User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

Tình Người Vợ Tù

 Bửu Truyền

     Mùi ngai ngái xông lên nồng nặc, Tư khó khăn đưa cánh tay dường như bị bẻ gãy dụi mũi. Tiếng nhốn nháo như từ cõi nào vọng lại, kêu ù ù trong lỗ tai:

          - Ê anh ta tỉnh rồi kìa!

          - Anh ta nằm bất động suốt đêm qua!

Một, rồi hai bàn tay xoa bóp vai, cố dìu Tư ngồi dậy:

         - Anh tên Tư phải không? Bị tụi nó đánh nặng tay quá! Anh thấy trong người ra sao? Anh uống chút đường tán cho khỏi bị bệnh đau tức sau này nha!

     Tư muốn trả lời, nhưng hai xương quai hàm cứng ngắt, khó mà mở miệng được. Chàng từ từ cựa mình, cố gắng mở đôi mắt sưng vù, vẫn không thấy rõ nơi đây là đâu. Nhưng những song sắt đan thành ô vuông trên trần nhà và chấn chặn những khung cửa sổ nhỏ, đủ cho Tư hiểu đây là phòng giam, nhà tù! Nhìn những bộ quần áo "sọc ngang" bốc mùi hôi hôi của những người đang vây xung quanh, và những người đang ngồi bó gối lố nhố trong hóc tối... càng làm cho lòng Tư đau nhói, thở dài:

        - Ta lại bị bắt nhốt nữa rồi! "Ðường nào cũng về La... Mã"! Cái câu thành ngữ mà những kẻ thường vào tù ra khám đều thuộc nhão nhề: "Với cộng sản, làm gì thì làm, cuối cùng rồi cũng vào... Khám Chí Hòa"!

4297 1 TinhNguoiVoTUBTruyen

     Chàng nhớ lại. Khi bị chúng bắt quăng lên xe cây, Tư yên trí sẽ bị đưa về hoặc số 4 Phan Ðăng Lưu, Bà Chiểu; hoặc Bộ Công An ở đường Nguyễn Trải, Quận 1; rồi sau khi tra khảo "vắt chày ra nước", chúng sẽ đưa về Chí Hòa, đường Lê Văn Duyệt cũ, nay chúng đổI tên là Cách Mạng Tháng Tám.

Nhưng, chỗ này hoàn toàn lạ quắt. Chàng không biết nhà lao nào đây?

     Nhìn xuống chỗ ngồi, cái bồn cầu trệt đóng ghét và màu nước tiểu vàng khè thiếu nước dội, Tư lại hắt hơi mấy cái liền. Nước mắt, nước mũi lại ràn rụa. Một tiếng nói có vẻ anh cả:

        - Thằng Òn và thằng đưa nó lại nằm cạnh hai đứa bây đi!

        - Dạ!

      Hai tiếng dạ cùng lúc. Một người bụng to tròn như "cóc chửa", chắc là thằng Òn, một đứa tuổi chưa tới hai mươi, mặt xanh xao, bước tới xóc nách Tư, kéo lê về một góc.  Một chiếc chiếu rách tả tơi được Òn trải ra. Một cái mền rách tơi tả hôi hám được Bé cuộn vụng về để bên cạnh Tư. Thằng Òn rót cho Tư một chén nước từ trong lon guigoz:

        - Chú Tư uống đỡ! Mười 11 giờ mới phát cơm. Tụi nó sẽ phát chén đũa cho Chú.

      Thằng Bé, nói giọng Quảng Nam:

       - Bác bị đánh nặng như rứa, chắc là đau lắm! Mọi chuyện lãnh cơm, nước để cháu lo cho Bác. Khi nào được phép đi tắm, cháu sẽ giúp Bác nghe!

          Tư nghe một luồng cảm xúc dâng lên. Nơi chốn lao tù này, với hai con người có vẻ thấp kém này còn có tình tương thân tương trợ, "tù cũ ấp ủ tù mơí", chứ không "tù cũ ăn hiếp đủ tù mới"! Tư trìu mến nhìn Thằng Òn, thằng Bé, cố mấp máy nói, nhưng nghe trông trống, dường như mấy chiếc răng cửa đã đi theo những cú giáng thô bạo của chiếc dùi cui, cú đá, cú thoi... đêm qua! Tư gật đầu ra dấu cảm ơn hai đứa và mọi người bạn... tù đang nhìn về chàng thương hại! Vài giọt máu chảy ứa ra mép, Tư nghe mằn mặn. Những vết bầm trên mặt, trên ngực đã hiện màu thâm tím, rát bỏng. Tư nghe ê ẩm cả người. Hai cánh tay rã rời. Thằng Bé càng nắn, bóp, Tư càng đau đớn, muốn rên rỉ, nhưng vẫn cố gắng kềm chế.

Tiếng xích sắt vang lên. Cánh cửa nhà tù nặng nề hé mở. Một giọng Bắc ngọng nghệu dội vào:

          - Nê Văn Tư đâu? Ði nàm việc!

          Tư mơ hồ nghe chưa rõ. Một người, chắc là... "tù trưởng",  anh cả, xếp sòng trong Phòng đứng lên, bước tới gần, kéo tay Tư:

         - Cán bộ kêu anh đi làm việc! Cố gắng "giữ gìn" nha!

Tư ngước nhìn hiểu ý, không trả lời. Thằng Òn kéo tay Tư choàng qua cổ, dìu Tư ra cửa. Một chiếc còng chực sẵn. Một tiếng "cắt" khô khan. Một tiếng quát dội ngược:

          - Ði nhanh nên! Ðừng có giã vờ đau đớn nhá!

          Một cú đạp thẳng cẳng. Một tiếng ngã xấp "ứ hự"!. Tư bị kéo đến căn nhà gần cỗng ra vào. Buổi "làm việc" ban đầu chỉ là "thủ tục" viết bản tự khai nhập trại. Với vài cái đập bàn, đá ghế. Với vài mươi lần quát tháo. Với đôi chục bận "nựng nịu" tát vào má vọt máu mũi, Tư được trả về phòng giam khi đã ngất xỉu!

          Bất kể ngày hay đêm, Tư được cán bộ Trại đưa đi "làm việc", lúc với Ty Công An Vũng Tàu - Bà Rịa, khi với Sở Công An Thành phố Hồ Chí Minh, và cả Bộ Công An. Khẩu cung vẫn xoay quanh, cột buột vào:

           - Có phải mày tổ chức vượt biên không? Tiền, vàng mày dấu ở đâu?

          Một tên tỏ vẻ ra cái điều hiểu biết:

          - Mày là ngụy quân biệt phái, là tên do CIA cài lại, có đúng không? Kẻ chỉ huy mày tên gì? Đang ở đâu?

          Tên khác chen vào:

          - Nếu thành thật khai báo, chịu nhận tội gây nợ máu với nhân dân, sẽ được Đảng và Nhà Nước Cách Mạng khoan hồng!

          Cuối cùng khủng khiếp hơn, một tên rút súng K.54 ra, đe dọa thẳng thừng:

              - Chúng tao không tiếc gì vài băng đạn bắn vỡ đầu mày! Ðừng ngoan cố! Thằng phản động!

          Tư đã quá quen đến độ thuộc nằm lòng những lời cật vấn "sắt máu", những đấm đá "ấn tượng" của những kẻ "lòng lang dạ sói", mất hết nhân bản, lấy sự đau đớn, chết đi sống lại của người khác làm thú vui, vinh thăng "nghiệp vụ". Lần nào cũng như lần nào, Tư đều nhất mực không khai bất cứ điều gì:

           - Thưa cán bộ, tôi hoàn toàn không biết gì hết!

Câu nói chưa dứt, Tư đã tiếp nhận những báng súng AK vào be sườn, vào sau xương sống như trời giáng:

           - Mày vẫn ngoan cố hở! Chúng tao đã biết hết rồi! Hồ sơ tội ác do đồng bọn mày cung cấp đầy ắp đây này! Tao hỏi mày lần chót, mày có chịu nhận tội không?

          Một tên mặc thường phục đanh thép ra lệnh:

           - Ngày mai đem bắn bỏ mẹ nó đi!

