TKH - banner 05

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

 

 

          Tôi mê gà nòi từ hồi còn để chỏm, lúc nhỏ ông tôi nuôi gà đá, tôi lân la bên ông hỏi hết chuyện nầy đến chuyện khác, đặc biệt những lần xổ gà không bao giờ vắng mặt tôi. Sau màn xổ gà tới phê bình hay dở. Tôi thường  được ông giải thích tỉ mỉ, không cần biết tôi hiểu hay không. Đặc biệt nhà không nuôi gà chạ (gà Tàu) vì ông tôi chê thịt gà tàu ăn nhão nhẹt. Đến khi ông mất, kế đó phải lo chạy giặc, giống gà nhà cũng mất luôn. Trong lần chạy Tây tôi xin được một cặp gà nòi từ bác Thầy giáo bạn với ba. Tôi chăm sóc cặp gà tới lúc con mái đẻ trứng đầu tiên. Tôi mừng rỡ vô hạn. Rủi thay gà mái bị gió chết. Con trống mỗi ngày mỗi lớn với lông mã đỏ au lông đuôi đen tuyền, ức ó. Mấy bác lối xóm và cả ba tôi đều khen con gà vảy tốt, tướng tá đúng sách vở. Xổ thử với con trống tàu của Dượng Bảy, lớn hơn nó gấp bội vậy mà trong vòng mười lăm phút nó đá con gà tàu mặt mày đầy máu và chạy ra ngoài la oác oác. Ba tôi quyết định nuôi nó để đá độ.

          Sau khi nuôi kỹ lưỡng, ba tôi và tôi ôm nó tới trường gà ở Cầu Kho, làng Tân Hạnh, để đá…Đồng trạng (cùng sức nặng) với nó có hai ba con nhưng chủ các con gà vừa nói đều chạy (không chịu đá vì sợ thua). Hai ba lần đến trường đều ế độ, ai cũng nói là chân nó vảy vi quá tốt. Ôm tới lui mãi cũng chán, ba tôi và các bác lối xóm quyết định đi xa may ra đá được.  Chúng tôi chèo ghe đến Mù U, đường đi Cần Thơ, chủ trường gà là Đại úy Hồng Nam thuộc lực lượng Hòa Hảo. Gà điều của tôi đụng độ với con gà xanh của một ông ở Vĩnh Long. Hai bên sắp sửa chuốt cựa. Ông Hai Ngà vừa đến trường gà, gặp ba tôi rồi nhìn bà con, ông xin không đá vì con gà xanh là của cháu ông. Lại ế độ nữa, theo luật trường gà: đụng độ rồi vì bất cứ lý do gì không đá thì bên rút lui phải bồi thường một phân. Ví dụ  hai bên hứa đá một ngàn đồng bên xin đình phải chung cho bên kia một trăm đồng. Đáng lẽ tôi được mấy trăm đồng, nhưng vì chỗ quen biết với ba tôi nên bên tôi không lấy tiền phạt. Chiều sắp sửa ra về, Đại Úy Hồng Nam năn nỉ ba tôi bán gà cho ông với giá rất cao, nhưng tôi không nỡ bán.

Năm sau ba tôi cũng đem con điều đến trường gà nhưng vẫn ế độ. Mưa xuống gà đổ lông nên ngưng đá vì hết mùa. Bác Út ở cách nhà tôi chừng một cây số mượn gà tôi về đổ mái, tôi sợ ông không chăm sóc chết gà cưng của tôi, nên từ chối, bác Út thế cặp gà giò nhà ông cho tôi trước để mượn nó. Bác Út gầy được bốn năm con trống, trong đó có con điều chưn xanh

Mới mười hai tháng tuổi gà xanh đã ăn độ xuất sắc ở trường. Ông Hội Đồng Bản theo tới nhà nài mua với giá rất cao. Bác Út bán gà, liền tới nhà cho tôi năm chục đồng để lấy hên..  Năm sau ông Hội đồng đi đá ở Sa đéc cũng ăn độ. Tháng kế tiếp ông đem gà qua Mù U có ba tôi và bác Út cùng đi, lần nầy tiền đá độ lên tới mấy chục ngàn, ba tôi và bác Út  về nhà vẫn nhắc mãi nước đá của con gà Xanh vừa hãnh diện lẫn tiếc rẻ. Tôi mê gà, nhưng không đi đá nữa. Lúc sau nầy ít trường gà, có lẽ vì tình trạng an ninh, gà nuôi chỉ để ăn thịt. Giống gà của tôi bị toi không còn con nào...

