở có một mình rất buồn,  em lên nông trường làm việc cực nhọc lắm, ở đây chị tìm việc làm nhẹ nhàng cho, chị nghĩ em không phải là dân lao động chính gốc.

- Vì sao chị nghĩ vậy. Tôi thắc mắc.

Chị vừa cắt Bằng Lăng vừa nói:

- Qua một đêm chị em mình tâm sự với nhau, chị biết em là người có kiến thức, dáng yểu điệu thục nữ như em mà vào nông trường làm chừng ba ngày là nó đuổi chạy về hổng kịp.

Tôi phì cười, chị hay quá, đó là điều mà tôi đang lo, chị là người từng trải,  có sự hiểu biết rộng rãi, lại là người Sài Gòn, trò chuyện với tôi rất hợp, tự nhiên tôi mến mộ và thầm cảm ơn chiếc xe đò đã xui khiến cho tôi gặp chị.   

     Vài tuần sau, được giấy gọi đi dạy học, tôi nhận lớp Mẫu Giáo,  nghề gõ đầu trẻ là nghề tôi đã chối từ lúc còn ngồi lưng chừng  ghế sinh viên năm thứ nhất, bây giờ đến đây, không còn sự lựa chọn nào khác, tôi đành phải chấp nhận thôi, ngày đầu khai trường, ngôi trường nằm trên một khoảng đất trống, mái lợp tôn, vách cây lưa thưa, nền đất, gồm có ba phòng học, lớp 1, lớp 2 và lớp Mẫu Giáo, chưa có nhà vệ sinh, trường nằm giữa trung tâm của ba thôn ấp, người miền Bắc, miền Trung chiếm đa số, còn lại số ít là người miền Nam và dân tộc thiểu số. Phụ trách một lớp học hơn 40 em học sinh, có đứa áo quần lôi thôi lếch thếch, có đứa mang dép chiếc này chiếc nọ, những tiếng khóc la ồn ào, các em nhỏ không chịu vào lớp, tôi và phụ huynh phải năn nỉ dỗ dành, các em mới chịu ngồi  vào bàn thút tha thút thít, thật nản chí vô cùng, tôi muốn bỏ cuộc.

 Một tháng sau, có sự thay đổi đột ngột, tôi bỗng yêu trường lớp của một thôn xóm nghèo nàn hẻo lánh, tôi thương yêu học trò của mình, thương những đôi mắt ngơ ngác, thương những nụ cười vô tư, những lời nói thơ ngây đến buồn cười:

- Thưa cô, thằng Sơn ngồi gần con hôi rình à.

- Cô ôi, trò Tín lấy thước chọt chọt lưng con hoài à.

- Cô ơi, con Xuân ra ngoài gốc chuối đái rồi không chịu vô kìa.

 Đến ngày nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11, tôi được các em mang tặng những món quà nho nhỏ cây nhà lá vườn.

- Cô ơi anh Hai con cho cô mấy mục măng rừng nè.

- Cô ơi Ba con chặt cho cô mấy khúc mía nè.

- Cô ơi Má con cho cô một nải chuối  nè.

Buổi tối, ngồi chấm điểm những bài học vỡ lòng, nghe tiếng róc rách của Thác Trời vang vọng, cái Thác không cao chỉ được chiều dài nhưng tại sao lại gọi là Thác Trời nhỉ? tôi nghe tiếng lao xao của những khóm mía đan lẫn với tiếng chuyện trò của chị Tám và chị Năm nhà bên cạnh:

- Tôi lượm được con nhỏ này trên chuyến xe đò, nhờ vậy mà nhà này đỡ quạnh hiu.

     Chị Tám và chị Năm đều giá chồng, còn tôi thì ly dị, ba người đàn bà không chồng rất hợp nhau, chị Năm nhà ở quận Tân Bình có 4 người con đều khá giả, chị không ở chung với con mà lên đây sống một mình với mảnh vườn nho nhỏ. Chị Tám ở  quận Bình Thạnh, con bảo lãnh đi nước ngoài nhưng chị không đi, rồi cũng lên đây mua đất cất nhà vui thú điền viên, còn tôi ở quận 3, sống  chung với chị em trong ngôi nhà của cha mẹ để lại, chắc có duyên với hai chị nên cũng trôi dạt lên đây. Hai ngôi nhà không có đàn ông luôn rộn rã tiếng cười nói huyên thuyên, tuần này nấu món gì, tuần sau nấu món gì, sáng sớm ba chị em cùng đi tập thể dục, con lộ đất đỏ không bằng phẳng, hết dốc lên lại dốc xuống, có đoạn như chiếc võng, từ nhà đi bộ dài dài  đến Thác Trời, rồi quay trở lại, tới đầu đường ghé quán cóc uống cà phê, tôi không thích cà phê nên dùng sữa nóng, ngồi hàn huyên cho tới khi mặt trời ửng hồng ở đằng Đông mới chịu rời chỗ, ngày nào cũng vậy.