 ***

        Một tháng nặng nề trôi qua! Từ những lo sợ phập phồng khi có tiếng mở cửa sắt bất chợt, cứ ngỡ là cán bộ quản giáo, những tên câu hồn, tử thần đến gọi tên mình đem xử bắn; nhưng không, chúng kêu hết người này đến người kia đi "làm việc" (tra khảo, ép cung) và họ vẫn được trả trở về phòng, Tư dần dần bớt sợ và thản nhiên, phó mặc cho số phận.     Những vết thương trên người cũng dần dần bớt đau nhức. Những chén cơm hẩm với một vài con khô hố, khô sặc dần dần cũng ngon miệng. Những buổi sáng xếp hàng đi tắm không đầy 30 giây dần dần cũng mát mẻ, sảng khoái. Những buổi chiều, nằm nghe thằng Òn khoe tài nghề nghiệp "thổi xế" (ăn cắp xe) nhanh như chớp của nó từ Bãi Sau ra Bãi Trước, hoăc ngay cả ở Chợ Mới Vũng Tàu, Tư cũng thấy vui vui. Thích thú nhất là nghe thằng Òn kể chuyện "thổi" xe của mấy chú Công An trước cửa Công An Phường ngay khi chúng vừa quay lưng đi. Làm cho chúng bực mình, khi bắt được thằng Òn, chúng tha hồ trả thù bằng những cuộc "tẩm quất" thô bạo, những tiếng chửi thề kém văn hóa! Chúng lấy bộ chìa khóa "nghề nghiệp" của Òn. Nhưng chúng không thể xử dụng một cách thiện nghê như Òn. Còn thằng Òn, chỉ cẩn vài hôm sau là có ngay bộ khóa khác, còn tinh vi, diệu kỳ hơn!

        Cùng với một vài tù nhân khác, Tư kêu thằng Òn chỉ cách mở khóa. Đầu tiên là mở khóa... còng số 8. Thằng Òn hí hửng, ngắt một cọng chiếu bên dưới chỗ ngồi, bẻ làm đôi, lên tiếng thầy đời:

              - Các chú nhớ khi bị còng, đừng bao giờ cựa quậy! Càng cựa quậy, còng càng xiết chặt thêm. Lấy một cây tăm xỉa răng, hay một cọng chiếu, hay bất cứ cọng cây nào nhỏ bằng chưn nhang, chêm vào cái chốt đừng cho còng xiết chặt thêm. Hai bàn tay bắt tréo lên nhau. Ngón tay trỏ và ngón tay cái cầm cọng cây xỏ vào lỗ khóa, đưa từ trái sang phải, rồi hất mạnh lên. Chiếc còng sẽ bật ra ngay.

          Tư  nửa tin nửa ngờ. Chưa có dịp thấy tận mắt thằng Òn mở còng. Thằng Bé buột miệng, đoan chắc:

              - Bác Tư hổng tin, Chủ nhựt này, anh Òn sẽ biểu diễn mở khóa xe vespa của cán bộ Trại ngay tại trưóc sân nhà giam này cho các Bác, các Chú coi nghe!

          Đúng như lời thằng Bé nói, Òn đã được tên Chỉ huy Phó Trại Giam - mà trước kia gọi là Khu Trại Gia Binh này, ở ngay trung tâm thành phố Vũng Tàu, gần dãy nhà "lầu 5 tầng Liên Sô" - kêu ra trước sân:

              - Nếu mày mở được khóa xe vespa của tao trong vòng 1 phút như mày nói, tao sẽ thả mày ngay!

          Thằng Òn nói một cách đầy vẻ tự tin:

              - Dạ, Chú Năm nói thiệt hén? Nhớ lời nhen!

          Người mà thằng ồn gọi là anh Năm đút tay vào túi quần, vênh váo:

              - "Ðảm bảo"!

          Thằng Òn nhắc lại:

              - Chú Năm khóa xe cẩn thận chưa?

              - Khóa cổ xe rồi! Chìa khóa tao bỏ túi đây! Mày bát đầu đi!

              - Dạ! Chỉ cần Chú Năm quay lưng đi, rồi quay mặt lại là xong!

          Tên Năm gằng giọng, phách lối:

              - Rồi! Tao quay lưng đây! Nếu khi tao quay lại mà mày chưa mở xong, tao sẽ nhốt mày thêm 10 năm nữa!

          Thằng Òn reo lớn tiếng:

              - Dạ xong rồi! Máy xe cũng nổ rồi! Mời Chú Năm coi!

          Tên Năm quay mặt lại, lấy tay bẻ thử cổ xe, và nhìn làn khói xịt ra:

              - Mày làm sao hay vậy?

          Thằng Òn được thả thật.

          Nhưng chỉ ba ngày sau, lại thấy nó... mang còng vào trại. Nó nói:

              - Ra ngoài chán quá chú Tư ơi! Con cố tình mở trộm chậm chậm cho tụi "Bò Vàng" nó thấy, để nó bắt con, đưa vào đây... thăm các Chú. Ở đây bên các chú con cảm thấy... vui sướng hơn!

          Tư nhìn Òn mà thương hại. Đúng! Giữa xã hội nhiễu nhương, bị bần cùng hóa đến tận cái khố che thân, bị bóc lột đến tận xương tủy, thì một kẻ không nhà, không nơi nương tựa, không người thân, sống bằng nghề chôm chỉa, trộm cắp, thường bị đánh đập... như thằng Òn, thà vào nhà giam nhỏ, tuy chật hẹp, nhưng còn có tình, có nghĩa, có sự cảm thông của các bậc cha chú, anh em, người đồng cảnh ngộ tù tội mất hết tương lai, hơn ở nhà tù lớn bên ngoài! Mất hết tình người! Vố cảm! Vô tâm! Vô tri! Vô giác!

          Thằng Òn nỉ non:

              - Con nhớ nhứt, những lúc đêm về, nghe anh Sáng cất tiếng hát 10 bài Không Tên của Vũ Thành An, với tiếng đàn guitar réo rắc, não nùng! Mà đời... đê mê, tê tái! Chắc cả tháng nay, Chú Tư đã nghe anh Sáng hát rồi phải không? Chú thấy hay không chú?

          Tư gật đầu đồng ý! Tiếng hát ấm nồng, làn hơi phong phú, ngón đàn thiện nghệ, từng nốt nhạc, từng lời ca thấm vào lòng, rung động con tim của hơn 40 con người đang xếp lớp như cá hộp trong một căn phòng không quá 30 mét vuông này:

          - Xoa tay khi em vào đời / Mà đời còn nhiều đắng cay / Hãy đến chia nhau nghèo khó / Quên lo tương lai mịt mờ / Hãy cố yêu người mà sống / Lâu rồi đời mình cũng qua / Lâu rồi đời mình cũng qua...!

        Qua khung cửa hẹp, không gian u tịch lờ mờ ánh sao trời như tâm hồn người sa cơ thất thế. Thỉnh thoảng tiếng kẻng điểm canh từ vọng gác lêu nghêu trên hàng rào kẽm gai, khiến cho tim kẻ cùng đường mạt vận xót xa phận mình, phận người mình thương, mình nhớ! Bất chợt, Tư buông tiếng thở dài:

          - Có lẽ lúc này, Lan đau khổ lắm!

***

4297 2 TinhNguoiVoTuBT

Anh,

          Em không biết phải bắt đầu từ đâu, để kể chuyện hay tâm sự với anh. Lòng em bối rối, nôn nóng, thương nhớ lẫn lộn!

          Thôi thì, em nhớ đâu viết đó! Hơn nữa, đây là lần đầu tiên, em viết thư cho một người...  con trai, một người đàn ông. Đúng hơn, viết cho người... em yêu, một người mà em tin tưởng sẽ là chồng em! 

          Anh đừng cười em nha!

          Cái đêm anh bị bắt. Chứng kiến tận mắt cảnh anh bị đánh đập, bị quăng lên xe, em đã kêu gào đến ngất xỉu. Nhờ các cô chạy bàn trong quán cà phê biết mặt em, xúm nhau cạo gió, thoa dầu rồi chở em về nhà.

          Sáng hôm sau, em lên Phường Thắng Tam để hỏi thăm tin tức về anh. Chúng cứ loanh quanh tra khảo em:

              - Cô là gì của thằng Tư?  Nó là CIA phải không? Tại sao cô dám chứa chấp nó một cách bất hợp pháp? Nó về đây tổ chức vượt biên phải không?

          Chúng còn hù dọa em đủ điều. Không xong, chúng đổi qua dụ dỗ:

              - Cô ký tên nhận tội cho thằng Tư đi. Nó sẽ được Cách Mạng khoan hồng, thả về ngay!

          Một tên khác nhấn mạnh:

              - Cô ký tên đi, thằng Tư sẽ về ngay! Chúng tôi đảm bảo!