          Khi tôi ra trường, tự nhiên tôi hết mê đá gà, hay là lúc này tôi để thì giờ đưa đón người yêu cho nên giữa hai phải chọn một, rốt cuộc bồ bịch nặng hơn nuôi và đá gà. Tôi nói với ba tôi:

          _ Con hết mê đá gà, con thấy tàn nhẫn quá.

Ba tôi không nói gì, một lát ba cho biết, gà gặp nhau thì cũng đá tranh hơn thua, đằng nầy mình cho hai con đồng tài, đồng sức, con nào hay thì thắng chuyện cũng tự nhiên không thể nói là tàn nhẫn. Ngay chuyện Quốc Cộng, một bên rình rập nổ súng bên kia không hay biết, giết nhau kiểu đó mới gọi là tàn nhẫn... Tôi không tranh luận với ba tôi. Ba tôi có nhiều việc ông khó khăn, nhưng cãi lý ba tôi rất thoải mái, thậm chí tôi có bồ ba tôi hỏi tôi cũng thú thật không giấu giếm. Tôi không nhắc tới gà được ít năm, đến khi tôi đổi về Chợ Lách, xung quanh quận toàn gà nòi do các sư kê nuôi, phụ huynh học sinh phần đông đều nuôi gà và đá gà. Lúc này tự nhiên tôi lại thích nuôi gà trở lại, có sư kê còn dạy cho tôi coi vảy gà, chăm sóc gà thế nào để có thể đi đá. Giờ rảnh tôi tìm mua giống gà tốt về nuôi, tôi mua được gà trống, gà mái dù họ nể lắm nhưng vẫn kiếm cớ từ chối không bán. Sau cùng một anh bạn mới quen, biết tôi thích gà nòi, anh mời tôi về nhà ăn cơm và bắt cho tôi một cặp gà, tôi bắt đầu gầy giống lại. Cũng bắt đầu từ những năm nầy, thứ bảy, chúa nhựt, tôi theo mấy ông bạn mới đến trường gà coi chơi, nếu gà của họ đụng độ tôi cũng bỏ tiền vào hùn. Mới tập tành, còn lơ mơ, đá theo sở thích, nhiều khi trái với ý kiến của các ông bạn, vậy mà tôi thắng nhiều hơn thua. Mấy bạn miệng thì cho là tôi được tổ đãi, chứ thâm tâm mấy ổng nghĩ là tôi đá gà theo kiểu khùng điên.

Một ông sư kê ở gần trường có hai con học với tôi, ông thấy tôi mê đá gà nhưng là tay mơ nghĩa là chưa biết nhiều về gà, ông mời tôi tới nhà dẫn tôi xem mấy con gà ông nuôi đi đá, ông chỉ tôi cách nuôi, từ xổ gà, xem cựa, xem vảy vi, có đêm tôi ở nhà ông tới chín giờ tối để học những bí quyết về cách xem cựa của con gà có thể đá và hy vọng thắng, ông dạy tôi cách xem lông gà, xem cách ngủ của gà. Chẳng hạn con gà định sáng mai đi đá, tối đến nó ngủ gác mỏ trong cánh, đem đến trường mười con thua hết chín. Ngủ như thế chứng tỏ con gà còn bịnh, không sung. Sáng đem gà đi đá, người nuôi gà đá phải xem nó ngủ cách nào, nếu nó rỉa lông, rỉa cựa tức là nó như có linh tính là ngày mai nó sẽ đụng độ, những con gà đó đem đến trường đá hy vọng nhiều phần thắng. Những bài học ông sư kê truyền lại tôi học kỹ và nhớ nằm lòng. Trong những năm sau tôi thỉnh thoảng đi đến trường gà xem và học hỏi thêm. Tôi đá “hàng sáo”, nghĩa là mình không có mang gà tới trường, xem gà người khác đá, thích con nào thì đá theo bên đó, đá kiểu này mình có thể khi ở bên này, khi ở bên kia miễn tính sao cho có lợi cho mình. Đá gà cũng giống như cá độ Football. Cái nào cũng có cái lợi và cái hại của nó. Đá hàng sáo nhiều khi gà mình ưng ý lại đá quá tệ khiến thua tiền lãng xẹt.