Cuối năm, các trường hay tổ chức văn nghệ, tôi được dịp viết kịch bản theo sự yêu cầu của các trường, có khi thì một vở kịch nói, khi thì một đoạn cải lương ngắn, khi thì các bài ca vọng cổ nói về tình thầy trò..v..v.. tiền kịch bản tôi hay mua cho chị Tám, chị Năm  những cái nón kiểu xinh xinh để cho hai chị đội lúc đi chơi, tôi muốn làm sống lại thời trẻ trung của hai chị.

      Lớp học của tôi nhìn ra ngọn núi Chứa Chan, còn gọi là ngọn Gia Lào, mang vẻ đẹp hùng vĩ, uy nghiêm, núi này được ví như nóc nhà của miền Đông Nam Bộ. Đến giờ ra chơi, đứng nhìn lên đỉnh núi, mây bay lơ lửng, tôi chợt thấy lòng man mác buồn, mình như đám mây kia rồi sẽ trôi về đâu, vì tôi biết rằng nơi đây sẽ không là nơi tôi dừng chân cố định, cuộc sống thường ngày giản dị và an phận, tôi có được những chuỗi ngày dài thú vị, hưởng được không khí mát lạnh của núi rừng, và nhất là được chiêm ngưỡng hoa tím Bằng Lăng để lòng mình dậy lên một ý thơ, mà bấy lâu nay đã nằm yên trong tâm hồn mơ mộng của tôi.

Một năm trôi qua, ngày khai trường của niên khoá mới đã đến, tôi lại đứng lớp, lại có các em học sinh bé nhỏ, vẫn những bài học vỡ lòng, vẫn bảng đen với những bụi phấn rơi rơi mỗi khi tôi viết, những khuôn mặt  đánh vần cờ a ca sắc cá, mũm mĩm, dễ thương. 

Sáng thứ hai vào lớp chợt thấy có một bình hoa tím Bằng Lăng đặt trên bàn, tôi hỏi của ai, cả lớp rộn lên, không em nào trả lời, lát sau có một đứa bé gái đứng lên nói:

- Thưa cô, hồi nãy có một chú mang bình bông tới đặt trên bàn của cô đó.

Rồi cứ đến thứ hai, là có một đoá hoa tim tím cắm vào bình, tuần nào cũng thế, vài tháng sau, tới giờ ra chơi, một cô bé bán bánh mì trước cổng trường khoảng 18 tuổi, tới bên tôi rụt rè nói: 

- Thưa cô, Ba con hỏi sao cô ở có một mình với bà Tám vậy.

Tôi cười:

- Ba con hỏi chi vậy?

- Dạ, Ba nói Ba thương cô.

Yên lặng hồi lâu cô bé nói tiếp:

- Tuần nào Ba cũng hái hoa đến cắm vào bình trên bàn cô, Ba nói cô yêu hoa Bằng Lăng lắm.

tôi ngạc nhiên:

- Ủa, sao Ba con biết.

- Mỗi lần đi ngang qua nhà bà Tám, Ba thấy cô hay đứng ngắm hoa.

Tôi nghe lòng bâng khuâng:

- Nhà con trồng nhiều hoa lắm sao.

- Dạ, cũng nhiều, nhưng khi nào nhà hết hoa thì Ba con vào rừng hái.

Tôi thấy lòng mình rung động trước một nghĩa tình, hỏi một câu vu vơ:

- Má con đâu?

- Má bỏ Ba đi mười mấy năm nay rồi.

      Cứ mỗi buổi trưa đi dạy về ngang qua căn nhà tôn có ô cửa sổ màu xanh nằm ở bìa rừng, tôi luôn luôn thấy một người đàn ông đứng tuổi dáng dấp cao cao, rắn rỏi, đứng trước hiên nhà, mắt nhìn ra  đường như chờ đón, mỗi khi thấy tôi là môi nở nụ cười thân thiện, có vẻ ngập ngừng như muốn nói điều gì đó, ngày nào cũng vậy...cũng vậy.....và tôi thành thói quen đi ngang qua ô cửa sổ màu xanh là phải nhìn vào. 