          Em cũng hơi mềm lòng; nhưng nhớ lại lời chị Ba căn dặn trước khi đi:

              - Em đừng có dại mà nghe chúng nó lường gạt ký tên nhận bất cứ điều gì nha!

              - Dạ! Em biết!

          Hơn nữa, với kinh nghiệm bản thân, hằng ngày em đã chứng kiến không biết bao nhiêu cảnh những người vợ các anh đi cải tạo bị lừa, bị gạt mất nhà, mất đất, mà chồng con có được thả về đâu! Em nhứt quyết cố chống chỏi tới cùng. Chúng kêu em tới lui ‘làm việc’ mấy ngày liên tiếp. Có khi ngồi từ sáng đến chiều, thấy em vẫn tỉnh bơ, không tỏ vẻ gì run sợ, rúng động, chúng đành cho em ra về.

Anh biết không? Chúng dọa nạt không xong, quay qua kế... thả dê! Tên Công An Trưởng Phường tìm đến nhà. Lấy cớ ‘điều tra tại chỗ’. Chúng bảo rằng:

              - Thằng Tư nó đã khai hết rồi! Nó đã nhận tôi hoạt động cho CIA Mỹ. Nó về đây cùng với cô "hợp đồng" tổ chức vưọt biên. Ðây này, ‘Bản Tự Khai’ của Thằng Tư đang ở trong nằy đây này! Cô nhận tội đi!

          Một thoáng lo ngại, tim đập thình thịch! Chúng vừa nói, vừa vỗ tay vào cặp da bình bịch. Nhưng không đưa ra bất cứ tờ giấy nào cả! Em hơi yên tâm. Chúng lục soát tứ tung. Không một nơi nào mà chúng không bươi móc, lật tung ra. Nhưng vẫn không tìm ra được gì, ngoài vài cây thuốc lá.       Chúng lập biên bản 'tịch thu hàng lậu'.

          Anh thấy có lo cho em không? Sau này, anh về, em sẽ kể anh nghe. Thú vị lắm! 'Vỏ quít dày, có móng tay nhọn', và 'kẻ cắp gặp bà già' phải không anh? 

          Biết không có cách gì "gỡ gạt" ở em, tên Công An trở mặt. Mấy ngày sau, chúng bắt thằng Minh, với lý do "lấn chiếm lòng lề đường" vá vỏ xe đạp. Chúng giữ Minh suốt một ngày, rồi hai ngày. Nóng long lo lắng cho Minh, em phải đóng tiền phạt, Minh được thả về.

          Anh,

          Còn nhiều chuyện nữa, vô cùng rối rắm; nhưng bây giờ em muốn hỏi thăm về anh.

Không! Em muốn nói: Em nhớ Anh! Nhớ anh vô cùng! Anh nhớ bài hát Không Bao Giờ Quên Anh của Hoàng Trang không anh? Em hát anh nghe nha!

          Nhớ lúc chia phôi, cầm tay chưa nói / Hết bao nhiêu niềm thương của tuổi xuân vừa tròn. /Xa nhau, mấy người không buồn không nhớ / Xót xa cho tình yêu / Nối tiếc xa xôi, ngày xưa anh nói / Vẫn yêu em nghìn năm, vẫn đợi em trọn đời.

          Anh,

          Trong lúc anh bị dồn vào đường cùng, không nơi nương tựa, định mệnh, không, em muốn nói dòng đời đưa đẩy đã cho em gặp được anh. Trước khi được gọi là hạnh ngộ với anh trước mặt ông Sáu Râu, em đã thấy anh đi lang thang trên Bãi Trước qua nhiều ngày rồi. Em đoán, anh đang ‘lặn lội’ tìm đường ‘xuất ngoại’. Em có mời anh mua trái cây, nhưng anh hững hờ từ chối.

         Anh đừng cười em nha! Chính em cũng đã đắn đo khi mở miệng mời anh. Với những du khách khác, em mời hỏi một cách tự nhiên, đến độ vô hồn, khuôn sáo, ước lệ; nhưng với anh, duờng như em hơi lúng túng, thiếu tự nhiên. Nét mặt của anh không khắc khổ, tuy bề ngoài, quần áo quá ‘tang thương’ rách nát như ‘cái bang’.  Ðôi mắt anh trong và sáng tuy có vẻ u uẩn đau thương cho phận mình, cho mệnh nước, vẫn chất chứa kiếm tìm một niềm hy vọng ở tương lai cho mình, cho tiền đồ tổ quốc. Nhất là nụ cười của anh. Sao em không thấy héo hắt với tấm thân gầy gò, suy dinh dưỡng, đói khát; ngược lại vẫn tươi, vẫn chan hòa mạng mạch của lòng nhiệt huyết, của ý chí kiên cường, bất khuất. Ðúng không anh?

          Anh,

          Sau hơn một tháng ngóng tìm tin Anh, chiều Thứ Bảy, có một người tìm đến nhà, gặp em. Hắn rụt rè noí:

              - Chị có phải là Lan không? Chị là... vợ của Anh Tư phải không?

Em hơi nghi ngại, dò xét:

              - Có chuyện gì không anh? Có phải anh là công an đến điều tra không?

          Hắn lắc đầu nguầy nguậy:

              - Không! Không! Em bị nhốt chung với Anh Tư trong Trại Khu Gia Binh. Em trước đây là Công An Vũng Tàu, nhưng bị chúng gài bắt về tội Bán Bãi, nhốt hơn ba năm rồi. Chúng đưa em ra nhốt ở dãy nhà dành cho Tù đi Lao Ðộng bên ngoài. Nên em có thể đi quét tuớt dọn dẹp, đi chợ, nấu cơm, đêm cơm phát cho các Phòng Giam khác. Anh Tư có cho địa chỉ của Chị, về nói cho Chị biết, ảnh đang bị nhốt ở trong Khu Trại Gia Binh. Nếu chị muốn gởi thơ, chị viết đi, ngày mai, trước khi trở vô Trại, em sẽ trở lại lấy.

          Lan chưa hết ngờ vực:

              - Xin lỗi anh! Từ ngày Anh Tư bị bắt đến giờ, nhiều người tự xưng là bạn, là bà con, là ở tù chung, đến đây kêu tôi gởi quà, gởi tiền cho anh Tư; nhưng tôi chỉ biét cảm ơn, vì không một chứng cớ cụ thể nào của anh Tư gởi về! Làm sao mà tin được phải không anh?

              - Chị nói rất đúng! Tôi quên cho chị biết tên: Tôi tên là Mạnh, Tám Mạnh. Mấy thằng bạn xấu mồm, thường gọi là Mạnh Hô! Vì, như chị thấy, tôi hô duyên!

          Em không khỏi cừơi thầm, ngay khi nhìn thấy anh ta, hình ảnh đầu tiên đã đập vào mát nàng là... hô. Anh Ta hô quá khổ! Hô hơn bàn nạo dừa khô! Nghe anh ta tự nhận, em cũng phải khen là anh ta thật thà, bộc trực. Trong khi em đang miên mang nghĩ về anh ta, thì Mạnh Hô lần túi lấy một mẩu giấy nhỏ cuộn tròn đưa cho em:

              - Chị đọc sẽ biết phải thư của anh Tư hay không!

          Em nhìn anh ta, quan sát từng động thái, và đưa tay cầm lấy mẩu giấy nhầu nát. Em mở ra đọc, võn vẹn:

              "Lan em, Anh đây! Tư"

          Nét chữ run run, vội vàng, vẫn biểu tỏ đúng là chữ của anh như đã viết trên những tờ giấy ‘Giao Hàng’ đưa cho Minh đi bỏ thuốc ngoài chợ. Em rót nước mời Mạnh Hô:

              - Ngày mai anh lại lấy ít quà mang vô cho Anh Tư nha! Có cả quà cho anh nữa! Cảm ơn anh nhiều lắm!

          Tiễn Mạnh Hô ra khỏi cửa. Lòng mừng vô hạn, hơn bắt được vàng! Em đã nhìn được chữ viết như nhìn được hình bóng của Anh! Như gặp được anh! Em đưa ‘bức thư’ lên môi, hít nhẹ thật dài, như hôn vào má, vào mắt, vào môi người mình yêu! Ðê mê! Nồng nàn! Anh, anh có cảm nhận được không anh?