Từ khi tôi nuôi gà đi đá, cả nhà ai cũng hoan nghinh, nhứt là các con tôi, không phải vợ con đồng ý vì tôi đá giỏi, luôn thắng mà vì mỗi lần tôi đến trường gà dù ăn hay thua, chiều về thế nào cũng có con gà thua làm sẵn, bà vợ chỉ chặt xào nấu một chốc thì có món ăn ngon miệng: khi thì gà cà ri, khi hầm, lúc kho, lòng gà thì xào chua  lai rai cũng có lý lắm. Ở trường gà những con gà thua độ bán từ bảy tám chục tới một trăm đồng, tôi mua rồi mướn người làm chừng năm đồng, họ làm sạch sẽ lông, chiều về mang chiến lợi phẩm cho gia đình thưởng thức.

NHỮNG  ĐỘ  GÀ  TÔI  NHỚ  MÃI  KHÔNG  QUÊN

1 - Vân Tiên đấu với Cốt Đột

Gọi thế cho có vẻ văn hoa một chút, sự thực là con Điều mù cặp mắt đá với con Ô lông thép. Độ nầy đá ở trường gà An Hữu. Sáng thứ bảy tôi bận chuyện nhà, tới trường gà quá trưa, Chủ gà Ô từ Cao Lãnh xuống, chủ gà Điều dường như từ Rạch Ruộng, An Hữu. Con điều hơi lớn xác hơn con ô. Chủ gà điều cho biết là gà điều bị mù hồi năm trước sau khi thắng trận. Hai bên kèn cựa mãi sau cùng đồng ý đá. Tiền đá độ lên đến mười lăm ngàn, gà ô phủ sổ, nghĩa là từ mười lăm ngàn trở lên, bên gà điều muốn đá bao nhiêu cho họ biết. Gà điều kêu sổ một lúc cũng đủ tiền độ. Phải nói là độ gà hy hữu, không ai dám theo gà điều, đui mù lớ rớ bị chém chết. Nhìn vào tiền độ ai cũng biết gà ô thuộc loại gà chiến, giống như tướng Cốt Đột trong Lục Vân Tiên, ngoài tài còn có bùa phép nữa. Chưa thả gà, bên gà ô phóng ăn tám (bên gà ô đá hay phóng ăn tám nghĩa là ô cá một ngàn ăn chỉ tám trăm thôi), rồi ăn bảy, hàng sáo không ai dám bắt, chỉ bên phe gà điều, dân Rạch Ruộng bắt rất nhiều.  Khởi đầu, gà ô nạp trước, anh điều có lẽ nghe hơi gió cũng nhảy lên giương cựa hứng. Gà ô nóng nảy nạp tới tấp, gà điều dường như bị thương nhẹ, hết dàn nạp, gà điều bắt bạc ăn sáu. Trong khi xâu vô tìm cắn đá, con điều bị đá mé, gần mí mắt đổ máu. Bạc xuống ăn năm rôi ăn tư, tôi bắt liều một ngàn ăn tư (tức là tôi binh gà điều, nếu điều thua tôi mất bốn trăm, nếu gà điều thắng tôi ăn trọn một ngàn).

Gà điều bị nhiều đòn nữa, tôi cầm chắc thua rồi, thình lình con điều chung dưới lườn gà ô thay vì lên đá dĩa, nó quay mỏ ra sau và cắn được lông đuôi gà ô đá ba bốn đòn đến khi sứt lông. Miệng gà điều đầy lông, nó rẩy ra (động tác làm cho lông ở miệng văng ra), anh cho nước gà điều lượm sợi lông như thép cuốn tròn la lên: Gà điều nhổ sợi lông tài của gà ô rồi. Bên gà điều vang lên bắt bạc ăn năm ăn sáu, ăn bảy cũng bắt. Gà điều ra vài đòn hiểm nữa, gà ô bị thương nặng chưn đứng không vững, gà điều phóng lại ăn tư rôi ăn ba, nó đá thêm vài đòn nữa bạc xuống ăn một rồi năm lai, chủ gà ô xin vớt một phân. Trận gà kết thúc, gà điều thắng lớn. Sau trận gà tôi dọ hỏi tìm hiểu tại sao gà mù lại dám mang đi đá, chủ gà điều cho tôi biết nó đã đá ăn ba độ rồi và độ này thứ tư dù bị mù.