  Thắm thoát mà đã năm năm, ba người bạn tri kỷ tri âm vẫn bên nhau hạnh phúc, vẫn mang niềm vui đến với nhau, vẫn đi thể dục đều đặn trên con đường làng vào mỗi sáng sớm, cho đến một ngày kia nhận được tin phải đi xa, tôi vô cùng ray rứt, không muốn rời xa nơi này, dù  đã biết trước rằng sẽ có ngày mình phải  đi khỏi nơi đây, không muốn mọi người buồn vì sự ra đi không hẹn ngày trở lại, tôi đành phải nói dối, chuẩn bị hành trang mà cõi lòng tan nát. Sáng sớm, chị Tám và chị Năm thức dậy lui cui  nấu nồi chè đậu xanh bột báng cho tôi ăn lót dạ, hai chị dặn dò kỹ lưỡng:

- Lên máy bay nhớ mang theo nước uống.

- Phải trang điểm cho người nước ngoài thấy phụ nữ Việt Nam vô cùng duyên dáng. 

- Đi du lịch 3 tháng xong nhớ trở về đây nhé, không có em hai bạn già này buồn chết, chẳng thà hồi đó không có sự hiện diện của em ở đây .

Tôi không dám nhìn hai chị, không nói lời nào, đưa mắt ngó cây hoa tím Bằng Lăng sân nhà một lần cuối cùng trước khi xa rời nó, kể từ giờ phút này người ấy sẽ không còn nhìn thấy tôi đứng ngắm hoa vào mỗi chiều, người ấy sẽ không còn thấy tôi về ngang qua ô cửa sổ màu xanh, mãi mãi và mãi mãi, một xúc động bùi ngùi chiếm trọn tâm tư, tôi đứng lặng không thốt nên lời, nghe nước mắt mặn môi.

Chuyến xe đò về Sài Gòn sao thấy nặng nề thương nhớ, ngọn núi Chứa Chan mây mờ che phủ xa dần, kỷ niệm xa dần, ô cửa sổ màu xanh xa dần......chỉ còn lại trong tôi một nỗi buồn nặng trĩu.

     Thời gian lặng lẽ trôi qua, cuộc sống nơi xứ người không như tôi ước mơ, thiếu bóng dáng tình láng giềng, thiếu hình tượng chị Tám, chị Năm, bất đắc dĩ tôi phải chấp nhận cuộc sống tha hương, tuổi xế chiều những đam mê lụn tàn dần, tôi thèm tiếng gà gáy buổi trưa hè, tiếng róc rách của con suối chảy, tiếng kẽo kẹt của chiếc võng sau nhà, tiếng rít của ngọn gió lay động nhánh Bằng Lăng trong nắng chiều.

Sau này tôi liên lạc về Xuân Lộc, hai người chị thân thương không còn ở đó nữa, chị Năm bị bệnh thần kinh rồi chuyển qua tâm thần nặng, không còn biết gì nữa cả, con trai lên bán nhà rước chị về Sài gòn nuôi dưỡng, chị Tám bị bệnh hen suyễn, vắng tôi, vắng chị Năm, một mình chị không đủ sức chống lại cái buồn cô đơn quạnh quẽ, rồi chị cũng bán mảnh vườn trở lại Sài Gòn, tôi đã mất đi hai ngôi nhà đã đùm bọc tôi suốt mấy năm trời. Nỗi hối hận vì đã dối lòng mình, không can đảm nói sự thật là con bảo lãnh đi nước ngoài, để cho hai chị ngày đêm trông ngóng, đếm từng ngày mong đủ 3 tháng  tôi trở lại, hai người bạn già nương tựa nhau, an ủi, chia sẽ, đồng cảm lẫn nhau trong những đêm tối tịch mịch, tôi đã mang sức sống, mang niềm vui, mang tiếng cười rộn rã đến cho hai chị vì tôi vốn có óc khôi hài, rồi tôi ra đi bỏ lại sau lưng hai ngôi nhà trống vắng, càng thêm trống vắng, gieo bao nỗi buồn cho người ở lại.

      Hơn năm năm trời ở Mỹ, tôi thấy thời gian trôi nhanh như bóng câu qua cửa, như nước chảy qua cầu, chợt thấy mình già đi rất nhiều, hình như tôi không còn nét vui tươi, phấn khởi như thưở còn đi dạy học về trên con đường đất đỏ ngoằn nghoèo, tôi không còn vô tư nhìn mây bay cuối chân trời mặc cho hồn thơ lai láng, nơi đây, tôi không tìm được cho mình một tình cảm trong sáng như ô cửa sổ màu xanh thầm lặng mà sâu lắng, ôi thời gian, thời gian không là một liều thuốc để cho con người ta dễ dàng lãng quên tất cả.......

 

Lợi Trân

 

 

 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.