***

Không biết vô tình hay cố ý, từ góc phòng bên kia, anh Sáng, người ca nhạc sĩ Phòng... Giam, cất tiếng hát mượt mà:

          Tôi viết lên đây với tất cả chân thành / Của lòng tôi trao anh /Ngày nào đã quen nhau, vì chung hướng đời, / Mình trót trao nhau nụ cười / Và tình yêu đó, tôi đem ép trong tim / Dù bụi thời gian có làm mờ đi kỷ niệm / Của hai chúng mình / Tôi cũng không bao giờ / Không bao giờ quên anh.

         Tư mơ hồ tiếng nói của Lan đang thỏ thẻ bên tai mình. Lá thư được dấu kín trong lon guigoz đứng muối đậu phọng do Mạnh Hô mang vô. Vì cùng là bạn cùng ngành Công An với nhau, nên Mạnh Hô trở vào trại, không bị khám xét, lục soát! Mạnh Hô lợi dụng lúc phát cơm đã khéo léo lén trao thư cho Tư trưa nay.

Sáng vẫn réo rắt bản Bao Ðêm Không Ngủ của nhạc sĩ Vinh Sử:

          Bao đêm không ngủ gối chiếc đã hoen lệ sầu / Bao đêm không ngủ tiếng khóc xót thuơng tìm nhau / Anh ơi đi đâu phương trời nào có thấu / Những nỗi đắng cay buồn đau cho tình ban đầu / Bên sông mưa đổ chiếc bóng nhớ thuơng nhiều rồi!/Tim em đau khổ biết nói với riêng mình thôi / Canh khuya đơn côi quanh mình là bóng tối / Nước mắt đã bao lần rơi dòng đời vẫn trôi / Anh ơi! Bao giờ anh về / Bao giờ anh về nghe tiếng nói dịu êm./Anh ơi! Chim kia tìm tổ ấm / Nước vẫn trôi về nguồn sao nỡ để em buồn / Cho em hơi thở ấm cúng những khi lạnh lùng / Cho môi em nở thắm thiết giữa đêm trời đông / Đôi ta trao nhau huơng đời và ý sống/Nối tiếc với bao ngày xanh đừng phụ nhé anh...! 

            Tiếng bước chân dồn dập hướng về phòng giam. Tiếng mở khóa! Cánh cửa hé mở. Ánh sáng vàng vọt các ngọn đèn đêm làm mờ bóng người lố nhố ngoài sân:

              - Nê Văn Tư đâu? Ra đây ngay!

     Tư chết điếng! Chắc chắn, chúng gọi mình nửa đêm, chỉ là để... đem bắn! Thế là xong! Toàn thân bủn rủn, nhũng mềm ra như bún thiu! Thằng Òn, thằng Bé và dường như tất cả tù nhân trong phòng đều ngồi chõm dậy, hướng mắt về Tư, dọ xét! Anh Hai, người "tù trưởng phòng" đến bên Tư thương cảm:

              - Sao vậy anh Tư? Tất cả anh em cầu nguyện Bồ Tát Quan Âm phù hộ cho anh!

     Tư mất thần bước ra. Cánh cửa phòng giam đóng sầm lại.

     Cảnh tượng trước mắt làm mắt Tư hoa lên. Một người mặc bộ đồ tù còn mới bị xích hai chân, còng hai tay đang té qụy, được một người tù khác to lớn vạm vỡ đứng kềm chặt bên cạnh; xung quanh là một lũ công an, súng Ak tua tủa. Tư thoáng nhận ra anh Bảo Châu, một võ sĩ, cũng có thể nói một võ sư Thái Cực Ðạo, bị tù đã hơn 3 năm rồi về tội vượt biên. Và... người tù mặc áo mới kia là anh Trịnh Thiếu Hoa.

     Tư chưa dứt hết ý nghĩ, đã bị một tên công an đến bên quát tháo:

              - Hai đứa bây, thằng Bảo Châu và mày, Nê Văn Tư, có nhiệm vụ giữ chặt tên phản quốc kia. Còn việc gì nữa sẽ có "nệnh" sau. Nghe chữa?

          Ðã nghe tiếng và biết Tư bị bắt từ mấy tháng nay, nhưng vì bị nhốt riêng biệt ở hai dãy nhà khác nhau, nên Bảo Châu chưa có dịp nói chuyện với Tư, một võ sinh Taikwondo có đẳng cấp cao hơn mình, cùng tu huấn tại Ðại Hàn, từ những năm trước 1975.

          Tư chợt hiểu ra, lý do mà bọn Trại giam kêu Bảo Châu và Tư "hộ tống" tử tội đến "pháp trường".       Trên chiếc xe jeep của chế độ cũ, nhìn Trịnh Thiếu Hoa bị bịt mắt vẫn tỉnh veo, như không có chuyện gì đang xảy ra quanh mình, Tư nghe ớn lạnh chạy dài suốt xương sống:

              - Không biết, chỉ mỗi mình Trịnh Thiếu Hoa bị... hay luôn cả mình nữa!?

          Ðoàn xe gồm 4 chiếc quẹo vào cổng Trung Tâm Huấn Luyện Cán Bộ Bình Ðịnh Xây Dựng Nông Thôn ngày trước. Chạy quanh co một hồi, ra gần đến bờ biển, đoàn xe dừng lại trong rừng thông. Ánh trăng tù mù sắp lặn bên kia dãy núi Lớn, những bóng người nhảy vội xuống xe, dang thành hàng ngang. Một tên công an mang lon 4 sao, đại úy, bước tới ra lệnh:

              - Cho chúng nó xuống xe.

          Bảo Châu và Tư cả hai dường như đều toát mồ hôi lạnh. Tay run run, cố gắng dìu bạn đồng tù. Trịnh Thiếu Hoa hỏi nhỏ:

              - Ðến chỗ rồi hở hai anh?

          Không chờ câu trả lời, Trịnh Thiếu Hoa nói tiếp, vẫn giọng trong, ấm "bình thường":

              - Chúc Anh Bảo Châu và anh Tư ở lại mạnh giỏi nha! Cho em gửi lời thăm vợ và con em. Các anh nhớ tiêu diệt Cộng sản, trả thù cho dân tộc nha!

          Hai tên công an đẩy Bảo Châu và Tư lôi Trịnh Thiếu Hoa tới một gốc cây thông. Bảo hai anh  cầm lấy sợi dây thừng quấn chặt hai khủy chân, và hai cánh tay Trịnh Thiếu Hoa kéo vòng ra sau cột lại. Quan sát thật kỹ, hai tên công an bảo Tư và Bảo Châu lùi ra phía trước đầu xe, đậu cách đó chừng hơn 30 mét. Một toán 6 tên "sát thủ" dưới quyền chỉ huy của một tên khác, chạy đến xếp hàng, cách Trịnh Thiếu Hoa chừng... 3 mét. Một tên "kiểm tra" lại băng bịt mắt.

Trước một tích tắt, loạt súng AK chát chúa nổ, Tư nghe:

              - Ðả đảo Cộng Sản. Việt Nam Cộng Hòa muôn năm!

          Ðầu Trịnh Thiếu Hoa gục sang bên. Một phát, rồi hai phát súng "ân huệ" vào mang tai người đã chết, kèm theo tiếng chửi thề:

              - Đ.M. Ðồ ngoan cố! Ðến chết vẫn còn "phản động"!

Một tên tay trái mang bămh có chữ thập đỏ, chắc là "giám y" "báo cáo" đến khám xác người, quay lại chào tên đội trưởng:

              - Xin báo cáo! Nó đã chết!

          Bảo Châu và Tư được lệnh tháo dây và khiên xác bỏ vào một cái hố đã đào sẵn, lắp cát cho bằng, không được để lại một dấu tích gì!

          Phía chân trời xa, một vi sao rơi vào biển cả mênh mông. Tiếng sóng vỗ tức tưởi, nghẹn ngào! Trên đầu sóng mang trên bao vành khăn trắng! Rừng thông đang ngủ yên, chợt lao xao, rì rào như lên tiếng tiễn đưa một linh hồn trai trẻ về bên kia bờ đại dương, nơi mà người vừa nằm xuống muốn tìm đến, nhưng đành ở lại nơi đây trước họng súng của kẻ bạo tàn khát máu!

          Tư thất thểu, bước chệnh choạng trở lại phòng giam. Trời vẫn còn mờ mịt tối. Nhưng, những hình ảnh vừa qua đã bùng cháy trông tâm thức, trong con mắt của chàng. Kinh dị! Đau xót! Hận thù!

***

Trịnh Thiếu Hoa!