Trên đường về tôi nói với các bạn, nếu gà điều sáng mắt thì đã thua gà ô rồi, đằng nầy vì mù quàng bất kể chết nó mò mẫm  và rớ đúng cọng lông thép nhổ đi thành thử con ô phải thua.. Nửa thế kỷ qua, tôi vẫn nhớ như in độ gà hy hữu tôi gặp lần đầu.

2 - Chủ gà quá tham, nên bị thua phản

 Độ gà diễn ra ở gần bến đò Đình Khao (Vĩnh Long) vào ngày Tết năm 1970. Sáng mùng một Tết, tôi ở nhà cúng kiến, chạy vô Phú Quới mừng tuổi ông bà, về nhà gần một giờ trưa. Tôi chạy xe xuống trường gà, hôm nay trường gà rất đông khách, nghe nói họ đã đá ba độ rồi và độ thứ tư đang làm cựa. Hai con gà xáp chiến đều gà điều, một con mồng dâu, con kia mồng trích, con mồng trích của ông Năm Lưu, người Tàu bán vải ở chợ Vĩnh Long. Ông Năm cỡ sáu mươi, người vui vẻ, đi đá chỗ nào cũng có mặt ông, thường ông đá hàng sáo, ít khi đem gà nhà, có lẽ ông bận buôn bán không rảnh để chăm nom, nên ông không nuôi chăng? Lần nầy ông đem gà đến trường ai ai cũng đinh ninh gà của ông Năm là gà chiến. Quả thật gà trích của ông đá rất hay, gần cuối nước nhứt, gà của ông gây cho gà đối phương bị thương nặng.  Nghỉ xả hơi năm phút sang nước nhì, gà trích như càng hăng hơn, đối phương yếu dần. Gà trích lừa thế bấu vai và ra đòn, điều mồng dâu đầu đen, có triệu chứng nghẹt thở, trường gà lao xao, bạc phóng xuống ăn một, rồi năm lai, trận đấu xem như kết thúc. Chủ gà điều mồng dâu xin vớt một phân. Ông Năm không chịu.. đã vậy thì cứ để đến khi nào gà la “áo, áo” hoặc chết tại chỗ thì ôm ra và chung tiền. Bất ngờ gà sắp thua khạc ra máu đen, đầu từ từ đỏ trở lại, nó cắn vai gà trích đá một đòn sấm sét, gà của ông Năm giãy tê tê và chết tại trường. Ông Năm đã thua tiền mà còn bị dân đá gà nặng nhẹ, xiên xỏ đủ điều.

          Dân đá gà có cái lịch sự đáng khen là khi gà không dậy nổi hoặc bạc xuống năm lai chủ gà xin vớt người ta luôn đồng ý. Vớt một phân nghĩa là nêu đá trong sổ một ngàn đồng chỉ thua chín trăm đồng, một trăm vớt để cho chủ gà thua đi xe cộ, cơm nước. Đó là cách cư xử lịch sự của dân đá gà.