         Nghe qua, tưởng là tên con gái, một người con gái thật đẹp! Ðúng, Trịnh Thiếu Hoa đẹp như một người con gái xuân sắc. Dáng người mảnh mai! Mặt hoa da phấn. Trắng hồng. Ðôi môi đỏ mộng! Tiếng nói trong vắt, dịu êm. Cử chỉ thanh thoát, nhẹ nhàng. Anh hát rất hay. Ðàn rất giỏi. Tài đánh đàn của anh không thua kém, đúng ra là còn hay hơn anh Sáng ở phòng bên nay.

Ðặc biệt, về tài đánh cờ... mù của anh, không ai địch nổi. Cùng một lúc, ba người ở ba phòng kế bên trá, bên phải và một phòng phía trước, bày bàn cờ tướng ra, từng hai người một đánh với nhau. Một người đi cờ theo lời hướng dẫn của... Trịnh Thiếu Hoa nói vọng sang. Trăm trận trăm thắng!

            Trịnh Thiếu Hoa, người Rạch Giá, Kiên Giang. Anh là sĩ quan Truyền Tin, tốt nghệp tại Vũng Tàu.  Cấp bậc cuối cùng Trung Úy. Năm 1978, anh tổ chức một chuyến vượt biên, bất thành. Chết máy, ghe trôi giạt vào Côn Sơn. Bị Công An Biên Phòng bắt giải về Vũng Tàu.

            Sau thời gian bị "khai thác không có thu hoạch", Tư cũng có khi được cho đi phát cơm các buồng trong cùng dãy trại mình. Tư có dịp gặp và nói chuyện vài câu với Trịnh Thiếu Hoa. Anh rất bặt thiệp. Yêu cầu anh hát bản nhạc gi là anh lấy đàn ra ca hát ngay! Tiếng hát anh không khác mấy Nhật Trường.

              - Hôm nay Thiếu Hoa khỏe không? Có thể nào đàn và hát cho anh em nghe một vài bài được không?

          Trịnh Thiếu Hoa vui vẻ, lấy đàn so dây, rao liền intro:

              - Anh thích Hoa hát bài gì?

              - Bài gì cũng được!

          Vậy thì, mới các anh nghe bài Không Tên số 5 của Vũ Thành An, cho giống tâm sự của anh em mình hiện tại nha!

4297 3 TinhNgVoTuBT

           Quấn quít vân vê tà áo / Run run đôi môi mở chào / Tiếng nói thơ dại ngày nào / Bây giờ mộng đời bay cao / Góp hết tương lai vào tiếng  / Yêu thương trao em một đời  / Hãy xót xa đợi ngày tới  / Mai rồi ngọt bùi sẽ chia

Nâng niu cô đơn từng ngày  / Xoa tay khi em vào đời  / Mà đời còn nhiều đắng cay / Hãy đến chia nhau nghèo khó / Quên lo tương lai mịt mờ  / Hãy cố yêu người mà sống  / Lâu rồi đời mình cũng qua  / Lâu rồi đời mình cũng qua...

          Tiếng hát anh thật não nùng, xót xa! Xót xa lời của bài ca.  Anh đã chấm dứt chưa, mà niềm chua cay vẫn còn trôi chảy mênh mang trong lòng mọi người. 

          Trịnh Thiếu Hoa cho biết ai là thần tượng âm nhạc của riêng mình:

              - Hoa  thích nhạc Phạm Duy, Dương Thiệu Tước, Ðặng Thế Phong, một số bài của Lam Phương.

          Có ai yêu cầu anh hát nhạc Trịnh Công Sơn, anh không che dấu lòng mình đối với kẻ "ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản" này:

              - Xin anh em mình đừng ai nhắc đến tên... bồi nhạc phản chiến Trịnh Công Sơn. Nhạc không đầu không đuôi. Tán loạn như tâm trí người điên, kẻ say! Và nhất là, nhạc Trịnh lại lồng trong tiếng hát Khánh Ly. Các anh thấy đó, Khánh Ly hát không hay. Cuối câu hay hước lên, giọng khãn đặc lào khào, y như người sắp chết lấy hơi lên! 

     Anh lại không thích những bản nhạc mà ca từ "nhân gian" quá! Những điều anh tâm sự, đa số anh em đều đồng ý!

     Có người thắc mắc, thán phục:

              - Tại sao anh đánh cờ tướng hay quá vậy? Nhất là, trước mặt anh không có bàn cờ. Anh đánh... mù mà vẫn thắng tụi này, là tại làm sao?

          Trịnh Thiếu Hoa khiêm tốn:

              - Ðâu có gì khó! Ăn thua mình có trí nhớ hay không thôi! Mình nhớ, trên bàn cờ, các quân cờ của hai bên "địch và ta" đang ở vị trí nào, vị trí nào, coi như mình đang nhìn vào bàn cờ trước mặt thôi!

              - Một lúc, Thiếu Hoa chỉ cho ba, hay bốn đấu thủ. Tức là phải nhớ cùng một lúc ba, bốn bàn cờ! Mà hay hơn nữa là thắng hết cả ba, bốn bàn. Anh em phục sát đất luôn!

              - Một bàn cờ là một thế trận! Nói cách khác, mỗi ván cờ là một... thế cờ! Chỉ cần bao nhiêu lần đi là sẽ thắng. Không chạy thoát!

              - Làm sao biết mình phải dùng thế cờ nào?

     - Mình đi tiên, đi trước, hoặc đối thủ đi trước, đến nước thứ ba là mình biết còn bao nhiêu nước nữa là mình chiếu bí họ!

          Tất cả anh em, dù có người cũng rất giỏi cờ tướng, nhưng cũng phải khâm phục Thiếu Hoa về tài đánh cờ mù!

          Có người yêu cầu Trịnh Thiếu Hoa dạy đàn, hát. Anh nói:

              - Hát hay đàn cũng dễ thôi! Tất cả đều do mình có thích hay không! Từ thích, đến đam mê! Từ đam mê đến... thiện nghệ, thành công không xa lắm!

          Anh giải thích thêm:

              - Hát thì phải luyện giọng là đương nhiên. Học thanh nhạc, học cách phát âm cho đúng, cho rõ trước khi học luyến láy. Như cuối câu là vần an, ang thì phải ngân như thế nào cho đúng. Rồi phải nắm vững ký âm pháp, nhạc lý. Chà cái này, rắc rối à nhen. Ðâu có thể học vài ba ngày là thành... ca sởi, đừng nói chi là ca sĩ, ca lẻ!

          Thiếu Hoa thường pha trò, nói tiếu lăm ngay cả trong lúc nói chuyện "đàng hoàng" nhứt! Nhưng không bao giờ nói cái kiểu "tục mà giảng thanh". Anh không thích! Và luôn tránh né điều này!

          Có anh cắc cớ hỏi:

              - Như vậy, học đàn dễ hơn!

              -  Cũng đúng mà cũng không đúng - Thiếu Hoa phân trần - Ðánh đàn, dĩ nhiên không cần có chất giọng tốt, làn hơi dài; song, cũng như bất cứ nghề nào khác, mình không có năng khiếu, thì phải có sự yêu nghề, quý nghề mới được. "Văn ôn võ luyện". Ông bà mình đã dặn dò, mình nên tập luyện cho chuyen cần, thì... "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh"! Các anh đã biết hơn Thiếu Hoa mà!

          Chàng từ tốn:

              - Những gì Thiếu Hoa có thể hướng dẫn các anh trong tại tù này, chỉ có thể là căn bản. Hay nói cách khác, chỉ là gợi ý. Hơn nữa, ở đây, mình không có đàn. Bên phòng kia, có cây đàn của anh Sáng. Ở đây, chỉ có cây đàn cũ mèm của Thiếu Hoa. Mình lại không ở chung nhau. Thiếu Hoa gần như bị biệt giam, làm sao mà chỉ cho các anh. Chẳng qua chỉ nói đại khái về lý thuyết thôi! Thiếu Hoa sẽ nói, còn tùy các anh nhớ được bao nhiêu thì nhớ.

          Rồi, Thiếu Hoa cẩn thận dặn dò:

              - Cố gắng mà nhớ. Ðừng có ghi chép vào giấy điều gì hết!, Khi xét phòng, cán bộ quản giáo sẽ tịch thu, họ cho là những mật mã, mật hiệu, linh tinh. Óc nghi kỵ của họ phong phú lắm! Họ sẵn sàng chụp cho chúng ta bất cứ cái mũ nào. Và các anh sẽ bị nhốt biệt giam đó!

          Không biết, đã có bao nhiêu người học được những gì Trịnh Thiếu Hoa chỉ dạy hát và đàn trong cảnh... địa ngục trần gian này! Ðối với Tư, về hát ca, chàng đầu hàng... Lan vô điều kiện. Nàng hát có thể nói là khá hay. Về nhạc, nguyện vọng của chàng là, sáng tác những bài tình ca quê hương. Nhưng cho đến nay, chưa gặp sư phụ. Bây giờ, với Thiếu Hoa, chàng cũng "thọ giáo" chút đỉnh "do, ré, mi, fa, sol, la, si". Biết đánh vài gam. Biết đàn vài bài. Nhìn vào bản nhạc biết cung gì. Do, La... trưởng, thứ... Ðủ về nhà "nấy ne" với... Lan!

Tư hy vọng, cho tới ngày ra khỏi tù, chàng sẽ học hỏi nhiều hơn nữa nơi Trịnh Thiếu Hoa, một thanh niên rất dễ mến, dễ thu hút cảm tình mọi người về cả tài lẫn sắc, nhất là tính nết đạo đức hiếm thấy.

          Nhưng,

          Vào một buổi sáng cơn mưa đầu mùa chưa dứt hột trên mái tôn nhà lao, cái oi bức đã làm ngột ngạt cả phòng giam. Càng ngột ngạt khó thở hơn khi hay tin sét đánh ngang tai:

              - Ðêm qua, Trịnh Thiếu Hoa đã được lãnh... "quần áo mới"!

          Anh Hai, anh Sáng và đa số trong phòng ai cũng hiểu "thông lệ" này:

              - "Lãnh quần áo mới" có nghĩa là sắp bị đem đi... xử bắn!

          Tư không hiểu! Dù đã biết mơ hồ rằng là Trịnh Thiếu khó tránh khỏi tử hình! Nhưng theo chàng, ít ra phải có bản án, phải cho tội nhân kháng cáo, nếu vẫn bị kêu y án, phải cho tử tội xin Chủ Tịch nước ân xá chớ! Ðằng này, Trịnh Thiếu Hoa chỉ mắc tôi "xuất ngoại bất hợp pháp", vượt biên đi tìm tự do... như hằng trăm, hằng vạn người khác, đâu có hành động nào bị Tòa án kết tội "phản động" hay "phản quốc" đánh phá, hay muốn lật đổ nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa đâu!

          Và từ ngày bị bắt nhốt, Trịnh Thiếu Hoa không có hành vi bạo loạn, ngôn ngữ chửi bới, nguyền rủa Ðảng đâu! Anh không than thân trách phận. Anh không gây phiền toái với bất cứ ai. Ngay cả vấn đề thăm nuôi, anh cũng không phàn nàn, khi phải đợi hai, hay ba tháng, vợ và con anh mới được từ Rạch Giá lên thăm một lần. Và rồi, những lần sau này, anh không được ra Khu Tiếp Tân để gặp mặt gia đình. Vợ anh chỉ được quyền gửi quà vào cho anh mà thôi!  Anh vẫn không khiếu nại! Anh vẫn vui tươi. Vẫn viết thư cho vợ rằng là:

              Em,

          Anh vẫn mạnh khỏe! Em cố gắng nuôi con khôn lớn! Nuôi con ăn học cho đến nơi đến chốn. Em hãy thay anh mà chăm sóc, thương yêu con thật tròn đầy. Con gái nó cần mẹ hơn cha, em biết mà! Từ khi con ra đời đến nay, đã hơn ba tuổi, có lẽ, con đã gặp được mặt cha không quá ba lần, phải không em?

Ngày anh ra đi, con còn trong bụng mẹ. Ngày anh bị bắt con chưa tròn tháng tuổi.

Ngày anh sẽ được ra đi, chắc con chưa biết gọi trọn tiếng Ba yêu thương!

Và anh, cũng khó nói nên lời mong ước: Anh yêu em!

Em hãy nhận nó, nhận sự yêu đưong nồng thắm ngay hôm nay, và hãy để dành mãi mãi nghe em!

        Các bạn tù lấy làm ngạc nhiên đến độ khâm phục! Họ nghĩ rằng, Trịnh Thiếu Hoa, cầm chắc cái chết trong tay, nên bình tâm chấp nhận, chống đối vô ích, càng làm khổ cho thân nhân, cho gia đình. Trịnh Thiếu Hoa đã thấu rõ chân lý, đã giác ngộ. Ai ai, kể cả đảng viên đảng Cộng Sản, sống dưới chế độ phi nhân, phi nghĩa, coi tất cả là kẻ thù cần phải bần cùng hóa, vô sản hóa, cần phải theo dõi, cô lập, giam cầm, cần phải tiêu dệt, thì trước sau gì cũng phải chết dưới mọi hình thức của người "đồng chí"! Mà có khi chết đi, còn sướng hơn sống với Cộng Sản!

        Ðiều này, Tư đã nhận ra khi ngồi bên cạnh Trịnh Thiếu Hoa trên chuyến xe "định mệnh" chạy vào rừng Chí Linh. Nét mặt của Thiếu Hoa đanh lại. Không tỏ ra chút gì run sợ. Không nói năng trăn trối một điều gì. Trong khi, Tư đang rúng động tột cùng! Chàng đang dự phần vào tội sát nhân. Tội giết đồng bào mình, đồng đội mình. Tư ngồi bất động. Không có một hành động nào để an ủi bạn, hay ngăn chận, hoặc trừ khử cái bọn qủy xứ sắp sửa kết thúc mạng sống của bạn mình! Ngược lại, hai tay Tư còn bấu chặt vào cánh tay Trịnh Thiếu Hoa, như tìm chỗ dựa nơi một tinh thần bất khuất mãnh liệt! Tư cảm thấy mình nhỏ bé, thấp kém hơn Trịnh Thiếu Hoa quá xa!

        Càng khâm phục người bị xử tử, Tư càng ngán ngẫm cho tư cách, cho cách xử sự của bọn Cộng sản.

          Vì hận thù sâu đậm với Binh chủng Truyền Tin, vì oán ghét sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa, và vì muốn tiêu diệt tận gốc... "bọn Mỹ Ngụy" còn rơi rớt lại sau năm 1975, mà bọn "dã thú đội lốp người... rừng" đã... đem giết anh không cần cho ra tòa, dù là tòa "thừa sai" để xét xử, kêu án, và không cho gia đình hay biết, ngay cả khi đã giết anh! Chúng cũng không trao lại cho vợ con anh những vật tế nhuyễn anh thường dùng. Cây đàn mà anh yêu qúy như người bạn đời... tù, chúng cũng đã dập nát tan. Mãi năm sáu tháng sau, vợ con anh lên thăm nuôi, chúng vẫn nói dối:

              - Anh Hoa ấy à! Anh ấy vẫn khỏe! Hôm nay anh ấy đang bận công việc không thể... không thể thăm nuôi được!

***

              - Anh Tư ơi! Anh Tư!

Những tiếng kêu lanh lảnh từ phía sau trại giam vọng lại trong sương chiều. Thằng Bé nhanh nhẫu, nhờ thằng Òn đòng đòng lên vai, nhìn qua khung cửa sổ có song sắt, quan sát rồi quay mặt vô phòng:

              - Chú Tư! Dường như có cô nào đang đứng ngoài hàng rào kẽm gai, kêu chú Tư kia!

     Cửa sổ quá cao, thằng Òn lại phải cõng Tư. Tư vừa nhận ra Lan đang vẫy tay và cố quăng những gói quà vào phía nhà giam, vừa gọ lớn tiếng:

              - Anh có khỏe không? Anh cố ló ra ngoài cho em thấy mặt một chút đi! Rồi! Em thấy anh rồi! Anh thấy em không?

Tư không dám nói lớn:

              - Anh nhìn thấy em rồi! Em vẫn khỏe phải không?

Một loạt tiếng súng Ak bay líu nhíu! Tư hoãng hốt nhào xuống sàn nhà! Té lăn cù lên mình một vài anh em khác:

              - Xin lỗi! Xin lỗi!

          Mồm nói xin lỗi, mà ruột gan, hồn vía bay đi mất!

          Ngoài kia, tiếng còi hụ báo động, tiếng còi xe cứu thương, tiếng chân người chạy sầm sập trộn lẫn vào nhau. Thằng Bé làm gan, đu đeo lên cửa sổ, dòm ra ngoài, nó kêu thất thanh:

              - Chết rồi chú Tư ơi! Hình như, hình như cô, cô...