3 - Sao lại mua gà mái

Môt hôm, ông hàng xóm, đến nhà năn nỉ tôi mua giùm ông con gà trống ó, ông kẹt tiền nên bán, tôi xem tướng vảy vi, rồi đồng ý mua cho ông năm ngàn đồng thời bấy giờ. Tôi nghỉ là tôi mua hơi đắt nhưng với lối xóm tôi không bao giờ cò kè bớt một thêm hai. Tôi ôm gà về nhà, bà xã nhìn tới nhìn lui rồi nói:

          _ Sao anh lại mua gà mái

Mấy bà lầm cũng phải, vì gà ó không có lông mã như các gà khác, đuôi cũng ngắn không dài thượt như gà điều, gà ô v.v.. Tôi hớt lông xổ thử, nó té lên té xuống, nhưng nó chuyên về đá vai, đá dĩa. Tôi kiên nhẫn xổ lần nhì, nó đá khá hơn, mỗi lần xổ nó đều tiến bộ. Đến lúc sắp đá được tức là nuôi kỹ lưỡng, các trường gà trong tỉnh và Sa Đéc bị cấm. Một chúa nhựt ba bốn ông bạn đem một số gà lại rủ tôi đá. Gà khách năm con, cáp tới lui không được. Một người bạn bắt con ó của tôi cáp với gà ông Thầy Thuốc Bắc ở dưới chợ. Tôi đồng ý, thả gà chừng ba phút con ó chụp vai đá một đòn, gà ông Thầy nằm mẹp. Gà ó ăn độ không trầy một chút nào hết, tôi toan ôm nó tắm rửa và vô nghệ. Ông Thầy Thuốc kêu tôi chồng độ với con gà khác của ông. Tôi đồng ý, giống như độ trước con ó xây qua lại cũng ra một đòn vai, gà của ông thầy trúng hang cua chết liền. Tất cả bạn bè mới bắt đầu chú ý đến con ó của tôi. Gà ó còn ăn ba độ nữa cũng cùng một đòn đá vai

4 - Con Gà Diều Hại Dân Đá Gà Vĩnh Long Thua Cháy Túi

Ông giáo Long ở An Thành, một buổi sáng nghe tiếng gà con kêu chit chit ở đống rơm cạnh nhà do diều tha làm rớt, ông bắt đem vô nuôi nấng kỹ lưỡng, không lâu nó trở thành con trống Xám oai vệ, biệt danh gà Diều. Trong dịp Tết xã An Thành mở trường gà cho bà con vui chơi. Hàng xóm xúi ông Long đem con gà Xám ra trường thử tài. Gà xám thả ngoài vườn, không hớt lông, không vô nghệ ngãi. Long đem nó đến trường, mấy tay sư kê thấy dễ ăn, vì gà xám chưa xổ, không ai biết nết đá như thế nào. Ông Long cũng tuyên bố là ông không biết gốc gác của nó. Ai ưng thì đá, lỡ nó chạy hoảng thì ráng chịu. Đụng độ với nó là con ô mã lại. Làm cựa xong gà ô phóng bạc ăn sáu, đá độ năm phút bạc xuống ăn hai rồi ăn một, khán giả xúi Long xin vớt, Long không chịu, liền sau đó con Xám cắn được hầu con ô đá một đòn, gà ô nằm tại chỗ. Long đem gà về bắt đầu hớt lông vô nghệ, tháng sau đem đến trường khác, gà Xám cũng đụng độ mau vì dáng lêu khêu của nó ai cũng ham. Như độ trước mới vô nó bị đá tơi bời, sau cùng chỉ một đòn đá, gà đối phương bay khỏi trường la áo áo liên hồi.

          Long với tôi là bạn, biết tôi nuôi gà đàng hoàng nên Long nhờ tôi nuôi đem Sa Đéc đá. Gà Xám năm nay phát tướng, lông mướt, từ màu xám đổi sang bông, xổ thử hai lần tôi nhắn Long đi đá. Ngày đó dân đá gà ở Vĩnh Long chừng hai chục  người đi theo ủng hộ gà Diều. Ai cũng nghĩ đây là dịp may. Gà Diều đụng độ liền, nó nạp một lúc bị gà đối phương đá tới tấp. Bên đối phương phóng bạc bao nhiêu Vĩnh Long đều bắt hết, hy vọng gà Diều ra một đòn thôi.  Chờ mãi đến lúc nó hết đứng nổi Long xin vớt một phân. Gà Diều hại tụi tôi người hết tháng lương, người nửa tháng. Ai có đi đá ngày đó đều bị gà Diều làm cho sạch túi. Hiện nay ở Mỹ vài ba vị chắc không quên  độ gà Diều năm nào.

Viết xong September 26, 2013

Nguyễn Thành Sơn

 

 

 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.