          Nó nói không tròn câu! Mặt tái xanh như tàu lá! Tư lật đật hỏi:

              - Mày thấy gì? Cô, cô ấy làm sao?

              - Dạ! Hình như cô ấy bị... khiêng trên băng ca!

              - Thôi chết rồi! Chắc là nàng đã bị...

          Tư không đủ can đảm nghĩ tiếp nữa! Tiếng mở khóa! Cánh cửa phòng giam mở tung ra. Vẫn giọng ngọng nghẹu quen thuộc:

              - Nê Văn Tư đâu? Ra đây!

          Chiếc còng lạnh lẽo móc nhanh vào hai tay Tư. Cả phòng xanh mặt!

              - Lần này, chắc chắn là Tư sẽ bị tiêu rồi!

          Thằng Òn, thằng Bé, anh Sáng và tất cả mọI ngườI đều tin như vậy! Cái tội "quan hệ với người ngoài" tại ngay vòng rào kẽm gai nhà lao, khó thoát biệt giam, hay tử hình!

          Tư bị đẩy lên xe.

              - Dường như là chiếc xe đã chở Trịnh Thiếu Hoar a rừng Chí Linh? Tự tự hỏi.

          Nhưng chiếc xe không chạy hướng về Ngả Tư Giếng Nước, mà chạy hướng ra Bãi Trước, và chạy vào Bệnh Viện Lê Lợi, Vũng Tàu. Tim Tư đánh thót:

              - Thôi rồi! Chắc là Lan đã bị trúng đạn! Lan đã bị nguy hiểm! Nguyện cầu Bồ Tát Quan Âm phù hộ cho Lan thoát qua tai nàn1

          Xe không ngừng trước cửa nhà xác mà đậu bên cạnh Phòng Cấp Cứu! Một tên Công An nhảy vội xuống xe, vừa mở còng cho Tư vừa ra lệnh:

              - Nào! Vào thăm cho đàng hoàng nhá! Chúng tôi chờ ở đây!

          Tư gặp ngay người nữ y tá đang đứng trực trước cửa. Cô hối:

              - Mời anh vào thăm cô ấy đi!

          Tư chưa hết ngạc nhiên, đã thấy trên chiếc giường đầu cao, máu đầu của Lan thấm đỏ mấy lần băng trắng. Mắt nhắm nghiền. Một bình nước biển treo lủng lẳng bên cạnh. Chiếc máy tâm động đồ đang vạch những đường lên xuống yếu ớt! Hai ba người mặc áo khoác trắng đang loay hoay, kẻ chích thuốc, người đặt ống nghe tim mạch! Tư hỏi dồn dập, hốt hoãng:

              - Thưa, thưa bác sĩ, Lan có sao không? Có sao không hở bác sĩ!?

          Tư chạy vội lại bên giường, nắm chặt bàn tay lạnh ngắt bất động của Lan:

              - Em nhứt định phải sống! Em, em nhứt định phải sống...

          Một người kéo tay Tư ra khỏi phòng Cứu Cấp, đi về Văn Phòng. Cô kéo khẩu trang xuống khỏi miệng:

              - Anh là Lê Văn Tư, chồng của cô Lan phải không?

          Tư ngần ngừ, chưa kịp trả lời, cô y tá tiếp:

              - Chiều nay, cô Lan lén vào gần hàng rào nhà lao thăm anh. Nhưng bị lính vọng gác phát giác, bắn trúng cô ta. Viên đạn còn trong đầu. Máu ra nhiều quá! Ngày mai mới chụp X quang, để xác định vị trí viên đạn, rồi hội đồng Y khoa sẽ có quyết định giải phẫu. Ngay bây giờ, cô cần tiếp máu. Nhưng nhà thương không có máu loại của cô! Trong hồ sơ Trại Giam do sở Công An cung cấp, cho biết anh là chồng của cổ. Anh cũng cùng có loại máu để tiếp cho cổ.

          Ngưng một chút, cô y tá nhìn thẳng vào mắt Tư:

              - Có điều bí mật này, chắc là anh chưa biết! Anh có muốn nghe không?

          Tư gật đầu, không nói, vì không rõ tầm mức của cái gọi là "điều bí mật" đó ra sao! Có ảnh hưởng gì đến bệnh tình của Lan. Cô y tá chậm rãi:

              - Anh ngồi xuống ghế đi! Anh có biết, tại sao chiều nay, cô Lan cả gan đến hàng rào kẽm gai nhà tù thăm anh không? Là bởi cô Lan nóng ruột muốn báo cho Anh một tin... mừng...

          Tư bồn chồn, hỏi không kịp suy nghĩ:

              - Tin mừng gì?

              - Ngày mai anh được thả!

              - Sao Lan biết? Sao...? Tư hỏi dồn.

              - Vì cổ, vì cổ... "chạy thuốc" cho anh!

              - Tại sao Lan lại phải vào hàng rào phía sau, mà không đi vào cổng trước?

              - Tại có người dắt cổ đi! Ừ mà thôi, anh đừng hỏi nữa! Tôi chỉ có thể cho anh biết bấy nhiêu thôi. Và dường như, còn một điều quan trọng nữa! Thôi thôi!  Bây giờ anh cầm cái Phiếu Lấy Máu này qua Phòng Xét Nghiệm để lấy máu cho kịp!

          Lòng Tư vui buồn lẫn lộn. Bao nhiêu câu hỏi cứ lộn đi lộn lại, rối bờí mà không có câu trả lời rõ rệt!

          Mắt nhìn đăm đăm vào ống chích đang phun máu vào trong bịch nylong to tổ bố, miệng lâm râm khấn vái:

              - Cầu mong cho Lan giải phẫu an toàn! Xin Bồ Tát phù hộ cho nàng! Lan, em nhất định phải sống!

***

          Ngày Lan bình phục xuất viện, là ngày Tư được rời khỏi Trại Giam Khu Gia Binh Vũng Tàu!

         Nhưng, Tư không được trả Tự do, mà phải đi "lao động sản xuất" tại Xuân Sơn, Bình Giã, Tỉnh Ðồng Nai. Một nơi được gọi là Chiến Khu Mây Tàu, giáp ranh với Long Ðiền - Ðất Ðỏ. Trước kia Quân Ðội Hoàng Gia Úc Ðại Lợi trú đóng Bộ Chỉ Huy, khi đưa quân sang giúp Việt Nam Cộng Hòa, một Tiền Đồn của Thế Giới Tự Do, ngăn chận bước xăm lăng của Cộng Sản Bắc Việt

       Còn Bình Giã là nơi Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa lần đầu tiên dùng Chiến thuật Trực Thăng Vận đánh lui "chiến thuật biển người" của Cộng Sản.

       Con đường từ Bà Rịa vào Bình Giã còn tạm được, tuy có nhiều ổ gà, ổ voi. Dẫu rằng, xe đò chạy bằng than vẫn có thể "nhuộm đen mặt người" khi vô đến Bình Giã. Nhưng quãng đường từ Bình Giã vào Xuân Sơn thì... nắng bụi, mưa sình lầy. Xe chạy bằng than không đủ sức vượt qua những vũng lầy. Bắt buộc phải cột dây xích vào mới mong "xàng qua xàng lại" như  đi trên mỡ heo, mà bò từ từ cho đến nơi đến chốn. Tài xế cũng như hành khách mới hoàn hồn. Việc xe mắc lầy, phải nhờ xe khác kéo, nhờ người đẩy, hoặc bị lật hai bên đường là chuyện thường ngày!

"Xuân Sơn đi dễ khó về

Trai đi tóc bạc, gái về tóc sương!

Ðường Xuân Sơn mưa lầy, nắng bụi

Nẩu về xứ nẩu, em lầm lủi nuôi con"!

     Với Lan, mỗi lần Lan đi thăm nuôi Tư là mỗi lần "hú hồn hú via", "Trời thương Phật độ". Vậy mà nàng vẫn mỗi tháng tháng đều lên thăm Tư.

          Mạnh Hô chỉ huy, quản lý toán gồm sáu người tù "lao động sản xuất" này. Mạnh Hô "rất thoải mái dành mọi sự dễ dãi" trước sự "biết điều" của các toán Tù viên. Và các cô vợ của tù nhân có thể ở lại qua đêm với chồng trong một căn nhà sàn thuê mưón của cư dân địa phương.

          Lan thường xuyên lên thăm Tư, không phải để tiếp tế lương thực, mà để thông báo cho chàng biết công việc "về thăm ngoại" đã lo được đến đâu.

          Nhân một chuyến được Mạnh Hô cho về Vũng Tàu thăm gia đình, Lan đã thu xếp cho Tư "xuất ngoại" thành công. Khi Mạnh Hô đến kêu Tư cùng trở về Xuân Sơn, được Lan chiêu đãi rất trọng hậu:

              - Anh Tám (Mạnh... hô) nè!  Chị Ba của anh Tư trở bệnh rất nặng, đang hấp hối, cho nên anh Tư xin phép anh cho ảnh về Sàigòn thăm ít bữa. Nếu cần, anh Tám lên Xuân Sơn trước, anh Tư về sẽ lên thẳng đó luôn, anh Tám nha!

          Lan còn tâng bốc:

              - Cũng nhờ anh Tám dám đưa... em đến tận hang rào nhà giam thăm anh Tư. Nhờ ơn anh Tám "chạy thuốc" cho anh Tư được thả. Nhưng hổng ngờ sự việc không suông sẻ. Nhưng rồi, mấy tháng nay theo anh Tám đi lao động cũng tốt! Tất cả đều nhờ công ơn của anh Tám tụi em mới được thoải mái. Em, em xin cảm ơn anh nhiều lắm, nha anh Tám!

          Vừa nói, Lan vừa nhét vào túi Mạnh Hô một bao thơ khá lớn, dày cộm. Mạnh Hô đành:

              - Chị nhắn với ảnh, chừng 1 tuần nữa phải trở lên Xuân Sơn nha!

              - Dạ, anh yên tâm! Cảm ơn lòng tốt của anh Tám!

          Mạnh Hô đi rồi, Lan thở ra vừa mừng vừa lo. "Một tuần nữa phải trở lên Xuân Sơn"! Lời Mạnh Hô như một cái móc thời gian định đoạt số phận của Tư và nhất là của nàng, trực tiếp phải đối phó với Mạnh Hô, với Công an.

              - Phải trả lời ra sao đây? Mặc kệ! Mình đã quá quen với sự hù dọa. Chẳng sợ!

          Lan tự an ủi; nhưng còn về Tư:

              - Ðã ba hôm rồi chưa có tin tức gì về Tư! Tàu đã thoát! Nhưng không biết đã cập được vào bến bờ nào? Gia đình chủ ghe cũng chưa được điện tín, điện thoại, hay một báo hiệu nào!

          Một cái nhói đau! Nàng vội đưa tay xoa... bụng! Nàng mỉm cười:

              - Hổng lẽ... Hổng lẽ mình đã... được có...?!

          Một cái ụa hơi dâng lên, xác định những gì Lan đang nghĩ! Chắc chắn, nàng đã được... làm mẹ!   Nàng vui mừng reo khẽ:

              -  Anh Tư ơi! Mình đã có con với nhau rồi! Cảm ơn anh, đã cho em được làm mẹ! Em đã có giọt máu của anh trong em, một điều mà em hằng mong ước!

          Lan đến trước bàn thờ, thắp ba cây hương, lâm râm khấn nguyện. Bưóc vô trong, nằm vật lên giường, tay để lên bụng, lòng dạt dào yêu thương, khe khẽ hát một đoạn Bài Không Tên số 8 của Vũ Thành An:

          Chiều thơm, ru hồn người bềnh bồng / Chiều không, im gọi người đợi mong  / Chiều trông cho mềm mây ươm nắng / Nắng đợi chiều nắng say  /Nắng nhuộm chiều hây hây.

Vắng nhau một đêm, càng xa thêm ngàn trùng / Tiếc nhau một đêm, rồi mai thêm ngại ngùng /Bao lâu rồi tiếc, những ngày còn ấu thơ  / Lần tìm trong nụ hôn  /Lời nguyền xưa mặn đắng!/Về đâu, tâm hồn này bềnh bồng / Về đâu, thân này mòn mỏi không  / Về sau và nhiều năm sau nữa
Có buồn nhưng vẫn chưa  / Bao giờ bằng hôm nay!

*** 

              - Mẹ ơi mẹ! Mẹ đang làm làm gì đó mẹ?

          Tiếng gọi của cô con gái kéo Lan về hiện tại:

              - Mẹ đang đợi con về nè!

          Cô gái dang hai tay thật rộng, chờ ôm mẹ:

              - Hổng dám chờ con đâu! Con biết mẹ đang chờ ai nè! Có con ở nhà, mẹ, mẹ còn nhắc tới Ba hoài, huống chi là vắng mặt con. Phải không, "Bà Hoàng Sầu Mộng" của... người ta?

          Lan để con ôm vào lòng! Nàng nghe hơi ấm chuyền nhanh qua người! Những cái hôn phớt nhẹ của con, đủ làm cho Lan hạnh phúc:

              - Con giống Ba con y chang! Cũng nụ cười, ánh mắt, vòng tay, giọng nói... chết con tim người ta này!

              - Con nghe quen quen... điệp khúc nhạc... thính tai, không phải, nhạc thính phòng này ở đâu đây a

              -  Con  khỉ này!

          Lan đánh trống lãng:

              - Con đói bụng chưa? Mẹ đã làm những món con thích, theo sự hướng dẫn của cô Mỹ Thanh, Quán Nụ Cười Tiếng Nước Tôi đây!

              -  Con biết ngay mà! Những món nào của mẹ cũng do Quán Nụ Cười bày ra. Nhưng mẹ tiết kiệm... nụ cười với con gái mình, lâu rồi! Con nghĩ, chỉ khi nào... chàng về, thì, thì... nàng mới chịu mở... Quán Nụ Cười mà đón người Tình cũ, 10 năm, ý lộn, 20 năm! Phải hôn nè?!

          Cô gái đi vào phòng tắm.

          Lan thở dài, lấy chiếc khăn quàng qua cổ cho đỡ lạnh, ngồi vào bàn ăn đợi con, một đứa con chưa bao giờ biết mặt cha của nó! Cả cái tên Loan của nó, chàng cũng chưa biết!

          Lan đang đợi chồng, một người chồng chưa bao giờ hỏi cưới, hay tặng cho nàng một chiếc nhẫn, dù chỉ là chiếc nhẫn cỏ. Có chăng, chàng mang lại cho nàng những năm tháng thương nhớ, mong đợi, lo âu thấp thỏm. Có chăng, chàng đã đẻ lại cho nàng một đứa con gái ngoan hiền, luôn luôn an ủi, vỗ về mẹ, chăm sóc mẹ, càng làm cho nàng nhớ nhung hơn, trông ngóng, kiếm tìm hơn. Nàng canh cánh bên lòng, mong cho cha con sum hợp, cho vợ chồng đoàn tụ. Cũng vì chàng, nàng đã bồng con xuống tàu vượt biển, bỏ lại cơ ngơi, sự nghiệp. Nàng bất cần tất cả. Nàng chỉ cần có chàng!

Nhưng bao năm qua rồi, chàng vẫn bặt vô âm tín. Nàng vẫn thu mình vào một góc, không khác nào người vợ tù để trông chồng về năm nào!

Tâm tư nàng chùng xuống theo giọng hát ngọt ngào của Loan không khác mấy giọng Ngọc Lan, Bài Không Tên số 7 của Vũ Thành An hòa tan theo những tia nước phun ra từ búp sen, đọng lại ở lòng nàng.

Cảm ơn con gái đã tỏ bày tấm lòng người vợ tù thay cho mẹ:

4297 4 TinhNgVoTuBT

          Một làn khói trắng ru đời vào quên lãng / nắng sầu thành hơi ấm, thơ dịu tình đau./ Ngày tàn im lắng / yêu người làm tóc trắng / tâm sự rồi đêm đắng / như lệ rồi biết nhau. Đêm vỗ về nuôi nấng / đêm trao ngọt ngào hương phấn / buông lơi dòng tóc mơ  / trên cùng ngày tháng vật vờ./Thân em rồi hoang phế / lê theo thời gian giông gió / thôi cũng đành cúi xuống / cho mộng đời thoát đi./Một đời đổ cho tình yêu / từng đêm dòng nước mắt / sẽ nâng niu đời nhau đớn đau, anh /sẽ cho nhau đời nhau xót xa, em / dắt đưa nhau mối hận đời người.

Trả lại nước mắt cho mình đời son sắt / thôi rồi em cũng mất cho tình cúi đầu./Một mình đi mãi trên đường dài không thấy /ai người quen tôi đấy, bao giờ đời sẽ vui?

Bửu Truyền

27-04-09